Bệnh hậu sản: nhận biết, cách điều trị và ngăn ngừa hiệu quả

Bệnh hậu sản: nhận biết, cách điều trị và ngăn ngừa hiệu quả

20-06-2020

Người phụ nữ sau khi trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai đầy vất vả, quá trình vượt cạn đầy gian nan để được “mẹ tròn con vuông”, họ còn phải đối mặt với nỗi lo về những chứng bệnh hậu sản. Vậy cùng tìm hiểu thêm về những chứng bệnh này để luôn được an tâm về sức khỏe sau thai kỳ.

Bệnh hậu sản là gì?

Bệnh hậu sản sau sinh là nhóm bệnh lý cả về tâm lý và thể chất mà người mẹ thường mắc phải trong thời gian ở cữ, thường là 42 ngày kể từ ngày sinh.

Cách nhận biết và điều trị những biến chứng hậu sản thường gặp

Nhiễm trùng sau sinh

Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở sản phụ sau khi sinh xuất phát từ đường sinh dục như âm đạo, cổ tử cung, tử cung trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh. Nhiễm trùng hậu sản là một tai biến sản khoa xảy ra do nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí đe dọa tính mạng của sản phụ. Các hình thái nhiễm trùng hậu sản thường gặp là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; viêm niêm mạc tử cung, viêm tử cung và viêm quanh tử cung, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch Triệu chứng nhận biết nhiễm trùng sau sinh

  • Sản dịch có mùi hôi
  • Có thể bị sốt
  • Tử cung co chậm và đau

Điều trị nhiễm khuẩn sau sinh

  • Không quan hệ sinh hoạt vợ chồng ngay sau sinh, khi mà sức khỏe chưa hồi phục. Cơ quan sinh sản rất cần được ‘nghỉ ngơi’ sau khi trải qua quá trình mang thai, vượt cạn, quan hệ tình dục sau sinh sớm sẽ dễ gây nên những tổn thương cho âm đạo và các cơ quan sinh sản, dẫn đến nhiễm trùng nhiễm khuẩn.
  • Hàng ngày phải giữ cho vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ, không nên dùng giấy thô nhám hay khăn ướt có mùi thơm để vệ sinh âm đạo.
  • Tránh đi lại nhiều, tránh vận động sớm trong giai đoạn 1 tháng sau sinh.
  • Thường xuyên vệ sinh, thay mới chăn ga gối đệm.
  • Vệ sinh vùng kín bằng nước đun sôi để ấm, tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo để tránh gây tổn thương.
  • Thay quần lót liên tục để giữ cho vùng sinh dục khô ráo để tránh nhiễm khuẩn sau sinh cũng là việc sản phụ nên làm.
  • Nếu thấy sản dịch đổi màu hoặc có mùi hôi, bộ phận sinh dục đau rát, sưng tấy thì cần báo ngay cho bác sĩ. Sau khi sinh 2 tuần, hãy chủ động thăm khám lại để chắc chắn tình trạng sức khỏe của mình, đề phòng nhiễm khuẩn sau sinh và phát hiện những vấn đề, đưa ra phương án xử lý kịp thời.

Băng huyết sau sinh

Sản phụ được xác định là bị băng huyết sau sinh nếu như lượng máu tiếp tục ra trên 500ml sau sinh ngả âm đạo hoặc trên 1.000ml sau mổ lấy thai. Băng huyết sau sinh thường gặp ở những thai phụ sinh nhiều lần, con to, nạo thai nhiều lần, có vết mổ ở tử cung. Xem thêm: Thai sản trọn gói Triệu chứng nhận biết nguy cơ băng huyết sau sinh

  • Người bệnh có biểu hiện sốc: mệt, tím tái, da xanh xao, khát nước, mạch nhanh nhỏ, huyết áp có thể tụt thấp (chảy máu càng nặng thì huyết áp càng giảm nhiều)
  • Chảy máu ồ ạt từ tử cung qua âm đạo ra ngoài.
  • Ra máu với các mức độ và hình thái khác nhau
  • Một số trường hợp máu chảy không qua âm đạo nhiều nhưng đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành các khối huyết tụ.

