Một người mang một yếu tố nguy cơ nào đó có nghĩa là sự gia tăng khả năng mắc bệnh chứ không phải là họ chắc chắn mắc bệnh. Ngược lại, một người khác không mang bất kì yếu tố nguy cơ nào cũng không thể chắc chắn mình sẽ không mắc bệnh. Dưới đây là 12 yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mà bạn cần biết.
Các yếu tố nguy cơ bệnh tim không thay đổi được
Tuổi tác
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tuổi tác là một trong những yếu tố dự đoán bệnh tật quan trọng nhất. Hơn nửa số người bị đột quỵ tim mạch và tới bốn phần năm số người bị chết vì đột quỵ có tuổi cao hơn 65.
Giới tính
Hiện nay, tuổi thọ của phụ nữ nói chung cao hơn nam giới trung bình 4-6 năm. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, một phần sự khác biệt này là do nam giới hút thuốc lá nhiều hơn so với nữ giới.
Yếu tố di truyền
Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ (nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 65 tuổi), bạn phải đặc biệt lưu ý tới việc làm giảm ảnh hưởng của bất kì yếu tố nguy cơ nào có thể kiểm soát được và phải cảnh giác hơn để tránh được cơn đau tim hoặc đột quỵ. Nếu ai đó trong gia đình bị bệnh ở tuổi 75 hay 80, có lẽ bạn không phải bận tâm về yếu tố di truyền.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ tim mạch thường gặp nhất và cũng là yếu tố nguy cơ được nghiên cứu đầy đủ nhất. Hơn 60 triệu người dân nước Mỹ bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam hiện nay ước tính có trên 20% số người lớn bị THA.
Có nhiều cách phân loại THA. Nhìn chung, THA được xác định nếu con số huyết áp luôn vượt quá 140/ 90 mmHg khi đo bằng huyết áp kế trong một khoảng thời gian. Khi tăng huyết áp tâm thu (con số cao hơn, là áp suất máu khi tim co bóp) và huyết áp tâm trương (con số thấp hơn, là áp suất máu khi tim giãn ra) đều là những yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, huyết áp tâm thu được xem là yếu tố dự báo quan trọng hơn nguy cơ về các tai biến do tăng huyết áp gây ra.
Tăng cholesterol trong máu
Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ cholesterol toàn phần trong máu là yếu tố dự báo mạnh về nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ.Nồng độ cholesterol toàn phần trong máu dưới 5,2 mmol/ dl được coi là bình thường. Khi cholesterol tăng cao sẽ đồng nghĩa với nguy cơ đột quỵ tim mạch cao theo tuyến tính.
Chế độ ăn ít mỡ bão hoà và cholesterol có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu xuống khoảng 5%. Nguy cơ mắc bệnh mạch vành của bạn sẽ giảm 2% mỗi khi nồng độ cholesterol toàn phần trong máu giảm xuống 1%.
Giảm lượng rượu uống hàng ngày (nếu bạn uống quá nhiều rượu) và giảm trọng lượng cơ thể (nếu bạn thừa cân) có thể hạ thấp đáng kể lượng triglycerid trong máu của bạn. Tập luyện thường xuyên làm giảm triglycerid và tăng HDL-C. Ngừng hút thuốc cũng làm tăng HDL-C.
Khi lượng cholesterol toàn phần và LDL-C trong máu tăng cao, cần phối hợp giữa chế độ ăn uống, luyện tập với việc sử dụng các thuốc làm giảm cholesterol trong máu.
Lipoprotein (a)
Lipoprotein (a) đã được các nhà khoa học phát hiện từ năm 1963 nhưng mãi cho tới gần đây tầm quan trọng của nó mới được chú ý đến. Lipoprotein (a) là phân tử cấu tạo nên thành phần protein của LDL-C.
Các nghiên cứu gần đây chứng minh sự tăng hàm lượng lipoprotein (a) có liên quan với sự tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Tăng lipoprotein (a) là yếu tố nguy cơ độc lập và có tác động mạnh tương tự như tăng cholesterol toàn phần hay giảm HDL-C trong máu. Hiện tại, chỉ có nicotinic acid là thuốc có khả năng làm giảm nồng độ lipoprotein (a) cho dù vai trò của sự điều chỉnh này đối với nguy cơ mắc bệnh tim mạch vẫn còn chưa rõ.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố chủ yếu góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi cho dù những người hút thuốc thường gầy và có huyết áp thấp hơn những người không hút thuốc. 30 - 40% trong số khoảng 500.000 trường hợp chết vì bệnh mạch vành hàng năm có nguyên nhân từ thuốc lá.
Các kết quả từ nghiên cứu Framingham đã chứng minh rằng, nguy cơ đột tử cao hơn 10 lần ở nam và 5 lần ở nữ giới có hút thuốc. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ số một đối với đột tử và bệnh mạch ngoại vi.
Béo phì
Trong một nghiên cứu gần đây trên 100.000 phụ nữ tuổi từ 30 - 55, nguy cơ tim mạch cao gấp ba lần ở nhóm béo nhất so với nhóm có cân nặng thấp nhất. Béo phì ở bụng có liên quan với sự gia tăng yêu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột quỵ.
Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu bạn là nam giới, tốt nhất không nên để vòng bụng vượt quá 90% vòng mông, nếu bạn là phụ nữ, hãy cố gắng duy trì con số này dưới 80%. Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, béo phì ở bụng còn liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đó là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, giảm dung nạp đường và đái tháo đường.
Đái tháo đường và kháng insulin
Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường xuất hiện sau 40 tuổi (gọi là type II) có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Ngay cả khi lượng đường trong máu chỉ mới tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn.
Những người đái tháo đường type II thường có nồng độ insulin trong máu cao. Insulin là một loại hormon do tuỵ sản xuất, có vai trò chủ yếu trong quá trình điều hòa lượng đường trong máu bằng cách tham gia quá trình vận chuyển đường vào các tế bào của cơ thể.
Vì một lí do nào đó, insulin bị giảm tác dụng nên cần có một lượng lớn hơn để thực hiện vai trò sinh lý. Người ta gọi đây là tình trạng kháng insulin. Insulin tăng cao trong máu có thể gây tăng huyết áp và tăng lắng đọng cholesterol vào mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả là thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó. Những người bị đái tháo đường từ khi còn trẻ (gọi là đái tháo đường type I) lại có nhiều nguy cơ tổn thương thận và mắt hơn là bệnh mạch vành hay đột quỵ. Trong trường hợp này, insulin bị thiếu hụt trầm trọng do bệnh lý ở tuỵ.
Lười vận động (lối sống tĩnh tại)
Việc vận động hàng ngày đều đặn ít nhất 45 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Người ta đã chứng minh việc tập luyện thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim.
Fibrinogen
Fibrinogen là một thành phần của máu có vai trò trung tâm trong quá trình hình thành cục máu đông để cầm máu. Các nghiên cứu gần đây ở Framingham và những nơi khác đã chứng minh fibrinogen là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch. Lượng fibrinogen trong máu tăng lên theo tuổi và không cần phải điều chỉnh. Nhưng nếu là do thuốc lá thì bạn cần phải dừng ngay thói quen này.
Phì đại tâm thất trái
Tâm thất trái là buồng tim có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể ngoại trừ phổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thất trái bị phì đại có xu hướng trở thành suy tim và là nguy cơ cao của chứng rối loạn nhịp tim cũng như chết đột ngột.
Phần lớn những người phì đại thất trái bị tăng huyết áp hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim. May thay, việc khống chế thành công tăng huyết áp không chỉ làm giảm con số huyết áp mà còn làm giảm kích thước của thất trái bị phì đại do đó hạn chế được những nguy cơ song hành với nó.
Ðiều chỉnh các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch
Nếu bạn là người không mang yếu tố nguy cơ và không mắc bệnh tim mạch, những lời khuyên đơn giản dưới đây sẽ luôn hữu ích và nếu có, cũng sẽ rất ít gây hại cho bạn:
- Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim, ít mỡ bão hoà và cholesterol, nhiều rau, quả, cá...
- Giảm cân nặng nếu bạn thừa cân.
- Hạn chế muối đưa vào cơ thể. Đa số chúng ta ăn nhiều muối hơn lượng muối cơ thể chúng ta cần. Nhiều thức ăn tự nhiên đã chứa muối hoặc muối đã được thêm vào trong quá trình chế biến. Đơn giản nhất, hãy hạn chế cho muối vào thức ăn khi nấu nướng.
- Bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục. Tập luyện đều đặn có lợi cho tất cả mọi người. Hãy chọn một phương pháp phù hợp với sở thích, thời gian và khả năng của bạn. Luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 45 phút.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng ngay
- Nếu bạn uống rượu, hãy vừa phải.
- Học cách làm giảm căng thẳng, tránh phản ứng với các tình huống có thể gây stress bởi nó chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn mà thôi.
- Đi khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn. Một hồ sơ hoàn toàn trong sạch về sức khoẻ tại một thời điểm nào đó không thể suốt đời đảm bảo được rằng bạn không có bệnh tật.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: