Trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, các bạn gái thường có những dấu hiệu như mệt mỏi, đau co thắt vùng bụng dưới, buồn nôn. Nhưng liệu những dấu hiệu đó chỉ đơn thuần xảy ra trước ngày đèn đỏ hay còn ẩn chứa nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm nào khác?
Biểu hiện tiền kinh nguyệt
Triệu chứng tiền hành kinh xuất hiện ở hai dạng, triệu chứng về tâm lý – cảm xúc – hành vi và triệu chứng về thể chất.
Về tâm lý – cảm xúc – hành vi, có thể gặp một loạt những dấu hiệu như: kích thích nóng giận, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị.
Về thể chất, được nhận biết rõ nét hơn qua các biểu hiện: căng và đau ngực, nhức đầu, tăng cân, mụn, rối loạn tiêu hóa…
Những triệu chứng trên xuất hiện mạnh nhất trước khi hành kinh một tuần và kéo dài đến sau có kinh vài ngày. Nguyên nhân của những cơn đau hiện vẫn chưa rõ, nhưng có liên quan đến vai trò của nội tiết sinh dục progesterone, chất dẫn truyền thần kinh và nội tiết hướng sinh dục.
Rối loạn tiền kinh nguyệt thường gặp ở bạn gái, phụ nữ từ 20 đến 30 tuổi, do áp lực công việc, dùng nhiều thuốc an thần và một phần do yếu tố di truyền.
Nên làm gì khi bị rối loạn tiền kinh nguyệt?
Trước ngày hành kinh, bạn gái có thể sử dụng thuốc giảm đau nhằm giảm tình trạng đau, khó chịu nói trên.
Thuốc tránh thai cũng là một giải pháp được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng giúp chống lại những cơn đau trong thời gian tiền hành kinh.
Một số trường hợp bệnh nhân dùng thuốc sẽ gặp tác dụng phụ nhưng tình trạng buồn nôn, đau ngực, rong huyết… xảy ra ở mức độ nhẹ hơn so với khi không dùng thuốc.
Trong thời gian hành kinh cơ thể mất một lượng máu khá lớn nên các bạn gái rất cần bổ sung một số vi chất như magiê, canxi, kẽm, sắt… qua chế độ ăn hoặc thực phẩm chức năng.
Vitamin và khoáng chất, giả dược từ vitamin B6 cũng giúp bệnh nhân thoát khỏi trầm cảm một cách hữu hiệu.
Việc kết hợp dùng thuốc, dinh dưỡng, việc tập thể dục sẽ rất hiệu quả. Ngoài ra, các biện pháp mát xa, châm cứu, bấm huyệt kích thích tăng nhiệt lên não cũng cho hiệu quả tích cực.
Coi chừng lạc nội mạc tử cung khi bị rối loạn tiền kinh nguyệt
Khi những triệu chứng tương tự tiền hành kinh xuất hiện với mức độ kéo dài và nặng hơn, là lúc ta nên nghĩ đến tình trạng lạc nội mạc.
Lạc nội mạc là lớp bì trong cơ thể bong ra nhưng không thoát ra ngoài được, có thể nằm lại trong ruột, bọng đái, màng bụng gây đau dữ dội trong khi hành kinh. Đến nay, chưa tìm được nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung và cũng không phòng ngừa được.
Bệnh ảnh hưởng đến việc mang thai và có con sau này nên bạn gái cần thường xuyên đến bác sĩ phụ khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/