Điều trị nguy cơ băng huyết sau sinh Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về biện pháp khắc phục băng huyết sau sinh

  • Oxytocin truyền tĩnh mạch là loại thuốc co hồi tử cung đầu tay được khuyến cáo điều trị băng huyết sau sanh.
  • Nếu không có sẵn đường truyền Oxytocin hoặc chảy máu không đáp ứng với điều trị bằng oxytocin, thì việc sử dụng ergometrine đường tĩnh mạch, oxytocin-ergometrine phối hợp hoặc thuốc prostaglandin (bao gồm cả misoprostol ngậm dưới lưỡi 800mg) được khuyến cáo.
  • Nên ưu tiên truyền các dung dịch đẳng trương trước khi sử dụng các dung dịch keo trong hồi sức ban đầu cho phụ nữ bị băng huyết sau sinh.
  • Nên dùng acid tranexamic để điều trị băng huyết sau sanh nếu oxytocin và thuốc tăng co khác không cầm máu được hoặc nếu nghi ngờ chảy máu do chấn thương.
  • Xoa tử cung được đề nghị để điều trị băng huyết sau sinh.
  • Nếu sản phụ không đáp ứng với điều trị bằng thuốc tăng co tử cung hoặc không có sẵn thuốc tăng co tử cung, thì nên sử dụng bóng chèn lòng tử cung được khuyến cáo cho điều trị băng huyết sau sinh do đờ tử cung.
  • Nếu các biện pháp khác thất bại và nếu có điều kiện, có thể sử dụng thuyên tắc động mạch tử cung được khuyến cáo như là một điều trị băng huyết sau sinh do đờ tử cung.
  • Nếu máu không ngừng chảy mặc dù sản phụ đã được điều trị bằng các thuốc tăng co tử cung và can thiệp thủ thuật (như xoa bóp tử cung, bóng chèn lòng tử cung) thì can thiệp bằng phẫu thuật được khuyến cáo trong các trường hợp này.
  • Việc chèn tử cung bằng hai tay được khuyến cáo sử dụng tạm thời nhằm chèn ép chờ cho đến khi có biện pháp xử lý thích hợp khác trong điều trị băng huyết sau sinh do đờ tử cung sau khi sinh thường.
  • Việc chẹn động mạch chủ bên ngoài để điều trị băng huyết sau sinh do đờ tử cung sau khi sinh thường được khuyến cáo là một biện pháp tạm thời cho đến khi có phương pháp điều trị khác thích hợp được thực hiện.
  • Việc sử dụng chèn gạc buồng tử cung không được khuyến cáo cho điều trị băng huyết sau sinh do đờ tử cung sau sinh thường.
  • Nếu nhau thai không sổ tự nhiên, sử dụng Oxytocin 10UI tiêm tĩnh mạch và phối hợp với kéo dây rốn có kiểm soát được khuyến cáo.
  • Sử dụng ergometrine trong chảy máu do sót nhau không được khuyến cáo vì có thể làm co cứng tử cung làm nhau bị giữ lại trong buồng tử cung.
  • Không nên dùng prostaglandin E2 alpha (dinoprostone hoặc sulprostone) trong chảy máu do sót nhau.
  • Nên sử dụng kháng sinh đơn liều (ampicillin hoặc cephalosporin thế hệ I) trong trường hợp bóc nhau nhân tạo.

Băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở sản phụ, chiếm đến 35%. Băng huyết sau sinh là tai biến thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh.  bệnh hậu sản

Bế sản dịch

Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung. Sản phụ bị bế sản dịch nếu can thiệp muộn có thể dẫn tới rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nguy hiểm đến tính mạng. Nhằm phòng tránh hiện tượng bế sản dịch sau sinh ở lại trong buồng tử cung, phụ nữ sau khi sinh bắt buộc phải kiểm tra cổ tử cung để xem có những dấu hiệu bất thường nào xảy ra hay không. Thông thường, các bác sĩ thực hiện nong cổ tử cung để tống đẩy sản dịch, lấy hết phần dịch ứ đọng bên trong tử cung ra ngoài. Để an toàn thì sản phụ chỉ nên thực hiện thủ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín, với điều kiện vệ sinh sạch sẽ mới tránh được nhiễm trùng và di chứng về sau. Trên thực tế nong cổ tử cung là phương pháp an toàn, đơn giản trong điều trị bế sản dịch sau sinh mổ và sinh thường, bằng các thủ thuật nhẹ nhàng, các bác sĩ sẽ lấy tế bào, dịch ứ đọng và lớp tế bào bong tróc bên trong tử cung ra ngoài.  Một lưu ý nhỏ trước khi thực hiện nong cổ tử cung là sản phụ bắt buộc sẽ phải trải qua cuộc kiểm tra xem bên trong tử cung có sản dịch nhiều không. Khi nằm ngủ không nên nằm vắt chéo hai chân lên nhau vì điều này có thể khiến cho sản dịch bị ứ lại trong buồng tử cung và không thể chảy hết ra ngoài. Ngoài ra, nghỉ ngơi hợp lý và vận động nhẹ nhàng cũng là cách điều trị bế sản dịch sau sinh mổ hiệu quả. Quá trình vận động sẽ giúp tử cung co hồi rất tốt để tống dần sản dịch ra ngoài. Sau khi sinh mổ, tốt nhất sản phụ chỉ nên kiêng cữ sau sinh một cách hợp lý, nghỉ ngơi trong ngày đầu tiên, sau đó đứng dậy tập đi lại, vận động nhẹ nhàng để giúp cho dạ con co lại nhanh chóng đồng thời giúp cho sản dịch bị đẩy nhanh ra ngoài, hoàn thành xong quá trình hậu sản.

Tắc tia sữa, áp xe vú

Tắc tia sữa Hiện tượng tắc tia sữa là hiện tượng sữa không thoát ra ngoài được, hoặc thoát ra với lượng rất nhỏ mỗi khi bé mút hoặc có tác động giống như lực mút của trẻ, do sự chèn ép từ bên ngoài hay một lý do nào đó khiến ống dẫn sữa bị tắc bên trong. Tắc tia sữa nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú, thậm chí là hình thành xơ tuyến vú, nhiễm trùng. Tắc tia sữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt thời gian cho con bú, đặc biệt là những ngày đầu sau sinh. Triệu chứng hiện tượng tắc tia sữa

  • Bầu vú căng, cứng, đau nhức, mức độ ngày càng tăng dần khiến người mẹ vô cùng đau đớn, khó chịu.
  • Khi sờ vào ngực thấy một hoặc nhiều cục cứng.
  • Sữa tiết ra ít hoặc không tiết ra.
  • Người mẹ có thể phát sốt.

Điều trị hiện tượng tắc tia sữa Khi gặp hiện tượng tắc tia sữa, cách chữa hiệu quả là hãy duy trì việc cho bé bú sữa mẹ, tuyệt đối không cho ngưng bú để ngăn chặn cơn đau. Cho trẻ bú mẹ thường xuyên sẽ giúp tình trạng này giảm đi rất nhiều hoặc mẹ cũng có thể sử dụng máy hút sữa nhằm thông tia sữa bị tắc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Hãy nhẹ nhàng massage bầu vú trong khi con đang bú hoặc đang hút sữa bằng máy. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên nghỉ ngơi thật nhiều, bổ sung thêm nước để sữa tiết ra đều đặn hơn.
  • Cho bé bú bên ngực bị đau trước: Nếu bầu vú không quá đau đớn, bạn nên cho con bú ở ngực bị tắc tia sữa trước bởi lúc này con sẽ bú bằng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó giúp khai thông các tia sữa bị tắc.
  • Chườm ấm quanh bầu ngực có thể giúp sữa chảy đều đặn hơn.
  • Thay đổi tư thế cho con bú: Nếu thường xuyên bế con khi cho bé bú, bạn có thể chuyển sang tư thế nằm xuống, điều này sẽ giúp sữa trong các tia được hút hết ra ngoài.
  • Mẹ nên xoa bóp vùng ngực đau thường xuyên và đều đặn. Hãy bắt đầu từ bầu vú hướng dần vào trong núm vú. Áp dụng biện pháp chườm ấm trước khi cho con bú có thể giúp khai thông các tia sữa, hỗ trợ giảm đau và sưng.
  • Chế độ dinh dưỡng: Hãy uống thật nhiều nước, đồng thời bổ sung những loại thức ăn có khả năng tăng cường sức đề kháng.
  • Nghỉ ngơi: Tuy bạn khó có thể nghỉ ngơi khi phải chăm sóc con cả ngày nhưng điều này lại rất quan trọng. Khi bé ngủ, bạn hãy cố gắng chợp mắt cùng con. Ngoài ra, để tiết kiệm sức lực, bạn có thể để những đồ đạc thường xuyên sử dụng ở gần mình, chẳng hạn như tã lót, đồ chơi, bình sữa… Nếu có thể hãy nhờ người thân trông con hộ để được nghỉ ngơi.bệnh hậu sản Khi gặp hiện tượng tắc tia sữa, cách chữa hiệu quả là hãy duy trì việc cho bé bú sữa mẹ

Áp xe vú Áp xe vú là hiện tượng xuất hiện các ổ viêm ở sâu bên trong tuyến vú. Các ổ viêm này do vi khuẩn gây ra, chủ yếu là liên cầu khuẩn và tụ cầu. Áp xe vú thường xảy ra ở phụ nữ cho con bú. Vi khuẩn từ đầu vú, lợi dụng các vết thương, theo ống dẫn sữa đi vào bên trong gây viêm nhiễm tuyến vú. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú. Triệu chứng của áp xe vú

  • Bệnh nhân sốt cao, rét run.
  • Vú sưng - nóng - đỏ - đau, khi thăm khám thấy các nhân mềm, có ổ chứa dịch ấn lõm. Hạch nách ấn đau, sữa có lẫn mủ vàng.
  • Siêu âm vú có nhiều ổ chứa dịch.
  • Xét nghiệm Công thức máu: bạch cầu trung tính tăng
  • Xét nghiệm CRP (C - reactive protein) tăng.
  • Chọc dò ổ viêm có mủ, cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ.
  • Trong một số trường hợp, áp xe vú có thể là dấu hiệu ung thư vú.

Điều trị áp xe vú 

  • Cần nghỉ ngơi nhiều, không cho con bú bên áp xe
  • Nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa nhưng đảm bảo dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe
  • Chỉ cho bú bên không áp xe hoặc vắt sữa để tránh nhiễm khuẩn cho cả em bé
  • Xoa bóp nhẹ nhàng, chườm nóng và vắt bỏ sữa để hỗ trợ thông tuyến sữa
  • Sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp uống thuốc không thể điều trị triệt để bệnh thì bên vú áp xe có thể được trích rạch nhằm giải phóng lượng mủ nhưng chỉ thực hiện với vùng áp xe nông. Sau khi tháo mủ sẽ đặt ống dẫn lưu để bơm rửa các ổ dịch bằng dung dịch sát khuẩn và dùng thuốc kháng sinh toàn thân.

Ổ áp xe vú có thể hình thành ở trước tuyến, trong tuyến, sau tuyến. Tiến triển một ổ áp xe thường trải qua ba giai đoạn: viêm, tạo thành áp xe, hoại tử. Biến chứng nặng nề nhất của áp xe vú là hoại tử vú.

Táo bón và trĩ

Bệnh trĩ và táo bón có thể xuất hiện trong thời gian hậu sản cũng như lúc phụ nữ mang thai. Tình trạng này đôi lúc trở nên trầm trọng hơn do sự tăng kích thước của tử cung tạo áp lực lên các tĩnh mạch bụng dưới. Biện pháp cải thiện có thể bao gồm: Thuốc mỡ và thuốc xịt kèm theo chế độ ăn giàu chất xơ và chất lỏng. Lưu ý là bạn không nên sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc đạn hoặc thụt mà chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn bị cắt tầng sinh môn hoặc có vết khâu ở vùng đáy chậu. Điều trị táo bón sau sinh

  • Đối với phụ nữ đang cho con bú việc sử dụng thuốc điều trị là ưu tiên hàng đầu. Mẹ cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bởi thuốc sẽ bài tiết qua sữa mẹ. Khi trẻ bú phải nguồn sữa vẫn chưa đào thải hết lượng thuốc ra ngoài, bé vô tình trở thành người dùng thuốc bị động, gây nên những ảnh hưởng không tốt.
  • Ngoài ra, có một lời khuyên nữa dành cho các mẹ bị táo bón sau sinh, là không nên sử dụng phương pháp thụt tháo để chữa táo bón, bởi việc thụt tháo sẽ tác động vào hậu môn gây nên những tổn thương đau đớn. Đặc biệt, việc dùng thuốc thụt lâu ngày sẽ làm giãn cơ trơn hậu môn gây mất phản xạ mót rặn.
  • Mẹ cần bổ sung đầy đủ các loại rau, hoa quả tươi vào thực đơn hàng ngày. Táo bón xảy ra là do chế độ ăn thiếu chất xơ và nước. Để phòng chống táo bón sau sinh, các mẹ cũng nên ăn thêm sữa chua vì trong sữa chua có chứa probiotic giúp kích thích hệ tiêu hóa. Bổ sung các loại hoa quả giúp nhuận tràng như chuối, táo, lê, cam, bưởi.
  • Các mẹ cũng nên hạn chế các loại thức ăn khó tiêu như: đồ chiên rán, dầu mỡ, kiêng ăn các thức ăn tinh chế như súp đặc, thức ăn nhanh. Không sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè đặc…
  • Khi ăn cần ăn đúng giờ, nên chia nhỏ bữa ăn và ăn các loại thức ăn lỏng , không ăn các loại thức ăn rắn, khó tiêu. Có thể bổ sung một cốc sữa chua trước khi đi ngủ, giúp cải thiện đáng kể vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
  • Uống nhiều nước và giữ cho tinh thần thoải mái vì stress cũng là một lý do ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây nên tình trạng táo bón. Nước được hấp thụ một phần ở ruột non và ruột già. Tại ruột non, khi nước đã đảm bảo hấp thụ đủ thì khối phân sau quá trình tiêu hóa sẽ giữ được nước, phân trở nên mềm và mẹ sẽ không mất nhiều sức hay đau đớn khi đi nặng.
  • Tập thể dục vận động
  • Thay đổi thói quen đi vệ sinh: Đi vệ sinh đúng giờ là một việc làm giúp các mẹ tránh tình trạng táo bón sau sinh. Cũng tuyệt đối không được nhịn đại tiện. Khi nhịn đi đại tiện sẽ làm tăng áp lực lên đại tràng, lâu dần sẽ làm mất cảm giác mót rặn. Ngoài ra, bỏ thói quen ngồi lâu trong nhà vệ sinh bởi ngồi lâu gây áp lực lớn lên các tĩnh mạch gây trĩ và táo.
  • Thư giãn: Các chuyên gia cho rằng việc các mẹ thường xuyên lo lắng, căng thẳng quá mức cũng gây nên tình trạng táo bón và các vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, mẹ nên dành thời gian thư giãn cho bản thân bằng nhiều cách.

Điều trị bệnh trĩ sau sinh Ưu tiên hàng đầu của điều trị trĩ sau sinh là phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn, các thuốc được sử dụng sẽ được cân nhắc lựa chọn phù hợp và an toàn với phụ nữ cho con bú và đảm bảo hiệu quả điều trị. Tuy nhiên một số vài trường hợp bệnh ở mức độ quá nặng, gây biến chứng như chảy máu cấp tính không hiệu quả với điều trị bảo tồn, thuyên tắc hay hoại tử búi trĩ cần phải can thiệp phẫu thuật. Các loại thuốc thường được sử dụng như thuốc làm co mạch và tăng tính bền của thành mạch, giúp giảm kích thước búi trĩ cũng như giảm chảy máu, thuốc chống viêm giảm đau, giảm sưng nề búi trĩ, thuốc chống co thắt cơ vòng hậu môn, thuốc làm mềm phân giúp đại tiện dễ dàng hơn, tránh táo bón làm nặng thêm tình trạng trĩ. Các nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị trĩ. Việc lựa chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào thăm khám và đánh giá về mặt lâm sàng, sự lựa chọn của bệnh nhân cũng là yếu tố cân nhắc quan tâm trước khi chỉ định phương pháp phẫu thuật. Phương pháp cắt trĩ kinh điển được chỉ định cho những trường hợp trĩ hỗn hợp, trĩ có biến chứng tắc mạch, trĩ nội sa biến chứng nghẹt.  Khi về nhà, để việc trị liệu được hiệu quả hơn, chị em nên thường xuyên ngâm hậu môn với nước muối ấm khoảng 15 phút mỗi ngày, rửa lại bằng nước sạch sau mỗi lần đi đại tiện, nên ăn nhiều rau xanh, quả tươi và chú ý uống đủ lượng nước mỗi ngày. Hạn chế tối đa việc ăn đồ ăn cay nóng hoặc chất kích thích, luyện tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày đồng thời tránh làm việc nặng hay đứng hoặc ngồi quá lâu.

Đại - tiểu tiện không tự chủ

Tình trạng tiêu tiểu không tự chủ sau sinh có thể làm khổ một số bà mẹ trong thời gian ngắn. Nguyên nhân của tình trạng vô tình tiểu, đặc biệt là khi cười, ho hoặc căng thẳng, thường là do sự kéo giãn của đáy bàng quang trong thời gian mang thai và sinh nở. Thông thường, thời gian là tất cả những gì cần thiết để đưa cơ bắp của bạn trở lại bình thường. Bạn có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi này bằng cách thực hiện các bài tập Kegel. Để đối phó với tình trạng này, bạn hãy sử dụng băng vệ sinh. Nếu tình trạng tiêu tiểu không tự chủ kéo dài, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến các hiện tượng như đau nhức, nóng rát, khó chịu khi đi tiểu bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng bàng quang. Việc “đi nặng” không kiểm soát thường được cho là do sự kéo dài và suy yếu của cơ xương chậu, rách đáy chậu và tổn thương thần kinh đối với các cơ vòng quanh hậu môn trong khi sinh. Tình trạng này khá phổ biến ở những phụ nữ sinh thường và có thời gian chuyển dạ kéo dài. Mặc dù tình trạng đi đại - tiểu tiện không tự chủ thường biến mất sau vài tháng, nhưng bạn vẫn có thể hỏi bác sĩ về những bài tập giúp kiểm soát hành động này. Trong trường hợp vấn đề này không cải thiện, biện pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc.

Lên máu hậu sản

Lên máu hậu sản là tình trạng huyết áp mẹ sau sinh bị ảnh hưởng (còn gọi là cao huyết áp sau sinh). Nếu sau khi sinh hơn 12 tuần mà huyết áp của bạn không trở lại bình thường thì được xác định là cao huyết áp. Đại đa số tăng huyết áp là vô căn cứ và không xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Biến chứng của bệnh cao huyết áp sau sinh nếu không được phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả tốt rất có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm như: Dày thất trái, giãn thất phải, suy tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, bệnh lý về võng mạc, suy thận, tiểu đạm, bệnh lý mạch máu ngoại biên.

