Tai gồm 3 phần là tai trong, tai giữa và tai ngoài. Tai có chức năng dẫn truyền âm thanh và giữ cho cơ thể cân bằng. Nghiên cứu giải phẫu tai giữa, tai trong và tai ngoài sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết cơ bản về cấu tạo cũng như chức năng của các thành phần bên trong tai.
Cấu tạo của tai người
Tai có chức năng dẫn truyền âm thanh và giữ thăng bằng cho cơ thể con người. Về cấu tạo, tai gồm 3 phần:
Tai ngoài
Tai ngoài được tính từ ngoài tới màng nghĩ, bao gồm loa tai và ống tai ngoài. Tai ngoài có chức năng thu nhận âm thanh từ môi trường và truyền vào màng nhĩ.
Tai giữa
Tai giữa gồm ba phần là xương chũm, hòm nhĩ và vòi nhĩ. Ba phần này được thông với nhau. Tai giữa được xem như một khoang chứa khí trong xương thái dương. Tai giữa có nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong thông qua các xương con.
Tai trong
Tai trong gồm ốc tai, các ống bán khuyên và tiền đình. Tai trong có nhiệm vụ điều chỉnh sự cân bằng của cơ thể và chuyển xung động âm thanh thành các xung thần kinh.
Trên đây là cấu tạo của tai ngoài, tai giữa và tai trong. Để hiểu rõ hơn về cấu trúc và chức năng của tai người, bạn đọc cùng tìm hiểu chi tiết về giải phẫu tai giữa, tai trong, tai ngoài ở phần dưới đây.
Giải phẫu tai ngoài
Khi giải phẫu tai ngoài, ta có thể thấy tai ngoài gồm 2 phần là loa tai và ống tai ngoài.
Loa tai
Ta có thể thấy, loa ngoài gồm những nếp lồi lõm có chức năng thu thập âm thanh từ bên ngoài. Nếu tai của động vật có thể điều hướng để nghe được âm thanh từ nhiều phía thì loa tai của người lại không thể cử động được. Các nếp lồi lõm này được gọi là gò xoắn tai, gò thuyền, gò hố tam giác, hố đối luân,...
Loa tai được hình thành từ các mô sụn, dây chằng, các cơ và được bao bên ngoài bởi da. Tai của người không thể cử động như các bộ phận khác trên cơ thể do các cơ của tai kém phát triển.
Ống tai ngoài
Vị trí giữa vành tai và màng nhĩ gọi là ống tai ngoài. Ống tai ngoài không phải đường thẳng mà có hình cong. Phía ngoài của ống tai chứa các sợi lông, tuyến bã nhờn tạo ráy tai. Phần da hình thành từ màng nhĩ tới ông tai ngoài và loa tai. Ráy được tự đẩy ra ngoài nhờ chuyển động liên tục, nhẹ nhàng của các sợi lông.
Ở người lớn, ống tai ngoài có chiều dài trung bình là 2,3 cm tới 2,9 cm và có đường kinh khoảng 0,7 cm. Chúng ta thường thấy các bác sĩ sử dụng nhiệt kế để đo thân nhiệt thông qua ống tai do nhiệt độ và độ ẩm trong ống tai tương đối ổn định.
Giải phẫu tai giữa
Tai giữa bao gồm hòm nhĩ, vòi nhĩ và khối không bào xương chũm có vai trò quan trọng bảo vệ tai và hệ thần kinh.
Hòm nhĩ
Hòm nhĩ có dạng hình hộp chữ nhật với 6 thành. Hòm nhĩ là khoang chứa không khí nằm bên trong xương thái dương.
Các thành của hòm nhĩ gồm:
Thành trên: Là một vách xương mỏng, ngăn cách tai giữa với hố sọ giữa.
Thành dưới (hay còn gọi là sàn): Là phần ngăn cách tai giữa với tĩnh mạch cảnh trong.
Thành ngoài: Là màng nhĩ, giúp phân biệt ranh giới với ống tai ngoài.
Thành trong: Là thành ngoài của tai trong. Các điểm nhô lên ở thành trong tương ứng các cấu trúc của tai trong.
Thành trước: Là một vách xương có hai lỗ cho cơ căng màng nhĩ và vòi nhĩ. Ngay phía trước thành này là động mạch cảnh trong, một cấu trúc quan trọng cấp máu cho vùng đầu và mặt.
Thành sau: Tại thành này có một cấu trúc gọi là ống thông hang, nối hòm nhĩ với các tế bào khí của mỏm chũm xương thái dương.
Khi giải phẫu tai giữa, ta sẽ thấy trong hòm nhĩ có 3 xương con là xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Các tên gọi này tương ứng với hình dạng của các loại xương. Xương bàn đạp là phần xương nhỏ nhất trong cơ thể. Xương búa được gắn với màng nhĩ. Ba xương này liên kết với nhau tạo thành hệ thống giống như một chiếc đòn bẩy.
Vòi nhĩ
Khi xem giải phẫu tai mũi họng, ta thấy vòi nhĩ hay còn được gọi là vòi nối hòm nhĩ với mũi họng có dạng ống với 1/3 ngoài là xương và 2/3 trong là sụn. Vòi nhĩ giúp cân bằng áp lực khí trời ở hòm nhĩ và tai ngoài. Bình thường vòi nhĩ sẽ đóng nhưng khi chúng ta ngáp hoặc nuốt vòi nhĩ sẽ mở ra. Nhờ sự hỗ trợ của cơ căng màn khẩu cái và cơ vòi hầu.
