Triệu chứng của sa sút trí tuệ khó phát hiện khi ở giai đoạn đầu. Bệnh nhân dễ bỏ lỡ thời gian vàng điều trị và hồi phục tốt nhất. Tới giai đoạn giữa, tình trạng bệnh nhân đã khá nghiêm trọng. Bệnh nhân khi này đã cần được hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày.
Hội chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến trí nhớ và nhận thức
Sa sút trí tuệ là hội chứng liên quan đến sự suy giảm của trí nhớ, nhận thức hay khả năng xã hội. Căn bệnh sẽ ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày, làm mất đi tính tự chủ trong cuộc sống của bệnh nhân. Từ đó, bệnh nhân cần sống phụ thuộc vào người thân đến cuối cuộc đời.
Sa sút trí tuệ được coi là bệnh tuổi già, xuất hiện từ 65 tuổi trở lên. Khi tuổi thọ con người ngày càng dài thì số lượng người cao tuổi cũng chiếm tỉ lệ cao trong mật độ dân số. Điều này khiến số lượng người bệnh sa sút trí tuệ tăng lên.
Đa số người bệnh sa sút trí tuệ đều có biểu hiện mất trí nhớ. Tuy nhiên, một người có triệu chứng mất trí nhớ, cũng không hẳn là do mắc sa sút trí tuệ. Chính vì điều này, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán để phát hiện đúng bệnh, điều trị đúng phác đồ.
Nguyên nhân khởi phát sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ phổ biến hơn ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, hội chứng này có nguyên nhân khởi phát do sự kết hợp của quá trình lão hóa và các bệnh lý khác.
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi có thể xuất phát từ bệnh Alzheimer, các bệnh thần kinh hoặc các bệnh nội khoa khác. Ngoài ra, triệu chứng sa sút trí tuệ cũng xuất hiện ở một số bệnh nhân mắc bệnh lý tâm thần mãn tính (động kinh, tâm thần phân liệt,..).
Bệnh Alzheimer
Sa sút trí tuệ là một hội chứng bao gồm nhóm các triệu chứng liên quan đến sự suy giảm trí nhớ, lý luận. Trong đó, bệnh nhân Alzheimer được chẩn đoán mắc sa sút trí tuệ chiếm từ 50 – 60%. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến hội chứng này khởi phát.
Sa sút trí tuệ không phải là bệnh, mà là một hội chứng gồm các biểu hiện bệnh không có chẩn đoán xác định
Bệnh thần kinh
Sa sút trí tuệ khởi phát do tổn thương hoặc sai lệch trong kết nối các tế bào thần kinh. Do vậy, hội chứng này có liên quan mật thiết với các bệnh lý thần kinh khác.
- Bệnh mạch máu (chiếm 10 – 20%): ổ khuyết, nhồi máu đa ổ, nhồi máu vi thể ở vỏ não, bệnh Binswanger.
- Các khối u nội sọ: u não (chiếm 1 – 5%).
- Chấn thương sọ não: chiếm 1 – 5%.
- Thủy thũng não áp lực bình thường: 1 – 5% các bệnh nhân.
- Bệnh thoái hóa thần kinh: Parkinson, bệnh Pick, Huntington, bệnh Wilson, thoái triển tủy sống tiểu não, xơ hóa cột bên teo cơ,… chiếm 1% số lượng bệnh nhân.
- Bệnh nhiễm trùng thần kinh: viêm não virus, hội chứngBehcet, giang mai thần kinh, viêm màng não do vi khuẩn mãn tính,… chiếm 1% số lượng bệnh nhân.
Bệnh nội khoa
Các yếu tố gây khởi phát nguy cơ sa sút trí tuệ có thể là:
- Do bị nhiễm độc rượu, ma túy
- Bị rối loạn dinh dưỡng: thiếu các chất thiết yếu như kẽm, pentagra, acide folate, vitamin B12,…
- Rối loạn chuyển hóa: các chức năng suy thận, suy gan, tuyến giáp, hoặc do hội chứng Wernicke – Korsakoff,…
- Bệnh viêm mãn tính: bệnh Lupus, bệnh Whipple, xơ cứng rải rác, và các rối loạn collagen có viêm mạch nội sọ….
Sa sút trí tuệ là hội chứng nghiêm trọng cần quan tâm ở người cao tuổi
Triệu chứng và dấu hiệu của sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ làm giảm toàn bộ nhận thức của người bệnh. Bệnh có triệu chứng ban đầu là trí nhớ ngắn hạn, kèm theo ít nhất 1 rối loạn ở các lĩnh vực nhân thức như: ngôn ngữ, sự chú ý, nhận thức, tư duy, kĩ năng thị giác. Ngoài ra, người bệnh sa sút trí tuệ sẽ không bị rối loạn ý thức: lú lẫn hay mê sảng. Đây là một điểm quan trọng giúp chẩn đoán bệnh.
Triệu chứng giai đoạn sớm
Ban đầu, bệnh nhân thường hay quên, không nhớ rõ ngày tháng, mơ hồ, lạc lõng tại những địa điểm quen thuộc. Các biểu hiện này thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua, và lầm tưởng với chứng “đãng trí” bình thường. Ví dụ như: phụ nữ sau sinh khi thiếu sắt thường hay quên, hoặc người già hay quên do lão hóa,…
Triệu chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn này tiến triển như sau:
- Mất nhận thức: suy giảm khả năng nhìn nhận, xác định đồ vật thân quen dù chức năng của các giác quan vẫn còn.
- Thất dụng: mất khả năng thực hiện các động tác có chủ đích/ động tác đã được ghi nhớ trước đây, dù rằng chức năng vận động của bệnh nhân vẫn còn.
- Mất ngôn ngữ: nhận thấy rõ tình trạng suy giảm khả năng hiểu, khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Giai đoạn giữa
Ở giai đoạn này, triệu chứng sa sút trí tuệ đã rõ ràng hơn. Đó là các biểu hiện: không nhớ tên người thân, lạc lõng trong nhà, sử dụng kém linh hoạt vốn từ, giao tiếp khó khăn, đi lang thang vô định, hỏi đi hỏi lại một vấn đề,… Trong giai đoạn này, người bệnh đã gặp rắc rối trong sinh hoạt rất nhiều, và cần được hỗ trợ hàng ngày.
- Không thể học hỏi/ ghi nhớ những thông tin mới
- Nhầm lẫn giữa các sự kiện quan trọng
- Mất hết khái niệm về thời gian và không gian
- Khó ngủ, khó vào giấc, rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi tính cách: dễ nóng giận, lo lắng, buồn cực, coi mình là trung tâm
- Các tính cách hoặc thói quen bị cường điệu hơn (tùy từng bệnh nhân)
- Vẫn đi lại được, nhưng chức năng vận động bị giảm nên hay bị ngã
- Xuất hiện ảo giác, hoang tưởng do thay đổi cảm giác, nhận thức
Sa sút trí tuệ khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại hàng ngày
Giai đoạn muộn/ nghiêm trọng
Người bệnh sa sút trí tuệ ở giai đoạn muộn hầu như cần sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Bệnh nhân không thể tự đi lại, ăn uống và không thể tự kiểm soát được khả năng tiểu tiện, đại tiện. Trí nhớ gần và xa của người bệnh hoàn toàn không còn nên không thể nhớ được người thân.
Ở giai đoạn cuối cùng, bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể bị viêm phổi, nhiễm trùng vết loét, không mô tả được cảm giác của bản thân. Những điều này khiến các bệnh lý cơ hội trầm trọng hơn, có thể tiến triển thành hôn mê và tử vong.
Có thể bạn quan tâm:
- 6 dấu hiệu bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ
- Phát hiện sớm sa sút trí tuệ ở người cao tuổi để kéo dài tuổi thọ
- Suy giảm trí nhớ: Những điều bạn cần phải biết
Làm thế nào để phát hiện sa sút trí tuệ
Phát hiện tại nhà
Bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể căn cứ vào các biểu hiện hàng ngày như sau
- Biểu hiện quan trọng: giảm trí nhớ
- Các vấn đề bất thường gây ảnh hưởng đến công việc/ hoạt động hàng ngày
- Triệu chứng hay quên có tiến triển nặng, nghiêm trọng
- Giảm ít nhất 1 đến nhiều các lĩnh vực nhận thức: ngôn ngữ, nhận biết, khả năng sử dụng động tác, khả năng suy luận, khả năng bao quát,..
Những rối loạn kể trên không diễn ra trong trường hợp bị mê sảng, không thuộc/ không nằm trong chẩn đoán của bệnh lý tâm thần khác.
Chẩn đoán với bác sĩ
Với các triệu chứng sa sút trí tuệ, các bác sĩ cần tiến hành chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng. Bởi các bệnh lý thuộc mảng tâm thần kinh thường không rõ rệt, phụ thuộc vào quá trình khai thác bệnh lý, bệnh sử. Trong trường hợp bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, điều này trở thành thách thức với các bác sĩ.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tìm ra các chức năng, kỹ năng mà bệnh nhân bị mất kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán như:
- Chụp CT, MRI não bộ
- Xét nghiệm máu
- Chụp cắt lớp positron
- Khám hệ thống thần kinh
- Đánh giá chức năng nhận thức
- Đánh giá sức khỏe tâm thần
Cùng với các bước kể trên, bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán chính xác hội chứng sa sút trí tuệ, cũng như độ nặng/ nhẹ mà bệnh nhân mắc phải. Bệnh nhân nên thăm khám sớm để tạo thuận lợi trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Bệnh nhân phát hiện sớm nguy cơ sa sút trí tuệ giúp điều trị hiệu quả hơn
Giải pháp hỗ trợ cho người bị sa sút trí tuệ
Bệnh nhân sa sút trí tuệ cần được chăm sóc, hỗ trợ trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu môi trường xung quanh phù hợp, bệnh nhân vẫn có thể giảm bớt phụ thuộc vào người khác. Bệnh nhân nên được sinh sống trong môi trường quen thuộc để thuận tiện hơn trong sinh hoạt.
- Trang bị không gian đủ ánh sáng, quen thuộc.
- Giảm tối đa sự thay đổi về cách bài trí, vật dụng mới.
- Loại bỏ các vật gây nguy hiểm: dao kéo, gương, đồ dễ vỡ, đồ gây nguy hiểm,…
- Đặt các đồng hồ lớn trong phòng và thiết lập thời khóa biểu cố định hàng ngày.
- Chia sẻ trước với bệnh nhân trước những thay đổi: trao đổi về việc tắm, ăn uống, uống thuốc,…
- Tập thể dục nhẹ nhàng để giải phóng năng lượng, giảm lo âu, bồn chồn.
- Sử dụng thuốc đúng giờ, đúng chỉ định và không được tự ý bỏ thuốc.
- Lắp đặt camera/ theo sát người bệnh hàng ngày để tránh những tình huống không mong muốn.
Biện pháp phòng ngừa sa sút trí tuệ
Hội chứng sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi. Do vậy, phòng ngừa bệnh là phương án tối ưu nhất mà mọi người cần thực hiện. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi có thể phòng ngừa bằng các cách như sau:
- Rèn luyện trí não: trì hoãn nguy cơ khởi phát bằng cách kích thích não bộ bằng giải đố, đọc sách,…
- Tăng hoạt động xã hội, thể chất: các tương tác với mọi người hay các hoạt động thể chất giúp não không bị trì trệ, thoái hóa.
- Không dùng chất kích thích: ảnh hưởng tới trí nhớ, tim mạch.
- Bổ sung nhiều vitamin, omega-3: giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện não bộ.
- Quản lý các yếu tố nguy cơ bệnh lý: não có thể bị đột quỵ nếu mắc cùng các bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao.
- Ngủ đủ giấc: đóng vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là bệnh lý nghiêm trọng không phải do quá trình lão hóa thông thường. Do vậy bệnh nhân cần có phương án điều trị/ dự phòng thích hợp để đảm bảo chất lượng cuộc sống tuổi trung niên.
Đăng ký khám và nhận tư vấn tại đây:
**Lưu ý:
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị.
Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.