Viêm họng khi mang thai có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ, tuy nhiên thường gặp nhiều hơn ở 3 tháng đầu. Hiện tượng này không chỉ khiến mẹ bầu khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có nguy cơ đe dọa sức khỏe thai nhi nếu bệnh biến chứng hoặc điều trị sai cách.
Viêm họng là bệnh gì?
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm rất thường gặp, gây đau, rát cổ họng và khi nuốt nước bọt thường cảm thấy nhức họng.
Viêm họng thường có thể tự khỏi sau vài ngày mà không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, với các mẹ bầu tình trạng viêm họng gây khó chịu, mệt mỏi nhiều hơn. Nếu không có cách khắc phục kịp thời, tình trạng viêm họng có thể chuyển biến nặng, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi trong bụng.
Do đó các mẹ bầu không nên chủ quan nếu bị viêm họng khi mang thai. Tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp điều trị đúng cách và sớm nhất.
Biểu hiện bệnh viêm họng khi mang thai
Khi bị viêm họng, mẹ bầu sẽ có một vài biểu hiện sau:
- Cổ họng sưng đỏ
- Đau rát cổ họng
- Cảm thấy khó nuốt, khi nuốt thấy đau nhức
- Có thể kèm theo sốt
- Khàn tiếng
- Amidan sưng đỏ
Viêm họng có thể là triệu chứng thường gặp, chỉ gây khó chịu chứ không nguy hiểm gì với người bình thường. Tuy nhiên, với bà bầu, mẹ không nên chủ quan mà hãy đi khám nếu triệu chứng của bệnh không đỡ sau 1 - 2 ngày.
Viêm họng ở bà bầu có nguy hiểm không?
Với bà bầu, mọi bất thường về sức khỏe đều không được xem nhẹ vì nó không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà có nguy cơ gây hại cho thai nhi. Và viêm họng là một trường hợp như thế.
Trường hợp điều trị viêm họng bằng thuốc, thuốc sẽ đi qua đường máu xuống cuống rốn của thai nhi. Dù ít hay nhiều thì cũng có ảnh hưởng đến em bé. Nếu mẹ bị viêm họng 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển đầy đủ của bé do vi khuẩn hoặc siêu vi gây bệnh. Nếu bị 3 tháng cuối thai kỳ có nguy cơ gây rối loạn ở phổi và làm chậm quá trình chuyển dạ hoặc kéo dài thời gian mang thai.
Vì vậy, mẹ bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị viêm họng cũng như loại thuốc phù hợp để đảm bảo an toàn nhất cho thai nhi. Mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về uống vì không thể lường trước được những hậu quả có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm:
Nguyên nhân gây viêm họng khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị viêm họng khi mang thai. Cùng điểm mặt một vài nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Nhiễm virus
Hầu hết các trường hợp viêm họng đều do virus gây nên. Viêm họng do virus thường tự hết sau khoảng 1 tuần và cũng không thể điều trị được bằng kháng sinh.
- Nhiễm vi khuẩn
Vi khuẩn có thể là tác nhân gây viêm họng. Trong đó, viêm họng do liên cầu khuẩn là loại viêm họng do vi khuẩn phổ biến nhất với biểu hiệu có lớp phủ màu trắng hoặc đốm trắng bên trong cổ họng kèm theo sốt cao. Viêm họng do vi khuẩn có thể điều trị bằng kháng sinh nhưng phải đảm bảo kháng sinh đó an toàn với mẹ bầu.
- Yếu tố môi trường
Nhiều chất bên ngoài môi trường như khói bụi, không khí khô, chất gây dị ứng, phấn hoa, hóa chất… có thể khiến những mẹ bầu nhạy cảm dễ bị viêm họng. Viêm họng dạng này không cần điều kiện mà chỉ cần tránh xa các yếu tố gây kích ứng.
- Hệ miễn dịch yếu
Khi mang thai, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch trở nên yếu hơn. Chính vì vậy, mẹ dễ bị tấn công bởi virus, vi khuẩn hơn thông thường. Chúng tấn công cơ thể mẹ và gây viêm họng.
- Thay đổi hormone
Khi bắt đầu mang thai, hormone trong cơ thể mẹ có sự thay đổi rõ rệt. Sự thay đổi này gây nên các hiện tượng như khô miệng, thân nhiệt tăng và đau họng.
- Hội chứng chảy dịch mũi sau
Ở một số mẹ bầu, khoang mũi chảy dịch, chất nhầy. Những chất này chảy xuống cổ họng gây khó chịu, viêm họng và có thể gây ho mãn tính. Đây là triệu chứng thứ phát ở những người sau khi điều trị nhiễm trùng xoang.
- Trào ngược axit
Những mẹ bầu bị trào ngược axit có thể bị đau họng vì đây là một trong những triệu chứng thứ phát. Tình trạng này khá phổ biến vì khi mang thai, quá trình tiêu hóa của mẹ bầu chậm hơn bình thường và hệ tiêu hóa cũng bị chèn ép bởi tử cung.
Ngoài những nguyên nhân trên, viêm họng có thể là biểu hiện của việc mẹ bầu bị nhiễm các loại virus như cúm, rubella… Những virus này hết sức nguy hiểm, có thể gây sảy thai, sinh non… nên mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường, cách tốt nhất là đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả.