Khối thông bào xương chũm
Khối thông bào xương chũm gồm các tế bào chứa không khí nằm phía sau hòm tai giữa. Tế bào xương chũm lớn nhất nằm ở vị trí trung tâm gọi là hang chũm hay sao bào.
Xung quanh hang chũm là các đám tế bào chũm phía trước, phía sau, phía trên và dưới. Hang chũm thông với hòm tai giữa qua ống thông hang gọi là sào đạo. Do đó khi tai giữa bị nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm xương chũm.
Giải phẫu tai trong
Ốc tai
Giống như tên gọi của mình, ốc tai có dạng hình ốc sên, xoắn 2,5 vòng. Bên trong có chứa dịch, gọi là nội dịch và ngoại dịch. Ốc tai có các cấu trúc vi thể gọi là cơ quan Corti và các tế bào lông. Tất cả các cấu trúc này giống như một microphone, chuyển âm thanh thành tín hiệu điện.
Ba ống bán khuyên
Ba ống bán khuyên gồm trước, sau, ngoài nằm vuông góc từng đôi một. Cũng giống như ốc tai, các ống bán khuyên cũng chứa dịch và các tế bào lông. Các tế bào lông trong ba ống bán khuyên cảm nhận sự chuyển động của cơ thể.
Tiền đình
Tiền đình nằm giữa ốc tai và các ống bán khuyên. Xoang nang và cầu nang là các cấu trúc thuộc bộ phận tiền đình, nối với các ống bán khuyên. Các cấu trúc này có chứa dịch và tế bào lông để cảm nhận các chuyển động lên xuống hoặc tiến lùi.
Chức năng của tai
Tai người có hai chức năng chính là dẫn truyền âm thanh và giữ thăng bằng cho cơ thể. Ngoài ra, tai người còn có chức năng định hướng âm thanh khi hai tai nghe bình thường. Đặc biệt, vòi tai có chức năng dẫn lưu không khí từ họng mũi vào hòm tai giữa và ngược lại. Giúp làm thay đổi không khí ở hòm tai giữa. Điều này giúp duy trì sự cân bằng áp lực khí quyển ở bên trong và bên ngoài màng nhĩ.
Đường dẫn truyền âm thanh
Chức năng quan trọng nhất của tai là dẫn truyền âm thanh:
Loa tai hình cái phễu giúp đón nhận âm thanh từ nhiều phía của môi trường xung quanh để vào ống tai ngoài.
Âm thanh truyền qua ống tai ngoài vào trong làm rung màng nhĩ.
Khi màng nhĩ rung sẽ làm chuyển động chuỗi 3 xương con của tai giữa.
Sự rung động này tạo ra các sóng của lớp dịch trong ốc tai ở tai trong.
Lớp dịch chuyển động làm tế bào lông ở cơ quan Corti uốn cong và di chuyển. Các tế bào này có cấu tạo đặc biệt nên tạo ra các tín hiệu điện theo dây thần kinh thính giác đi tới não giúp chúng ta nghe được.
Chức năng thăng bằng
Phần tiền đình và các ống bán khuyên ở tai trong đảm nhận chức năng thăng bằng của tai. Khi đầu bạn chuyển động, lượng dịch bên trong ống bán khuyên và tiền đình cũng chuyển động theo làm uốn cong các tế bào lông. Từ đó hình thành các tín hiệu và truyền qua thần kinh tiền đình về não. Não phân tích các chuyển động này và giúp cơ thể lấy lại thăng bằng.
Bệnh viện Hồng Ngọc - Địa chỉ khám, điều trị các bệnh về tai mũi họng chất lượng tại Hà Nội
Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Hồng Ngọc là địa chỉ khám và điều trị lý bệnh tai mũi họng cho trẻ em và người lớn được đông đảo khách hàng tin chọn. Tại đây, khách hàng sẽ được thăm khám với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu trong và ngoài nước. Thêm vào đó, hệ thống trang thiết bị hiện đại sẽ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, từ đó tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Hiện tại, khoa cung cấp đa dạng các dịch vụ về tai mũi họng như:
Thăm khám và điều trị các bệnh lý về tai: Viêm tai cấp tính và mãn tính, viêm tai ngoài, viêm xương chũm, thủng màng nhĩ, điếc, ù tai chóng mặt…;
Thăm khám và điều trị các bệnh lý về mũi: Viêm xoang, viêm mũi cấp tính và mãn tính, viêm mũi dị ứng, polyp mũi, chảy máu cam…;
Thăm khám và điều trị các bệnh lý về họng: Viêm họng, viêm họng hạt, viêm amidan, viêm thành quản, sỏi amidan…;
Điều trị mất thính lực bằng thiết bị trợ thính hoặc phẫu thuật cấy ghép điện cực ốc tai…;
- ;
Lấy dị vật ở tai mũi họng….
Để đặt lịch khám cũng như tư vấn chi tiết hơn về các dịch vụ của khoa, khách hàng vui lòng liên hệ:
KHOA TAI MŨI HỌNG – BỆNH VIỆN HỒNG NGỌC – Địa chỉ: Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội – Hotline: 091.2002.131 – 0949.646.556Fanpage: https://www.facebook.com/KhoaTaiMuiHongBVHongNgoc
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.