Chứng sản giật

Sản giật là biến chứng của những rối loạn tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ với 3 triệu chứng: tăng huyết áp, protein niệu và phù. Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu kéo dài và tử vong. Sản giật có thể xảy ra 50% trước đẻ, 25% trong đẻ, 25% sau đẻ. Triệu chứng nhận biết nguy cơ sản giật

  • Nhiễm độc thai nghén nặng (phù, tăng huyết áp, protein niệu...)
  • Hội chứng tiền sản giật: nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, có thể nôn, đau thương vị…
  • Xuất hiện cơn sản giật với các đặc điểm đột ngột qua 4 giai đoạn: xâm nhiễm, co cứng, co giật giãn cách và hôn mê. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi sản phụ lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu và tử vong.

Điều trị chứng sản giật Nếu như đang lên cơn giật thì sản phụ phải được để nghiêng về một bên để tránh hít phải đờm dãi và đảm bảo máu lưu thông đến rau thai được tốt. Một mảnh ngáng lưỡi mềm hoặc một ống dẫn khí bằng nhựa đặt vào giữa hai hàm răng. Hút dịch và thức ăn ra khỏi thanh môn hoặc khí quản. Có thể cắt cơn giật bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc magie sulfat 4g hoặc diazepam 5 - 10 mg trên 4 phút hoặc cho đến khi cơn giật ngừng. Tiêm truyền magie sulfat tĩnh mạch liên tục, sau đấy bắt đầu với tốc độ 3g/giờ trừ khi bệnh nhân được biết là có suy giảm chức năng thận đáng kể. Sau đấy cứ 4 - 6 giờ kiểm tra nồng độ magie huyết một lần và tốc độ truyền được điều chỉnh để giữ được nồng độ trong máu cần thiết cho điều trị. Phản xạ gân xương sâu, nhịp và độ sâu của hô hấp và lượng nước tiểu bài tiết được kiểm tra hàng giờ để theo dõi sự nhiễm độc magie, điều đó có thể giải độc được bằng gluconat calci. Luôn theo dõi thai liên tục, nhóm máu và phản ứng chéo một cách nhanh chóng. Đặt thông đái để theo dõi sự bài tiết nước tiểu và gửi máu đi xét nghiệm, đếm tiểu cầu, men của gan, acid uric, creatinin hoặc ure và điện giải đồ. Nếu có tăng huyết áp với các huyết áp tâm trương trên 110mmHg cần cho thuốc hạ huyết áp để làm giảm huyết áp tâm trương xuống còn 90 - 100mmg Ng. Huyết áp thấp có thể gây ra suy rau thai do giảm sự tưới máu. Hydralazin được cho tăng dần lên từ 5 đến 10mg bằng đường tĩnh mạch cứ 20 phút một lần được sử dụng đều đặn để hạ thấp huyết áp. (chú ý rằng hydralazin tiêm mới đây đã thôi không sản xuất. Người ta đã thấy trước rằng nó sẽ được cải biên và hiện đã có lại). Nifedipin 10 mg ngậm dưới lưỡi hoặc uống labetalol 10 - 20 mg tĩnh mạch cũng có thể dùng được. Oxytocin có thể dùng được để khởi động hay thúc đẩy chuyển dạ. Gây tê vùng hoặc gây mê co thể chấp nhận được. Mổ lấy thai được sử dụng đối với những chỉ định sản khoa thông thường hoặc khi cần lấy thai nhanh chóng do có những chỉ định vì mẹ hoặc vì thai. Việc tiêm truyền magie sulfat cần tiếp tục cho đến hết sản giật, để bắt đầu giải quyết hậu sản. Điều này có thể mất 1 - 7 ngày. Chỉ báo đáng tin cậy nhất là lượng nước tiểu bài tiết trên 100 - 200ml/giờ. Khi điều đó xảy ra, magie có thể ngừng sulfat. Cơn tiền sản giật - sản giật muộn có thể xảy ra trong thời kỳ hậu sản. Nó thường được biểu hiện bởi tăng huyết áp hoặc cơn giật. Điều trị giống như trước đẻ, nghĩa là có thể sử dụng magie sulfat vì thai không còn bị ảnh hưởng nữa mặc dù dùng thuốc chống cơn giật khác.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh con là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Triệu chứng nhận biết trầm cảm sau sinh

