Viêm phổi là bệnh lý thường gặp về đường hô hấp với các biểu hiện như ho nhiều, khó thở, mệt mỏi… Viêm phổi ho ra máu là dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh, cần được điều trị sớm, đúng cách để tránh biến chứng nguy hiểm.
Các dấu hiệu nhận biết viêm phổi ho ra máu
Dấu hiệu bệnh sẽ biểu hiện qua các triệu chứng sau:
Máu có hình sợi lẫn trong đờm: Viêm phổi do nhiễm trùng thường có đờm dạng này.
Đờm có màu đỏ nhạt: Đây là dấu hiệu của tình trạng phù phổi, khiến chất lỏng trong phổi tăng lên quá mức. Dấu hiệu này khá nghiêm trọng, cần phải điều trị ngay.
Ho ra máu: Đây là dấu hiệu nghiêm trọng. Nếu ho ra máu nhiều hơn 50ml trong 2h đồng hồ thì có thể là dấu hiệu ung thư phổi, khối u đã phát triển nhanh gây vỡ các mạch máu trong phổi.
Khi mắc viêm phổi, người bệnh thường có các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, thở khò khè, sốt, đau ngực… Khi tình trạng viêm phổi ho ra máu nặng, huyết động bị ảnh hưởng dẫn đến trụy mạch, người bệnh sẽ có các biểu hiện nghiêm trọng hơn đó là da xanh, niêm mạc nhợt, hạ huyết áp, suy hô hấp cấp… Nhiều trường hợp nặng có thể bị tím môi, tím đầu chi, nhịp thở nhanh…
Các triệu chứng trên đây có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh về tai mũi họng, tiêu hóa, răng hàm mặt… nên cần thăm khám và chẩn đoán chính xác để điều trị đúng cách.
Viêm phổi ho ra máu điều trị như thế nào?
Viêm phổi ho ra máu là dấu hiệu nặng của bệnh viêm phổi, cần được điều trị ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân cần được thực hiện các thăm dò chẩn đoán như chụp X-quang phổi, siêu âm, làm xét nghiệm máu để xác định chính xác tình trạng bệnh cũng như tác nhân gây bệnh để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Với viêm phổi ho ra máu, các phương pháp điều trị thường được áp dụng gồm:
Hút dịch để đảm bảo thông khí phế nang.
Đặt nội khí quản, thở oxy nếu bị suy hô hấp nặng.
Sử dụng thuốc kháng sinh để đề phòng bội nhiễm.
Soi phế quản ống mềm, kiểm soát đường thở bằng cách đặt ống soi tại nơi chảy máu hoặc có thể đặt nội khí quản ở bên lành.
Đốt điện sóng cao tần giúp cầm máu.
Nút động mạch phế quản.
Nhét gạc tẩm thuốc cầm máu để kiểm soát việc chảy máu bên trong phổi.
Phẫu thuật với các trường hợp chảy máu nặng. Những trường hợp này cần phẫu thuật ngay vì nếu chảy máu nặng có thể gây bít tắc động mạch phế quản, gây suy hô hấp có thể đe dọa tính mạng.
Bên cạnh việc điều chỉ theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng nên thay đổi các thói quen, ăn uống sinh hoạt lành mạnh hơn. Ví dụ như: tránh vận động mạnh, nên nằm nghỉ ngơi, ăn đồ ăn lỏng dễ nuốt, uống nước mát….
Viêm phổi ho ra máu cảnh báo diễn biến nặng của bệnh viêm phổi nên cần được điều trị ngay, không nên chủ quan vì có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong khi bị suy hô hấp nhưng không được cấp cứu.
Khi có những dấu hiệu ho dữ dội, chảy máu… cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị.
Đăng ký khám với chuyên gia Hô hấp BV Hồng Ngọc tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.