Viêm phế quản cấp: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phế quản cấp: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

20-06-2023

Viêm phế quản cấp diễn tiến nhanh, với những triệu chứng rõ ràng. Nếu không điều trị dứt điểm có thể tiến triển thành viêm phế quản mạn tính không thể chữa khỏi. Do đó, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là việc làm vô cùng quan trọng.

Viêm phế quản cấp là bệnh gì?

Viêm phế quản cấp là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp. Hầu như ai cũng bị một vài lần trong đời. Thông thường, viêm phế quản cấp có thể tự khỏi sau 1-2 tuần mắc bệnh và không để lại di chứng gì.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp viêm phế quản cấp bị bội nhiễm kéo dài, có thể tiến triển thành viêm phế quản mạn tính. Ngoài ra, bệnh nếu không được điều trị khỏi có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp. Do đó, dù là bệnh thường gặp và có thể tự khỏi nhưng người bệnh cũng không được chủ quan.

Con đường lây truyền bệnh viêm phế quản cấp

Các loại virus gây viêm phế quản cấp rất dễ phát tán, lây lan qua hơi thở, giọt bắn, nước bọt khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do đó, bệnh rất dễ lây lan.

viem phe quan cap Viêm phế quản cấp là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp

Các con đường lây truyền viêm phế quản cấp gồm:

Lây từ người sang người

Đây là cách lây truyền phổ biến và đơn giản nhất. Khi con người nói chuyện với nhau, đứng ở khoảng cách gần nhau, ho, hắt hơi… khiến dịch tiết chứa vi khuẩn bắn ra ngoài và người khỏe mạnh sẽ bị lây nhiễm.

Lây qua vật tiếp xúc

Một con đường lây truyền viêm phế quản cấp khác nữa là lây qua đồ vật, vật dụng. Người nhiễm bệnh ho, hắt hơi, giọt bắn của họ bám vào đồ vật. Người khỏe mạnh sờ, cầm, nắm đồ vật chứa virus rồi đưa tay lên mũi miệng dẫn đến lây nhiễm bệnh.

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp có thể do nhiều người nhân gây nên. Trong đó, bao gồm các nguyên nhân phổ biến sau:

Virus

Virus là tác nhân hàng đầu dẫn đến viêm phế quản cấp. Các loại virus có khả năng gây bệnh như virus cúm gia cầm, dịch SARS, virus đại thực bào đường hô hấp, một số chủng herpes virus…

Vi khuẩn

Nhóm vi khuẩn gây viêm phế quản cấp thường gặp là nhóm vi khuẩn không điển hình như Chlamydia, Mycoplasma, vi khuẩn gây mủ. Hoặc cũng có thể do phế cầu gây nên.

Tiếp xúc hóa chất

Thường xuyên tiếp xúc hóa chất có khả năng kích ứng phổi như bụi vải dệt, amoniac, clo… làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản cao hơn những người khác.

Sức đề kháng kém

Một số bệnh cấp tính như cảm lạnh, cúm, hoặc mắc bệnh mạn tính khiến hệ thống miễn dịch bị tổn thương, sức đề kháng suy giảm. Điều này khiến người bệnh dễ bị viêm phế quản cấp hơn.

Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày với triệu chứng ợ nóng có thể gây kích thích cổ họng và khiến người bệnh dễ mắc viêm phế quản cấp và các bệnh về phổi.

Khói thuốc lá

Trong khói thuốc lá có chứa nicotin, chất này khiến niêm mạc đường hô hấp bị viêm, tổn thương nên nếu thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc sẽ có nguy cơ bị viêm phế quản cao hơn.

Thời tiết

Sự thay đổi thời tiết cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp. Nguyên nhân là do sự thay đổi đột ngột gây kích ứng niêm mạc hô hấp, gây sưng, viêm.

Viêm phế quản cấp có triệu chứng như thế nào?

Viêm phế quản có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp trên. Khi bị viêm phế quản cấp, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng dưới đây:

Ho là triệu chứng thường gặp nhất của viêm phế quản cấp

Ho: Người bị viêm phế quản cấp thường bị ho liên tục, ho khan, ho có đờm. Khi ho, có thể kèm theo triệu chứng đau tức ngực, chảy nước mũi.

Đau họng: Cổ họng của người bệnh có thể sưng to, ngứa rát và đau khi nuốt.

Tiết đờm: Phản ứng viêm thường gây nên tình trạng tiết dịch đờm. Đờm có thể có màu xanh, vàng hoặc trắng.

Sốt: Người bệnh có thể bị sốt theo từng cơn hoặc sốt liên tục. Tuy nhiên, cũng có người không bị sốt.