  • Suy nhược cơ thể: Đây chính là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh. Có rất nhiều bà mẹ sau khi sinh con xong liền rơi vào trạng thái vô vọng, đau khổ và thậm chí là khóc lóc cả ngày mà không vì một lý do nào cả. Đôi khi, bản thân họ cảm thấy mình không được quan tâm, bị mọi người bỏ rơi, cảm giác này kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi triền miên và suy nhược cơ thể. 
  • Lo lắng, đau cơ thể không rõ nguyên nhân: Sau sinh, bà mẹ thường có nhiều mối lo về bản thân, gia đình và con cái, nhiều người cảm thấy đau dữ dội ở cổ và đầu, lưng, ngực nhưng khi khám thì không tìm ra nguyên nhân.
  • Hoảng hốt: Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con thường cảm thấy hoảng hốt với những điều có thể xảy ra hàng ngày, sau khi hoảng hốt thì rất khó để họ bình tĩnh lại. Cách tốt nhất trong trường hợp này chính là tránh để những tình huống đó xảy ra lặp lại nhiều lần.
  • Căng thẳng: Dấu hiệu căng thẳng thường xuyên sẽ làm cho chứng trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Loại căng thẳng này là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh và không thể điều trị bằng thuốc an thần, tuy nhiên, nếu chuyển sang một số dạng thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn thì sẽ tốt.
  • Cảm giác bị ám ảnh: Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh con thường hay bị ám ảnh về một việc, một người hay một hành động cụ thể nào đó. Những nỗi ám ảnh có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi mà không có nguyên do. Trường hợp này, mẹ nên nói chuyện với gia đình và bác sĩ để tránh có những hành động không tốt đến con mình.
  • Mất tập trung: Đây là biểu hiện trầm cảm sau sinh dễ bị bỏ qua, lúc này mẹ sẽ thường khó tập trung để làm một việc gì đó và cảm thấy trí nhớ sao kém quá, không sắp xếp được suy nghĩ và dần cảm thấy bản thân rất tồi tệ.
  • Rối loạn giấc ngủ: Phụ nữ sau sinh bị trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ và thường hay bị thức giấc vào giữa đêm hoặc thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được nữa. Trong trường hợp này, ngoài việc tích cực điều trị thì tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
  • Tình dục: Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường sẽ bị mất ham muốn tình dục trong thời gian dài và thường sẽ khỏi nếu mẹ bị hết trầm cảm.

Điều trị trầm cảm sau sinh Tâm lý trị liệu: Một liệu pháp tâm lý – điều trị bằng cách trò chuyện về tình trạng của mẹ và những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần. Trị liệu tâm lý có thể hỗ trợ tinh thần và giúp bạn hiểu cảm xúc của mình, xác định các vấn đề và tìm cách giải quyết. Mẹ nên tham gia các hội nhóm hỗ trợ trầm cảm sau sinh. Ở đây mẹ có thể chia sẻ những thông tin hữu ích về kinh nghiệm, cách ứng phó với trầm cảm sau sinh. Việc tham gia những hội nhóm này có thể rất hữu ích để tìm thấy sự đồng cảm và giúp đỡ. Tập thể dục có thể giúp nâng cao tinh thần của bạn. Một khi bạn đã phục hồi thể chất sau khi sinh, hãy cố gắng tập thể dục mỗi ngày. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục sau khi hồi phục sức khỏe hậu quá trình sinh nở có thể giúp gia tăng cảm giác hạnh phúc. Bạn có thể lựa chọn một chương trình luyện tập phù hợp với thể trạng của mình. Sử dụng men vi sinh đặc hiệu (psycho-biotic) giúp ích cho mối tương tác hai chiều giữa não bộ và đường ruột. Trong đó hệ khuẩn chí đường ruột đóng một vai trò rất quan trọng giúp sự trao đổi thông tin giữa não bộ - đường ruột  xảy ra theo một cách đúng đắn. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã dùng những chủng vi khuẩn có lợi được chọn lọc đặc biệt nhờ khả năng tác động tích cực lên hoạt động của trục não – ruột gọi là psychobiotics để tái lập lại sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ bảo vệ và cải thiện sức khỏe của đường ruột, giảm các triệu chứng mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, đau đầu. Đây là một lựa chọn an toàn và phù hợp đối với các bà mẹ đang mang thai hoặc cho con bú.  Trong các trường hợp điều trị trầm cảm sau sinh lần đầu tiên, ưu tiên lựa chọn các loại thuốc có dữ liệu an toàn nhiều hơn cả đó là sertraline và paroxetine (thuộc nhóm SSRIs). Các thuốc ưu tiên lựa chọn trong nhóm chống trầm cảm ba vòng là nortriptyline và imipramine. Đối với trường hợp bị loạn thần sau sinh (xuất hiện ảo giác, hoang tưởng), hoặc có ý định, kế hoạch tự tử hoặc sát hại con thì ngay lập tức cần nhập viện để cách ly bà mẹ khỏi em bé và để điều trị đặc hiệu. 

Các thuốc ưu tiên lựa chọn trong nhóm chống trầm cảm ba vòng là nortriptyline và imipramine Các thuốc ưu tiên lựa chọn trong nhóm chống trầm cảm ba vòng là nortriptyline và imipramine

Biện pháp phòng ngừa biến chứng hậu sản

Chăm sóc sức khỏe

Đối với các mẹ, quá trình chăm sóc sau sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe về sau. Theo các chuyên gia, mẹ được chăm sóc cẩn thận sẽ mau hồi phục và tránh được các biến chứng hậu sản nguy hiểm. Sau khi sinh mẹ cần được theo dõi sức khỏe liên tục trong vòng 3 ngày.  Trong khoảng thời gian ấy, mẹ cần:

  • Theo dõi huyết áp
  • Chú ý dấu hiệu của sốc, choáng, sự co của tử cung
  • Theo dõi màu, số lượng, mùi của sản dịch
  • Chú ý thể chất và tinh thần để kịp thời phát hiện các tình trạng băng huyết, sản dịch, sót nhau thai, nhiễm khuẩn hậu sản…
  • Sản phụ nên vận động và đi lại ngay khi có thể và 
  • Theo dõi lượng nước tiểu, số lần đại tiện để hạn chế liệt ruột và bàng quang. 
  • Sản phụ sau sinh còn cần phải giữ ấm cơ thể, không để cơ thể nhiễm lạnh, không dùng quạt trực tiếp. Đặc biệt cần nằm trong phòng kín không có gió lùa, không ra ngoài khi trời gió lạnh, không sử dụng nước lạnh.
  • Vệ sinh vùng kín đóng vai trò quan trọng để tránh các hậu quả hậu sản sau sinh. Phụ nữ cần mặc quần áo rộng rãi để sản dịch nhanh thoát ra ngoài, thay quần áo lót thường xuyên và vệ sinh vùng kín sạch sẽ nhằm tránh viêm nhiễm.
  • Mẹ vừa mới trải qua một cuộc chuyển dạ nên cần phải có một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, giúp mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.

Chế độ ăn uống của sản phụ sau sinh cần lưu ý:

  • Sản phụ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ. Chú ý nguyên tắc sản phụ sẽ ăn từ lỏng đến đặc, ăn cơm khi đã xì hơi.
  • Trong ngày đầu tiên sau sinh, sản phụ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng. Sau khi xì hơi, sản phụ ăn uống như bình thường, tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa...,
  • Tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Thay vào đó, mẹ cần uống đủ nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày, ăn chín, tăng cường rau xanh, trái cây và uống thêm nước hoa quả, sữa... để tránh táo bón.
  • Sản phụ nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, trái cây..., tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa.
  • Bổ sung dinh dưỡng, nhất là thực phẩm dễ tiêu hóa, bữa ăn cần đầy đủ các thành phần như ngũ cốc, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin để cơ thể nhanh chóng phục hồi.

Chăm sóc tinh thần

Ngủ đủ giấc cho bà mẹ là điều hết sức quan trọng. Những người thân trong gia đình cần hỗ trợ chăm sóc bé để cho mẹ ngủ. Trung bình mỗi ngày, mẹ ngủ khoảng 8 - 9 tiếng. Lúc ngủ, cơ thể người phụ nữ sẽ lấy lại sức khỏe, năng lượng và giúp sự tiết sữa tốt. Đồng thời giúp người mẹ có tinh thần thoải mái, tránh được căng thẳng, trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, trách nhiệm và sự quan tâm của người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng đối với người vợ sau khi sinh là rất quan trọng. Việc cần làm lúc bấy giờ là sự thấu hiểu, sẻ chia những lo lắng, băn khoăn với vợ, chăm con và giúp đỡ việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi. Bản thân người mẹ sau sinh nên gặp gỡ, tâm sự với bạn bè để giải tỏa tâm lý, tích cực lạc quan hơn. Với các mẹ sau sinh, việc phục hồi sức khỏe trong giai đoạn này là vấn đề vô cùng quan trọng. Mẹ càng sớm phục hồi sức khỏe càng hạn chế tối đa các bệnh hậu sản xuất hiện. Hy vọng với những tổng hợp về các chứng bệnh hậu sản, triệu chứng và cách phòng ngừa, khắc phục sẽ phần nào giúp ích cho mẹ và người thân.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: 

https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh - Trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe 5*
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay