Nhiều trẻ nhỏ gặp phải tình trạng nổi mề đay khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ. Trẻ bị nổi mề đay cần khắc phục bằng cách nào để giúp con dễ chịu hơn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm.
Bệnh mề đay là bệnh gì?
Mề đay là một dạng dị ứng da do các nguyên nhân: hóa chất, vi sinh vật và nhiệt độ môi trường… thay đổi gây ra. Các nốt phát ban có thể sưng tấy đỏ tạo thành mảng hoặc riêng lẻ gây ngứa, trông như những nốt mụn nhỏ li ti, đốm màu và xuất hiện ở một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Bé bị nổi mề đay có thể kéo dài hàng giờ, hàng tuần hoặc hàng tháng. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vào lúc ngủ.
Trẻ bị nổi mề đay là tình trạng mao mạch trên da của bé bị tổn thương bởi những tác nhân gây kích ứng khiến trung bì bị phù cấp hoặc mãn tính. Căn cứ vào thời gian và mức độ bệnh mề đay, chứng mề đay ở trẻ nhỏ được chia làm 2 cấp độ:
Nổi mề đay cấp tính: Mề đay mẩn ngứa xuất hiện trong ngày dưới kéo dài dưới 6 tuần. Ở giai đoạn này, bố mẹ không cần quá lo lắng bởi các biểu hiện bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Trẻ bị mề đay mãn tính: Ở giai đoạn này, tình trạng mề đay ở trẻ kéo dài hơn 6 tuần, các triệu chứng dai dẳng khiến bé khó chịu.
Trẻ bị nổi mề đay có nguy hiểm không?
Với tình trạng trẻ nổi mề đay mãn tính, nếu bố mẹ không điều trị kịp thời, dứt điểm có thể đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, có thể kể đến như:
Nhiễm trùng da
Suy nhược cơ thể
Phù mạch
Khó thở
Sốt
Thanh quản co thắt
Sốc phản vệ
Triệu chứng khi trẻ bị nổi mề đay
Trẻ bị nổi mề đay sẽ có những biểu hiện dưới đây:Nổi mẩn đỏ
Trên da của trẻ xuất hiện những nốt mẩn đỏ, đây là tổn thương do bệnh mề đay gây ra. Những nốt mẩn đỏ có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Đặc biệt khi bạn càng gãi thì những nốt mẩn đỏ càng xuất hiện nhiều hơn.
Sốt nhẹ
Bệnh nổi mề đay có thể làm cho trẻ sốt nhẹ, biểu hiện này là do khi mắc bệnh mề đay sức đề kháng bị suy giảm, cơ thể trẻ dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Bạn cũng không nên bỏ qua biểu hiện này, mà phải tìm cách hạ sốt cho trẻ ngay.
Phù nhẹ
Đây là một trong những biểu hiện cho thấy bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Lúc này các ban đỏ, sẩn phù xuất hiện đột ngột có thể làm sưng to một vùng gọi là phù mạch. Biểu hiện này thường xuất hiện ở những vùng da nhạy cảm như: môi, mí mắt, cơ quan sinh dục ngoài…
Hơn nữa, phù mạch còn xuất hiện ở những cơ quan nội tạng như thanh quản, ống tiêu hóa gây khó thở, đau bụng, rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến sốt phản vệ. Triệu chứng này hết sức nguy hiểm chúng ta cần phải đặc biệt.
Ngứa
Đây là một trong những biểu hiện rất tiêu biểu của phần lớn các bệnh ngoài da. Khi mắc bệnh mề đay người bệnh sẽ cảm thấy rất ngứa. Đó là phản ứng của histamin và dị nguyên gây ra. Những cơn ngứa xuất hiện nhiều làm cho trẻ cảm thấy khó chịu. Nhiều trẻ không tự chủ được khi ngứa thường tìm cách gãi. Việc gãi không làm bớt ngứa mà ngược lại càng tạo điều kiện để những đốm mề đay lan rộng. Thậm chí, việc gãi nhiều dễ làm cho da trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm da bị bội nhiễm.
Mệt mỏi biếng ăn
Trẻ thường rất lười ăn khi bị nổi mề đay. Những biểu hiện bệnh làm cho trẻ cảm thấy mệt mỏi và không cảm thấy ngon miệng khi ăn. Đồng thời lúc này hoạt động của hệ tiêu hóa cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Bạn có thể chia nhỏ thành nhiều bữa để bé dễ hấp thụ hơn.
Quấy khóc, khó ngủ
Với những trẻ còn quá nhỏ chúng ta chỉ có thể theo dõi thông qua những biểu hiện của trẻ. Khi bị nổi mề đay cơ thể mệt mỏi nên trẻ thường hay quấy khóc. Đặc biệt, buổi tối những cơn ngứa xuất hiện nhiều hơn dễ làm cho trẻ quấy khóc và khó ngủ. Sở dĩ mề đay ngứa nhiều hơn vào ban đêm là do lúc này da mất đi độ ẩm đáng kể, da khô nên dễ bị ngứa hơn.
Nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mề đay
Trẻ bị nổi mề đay có thể do các nguyên nhân phổ biến sau:
Dị ứng thực phẩm: Khi trẻ ăn phải các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như cua, tôm, (hải sản nói chung)...
Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi thất thường từ nóng sang lạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị mề đay. Điều này lý giải vì sao thời điểm giao mùa (đặc biệt mùa đông) là giai đoạn bùng phát bệnh mề đay ở trẻ nhỏ mạnh mẽ.
Sử dụng thuốc tây dài ngày: Nếu bé sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh thuộc nhóm penicillin hoặc thuốc giảm đau trong thời gian kéo dài cũng sẽ khiến bệnh mề đay xuất hiện.
Nhiễm trùng cấp: Những bệnh nhiễm trùng cấp như viêm amidan, viêm họng, cảm lạnh,... không chỉ khiến bé bị sốt cao mà còn gây kích thích da gây nguy cơ mắc bệnh mề đay.
Tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Những dị nguyên từ bên ngoài môi trường như lông động vật, bụi bẩn, khói bụi, phấn hoa,... cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị mề đay mẩn ngứa.
Dị ứng do côn trùng đốt: Côn trùng đốt có thể khiến bé bị nổi mề đay, sưng tấy, ngứa ngáy, đau rát. Nếu nặng hơn, bé có thể bị nôn mửa, khó thở, thở khò khè, mạch nhanh…
Biện pháp khắc phục khi trẻ nổi mề đay
Hãy áp dụng những biện pháp sau nếu trẻ bị nổi mề đay:Chườm lạnh
Tác động của nhiệt được đánh giá là có hiệu quả tích cực đối với chứng nổi mề đay ở trẻ em. Khi trẻ có dấu hiệu bị nổi mề đay, cha mẹ có thể tham khảo cách dùng khăn bông mềm bọc đá lạnh hoặc dùng các loại túi chườm chứa nước mát và chườm lên các vùng da mẩn ngứa. Thời gian chườm lạnh có thể duy trì trong khoảng 10 phút cho mỗi lần và lặp lại vài lần trong ngày nếu thấy cần thiết.
Lưu ý rằng làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn còn tương đối mỏng manh, nhạy cảm. Phụ huynh nên kiểm tra kỹ nhiệt độ của khăn, túi chườm trước khi để các vật này tiếp xúc trực tiếp với da của bé. Ngoài ra tuyệt đối không nên áp các dụng cụ chườm lạnh này lên một vùng da quá lâu, hãy nhẹ nhàng, chậm rãi di chuyển chúng trên da của trẻ.
Để cơ thể trẻ được mát mẻ, thông thoáng
Chứng nổi mề đay ở trẻ em thường có dấu hiệu gia tăng, khó kiểm soát hơn nếu môi trường hoặc cơ thể giữ nhiệt độ ở mức cao. Bé càng cảm thấy nóng thì cơn ngứa cùng đồng thời càng khó chịu và rõ ràng. Vậy cha mẹ hãy giữ nhiệt độ phòng ở mức mát mẽ, có thể mở cửa sổ để không gian thoáng đãng, không khí lưu thông.
