Cứu sống sản phụ bị băng huyết do rối loạn đông máu và đờ tử cung sau sinh

Cứu sống sản phụ bị băng huyết do rối loạn đông máu và đờ tử cung sau sinh

14-01-2022

Ngày 03/12 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc đã cứu sống thành công một sản phụ mắc chứng rối loạn đông máu, đờ tử cung gây băng huyết sau sinh cực kỳ nguy hiểm.

Nỗi ám ảnh của sản phụ và bác sĩ sản khoa

 

Mang thai và sinh con là niềm hạnh phúc của người phụ nữ nhưng điều đó cũng có nghĩa là để trở thành một người mẹ, phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, đôi khi là phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Băng huyết sau sinh dẫn đến tử vong do không được cấp cứu kịp thời là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm nhất, cũng là nỗi ám ảnh của sản phụ và các bác sĩ sản khoa. Trên toàn cầu, đây là một trong 05 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ sau sinh (1). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh trong đó rối loạn đông máu và đờ tử cung là hai nguy cơ nặng nhất.

Rối loạn đông máu là rối loạn chức năng của cơ thể để kiểm soát sự hình thành các cục máu đông dẫn đến chảy máu bất thường, chảy máu quá nhiều do không thể tự cầm máu. Rối loạn đông máu nguy hiểm hơn nhiều đối phụ nữ mang thai bởi vì nó có thể hạn chế tự tăng trưởng của thai nhi hoặc gây nguy hiểm đến thai nhi do tắc mạch ối, suy nhau thai hoặc thai chết lưu. Tình trạng rối loạn đông máu không được kiểm soát còn có thể gây nhiễm khuẩn ở thai phụ hoặc hội chứng tiền sản giật, băng huyết sau sinh gây tử vong ở mẹ.

Cửa sinh là cửa tử

Thai phụ V.T.Nhiên (37 tuổi, Hà Nội) được phát hiện là có các dấu hiệu rối loạn đông máu khi khám thai ở tuần thứ 36. Kết hợp với yếu tố mang thai trên 35 tuổi, các bác sĩ chỉ định sản phụ theo dõi chặt chẽ thai kỳ và thăm khám đúng lịch hẹn.

09 giờ ngày 02/12, khi mang thai ở tuần thứ 39, sản phụ có hiện tượng đau bụng từng cơn và ra máu âm đạo nên đã đến BV Hồng Ngọc thăm khám. Sau khi loại trừ các yếu tố dịch tễ và khám chuyên khoa, chị Nhiên được chỉ định nhập viện theo dõi chuyển dạ đẻ lần 2.

Lúc này, kết quả các chỉ số đông máu đều ở mức báo động. Thời gian quick (thời gian đông huyết tương trong xét nghiệm) dài 17.4 giây (trị số bình thường từ 9.4-12.4); Chỉ số INR (International Normalized Ratio - xét nghiệm đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông) cao 1.71 (trị số bình thường 0.87-1.31). Ngoài ra, các chỉ số ApTT (TCA, TCK) cao 53.1 giây (trị số bình thường 26-40), chỉ số IR cao 1.56 (trị số bình thường 0.8-1.2), chỉ số Fibrinogen cao 497 (trị số bình thường 196-428). Sản phụ tiếp tục được theo dõi trong quá trình chuyển dạ.

Phiếu kết quả xét nghiệm của sản phụ V.T. Nhiên ngày 02/12/2021

20 giờ 30 phút cùng ngày, phát hiện dấu hiệu bất thường. Nhịp tim thai của sản phụ giảm còn 70-90 lần/phút (nhịp tim thai nhi bình thường là 110-160 lần/phút), nước ối chuyển xanh. Đây là dấu hiệu của tình trạng suy thai. Các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và chỉ định mổ lấy thai cấp cứu.

Được sự đồng thuận của gia đình, 20 giờ 50 phút, sản phụ V.T. Nhiên được đưa vào phòng phẫu thuật. Sau khi mổ lấy thai thành công, tình trạng của sản phụ lúc này đột nhiên chuyển biến xấu. Sau khi bong nhau, sản phụ chảy máu không kiểm soát được, có dấu hiệu tăng nhịp tim, huyết áp tụt dẫn đến choáng váng và mệt mỏi, tử cung không co hồi. Bên cạnh tình trạng rối loạn đông máu do bong nhau non thể nặng, các bác sĩ cũng nghĩ ngay đến hiện tượng đờ tử cung – một biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm.

Đờ tử cung là hiện tượng tử cung không thể mềm ra và co bóp trở về kích thước ban đầu sau khi sinh khiến cho các mạch máu gắn với bánh rau không được siết chặt gây ra tình trạng chảy máu tự do dẫn đến mất máu quá nhiều (băng huyết).

Lúc này, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu tại chỗ, hồi sức tích cực và truyền máu nhưng vẫn không cầm được máu. Nếu tình trạng tiếp tục kéo dài, sản phụ có thể mất máu quá nhiều và dẫn đến tử vong. Bởi vậy, các bác sĩ đã lựa chọn biện pháp cuối cùng để cứu mẹ là cắt tử cung dưới gây mê nội khí quản. Sau 03 giờ đồng hồ phẫu thuật, sản phụ đã được cứu sống thành công. Đúng 0 giờ ngày 03/12, sản phụ được chuyển về phòng hồi sức và theo dõi sau sinh. Chiều cùng ngày mẹ được gặp con trong niềm hạnh phúc không nói nên lời.

Ê-kíp phẫu thuật Khoa Sản BV Hồng Ngọc

Vẹn tròn hạnh phúc

Nhớ lại thời khắc sinh tử, chị Nhiên vẫn còn rưng rưng nước mắt: “Thực sự là rất sợ. Mặc dù cũng đã được bác sĩ cảnh báo trước về các nguy hiểm do mình bị rối loạn đông máu thế nhưng đến lúc thực sự lên bàn mổ và gặp tình trạng như vậy thì mới thấy nó nguy hiểm như thế nào. Các cụ nói “cửa sinh là cửa tử” đúng là không sai. Nhưng cũng thật may mắn là mình đã lựa chọn bác sĩ Quyền và các bác sĩ sản ở Hồng Ngọc để theo dõi thai kỳ và sinh con ở đây. Trước nhà mình cũng đã có một bé rồi, đây là em bé thứ hai, mẹ khỏe, con khỏe và rất ngoan. Kết quả được như thế này thực sự là mình đã mãn nguyện lắm rồi. Xúc động lắm, không nghĩ là còn được nằm đây ôm con như thế này!”

Hạnh phúc của mẹ khi được ôm con trong tay (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về ca sinh, Thầy thuốc Ưu tú, BSCK II Bùi Xuân Quyền – bác sĩ phẫu thuật chính cho sản phụ V.T. Nhiên cho biết: “Đây là một trường hợp hiếm gặp. Sản phụ bị rối loạn đông máu và trong khi sinh còn gặp biến chứng đờ tử cung. Hai yếu tố này đều cực kỳ nguy hiểm, gây băng huyết ở sản phụ và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Ngoài chứng rối loạn đông máu, chúng tôi cũng đã tiên lượng trước các nguy cơ có thể dẫn đến đờ tử cung do thời gian chuyển dạ kéo dài và sản phụ sinh con ở tuổi 37. Do đó, khi có phát sinh thì chúng tôi bình tĩnh, phản ứng nhanh và cứu sống bệnh nhân thành công. Sau phẫu thuật 12 giờ, bệnh nhân đã ổn định và được gặp con. Một tuần sau, hai mẹ con được xuất viện. Các kết quả tái khám cũng rất tốt, không còn gì phải lo lắng.

Thầy thuốc Ưu tú, BSCK II Bùi Xuân Quyền ẵm trong tay thiên thần nhỏ sau cuộc phẫu thuật cam go

Bác sĩ Quyền cũng cho biết thêm, rối loạn đông máu là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, cần được phát hiện sớm, nhất là ở phụ nữ mang thai để có thể chuẩn bị trước cho tất cả các tình huống.  Đối với đờ tử cung, nguyên nhân dẫn đến đờ tử cung có thể do thời gian chuyển dạ kéo dài, căng giãn tử cung quá mức (do đa thai, đa ối, sa tử cung), u xơ tử cung, viêm màng đệm, chỉ định truyền magie sulfat và sử dụng oxytocin kéo dài, rối loạn nhau thai (như nhau bong non), béo phì và giống như trường hợp của sản phụ V.T. Nhiên là sinh con trên 35 tuổi và rối loạn đông máu gây ra.

Nếu thai phụ nằm trong nhóm có nguy cơ thì cần phải được quản lý thai kỳ nghiêm ngặt đồng thời theo dõi chặt chẽ suốt trong và sau khi sinh bởi bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm để được cấp cứu và xử lý kịp thời khi phát sinh tình huống bất thường./.

Ghi chú: Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguồn:

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay