Sinh thiết phổi là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng mang lại nhiều giá trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý phổi. Các thủ thuật sinh thiết giúp bác sĩ đánh giá chính xác các bất thường ở phổi của người bệnh. Từ đó, đề ra hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.
Sinh thiết phổi là kỹ thuật gì?
Sinh thiết phổi là một thủ thuật xâm lấn nhằm lấy mẫu tế bào/ mẫu mô ở phổi ra khỏi cơ thể. Mẫu mô tế bào đó sẽ được quan sát, chẩn đoán nhằm đưa ra kết luận bệnh lý cho bệnh nhân. Trong đó, phát hiện ra các tình trạng như: viêm phổi, khối u phổi, phổi kẽ, viêm phổi quá mẫn,…
Thủ thuật sinh thiết phổi được thực hiện dưới dạng kỹ thuật mở hoặc kín. Với cả hai kỹ thuật, người bệnh đều được gây mê nên không hề thấy đau đớn. Đây cũng là một kỹ thuật với mức xâm lấn tối thiểu, nên được đánh giá là an toàn và có độ chính xác cao.
Sinh thiết phổi là phương pháp hiệu quả trong xác định tổn thương ở phổi
Khi nào thì cần thực hiện sinh thiết phổi
Với những kết quả bất thường từ phim chụp, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm sinh thiết phổi. Các kết quả từ sinh thiết phổi sẽ là căn cứ thuyết phục nhằm chẩn đoán đúng bệnh lý. Trong đó, sẽ làm rõ những thông tin sau:
- Làm rõ những bất thường ở kết quả chụp cắt lớp vi tính.
- Xác định tính chất khối u là u lành tính hay ác tính (trong trường hợp khối u đã hình thành)
- Xác định giai đoạn phát triển của khối u
- Giúp chẩn đoán nguyên nhân tràn dịch màng phổi
- Làm rõ thêm về bệnh lý viêm, nhiễm trùng ở phổi
Có thể bạn quan tâm:
- Khi nào cần nội soi phế quản: Ngay khi có các dấu hiệu này
- 11 dấu hiệu ung thư phổi mà bạn cần đặc biệt lưu ý
- Tràn dịch màng phổi: Tổng quan về triệu chứng, hướng điều trị
Phân loại sinh thiết phổi
Đối với các tình trạng khác nhau, bác sĩ sẽ có chỉ định khác nhau. Điều này phụ thuộc vào từng người bệnh.
Sinh thiết kim
Phương pháp được thực hiện bằng cách đâm kim qua thành ngực. Kỹ thuật này được hướng dẫn và mô phỏng bởi ảnh chụp CT hoặc X-quang. Từ đó, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô ở khu vực có bất thường để kiểm tra.
Sinh thiết xuyên phế quản
Kỹ thuật sinh thiết phổi này được thực hiện đồng thời với nội soi phế quản. Kết quả nội soi sẽ được chiếu trực tiếp trên màn hình hiển thị nên đảm bảo độ chính xác cao. Sinh thiết phổi qua nội soi phế quản được sử dụng nhiều trong việc đánh giá tổn thương nằm gần/ nằm cạnh đường dẫn khí.
Sinh thiết thông qua nội soi lồng ngực
Với phương pháp này, ống nội soi sẽ được đưa xuyên qua thành ngực để đi vào trung thất. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy mô thông qua ống nội soi. Phương pháp sinh thiết này khá giống với sinh thiết xuyên phế quản và chỉ khác ở vị trị dùng ống nội soi.
Sinh thiết mở
Kỹ thuật sinh thiết phổi mở là phương pháp phẫu thuật mổ ngực nhằm lấy mẫu mô bất thường. Phương pháp này tuân thủ đúng với tiêu chí của một cuộc phẫu thuật. Do vậy, người bệnh cần có thời gian nghỉ ngơi, theo dõi tại viện sau đó.
Phương pháp mổ ngực để lấy mẫu mô trực tiếp là đặc trưng của kỹ thuật sinh thiết phổi mở
Chuẩn bị trước khi làm sinh thiết phổi
Trước khi làm sinh thiết, bệnh nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó. Dưới đây là những lưu ý trước ca sinh thiết màng phổi:
- Chia sẻ với bác sĩ tình trạng bệnh sử, tình trạng dị ứng và các loại thuốc đang sử dụng.
- Thông báo về tình trạng thai kỳ dù không có thai hoặc đang mang thai.
- Chuẩn bị tâm lý bằng cách trao đổi, hiểu rõ hơn về phương pháp, cách thức sinh thiết hoặc các biến chứng.
- Trước khi ca sinh thiết bắt đầu, bệnh nhân cần nhịn ăn 5 – 6 tiếng.
- Chuẩn bị quần áo, đồ dùng sinh hoạt để nhập viện sau thủ thuật.
Theo dõi sau khi làm sinh thiết phổi
Với các kỹ thuật sinh thiết khác nhau sẽ có quá trình phục hồi khác nhau. Sau khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được theo dõi ở phòng hồi sức (đối với phương pháp gây mê). Người bệnh sẽ được theo dõi mạch, nhịp thở, huyết áp tại phòng dưỡng bệnh hoặc được xuất viện sớm sau đó.
Sau mỗi thủ thuật, đa số bệnh nhân đều khá lo lắng về các biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh có thể yên tâm khi làm sinh thiết phổi ở những cơ sở y tế uy tín. Bệnh nhân nên sát sao theo dõi tình trạng sức khỏe sau đó, để có phương án nhập viện kịp thời.
Hãy lưu ý những điều sau:
- Hạn chế hoạt động mạnh/ vận động mạnh vài ngày sau khi chọc sinh thiết.
- Nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ và tránh làm việc quá sức.
- Ăn uống đầy đủ, đủ dinh dưỡng và uống đủ nước.
- Chú ý tới những nguy cơ sau: khó thở, đau khi thở, đau ngực, ho ra máu, sốt cao kèm rét run,…
- Thông báo cho bác sĩ nếu như có dấu hiệu sưng, đỏ, chảy dịch hay nhiễm trùng bất thường ở vị trí đã sinh thiết.
Giải đáp những nghi vấn phổ biến về sinh thiết phổi
1. Các biến chứng sau khi sinh thiết phổi
Các kỹ thuật sinh thiết đều có mức xâm lấn tối thiểu để lấy mẫu mô tế bào. Do vậy, người bệnh có thể gặp những biến chứng sau đó.
A/ Biến chứng của kỹ thuật sinh thiết mở và nội soi lồng ngực
Hai kỹ thuật này đều sử dụng chung phương pháp gây mê toàn thân. Những người bệnh thực hiện phương pháp gây mê sẽ gặp những nguy cơ như sau:
- Viêm phổi
- Cảm thấy khó chịu, đau
- Có nguy cơ nhiễm trùng
- Bị đông máu, bị mất máu
Sinh thiết phổi qua nội soi là phương pháp an toàn, ít biến chứng
B/ Biến chứng của kỹ thuật sinh thiết bằng kim và thông qua phế quản
Các kỹ thuật này được chỉ định gây tê cục bộ kèm theo an thần nhẹ. Các biến chứng có thể xảy ra là:
- Nhiễm trùng
- Tràn khí màng phổi
- Chảy máu bên trong phổi
Với những dấu hiệu bất thường của cơ thể, bệnh nhân cần trao đổi ngay với bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp người bệnh được điều trị sớm, trước khi biến chứng trở nặng.
2. Sinh thiết phổi qua nội soi phế quản có an toàn?
Sinh thiết phổi là một thủ thuật không gây nguy hiểm cho người bệnh. Phương pháp sinh thiết phổi qua nội soi phế quản
cũng như vậy. Phương pháp cho độ chính xác cao dưới sự hướng dẫn của màn huỳnh quang và đầu dò linh hoạt. Từ đó, tiếp cận và can thiệp trực tiếp đến tổn thương.
Sau thủ thuật, người bệnh có thể sẽ cảm thấy hơi đau rát họng, khàn tiếng, ho ra máu,… Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bình thường và có thể hồi phục sau 24 giờ tới.
3. Sau bao lâu sẽ được nhận kết quả sinh thiết?
Sau khi thực hiện thủ thuật xong, người bệnh phải chờ từ 2 – 4 ngày sau đó. Cũng có các trường hợp người bệnh chờ tới 7 ngày. Tuy nhiên, điều này không thường xuyên diễn ra nên người bệnh có thể yên tâm.
Những yếu tố quyết định việc nhận kết quả nhanh hay chậm, đó là phụ thuộc số lượng người bệnh và cơ sở y tế. Do vậy nếu có thể, hãy lựa chọn sinh thiết ở bệnh viện tư nhân và có trang thiết bị, máy móc hiện đại.
Sinh thiết phổi tạo điều kiện cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh lý đơn giản hơn. Do vậy, người bệnh nên thực hiện sinh thiết ngay khi được chỉ định.
Đăng ký khám và nhận tư vấn tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trang bệnh, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.