Thở khò khè: Thành phế quản bị sưng, viêm, phù nề dẫn đến hẹp lòng phế quản. Do đó, khi thở, không khí đi qua khe hẹp nên sẽ phát ra tiếng khò khè.

Mệt mỏi: Khi bị bệnh, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, uể oải.

Biểu hiện khác: Ngoài những triệu chứng kể trên, người bị viêm phế quản cấp còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở nhanh.

Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không?

Thông thường, viêm phế quản cấp chỉ kéo dài vài ngày rồi có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm.

Viêm phế quản cấp không được chữa dứt điểm sẽ tái phát thành nhiều đợt, có thể dẫn đến viêm phế quản mạn, viêm giãn phế quản, thậm chí gây viêm phổi, suy hô hấp rất nguy hiểm.

Với những trường hợp có các triệu chứng ho, sốt, tiết đờm, khó thở trên 5 ngày không giảm thì người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa, không chủ quan tự điều trị tại nhà. 

Người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa hô hấp với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao cùng hệ thống máy móc hiện đại để thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra chính xác và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Khách hàng có thể đăng ký nhận tư vấn và thăm khám với chuyên gia hô hấp hơn 20 năm kinh nghiệm tại đây:

Viêm phế quản cấp khi nào cần nhập viện?

Viêm phế quản cấp có thể tự khỏi, các triệu chứng diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm cần can thiệp điều trị sớm để tránh biến chứng.

Khi bị sốt cao kéo dài không đỡ người bệnh nên nhập viện điều trị

Người bị viêm phế quản cấp cần nhập viện ngay khi có các triệu chứng dưới đây:

  • Ho kéo dài, không giảm sau 7 ngày.

  • Ho ngày càng nặng kèm theo sốt, đờm đổi màu có thể là dấu hiệu tiến triển thành viêm phổi.

  • Đau ngực nặng khi ho, khó thở, có thể ho ra máu.

  • Người có tiền sử bệnh tim, phổi mạn tính.

  • Sốt dai dẳng không đỡ.

  • Ho, sốt, có dấu hiệu giảm cân.

Khi có những dấu hiệu trên, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cách điều trị hiệu quả hơn.

Biện pháp chẩn đoán viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, cũng có một vài triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác nên để chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh nên thực hiện một số kỹ thuật như:

Chụp X-quang phổi

Dựa vào hình ảnh trên phim X-quang, bác sĩ có thể phân biệt bệnh nhân bị viêm phế quản cấp hay mắc các bệnh về đường hô hấp khác như viêm phổi, áp xe phổi.

Xét nghiệm

Mục đích của việc xét nghiệm là giúp tìm ra chính xác căn nguyên gây bệnh là do vi khuẩn, virus hay tác nhân khác. Một số xét nghiệm có thể chẩn đoán viêm phế quản cấp là nuôi cấy đờm, xét nghiệm pcr 26 tác nhân, xét nghiệm panel…

Phương pháp điều trị viêm phế quản cấp

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp là do virus nên không cần điều trị kháng sinh. Một số trường hợp bị bệnh do vi khuẩn thì sẽ được kê thuốc phù hợp.

Ngoài ra, việc điều trị viêm phế quản cấp chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh sẽ được chỉ định thuốc hạ sốt nếu sốt cao không giảm, thuốc trị ho, tiêu đờm, thuốc xịt mũi… Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm vitamin C, kẽm để nâng cao sức đề kháng hỗ trợ trị bệnh nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Chụp X-quang để chẩn đoán chính xác viêm phế quản cấp hây bệnh đường hô hấp khác

Chế độ sinh hoạt cho người bị viêm phế quản cấp

Để giúp nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng bệnh, không khiến chúng nặng nề hơn và ngăn ngừa nguy cơ tái phát, người bệnh cần tuân theo chế độ sinh hoạt khoa học gồm:

  • Mang khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với các chất kích thích như sơn, chất tẩy rửa…

  • Hạn chế tiếp xúc với chất kích thích như khói thuốc lá.

  • Không tiếp xúc với người bị viêm phế quản hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch.

  • Hạn chế đến nơi đông người, nhất là khi đang có dịch bệnh về đường hô hấp.

  • Rửa tay thường xuyên, sau khi tiếp xúc với các đồ vật có khả năng lây nhiễm virus, vi khuẩn.

  • Tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. 

  • Đi khám ngay khi triệu chứng trở nặng, bất thường.

Viêm phế quản cấp tuy là bệnh cấp tính nhưng người bệnh cũng không được chủ quan mà cần điều trị sớm, đúng cách.

Đăng ký thăm khám với chuyên gia hô hấp tại đây:

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay