Trường hợp của bé gái 8 tuổi suy dinh dưỡng thể béo phì dưới đây đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của không ít người trước nay vẫn cho rằng trẻ lớn chậm, nhẹ cân mới là suy dinh dưỡng.
Từ chuyện lạ có thật
Vừa qua, BV Hồng Ngọc tiếp nhận trường hợp một trẻ nữ 8 tuổi có biểu hiện tăng chiều cao chậm hơn so với lứa tuổi, gia đình lo sợ bé dậy thì sớm nên đã đưa đến khám. Trẻ nặng 36 kg, chiều cao 117 cm, trẻ ăn uống được, khẩu phần ăn ít rau, thích ăn đồ ngọt, đồ chiên rán, ít vận động. Sau khi thăm khám và thực hiện một số cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán là mắc chứng suy dinh dưỡng thể béo phì (thiếu vitamin D) khiến cả gia đình đều ngỡ ngàng.
Từ xưa đến nay hầu hết mọi người đều cho rằng chỉ có trẻ thừa cân, thừa dinh dưỡng thì mới là béo phì. Thế nhưng suy dinh dưỡng thể béo phì dường như là một khái niệm rất mới.
Theo WHO, béo phì là bệnh lý tích tụ mỡ trong cơ thể, vượt quá nhu cầu sinh lý và khả năng thích ứng của cơ thể.
Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng và Chuyển hóa Châu Âu (ESPEN) định nghĩa suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ hoặc hấp thụ sai các chất dinh dưỡng thiết yếu, thay đổi thành phần cơ thể, suy giảm thể chất và tinh thần của cơ thể và các tác động tiêu cực đến kết quả của bệnh cơ bản. Vậy suy dinh dưỡng không chỉ giới hạn ở giảm các chỉ số nhân trắc (cân nặng, chiều cao, vòng cánh tay, vòng đầu so với tuổi) mà còn ở thiếu hụt các vitamin và khoáng chất.
Ở trẻ thừa cân, béo phì, mặc dù tiêu thụ khẩu phần ăn quá nhiều năng lượng nhưng vẫn có thể liên quan đến sự thiếu hụt các nguyên tố vi lượng riêng lẻ. Trường hợp của bệnh nhi 8 tuổi kể trên là mắc chứng béo phì nhưng thiếu hụt nghiêm trọng vitamin D cho nên còn gọi là suy dinh dưỡng trong thừa cân, béo phì.
Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng thể béo phì
Béo phì ở trẻ em thường là kết quả của yếu tố lối sống như tiêu thụ quá nhiều thức ăn đặc biệt là các loại thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán, thức ăn nhiều đường và/hoặc hoạt động thể chất không đủ. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác bao gồm bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, khối u (đặc biệt là ung thư đại trực tràng), viêm xương khớp hoặc rối loạn lipid…
Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng liên quan đến béo phì (suy dinh dưỡng thể béo phì) có thể một phần do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu calo nhưng mật độ chất dinh dưỡng thấp hoặc có thể do viêm hệ thống – hệ quả của béo phì làm thay đổi quá trình hấp thu, phân phối hoặc bài tiết chất dinh dưỡng và thay đổi chuyển hóa vi chất dinh dưỡng. Ở trẻ em, việc giảm chế độ ăn quá mức trong giảm cân cũng là một trong các căn nguyên của suy dinh dưỡng do thiếu vi chất.
Chẩn đoán suy dinh dưỡng thể béo phì
Chẩn đoán suy dinh dưỡng thể béo phì thường khá khó khăn. Để xác định sự xuất hiện của suy dinh dưỡng ở trẻ thừa cân, béo phì cần thực hiện đánh giá dinh dưỡng toàn diện.
Các phương pháp phổ biến bao gồm:
Khai thác khẩu phần 24 giờ;
Đánh giá các chỉ số nhân trắc;
Thể chất;
Chỉ định cận lâm sàng;
Xét nghiệm…
Việc đánh giá khẩu phần cho phép chẩn đoán sớm và thực hiện điều trị bằng chế độ ăn. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng là đặc biệt quan trọng khi thực hiện chế độ ăn ít năng lượng.
Điều trị và phòng ngừa suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì
Phương pháp thường quy
Điều trị suy dinh dưỡng bằng cách bổ sung vi chất bị thiếu hụt theo liều chỉ định của bác sĩ.
Các biện pháp điều trị thừa cân béo phì gồm:
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng;
Điểu chỉnh lối sống và luyện tập;
Dùng thuốc;
Phẫu thuật…
Tuy nhiên, ở trẻ em, việc giảm chế độ ăn quá mức trong giảm cân cũng là một trong các căn nguyên của suy dinh dưỡng do thiếu vi chất. Để điều trị và phòng tránh suy dinh dưỡng do thiếu vi chất khi giảm chế độ ăn quá mức trong giảm cân thì cần điều chỉnh lại mục tiêu giảm cân theo từng cá thể bới bác sĩ điều trị hay chuyên gia dinh dưỡng. Nhiều người bị béo phì hoặc thừa cân có mục tiêu không thực tế là giảm ngay 20% –30% trọng lượng, trong khi mục tiêu thực tế hơn sẽ là giảm 5% –15% trọng lượng cơ thể ban đầu đã có tác dụng trong giảm nguy cơ các bệnh lý chuyển hóa liên quan.
Trường hợp của bệnh nhi 8 tuổi sau khi được thăm khám toàn diện, trẻ được chỉ định điều trị với liệu trình vitamin D liều cao, tư vấn dinh dưỡng thay đổi khẩu phần ăn và lối sống.
Để ngăn ngừa tình trạng tăng cân trở lại, theo “Hướng dẫn về Béo phì” khuyến nghị nên tham gia các chương trình duy trì giảm cân trong vòng 01 năm với tư vấn ít nhất hàng tháng. Mức độ hoạt động thể chất cao, theo dõi trọng lượng cơ thể thường xuyên và thực hiện chế độ ăn kiêng giảm năng lượng có liên quan đến việc giảm cân lâu dài.
Ăn uống khoa học với thực phẩm xanh, giàu dinh dưỡng và duy trì các thói quen lành mạnh là biện pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng hay béo phì hiệu quả nhất.
Điều trị rối loạn hệ vi sinh đường ruột ở trẻ béo phì
Trong một số trường hợp, không có sự cải thiện các nguyên tố vi lượng sau khi áp dụng chế độ ăn cân bằng ít calo cho những người bị béo phì kể cả khi khẩu phần đáp ứng 100% nhu cầu vi chất dinh dưỡng theo tiêu chuẩn. Việc thiếu tác dụng tích cực có thể được giải thích là do rối loạn chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột. Gần đây, người ta đã đề cao vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột trong cơ chế bệnh sinh của bệnh béo phì. Rối loạn hàng rào đường ruột ở những người bị béo phì có thể do thói quen ăn uống kém trong thời gian dài.
Thành phần, sự đa dạng và hoạt động trao đổi chất của hệ vi sinh vật đường ruột (GM) có liên quan chặt chẽ đến lượng chất dinh dưỡng và chế độ ăn uống. Các mô hình chế độ ăn uống cụ thể và các yếu tố dinh dưỡng làm thay đổi cấu hình GM có thể điều chỉnh hoặc ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh béo phì. Nhiều mô hình ăn kiêng, chẳng hạn như chế độ ăn phương Tây, chế độ ăn thuần chay, chế độ ăn chay, chế độ ăn không chứa gluten và chế độ ăn Địa Trung Hải, đã được chứng minh là ảnh hưởng đến sự đa dạng rõ rệt của hệ vi sinh đường ruột có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của vật chủ.
Ngoài ra, chứng loạn khuẩn ruột có thể làm thay đổi việc sản xuất các peptit ở đường tiêu hóa liên quan đến cảm giác no, dẫn đến tăng lượng thức ăn. Giới tính, tuổi tác, kiểu gen và điều kiện môi trường cũng ảnh hưởng đến thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột ngoài khẩu phần ăn. Có thể điều chỉnh trực tiếp hệ vi sinh đường ruột bằng probiotics, prebiotics, kháng sinh hoặc các biện pháp can thiệp điều trị khác.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: