U nguyên bào thận chủ yếu gặp ở trẻ em và là ung thư thường gặp nhất tại thận. Nếu được điều trị từ giai đoạn sớm, cơ hội chữa khỏi ít nhất là 90%. Do đó, cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh để thăm khám và điều trị từ đầu.
U nguyên bào thận là bệnh gì?
U nguyên bào thận là loại ung thư thận phổ biến nhất ở đối tượng trẻ em, chiếm 95% các trường hợp ung thư thận ở trẻ dưới 15 tuổi.
Thông thường, khối u chỉ phát triển ở một bên thận, rất hiếm trường hợp ở cả hai bên. Khi tiến triển nặng, khối u có thể lây lan sang các mô cơ quan khác, thường gặp nhất ở phổi rồi lan sang gan, hạch bạch huyết, não và xương.
Độ tuổi trung bình lúc chẩn đoán bệnh u nguyên bào thận là khi trẻ được 44 tháng tuổi. Nếu được phát hiện sớm, điều trị ngay từ giai đoạn 1 - 2, cơ hội sống sót lâu dài của trẻ ít nhất là 90%.
Các giai đoạn của u nguyên bào thận
Bệnh u nguyên bào thận phát triển qua 5 giai đoạn, gồm:
Giai đoạn 1
Lúc này khối u chỉ mới xuất hiện ở một quả thận. Nếu điều trị phẫu thuật có thể loại bỏ được toàn bộ khối u.
Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, khối u đã lan ra ngoài thận, có thể đến mỡ hoặc mạch máu gần đó. Nếu điều trị phẫu thuật thì vẫn có thể loại bỏ được toàn bộ.
Giai đoạn 3
Lúc này, khối u đã lan ra ngoài thận đến hạch bạch huyết. Ngoài ra, chúng cũng có thể lan đến những cơ quan khác trong bụng.
Giai đoạn 4
Ở giai đoạn này, khối u đã lan ra ngoài thận, đến phổi, gan, xương hoặc não.
Giai đoạn 5
Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh, khối u được tìm thấy ở cả hai bên thận, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận.
Nguyên nhân gây bệnh u nguyên bào thận
Nguyên nhân gây u nguyên bào thận thường liên quan đến đột biến ở các gen WT1, CTNNB1, AMER1. Những gen này có nhiệm vụ hướng dẫn tạo ra protein điều chỉnh hoạt động của gen, thúc đẩy sự phát triển và tăng sinh tế bào.
Khi xảy ra đột biến gen, sự tăng sinh tế bào cũng không được kiểm soát và tạo điều kiện cho khối u phát triển.
Triệu chứng bệnh u nguyên bào thận
Khi mắc u nguyên bào thận, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
Bụng to, thường bị lệch sang một bên.
Đau bụng, táo bón.
Chán ăn, mệt mỏi, sụt cân.
Sốt.
Tăng huyết áp.
Tĩnh mạch nổi lớn khắp bụng.
Thiếu máu, tiểu máu.
Nhiễm trùng tiểu.
Khó thở, thở nhanh nếu di căn phổi.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u nguyên bào thận
Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc u nguyên bào thận. Bao gồm:
Tuổi: Hầu hết các trường hợp trẻ mắc u nguyên bào thận nằm trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi.
Tiền sử gia đình: Trong gia đình nếu có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh của những người khác cũng cao hơn.
Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Dị tật bẩm sinh: Những em bé có lỗ tiểu đóng thấp, thận móng ngựa, tinh hoàn ẩn có nguy cơ cao mắc bệnh.
Hội chứng Denys-Drash: Trẻ mắc hội chứng này có nguy cơ mắc bệnh lên tới 90%.
Hội chứng WAGR: Trẻ mắc hội chứng này có 50% nguy cơ bị u nguyên bào thận.
Hội chứng Beckwith-Wiedemann: Trẻ mắc hội chứng này có 5 - 10% nguy cơ mắc bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
Phương pháp chẩn đoán u nguyên bào thận
Sau khi thăm khám, hỏi han tiền sử bệnh và triệu chứng lâm sàng, nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán để kết luận chính xác. Các kỹ thuật thường được dùng bao gồm:
Xét nghiệm máu và nước tiểu
Hai xét nghiệm này giúp đánh giá chức năng gan thận, chức năng đông máu.
Xét nghiệm di truyền học
Xét nghiệm này giúp phát hiện các đột biến gen để từ đó bác sĩ tiến hành tư vấn di truyền.
Chẩn đoán hình ảnh
Để chẩn đoán u nguyên bào thận, bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT, chụp MRI… để xác định hình dạng, kích thước và vị trí khối u cũng như xem khối u có lan rộng ra các cơ quan khác hay không.
Sinh thiết khối u
Sinh thiết giúp chẩn đoán xác định bản chất mô bệnh học khối u.
Phương pháp điều trị bệnh u nguyên bào thận
Sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng, kích thước, sự di căn của khối u, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất với bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng gồm:
Phẫu thuật
Có thể thực hiện cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thận để loại bỏ hoàn toàn khối u, ngăn ngừa nguy cơ di căn sang bộ phận khác.
Xạ trị
Phương pháp xạ trị sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt khối u. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, kích ứng da, mệt mỏi.
Nhiều trường hợp sẽ sử dụng xạ trị sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót.
Hóa trị
Phương pháp này sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Tác dụng phụ của phương pháp này là buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu trẻ bị u nguyên bào thận ở cả hai bên thận thì hóa trị sẽ được thực hiện trước phẫu thuật để tránh phải cắt bỏ toàn bộ thận.
Biện pháp giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh
Tế bào ung thư có thể tiến triển chẩm nếu được kiểm soát tốt. Hãy áp dụng ngay các biện pháp dưới đây để kéo dài sự sống cho người bệnh:
Uống đủ nước mỗi ngày để thận hoạt động tốt.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Hạn chế sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc như aspirin, naproxen, ibuprofen…
giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, căng thẳng.
Tái khám đúng lịch hẹn, sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu có nhu cầu khám với chuyên gia thận tiết niệu BV Hồng Ngọc, vui lòng đăng ký tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.