Điều trị viêm họng khi mang thai
Viêm họng có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng cũng có trường hợp phải điều trị bằng thuốc để giảm bớt các triệu chứng khó chịu của bệnh.
Với phụ nữ có thai, việc điều trị cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì một số thuốc kháng sinh trị viêm họng có thể ảnh hưởng xấu đến thai, thậm chí gây dị tật bẩm sinh khi mẹ bị viêm họng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có một số thuốc trị viêm họng an toàn cho bà bầu, bác sĩ sẽ kê đơn cho mẹ.
Lưu ý quan trọng khi điều trị viêm họng cho bà bầu là mẹ không được tự ý mua thuốc về uống mà cần đi khám và tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp nhanh hồi phục sức khỏe và không gây hại cho thai nhi.
5 cách chữa viêm họng tại nhà hiệu quả cho bà bầu
Trong suốt thai kỳ, mẹ nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc tây, nhất là các loại kháng sinh vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Vì vậy, nếu viêm họng ở giai đoạn đầu và mức độ nhẹ, mẹ có thể áp dụng một vài bài thuốc dân gian tại nhà vừa hiệu quả mà lại đảm bảo an toàn.
Trà chanh mật ong
Chanh có tác dụng kháng khuẩn và làm sạch chất nhầy ở cổ còn mật ong có tác dụng làm dịu cổ nên sự kết hợp giữa chanh và mật ong có tác dụng rất tốt đối với các trường hợp đau nhức họng.
Rất đơn giản, mẹ chỉ cần chuẩn bị một cốc nước nóng, sau đó cho thêm 1 thìa cà phê mật ong và vắt nửa quả chanh vào. Để nguội nước rồi uống. Duy trì uống trà chanh mật ong trong 3 - 5 ngày là tình trạng viêm họng của mẹ sẽ được cải thiện.
Dùng nước muối sinh lý súc miệng
Ngay cả khi không bị viêm họng mẹ bầu cũng nên áp dụng cách này để đảm bảo cổ họng luôn sạch sẽ, ngăn ngừa đau họng hiệu quả. Nước muối giúp kháng khuẩn và làm dịu kích ứng. Mẹ bầu có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi giờ một lần để cảm thấy dễ chịu nhất.
Xông hơi khoang mũi
Xông hơi giúp làm ẩm màng nhầy và giúp cho cổ họng không bị khô. Mẹ chỉ cần đun nước sôi trong nồi rồi đưa mặt gần với nồi nước để hơi bốc lên mặt và họng. Lưu ý nên giữ khoảng cách vừa đủ để không bị bỏng rát.
Uống trà hoa cúc
Trà hoa cúc có tác dụng giảm đau và chống vi khuẩn nên nó sẽ hỗ trợ đắc lực cho các trường hợp viêm họng. Mẹ chỉ cần một cốc nước sôi rồi cho túi trà hoa cúc vào ngân trong khoảng 5 phút. Sau đó cho một thìa cà phê mật ong vào, chờ nước ấm hơn là có thể uống được.
Trà gừng
Gừng có công dụng kháng khuẩn, chống nấm và giảm viêm họng. Mẹ bầu có thể sử dụng trà gừng trong khoảng vài ngày khi cảm thấy cổ họng đau nhức.
Mẹ chỉ cần một ly nước nóng rồi thả vào vài lát gừng tươi. Sau năm phút, gừng đã thôi ra, mẹ có thể uống hoặc cho thêm ít mật ong vào để cảm thấy dễ uống hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Biện pháp phòng ngừa viêm họng khi mang thai
Viêm họng không chỉ gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mẹ mà nó còn có nguy cơ đe dọa đến thai nhi nếu điều trị sai cách hoặc để quá lâu gây biến chứng.
Vì vậy, cách tốt nhất mẹ nên phòng ngừa trước khi có dấu hiệu của bệnh. Mẹ có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Luôn giữ ấm cho cơ thể, nhất là vào mùa đông. Dù khi mang thai, thân nhiệt của mẹ tăng cao nhưng mẹ bầu không được lơ là, chủ quan với việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ họng.
- Sử dụng khẩu trang khi ra đường hoặc khi dọn dẹp để tránh bụi bẩn
- Ăn uống đủ chất, nhất là những thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng như nước cam, bưởi…
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hút bụi và khử trùng nhà đều đặn
- Không nên tiếp xúc gần với những người đang bị cúm, viêm họng, viêm mũi
- Không ăn đồ lạnh, uống nước lạnh và tắm quá muộn vào buổi tối
- Không hút thuốc lá và tránh xa những nơi có khói thuốc
Mẹ bầu hãy cố gắng áp dụng những biện pháp phòng ngừa và cách chữa trị an toàn để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Nếu tình trạng viêm họng có biểu hiện nặng, hoặc khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém thì tốt nhất hãy tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận tư vấn điều trị thích hợp.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là địa điểm thăm khám thai kỳ uy tín với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm từng công tác các bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Đến với Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, mẹ bầu luôn đươc chăm sóc chu đáo, tận tình với chất lượng dịch vụ hoàn hảo. Đặc biệt, hệ thống máy siêu âm hiện đại bậc nhất Voluson E8 tại đây sẽ giúp mẹ luôn được ngắm nhìn hình ảnh chân thực, sống động nhất về thiên thần nhỏ.
Đăng ký nhận tư vấn thai sản trọn gói tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác