Bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già có thể khởi phát thành viêm phổi tắc nghẽn nếu như không điều trị đúng. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về những lưu ý khi điều trị viêm phế quản mãn tính ở người già.
Vì sao tuổi càng cao càng dễ mắc viêm phế quản mạn tính?
Viêm phế quản mạn tính ở người già xảy ra ở nhóm người 55 tuổi trở lên với tình trạng ho, khạc đờm kéo dài. Nguyên nhân là do viêm nhễm sinh ra tích tụ đờm nhầy làm chít hẹp, bó hẹp các ống phế quản.
Bệnh lý mạn tính này được xác định khi chúng kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm, xảy đến trong 2 năm liên tiếp. Mà điều này không phải do các bệnh hô hấp như: lao phổi, áp-xe phổi, giãn phế quản,… gây nên.
Sức khỏe sa sút, giảm chất lượng sống do viêm phế quản mạn tính ở người già
Nhóm người già lại có nguy cơ mắc viêm phế quản mạn tính hơn cả do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân cần kể đến là:
- Tuổi càng cao, chức năng đề kháng càng giảm.
- Sự xâm nhiễm của các vi sinh vật có hại.
- Đã từng hút/ hít nhiều khói thuốc, khói độc hại.
- Có cơ địa dị ứng thể hiện ở bệnh đường hô hấp: hen suyễn, viêm phế quản nhiễm khuẩn mạn tính,…
Viêm phế quản mãn tính ở trẻ em và người già là khá phổ biến. Trong đó, viêm phế quản mạn tính ở người già có nguy cơ biến chứng cao hơn.
Độ nghiêm trọng của bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già
Người viêm phế quản mạn tính thường hay gặp các dấu hiệu như: ho nhiều, khạc ra mủ, đờm nhầy và tức ngực khó thở. Không những thế, bệnh còn chia ra các giai đoạn, biểu thị bằng các dấu hiệu và độ nghiêm trọng khác nhau.
- Giai đoạn đầu: chỉ ho, khạc đờm trắng có bọt vào buổi sáng, khi thời tiết thay đổi. Tình trạng này chỉ kéo dài trong một đến vài tuần với tần suất 5 – 6 lần trong 1 năm.
- Giai đoạn giữa: ho ngày càng nhiều, đờm đặc hơn và đổi màu vàng với số lượng nhiều hơn. Thời gian phát bệnh viêm phế quản kéo dài vài tuần.
- Giai đoạn nặng: các triệu chứng kể trên nhưng nặng hơn, có kèm theo khó thở. Bệnh kéo dài dai dẳng và gây suy yếu đề kháng cơ thể. Người bệnh càng ngày càng thấy khó thở do tích tụ đờm và viêm nhiễm ở ống dẫn khí.
Viêm phế quản mạn tính ở người già có thể gây ra tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng
Bệnh càng nặng, người bệnh càng bị sụt cân, mệt mỏi, đau tức ngực nhiều hơn. Ngoài ra, nếu bị thiếu dưỡng khí quá lâu, hệ thần kinh trung ương và hệ tuần hoàn cũng bị ảnh hưởng theo.
Bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già có thể khởi phát thành lao phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc ung thư phổi. Người bệnh có thể dễ gặp các biến chứng hơn nếu như không thăm khám và điều trị bệnh sớm. Nhất là đối với nhóm người có sức đề kháng kém.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không?
- Viêm phế quản mãn tính: Tổng quan về triệu chứng và cách điều trị bệnh
- Viêm phế quản mãn tính có chữa được không? Bao giờ cần đi khám?
Những lưu ý về bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già
Lưu ý khi điều trị bệnh
Bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu như người bệnh tuân thủ đúng các lưu ý khi điều trị.
- Uống thuốc đầy đủ đúng liều: giúp giảm sưng tấy, khai mở đường thở và kiểm soát đờm hiệu quả.
- Tham gia phục hồi chức năng: tham gia các bài tập thở, tập thể dục hàng ngày để tăng lưu thông không khí ở phổi.
- Không hút/ tránh hít khói thuốc lá: giảm thiếu các nguy cơ và làm chậm quá trình gây tổn thương, viêm nhiễm ở phổi.
- Sử dụng thêm máy tạo ẩm không khí (không bắt buộc): làm dịu cơn ho, giảm tích tụ đờm viêm trong họng. Tuy nhiên, cần chú ý vệ sinh máy thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn thêm.
Tuân thủ những các lưu ý khi điều trị giúp kiểm soát tốt viêm phế quản mãn tính ở người già
Lưu ý bổ sung
Các lưu ý sau điều trị cũng góp phần quan trọng giúp cải thiện bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già tốt hơn. Đây là phương pháp sinh dưỡng lành mạnh quan trọng không kém với các phương pháp điều trị kể trên.
- Bổ sung nước đầy đủ cho người bệnh hàng ngày: tránh phát sinh nguy cơ đau đầu, chóng mặt, khó thở, mất phương hướng.
- Bổ sung nhiều chất xơ: có trong rau xanh, hoa quả, các loại hạt, các loại họ đậu,…
- Tuyệt đối tránh các loại đồ uống giải khát có ga, có nhiều đường: gây đầy hơi, khó tiêu, khó thở.
- Không nên ăn các loại thịt đỏ, đồ chế biến sẵn: khiến triệu chứng viêm phế quản mạn tính ở người già nặng hơn.
- Hạn chế sử dụng dầu mỡ, thực phẩm nhiều chất béo: làm chướng bụng, đầy hơi khiến người già khó thở hơn.
Các lưu ý khi điều trị viêm phế quản mạn tính ở người già đã được chia sẻ dưới bài viết. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần theo dõi tình trạng bệnh để nhập viện điều trị khi bệnh có chuyển biến bất thường. Tình trạng bệnh ở mỗi người là khác nhau, nên người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi điều trị bệnh tại nhà.
Đăng ký khám và nhận tư vấn tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trang bệnh, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.