Viêm niệu đạo ở nữ giới gây ra các triệu chứng khó chịu khi đi tiểu, quan hệ tình dục… Bệnh lý này cần được điều trị từ sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu điều trị từ sớm, việc chữa khỏi là hoàn toàn có thể.
Viêm niệu đạo ở nữ giới là bệnh gì?
Niệu đạo còn được gọi là ống dẫn tiểu, có chức năng dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài cơ thể. Viêm niệu đạo là tình trạng viêm nhiễm niệu đạo, chủ yếu do vi khuẩn gây ra.
Niệu đạo của nữ giới có kết cấu mở nên rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào. Hơn nữa, niệu đạo của nữ giới ngắn hơn nam giới nên nguy cơ bị viêm nhiễm cao hơn. Theo thống kê, có đến 70% bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến vùng kín bị bệnh viêm niệu đạo.
Viêm niệu đạo ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt thường ngày của chị em và khiến họ cảm thấy tự ti khi giao tiếp, gần gũi người khác.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm niệu đạo nữ
Khi bị viêm niệu đạo, chị em sẽ có các dấu hiệu dưới đây:
Ngứa dữ dội vùng kín.
Ra nhiều dịch âm đạo bất thường, dịch có mùi hôi, đôi khi lẫn mủ.
Đau lưng, đau bụng dưới.
Có thể bị sốt cao.
Tiểu khó, tiểu rắt, nước tiểu đục, có thể lẫn máu. Đây là dấu hiệu thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm niệu đạo.
Lỗ niệu đạo sưng, đỏ, có chảy dịch và mủ.
Đau rát khi quan hệ tình dục.
Các triệu chứng trên rất thường gặp nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác về hệ tiết niệu. Vì vậy, người bệnh nên đi khám chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường kể trên để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.
Nguyên nhân gây viêm niệu đạo nữ giới
Viêm niệu đạo nữ giới do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân phổ biến sau:
Thói quen thiếu lành mạnh
Việc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, đúng cách, lạm dụng các chất tẩy rửa, thường xuyên sử dụng băng vệ sinh hằng ngày… là nguyên nhân hàng đầu khiến chị em bị viêm niệu đạo do tạo môi trường lý tưởng đến vi khuẩn xâm nhập và gây hại cho niệu đạo.
Do cấu tạo sinh lý
Cấu tạo ống niệu đạo của nữ ngắn hơn của nam giới, lại gần khu vực hậu môn nên tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Quan hệ tình dục không an toàn
Việc quan hệ tình dục không an toàn như: quan hệ với nhiều người, không dùng bao cao su khi quan hệ, không vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau quan hệ… làm tăng nguy cơ mắc viêm niệu đạo ở nữ cũng như một số bệnh lý lây qua đường tình dục khác.
Do bệnh lý khác
Một số bệnh lý liên quan đến bàng quang, thận, đường tiết niệu hoặc có các dị tật ở đường tiết niệu cũng có thể là nguyên nhân gây viêm niệu đạo nữ giới.
Viêm niệu đạo nữ giới có nguy hiểm không?
Đây là vấn đề được rất nhiều chị em quan tâm. Trên thực tế, nếu viêm niệu đạo dạng cấp tính, được điều trị sớm thì sẽ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không điều trị, để lâu ngày sẽ biến chứng thành nhiều bệnh khác do niệu đạo nằm gần các cơ quan: hậu môn, âm đạo, buồng trứng… do vi khuẩn di chuyển sang các cơ quan này.
Gây ra các bệnh lý liên quan đến các cơ quan sinh sản như: viêm âm đạo, viêm phần phụ, viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung…
Gây áp xe nếu vi khuẩn trú ngủ quá lâu tạo thành các ổ áp xe.
Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào bào thai, dẫn đến sinh non, ngộ độc thai nhi…
Gây viêm bàng quang, sỏi thận, suy thận do đường tiểu bị ứ đọng thường xuyên.
Gây viêm khớp do vi khuẩn từ niệu đạo xâm nhập vào khớp.
Như vậy, các biến chứng của viêm niệu đạo nữ giới là khá nguy hiểm. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị từ sớm để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.
Phương pháp chẩn đoán viêm niệu đạo nữ
Để chẩn đoán viêm niệu đạo nữ, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu thường gặp của người bệnh. Một số triệu chứng điển hình của bệnh như tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu có mùi hôi, có mủ, đau bụng dưới…
Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể cảnh báo một số bệnh lý thận tiết niệu khác nên bác sĩ cần chỉ định thêm các kỹ thuật khác để chẩn đoán chính xác bệnh. Một số kỹ thuật được áp dụng gồm:
Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân tích nước tiểu… để đánh giá sức khỏe tổng quan. Nếu niệu đạo bị viêm, nước tiểu thường có bạch cầu và phản ứng nitrit dương tính.
Soi cặn lắng nước tiểu: Bác sĩ có thể thấy vi khuẩn khi soi cặn lắng nước tiểu trên kính hiển vi.
Xét nghiệm sinh học phân tử: Xét nghiệm PCR để biết chính xác vi khuẩn gây bệnh là gì. Từ đó, chỉ định thuốc phù hợp để điều trị hiệu quả.
Điều trị viêm niệu đạo nữ giới bằng cách nào?
Với viêm niệu đạo nữ, bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng sinh để giải quyết vi khuẩn gây bệnh, đồng thời chống nấm, chống viêm và chống nhiễm trùng. Ngoài ra, một số trường hợp được chỉ định thuốc bôi, thuốc sát khuẩn.
Với trường hợp bệnh nặng, dùng thuốc không hiệu quả, người bệnh sẽ phải điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật khác.
Tùy vào từng trường hợp, người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Vì thế, cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách, hiệu quả, giúp nhanh chóng chấm dứt tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Đăng ký khám thận tiết niệu với bác sĩ BV Hồng Ngọc tại đây:
Biện pháp phòng ngừa viêm niệu đạo nữ giới
Ai cũng có thể mắc bệnh viêm niệu đạo. Vì vậy, chị em hãy chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây để phòng ngừa bệnh:
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng dung dịch vệ sinh lành tính. Đặc biệt, chú ý vệ sinh trong những ngày kinh nguyệt, trước và sau quan hệ tình dục.
Quan hệ tình dục lành mạnh, hạn chế quan hệ với nhiều người, sử dụng bao cao su khi quan hệ để tránh lây nhiễm mầm bệnh.
Nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ để giúp đẩy bớt vi khuẩn trong âm đạo ra ngoài.
Không tự ý sử dụng thuốc bôi, thuốc đặt âm đạo khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thăm khám phụ khoa định kỳ.
Khám chuyên khoa thận tiết niệu ngay khi có các triệu chứng bất thường như tiểu buốt, tiểu rắt, đau thắt lưng…
Viêm niệu đạo rất thường gặp ở nữ giới nhưng bạn có thể yên tâm nếu chủ động phòng ngừa từ sớm.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.