Bệnh lý rối loạn stress sau sang chấn khiến người bệnh cảm thấy bất an, khó vượt qua những ám ảnh. Bệnh nhân có thể sẽ tự gây nguy hiểm chính mình nếu như không nhận được lời khuyên và cách điều trị đúng cách.
Bệnh rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là gì?
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) còn có tên gọi khác là rối loạn căng thẳng sau chấn thương, do những ám ảnh từ những sự kiện gây chấn động với người bệnh gây nên. Người bệnh gặp vấn đề với sức khỏe tinh thần, bởi đã từng chứng kiến/ trải qua các sự kiện không được vui vẻ và gây ám ảnh đến tinh thần mạnh mẽ.
Nguyên nhân của rối loạn stress sau sang chấn là do sự giải phóng cortisol và hormone adrenaline, khiến cơ thể bị rơi vào trạng thái chiến đấu. Bất thường xảy đến khi các bệnh nhân luôn ghi nhớ và luôn căng thẳng, sợ hãi ngay cả khi họ đang an toàn.
Đây là hậu quả của những sự kiện đau thương, khiến người bệnh có những phản ứng nhằm kéo dài, trì hoãn sự xảy ra của các sự kiện đó. Bệnh nhân mắc bệnh rối loạn stress sau sang chấn có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh ngay sau sự kiện, hoặc kéo dài tới vài tháng, vài năm sau đó.
Triệu chứng của bệnh rối loạn stress sau sang chấn
Thông thường, mọi người vẫn cảm thấy shock, bất lực, đau khổ,… khi phải chứng kiến những sự kiện quá đau buồn. Thế nhưng với bệnh rối loạn stress sau sang chấn, người bệnh sẽ vô thức nhớ, tái hiện và kèm theo những cơn ác mộng kéo dài về sự kiện. Bệnh được xác định nếu cơn ác mộng lặp lại trên 1 tháng trở lên.
Những triệu chứng của bệnh cũng là trở ngại đáng kể gây sao nhãng công việc, quan hệ bạn bè và các hoạt động hàng ngày. Bệnh nhân hãy theo dõi xem bản thân có những triệu chứng sau đây hay không:
Tái hiện ký ức liên tục
Những ký ức ám ảnh hay được tái hiện lại dù bản thân không muốn hồi tưởng. Kèm theo các phản ứng cơ thể như: đổ mồ hôi, tim đập nhanh, sợ hãi,…
Hay mơ lại, gặp ác mộng về các sự kiện khiến bản thân bị sang chấn
Hay lặp lại những phản xạ trong hoàn cảnh mất nhận thức về hiện tại. Ví dụ như những cựu chiến binh thường có phản xạ ẩn náu khi nghe tiếng động to
Cảm thấy căng thẳng khi có điều gì đó gợi nhớ về sự kiện
Tránh né
Mất hứng thú và liên tục tránh né những đồ vật, địa điểm, hoạt động gây gợi nhớ đến các sự kiện trong cuộc sang chấn. Ví dụ: người ám ảnh về sự kiện tai nạn xe hơi sẽ né tránh, không đi xe nữa.
Có các hành động né tránh khi suy nghĩ, nói, nhắc lại về sự kiện
Có các thay đổi tiêu cực ảnh hưởng tới cảm xúc và suy nghĩ
Có suy nghĩ lệch lạc về cuộc sang chấn và tự đổ lỗi cho bản thân, người khác
Suy nghĩ tiêu cực về mọi sự việc, mọi người xung quanh
Không có kì vọng vào tương lai sau này
Hay cảm thấy ghê sợ, lo sợ, giận dữ, xấu hổ, tội lỗi về sự kiện đã qua
Xa cách, không muốn giao tiếp, duy trì quan hệ với gia đình, bạn bè
Thay đổi phản ứng cơ thể
Tâm lý thất thường, dễ xúc động: cáu gắt, bực bội, dễ khóc, dễ giật mình, sợ hãi
Gặp vấn đề với giấc ngủ: ngủ kém ngon, bị mất ngủ hay tỉnh giấc giữa đêm
Tính cảnh giác cao hơn: người bệnh cảm thấy khó tin tưởng, đa nghi
Không còn hứng thú đến những hoạt động ưa thích trước đây
Có hành vi tự dằn vặt bản thân: uống nhiều rượu bia, chất kích thích hay có các hành động làm đau bản thân
Với những người mắc bệnh rối loạn stress sau sang chấn thể nặng, còn có thể làm hại đến tính mạng bản thân, hoặc những người khác.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn stress sau sang chấn
Nhiều người bệnh mắc phải triệu chứng PTSD là do từng trải qua những sự kiện như: bị tấn công, bị lạm dụng thể chất, bị bạo lực gia đình, cưỡng hiếp, gặp tai nạn,… Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát do tổng hợp nhiều yếu tố từ: tính cách, vấn đề tâm thần, do cấu trúc não, do môi trường, do thế giới quan.
Dưới đây là những yếu tố gây kích thích tâm trí người bệnh, gây khởi phát bệnh rối loạn stress sau sang chấn:
Gặp tai nạn nghiêm trọng
Suýt bị chết đuối
Tham gia chiến tranh
Bị bắt cóc, đe dọa và tra tấn
Quá đau buồn do mất người thân
Bị bạo lực gia đình, bị tấn công thể chất thời gian dài
Bị cưỡng hiếp hoặc bị lạm dụng tình dục thời gian dài
Bị nhốt trong không gian kín ở thời gian dài
Trải qua các thảm họa: bão, hỏa hoạn, dịch bệnh, lũ lụt, sóng thần, động đất,…
Tuy nhiên, không phải ai trải qua các thảm họa đều bị chấn động tâm trí. Bệnh rối loạn stress sau sang chấn còn khởi phát do các yếu tố:
Mức độ sự việc thực sự nghiêm trọng
Sự vật/ sự việc gây sang chấn diễn ra trong thời gian dài
Có tuổi thơ bất hạnh gây nên ám ảnh tâm lý
Có vấn đề với sức khỏe tinh thần khi bị sang chấn
Lạm dụng các chất gây nghiện và chất kích thích
Đã từng bị chấn thương, hoặc sự kiện gây chấn thương tâm trí trước đó
Tiền sử bản thân hoặc gia đình có người bị stress, trầm cảm, lo âu, PTSD
Bệnh nhân vẫn có thể bị bệnh rối loạn stress sau sang chấn dù chỉ quan sát và không trực tiếp tham gia sự kiện. Tuy nhiên, những bệnh nhân này đa phần đều gặp sang chấn do đối tượng bị hại gặp phải cái chết, hay bị đe dọa tính mạng.
Tại sao phải điều trị bệnh rối loạn stress sau sang chấn?
Bệnh rối loạn stress sau sang chấn gây đau khổ, ám ảnh và cản trở cuộc sống hàng ngày. Nếu bệnh lý không được chữa trị, sẽ tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh tâm lý khác như: trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu,… Ngoài ra, người bệnh có thể còn phát sinh hành vi tự sát.
Hơn nữa, những người mắc bệnh rối loạn stress sau sang chấn thường xuyên bị dằn vặt, cảm thấy tội lỗi khiến đời sống tinh thần bị ảnh hưởng. Những sự kiện liên quan đến sang chấn còn là rào cản khiến bệnh nhân mất kết nối với cuộc sống, với gia đình, bạn bè và xã hội xung quanh.
Nếu những sang chấn tâm lý PTSD diễn ra trên 1 tháng, bệnh nhân nên kết nối với bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ. Những phương pháp điều trị thích hợp sẽ được chỉ định, giúp bệnh nhân vượt qua những trở ngại từ việc sang chấn tâm lý
Bệnh rối loạn stress sau sang chấn đe dọa tâm lý bệnh nhân hàng ngày và nên được điều trị từ sớm. Bệnh nhân hãy tới điều trị tại các chuyên khoa chuyên về khám Tâm Lý/ Sức Khỏe Tâm Thần để được điều trị đúng phác đồ.
Đăng ký khám và nhận tư vấn tại đây:
**Lưu ý
:Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.