Tình trạng nước tiểu có màu hồng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về hệ thận tiết niệu, cũng có thể do thực phẩm tiêu thụ hoặc do tác dụng phụ của thuốc… Vì vậy, cần nắm bắt chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này để khắc phục kịp thời.
Nước tiểu màu hồng nguyên nhân do đâu?
Nước tiểu màu hồng không phải là bệnh nhưng nó lại là dấu hiệu cảnh báo một vài bệnh lý. Đôi khi, tình trạng này cũng là do việc tiêu thụ thực phẩm hoặc do tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Do thực phẩm
Một số đồ ăn, thức uống có màu hồng, đỏ… khi tiêu thụ vào cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc của nước tiểu. Những thực phẩm có thể khiến nước tiểu có màu hồng như: củ cải tím, củ dền, xôi gấc, dâu tây, việt quất, nước ngọt màu hồng…
Tình trạng này không quá lo ngại vì sau khi bạn không tiêu thụ những thực phẩm trên nữa thì nước tiểu sẽ trở về trạng thái bình thường.
Do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể khiến nước tiểu có màu hồng như: thuốc nhuận tràng chứa Senna, thuốc Rifampicin điều trị bệnh lao… Sau khi ngưng sử dụng thuốc, nước tiểu sẽ trở về trạng thái bình thường.
Nguyên nhân do bệnh lý
Nước tiểu màu hồng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về hệ thận tiết niệu. Bao gồm:
Bệnh lý về bàng quang
Bàng quang có nhiệm vụ chứa nước tiểu do thận thải ra trước khi được đào thải ra ngoài cơ thể. Khi bàng quang bị viêm nhiễm, sỏi bàng quang, u bàng quang người bệnh sẽ gặp triệu chứng nước tiểu có màu hồng, mệt mỏi, đau hông lưng, sút cân…
Bệnh tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt bị viêm do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn. Bệnh tiến triển nhanh và có thể gây ra các triệu chứng như rối loạn chức năng sinh lý, tiểu khó, tiểu rắt, nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ, đau vùng bẹn… Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới.
Bệnh lý về thận
Nước tiểu có màu hồng là một trong các dấu hiệu thường gặp của các bệnh lý về thận như viêm bể thận, sỏi thận… Kèm theo đó là các dấu hiệu khác như bất thường về tiểu tiện, đau thắt lưng, phù, chán ăn, mệt mỏi, tăng huyết áp…
Ngộ độc chì hoặc thủy ngân
Ngộ độc chì và thủy ngân là bệnh lý nguy hiểm. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ gặp các dấu hiệu như nước tiểu có màu hồng nhạt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khó thở, suy giảm thị giác… Khi mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Do chấn thương
Một nguyên nhân khác gây nên hiện tượng nước tiểu có màu hồng đó là do chấn thương thận, bàng quang, niệu đạo, vùng chậu… Chấn thương gây chảy máu và máu sẽ hoàn vào nước tiểu dẫn đến nước tiểu có màu hồng.
Nước tiểu có màu hồng có nguy hiểm không?
Nhiều người rất lo sợ khi thấy nước tiểu của mình có màu hồng chứ không phải màu vàng nhạt như bình thường. Nước tiểu màu hồng có nguy hiểm không là vấn đề họ rất quan tâm.
Thực tế, tình trạng nước tiểu có màu hồng nguy hiểm hay không phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Nếu nước tiểu có màu hồng do thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc thì chỉ cần ngưng thuốc, không ăn thực phẩm đó nữa thì nước tiểu sẽ bình thường trở lại.
Nếu nước tiểu có màu hồng nguyên nhân do bệnh lý thì nó sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. Tùy thuộc vào bệnh cũng như mức độ bệnh mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán chính xác cũng như được điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nếu có nhu cầu khám với chuyên gia Thận tiết niệu BV Hồng Ngọc, vui lòng đăng ký tại đây:
Biện pháp phòng ngừa tình trạng nước tiểu có màu hồng
Một số biện pháp dưới đây giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về thận tiết niệu. Từ đó, ngăn chặn được tình trạng nước tiểu có màu hồng do những bệnh lý này gây nên.
Hãy áp dụng ngay các biện pháp dưới đây:
Uống đủ nước mỗi ngày. Với người trưởng thành, nên uống đủ 2 lít nước.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế muối, đồ ăn dầu mỡ, nhiều đạm béo.
Không được nhịn tiểu.
Tập luyện thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe.
Quan hệ tình dục an toàn tránh lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Đặc biệt, cần đi khám sớm khi có các dấu hiệu bất thường về tiểu tiện như: tiểu đau, tiểu buốt, nước tiểu lẫn máu, đau thắt lưng, đau vùng chậu…
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.