Viêm VA quá phát tạo thành một khối to mới gọi là sùi vòm họng. Sùi vòm họng (VA) sẽ làm cản trở đường thở không khí và một số bộ phân lân cận của trẻ nếu không được điều trị và giải quyết dứt điểm sẽ có nhiều biến chứng.
Biểu hiện của viêm VA
VA là một tổ chức lympho (bạch huyết) nằm ở nóc vòm, sau cửa mũi sau. Khi hít vaò không khí sẽ vào mũi, đi qua VA rồi vào khí quản và phổi.
VA có từ khi trẻ mới lọt lòng, khi chưa bị viêm thì chúng có kích thước nhỏ (khoảng từ 4 - 5mm), rất mỏng, xếp theo hình lá nên dễ tiếp xúc với bên ngoài và với kích thước này đường thở hoàn toàn bình thường.
Ở khoảng từ 6 tháng tuổi, VA phát triển dần dần với chức năng miễn dịch nhằm ngăn cản sự xâm nhập của vi sinh vật, thông thường đến khoảng từ 6 - 7 tuổi teo hết chỉ để lại vết ở tuổi dậy thì.Việc điều trị cho trẻ viêm VA như thê nào là do bác sĩ khám bệnh chỉ định
Viêm VA thường có 2 loại: cấp tính và mạn tính. Viêm VA cấp tính thường xảy ra ở trẻ ngay từ khi từ 6 - 7 tháng tuổi cho đến từ 4 - 7 tuổi (đôi khi gặp ở trẻ lớn hơn).
Trẻ thường có sốt cao trên 38oC kèm theo chảy nước mũi. Nước mũi ở những ngày đầu còn trong, lỏng sau đó đặc dần và có mủ. Trẻ thường bị ngẹt mũi nhất là lúc trẻ ngủ hoặc thể hiện rõ ở các trẻ đang bú mẹ (trẻ bú không được liên tục mà thỉnh thoảng phải nhè đầu ti ra để thở và khóc).
Hầu hết trẻ bị ho và nếu có biến chứng viêm phế quản thì càng khó thở hơn, nhất là dạng viêm phế quản co thắt ở một số trẻ. Sức khoẻ của trẻ giảm dần nên trẻ mệt mỏi, biếng ăn, ngủ kém hay quấy khóc, hơi thở hôi.Viêm VA cấp tính cũng có thể biểu hiện rất nhẹ chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và trẻ vẫn ăn uống, chơi, ngủ bình thường như các trẻ khác cho nên bố mẹ thường xem nhẹ hoặc bỏ qua.
Viêm VA cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm rất dễ chuyển thành dạng viêm VA mạn tính (VA quá phát). Viêm VA mạn tính là dạng viêm kéo dài thường biểu hiện nghẹt mũi và chảy mũi mạn tính. Nước mũi đặc, có mủ và chảy ra suốt ngày, nếu VA bị viêm bởi loại trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas aeruginosa) thì nhầy mũi có màu xanh, vì vậy người ta thường nói là thò lò mũi xanh.
Nghẹt mũi trong viêm VA mạn tính thường cả ngày lẫn đêm làm cho trẻ khó thở, do đó thường thở bằng miệng. Kèm theo sự thở bằng miệng, trẻ thường ngủ ngáy to và thỉnh thoảng có cơn ngưng thở rất nguy hiểm.
Hậu quả của viêm VA
Khi bị viêm VA dù ít, dù nhiều cũng làm ảnh hưởng đến đường thở của trẻ do VA bị viêm sưng tấy, to ra gây cản trở lưu thông không khí từ đó làm cho não bộ thiếu dưỡng khí (oxy). Trẻ khó thở và phải thở bằng đường miệng khi ngủ sẽ làm cho biến dạng một số bộ phận như da xanh, răng bị vẩu, mọc lệch, môi trên bị kéo xệch lên, môi dưới thõng xống làm cho bộ mặt trẻ của trẻ thay đổi.
Người ta thường nói trẻ có bộ mặt VA bởi vì khi trẻ bị viêm VA mạn tính (VA quá phát) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của mũi (vì trẻ thở bằng mồm) cho nên làm cho chóp mũi trở nên nhỏ hơn, xương hàm trên phát triển kém, răng hàm trên mọc lệch, cằm của trẻ bị nhô ra và to hơn.
