Trào ngược dạ dày thực quản là một bất thường có tính cơ học được gây ra do cơ vòng thực quản dưới bị yếu đi, rối loạn chức năng làm trống dạ dày hoặc mất nhu động thực quản.
Những bất thường trên gây ra một nhóm những bệnh từ nhẹ như ợ nóng đến nặng như tổn thương mô thực quản cùng với những biến chứng kèm theo.
Triệu chứng và biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
Các triệu chứng quan trọng của TNDD-TQ là ợ nóng, trớ, nuốt khó. Các triệu chứng không điển hình: đau ngực, cảm giác cục nghẹn, ứa nước bọt trong họng, ho mạn tính, hen suyễn, khàn giọng, viêm xoang, nấc… thường do các biến chứng của TNDD-TQ.
Biến chứng thường xảy ra nhất là viêm thực quản do trào ngược (VTQTN) với các hệ quả loét, teo hẹp. Xơ hóa do viêm có thể làm co rút thực quản.
Niêm mạc thực quản bị ngắn do niêm mạc thực quản bị thay thế dần bởi niêm mạc dạ dày (chuyển sản niêm mạc Barrett) với nguy cơ hóa ung thư đoạn niêm mạc bị chuyển sản.
Loét thực quản có thể gây XHTH. Hiếm gặp hơn là các biến chứng viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi do hít do trào ngược xảy ra vào ban đêm.
Điều trị
trào ngược dạ dày thực quản
Sử dụng thuốc là lựa chọn đầu tiên trong điều trị trào ngược dạ dày - thực quản. Viêm thực quản sẽ lành trong khoảng gần 90% trường hợp nếu được điều trị một cách tích cực bằng thuốc.
Những ca nhẹ có thể dùng các thuốc làm tăng trương lực CVDTQ như Metoclopramide, Domperidone, Cisapride hoặc các thuốc Antacid, Acid Alginic.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh nên các triệu chứng sẽ xuất hiện trở lại trong hơn 80% trường hợp sau 1 năm ngưng thuốc.
Có 2 thử nghiệm lâm sàng so sánh cách điều trị bằng thuốc và bằng phẫu thuật đối với TNDD- TQ đã cho kết quả thiên về điều trị phẫu thuật hơn trong việc cải thiện triệu chứng và những dấu hiệu qua nội soi đối với viêm thực quản ở những bệnh nhân mắc bệnh trên 2 năm.
Mục tiêu chính của phẫu thuật ở những bệnh nhân TNDD- TQ là nhằm củng cố lại hàng rào chống trào ngược mà không tạo ra những tác dụng phụ quá mức. Ngoài ra, hầu hết các phẫu thuật viên cảm thấy cần thiết phải:
• Bảo đảm phần thực quản bên trong ổ bụng có độ dài thích hợp cho phép phẫu thuật fundoplication theo chiều dọc và không tạo áp lực quanh đầu xa thực quản
• Sử dụng đáy vị để giúp xoắn và thực hiện phương pháp fundoplication không tạo áp lực dễ dàng hơn
• Sửa chữa lại những khiếm khuyết ở lỗ thực quản
Phẫu thuật thường được chỉ định trong ca không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa. Đó là các phương pháp tạo nếp gấp đáy vị (phẫu thuật Nissen, phẫu thuật Toupet), hoặc các phương pháp can thiệp qua nội soi (khâu CVDTQ qua nội soi, Tiêm chất sinh học làm tăng khối cơ). Những ca bị biến chứng hẹp thực quản có thể được nong thực quản qua nội soi.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Ða khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/