Ngoài ra, bé cần được thay các bộ đồ thoải mái, rộng rãi và thoáng mát. Chúng sẽ giúp làn da bé được thoáng khí hơn cũng như hạn chế sự cọ xát vào các nốt mề đay.
Hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm và xà bông cho trẻ
Thời điểm bé đang bị nổi mề đay là lúc làn da đặc biệt nhạy cảm, cần được chăm sóc đặc biệt. Một số phụ huynh đang có quan niệm rằng xà bông tắm tạo bọt hoặc mỹ phẩm sẽ hỗ trợ điều trị nổi mề đay ở trẻ em. Tuy nhiên trong tình trạng dị ứng, cần hạn chế sử dụng mỹ phẩm vì có thể gây kích ứng hơn.
Nhìn chung, trong thời gian bé đang nổi mề đay, hãy loại bỏ các loại mỹ phẩm và xà bông. Khi tắm nên ưu tiên sử dụng nước sạch và massage nhẹ nhàng bằng tay nhanh chóng, tránh trường hợp chà xát nhiều khiến các nốt mề đay bị tổn thương.
Sử dụng nha đam
Nha đam hay còn gọi là lô hội là một trong những loại thực vật tác động tích cực nhất đến làn da. Chúng có tác dụng đối với hầu hết các trường hợp nổi mề đay ở trẻ em. Nguồn vitamin E dồi dào có trong loại thực phẩm này giúp giảm bớt triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu. Đặc tính kháng viêm tự nhiên từ nha đam cũng đặc biệt có ích trong trường hợp này.
Lưu ý, trước khi sử dụng nha đam để giải quyết tình trạng nổi mề đay ở trẻ em, phụ huynh nên thoa một lượng nhỏ nha đam giã nhuyễn lên vùng cổ tay của bé. Nếu sau khoảng nửa ngày bé không có phản ứng gì, làn da không có dấu hiệu dị ứng thì đồng nghĩa với việc nha đam an toàn dành cho bé.
Sử dụng thuốc chữa nổi mề đay cho em
Có nhiều trường hợp nổi mề đay ở trẻ em không tự biến mất được nếu chỉ sử dụng các biện pháp can thiệp an toàn tại nhà. Nếu sau 24 - 48 giờ kể từ lúc phát hiện bé bị nổi mề đay mà tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc đang chuyển biến nặng hơn thì cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Lúc này bác sĩ sẽ thăm khám đồng thời kê đơn một số loại thuốc trị nổi mề đay an toàn cho độ tuổi.
Chữa bệnh mề đay ở trẻ nhỏ bằng mẹo dân gian
Sử dụng các mẹo dân gian tại nhà điều trị bệnh mề đay cho trẻ cũng là phương pháp đang được nhiều phụ huynh lựa chọn. Những cách chữa này rất đơn giản, dễ thực hiện, đồng thời sử dụng thảo dược tự nhiên nên lành tính với con trẻ. Bố mẹ có thể thực hiện các cách sau:
Chữa nổi mề đay ở trẻ em bằng lá khế: Lấy lá khế tươi, rửa sạch rồi đun với nước đến sôi, chắt lấy nước, để nguội rồi cho bé ngâm hoặc tắm 2 ngày/ lần.
Dùng nha đam chữa nổi mề đay ở trẻ nhỏ: Chọn nha đam tươi, to, nhiều thịt, cắt bỏ vỏ xanh bên ngoài và sửa sạch phần chất nhớt bên trong. Lấy phần gel trắng thoa lên vùng da bị mề đay của bé trong vòng 20 phút rồi rửa sạch bằng nước.
Cách chữa nổi mề đay ở trẻ với lá trà xanh: Lấy lá trà xanh (chè xanh) rửa sạch, vò nát rồi đun sôi cùng nước nóng. Mẹ chắt lấy nước này rồi cho bé tắm hàng ngày.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/