Khi bị viêm VA trẻ cũng có thể bị biến chứng thành một số bệnh khác nặng hơn, nguy hiểm hơn. Đó là viêm phế quản. Viêm phế quản xảy ra chỉ sau vài ngày bị viêm VA cấp, trẻ vẫn sốt tiếp tục, sốt cao, ho nhiều hơn, khó thở, môi tím, cánh mũi phập phồng. Viêm phế quản do biến chứng của viêm VA rất nguy hiểm cho trẻ nhưng dễ bỏ sót bởi vì người nhà của trẻ cứ tưởng trẻ chỉ viêm VA thôi.
Vì vậy, cần hết sức cảnh giác để nhanh chóng cho trẻ đi khám bệnh. Viêm VA cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa cấp tính. Nếu là biến chứng của viêm VA cấp thì thường trẻ bị viêm tai giữa cấp tính có mủ. Trẻ sốt cao, quấy khóc nhiều do đau nhức trong tai, một số trẻ có thể có tiêu chảy.
Tiêu chảy ở đây không phải là do trẻ nuốt phải mủ của VA viêm mà do phản xạ thần kinh gây kích thích nhu động ruột, làm tăng nhu động ruột và làm cho trẻ bị tiêu chảy (khi hết viêm tai giữa thì trẻ cũng hết tiêu chảy).
Viêm tai giữa cấp có thể có mủ chảy ra. Đối với viêm VA mạn tính, kéo dài có thể đưa đến viêm tai giữa thanh dịch, dịch chảy ra trong hơn. Trẻ sốt nhẹ và loại viêm tai giữa thanh dịch cũng ít gây nguy hiểm hơn là viêm tai giữa cấp tính có mủ. Ngoài ra, khi trẻ bị viêm VA có thể làm viêm thanh quản cấp hoặc mạn tính làm cho trẻ sốt tăng lên (cấp tính), giọng nói khàn (có khi mất tiếng).
Viêm VA cũng là một trong các nguyên nhân chính gây viêm amidan ở trẻ đã có amidan. Viêm amidan cũng có thể cấp tính và mạn tính. Viêm amidan cấp tính do biến chứng của VA sẽ làm cho trẻ sốt cao, đau họng, nuốt vướng.
Điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm VA
Cần đưa trẻ đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng, nếu thấy nghi ngờ trẻ viêm hô hấp thì cần cho trẻ khám chuyên khoa nhi. Không nên chủ quan khi trẻ bị viêm VA, bởi vì sẽ có nhiều biến chứng xảy ra khiến trẻ kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ do não bộ luôn thiếu oxy bởi không khí lưu thông bằng đường mũi bị cản trở.
Không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Việc tự dùng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ bị sốt là hoàn toàn không đúng bởi vì kháng sinh không phải là loại thuốc chữa bách bệnh. Khi trẻ sốt cao mà chưa kịp đưa trẻ đi khám bệnh thì nên dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau cho trẻ.
Cần lau cho trẻ ở nách, bẹn, cổ và đắp khăn ấm lên trán. Không dùng nước lạnh hoặc nước đá để chườm hoặc đắp lên trán cho trẻ, bởi vì làm như vậy sẽ cản trở sự thoát nhiệt của trẻ.
Nếu trẻ sốt trên 38oC (khi có cặp nhiệt) có thể hạ nhiệt bằng cách cho uống hoặc đặt hậu môn (viên đặt) thuốc paracetamol với liều lượng 10mg/kg cân nặng của trẻ.
Việc điều trị cho trẻ viêm VA như thế nào là do bác sĩ khám bệnh cho trẻ chỉ định. Có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) nếu trẻ mới bị lần đầu, nhưng có thể điều trị ngoại khoa (nạo VA). Các bậc phụ huynh nên lưu ý rằng, chỉ nạo VA khi chưa có gây biến chứng mới có tác dụng ngăn ngừa biến chứng do viêm VA gây ra, nếu khi đã có biến chứng rồi thì nạo VA cũng không còn tác dụng ngăn ngừa biến chứng nữa.
Nạo VA là một thủ thuật đơn giản đối với một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thực thụ (không nên hiểu lầm giữa nạo VA và cắt amidan). Thủ thuật nạo VA có thể được tiến hành có gây mê hoặc gây tê tại chỗ và diễn ra trong vòng khoảng vài ba phút. Nạo VA thường không có biến chứng gì, sau khi nạo khoảng 30 phút đến 1 giờ là có thể về nhà, không cần kiêng nói và ăn uống bình thường.