Người bệnh biết được về phương pháp, lưu ý trước và sau nội soi giúp quá trình nội soi phế quản diễn ra suôn sẻ. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để nhận được lưu ý về thủ thuật.
Thông tin về nội soi phế quản
Nội soi phế quản là phương pháp quan sát phế quản thông qua ống chuyên dụng có chứa đèn và camera hiện đại. Nhờ vậy, các bác sĩ sẽ quan sát được những bất thường xung quanh đường dẫn khí, thanh quản, phế quản và phổi. Kĩ thuật này có vai trò quan trọng giúp xác định các bệnh đường hô hấp.
Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nội soi thích hợp. Các loại ống nội soi bao gồm:
- Ống nội soi mềm: sử dụng với các bệnh nhân cần đặt ống thở oxy, rửa phổi, lấy mẫu mô sinh thiết, bơm thuốc điều trị,… Với đặc tính mềm mại, linh hoạt; nội soi ống mềm rất phổ biến và được sử dụng nhiều trong nội soi.
- Ống nội soi cứng: dùng khi cần kiểm tra đường thở trên; khi cần hút máu, dịch tiết hoặc dị vật ở phế quản. Loại ống này cũng được dùng khi thực hiện can thiệp phế quản theo chỉ định.
Nội soi phế quản giúp thăm dò, xác định các bệnh hoặc các bất thường ở đường hô hấp
Nội soi phế quản có ý nghĩa quan trọng trong y học. Đây cũng là phương pháp hiệu quả để rút ngắn thời gian chẩn đoán, điều trị. Phương pháp này có vai trò như sau:
- Chẩn đoán các bệnh lý hô hấp: viêm phổi, u phế quản, viêm phế quản,…
- Lấy mẫu mô xét nghiệm, đánh giá tính chất khối u: giúp lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
- Can thiệp trực tiếp: thực hiện song song các thủ thuật ngay trong khi nội soi như là lấy máu, loại bỏ dị vật, dịch tiết,…
Thời điểm nào cần can thiệp nội soi?
Thông thường, nội soi sẽ được chỉ định khi thấy có các dấu hiệu không bình thường ở đường hô hấp. Các vấn đề này phát sinh khi người bệnh khám sức khỏe định kỳ, hoặc có các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể chủ động yêu cầu thực hiện nội soi định kỳ.
Bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi phế quản, khi bác sĩ chuyên khoa thấy các dấu hiệu sau:
- Ho dai dẳng, ho ra máu
- Có dị vật ở đường thở
- Ho kéo dài trên 3 tháng mà không có nguyên nhân
- Những người tiếp xúc nhiều với các hóa chất, khí độc
- Xuất hiện khối u hoặc hạch bạch huyết ở đường thở
- Cần phải nội soi trực tiếp tình trạng khối u trong phế quản
Nội soi phế quản hạn chế với một số nhóm người có bệnh sử như sau:
- Bị nhồi máu cơ tim cấp tính: có các triệu chứng đau ngực, rối loạn nhịp tim,…
- Bị rối loạn chức năng đông máu: khiến người bệnh khó cầm máu, gây ảnh hưởng sức khỏe
- Bị ứ đọng CO2: cần hạn chế nội soi. Trong trường hợp cấp bách thì cần được thực hiện với bác sĩ tay nghề cao
- Nồng độ O2 thấp: chỉ thực hiện nội soi phế quản khi thực sự cần thiết
- Hẹp khí quản: có thể gây bít tắc đường thở và gặp nhiều nguy hiểm
- Hen suyễn: cần đánh giá, kiểm tra kĩ tình trạng bệnh nhân trước thủ thuật
- Hội chứng tĩnh mạch chủ trên: chống chỉ định
Có thể bạn quan tâm:
- Giải đáp thắc mắc nội soi phế quản giá bao nhiêu
- Khi nào cần nội soi phế quản: Ngay khi có các dấu hiệu này
- Nội soi phế quản – Phương pháp tầm soát sớm bệnh lý đường hô hấp
Lưu ý những gì khi nội soi phế quản?
Trước nội soi
Rất nhiều người cảm thấy lo lắng và đặt câu hỏi nội soi phế quản có đau không, có ảnh hưởng gì không? Trên thực tế, nội soi phế quản là thủ thuật không quá phức tạp, nên bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau đó. Bệnh nhân cũng sẽ được gây tê/ gây mê nên sẽ không cảm thấy đau trong suốt quá trình nội soi.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:
- Cần nhịn ăn 4 giờ trước khi thực hiện nội soi.
- Không nên uống ibuprofen, aspirin, hoặc các loại thuốc gây loãng máu.
- Thuốc mê có thể còn tác dụng sau ca nội soi, nên người bệnh cần được đưa về/ chở về.
- Thực hiện xét nghiệm máu theo chỉ định.
Thực hiện nội soi phế quản bằng cách đưa ống nội soi qua đường dẫn khí
Sau nội soi
Sau quá trình nội soi phế quản, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và tránh vận động mạnh. Song song với đó, bệnh nhân hãy theo dõi sức khỏe sau thủ thuật. Hãy lưu ý những điều sau đây:
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức lực sau đó.
- Không nên ăn/ uống trong vòng 2 giờ sau nội soi để tránh bị sặc thức ăn.
- Cảm giác đau, khó chịu, rát họng,… là cảm giác bình thường nên không được quá lo lắng.
- Nhập viện ngay nếu có dấu hiệu: khó thở, ho ra máu (>30 ml máu), khàn tiếng khó hồi phục,…
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, tiếp xúc máy móc sau 24 giờ kế tiếp.
Kết quả nội soi sẽ có sau 2 – 4 ngày. Vì vậy bệnh nhân hãy chú ý để nhận kết quả nội soi đúng hạn.
Những nguy cơ xảy đến sau nội soi phế quản
Thủ thuật nội soi giúp can thiệp linh hoạt vào toàn bộ phế quản, đặc biệt là các khu vực nhỏ như tiểu phế quản. Tuy nhiên, phương pháp này cũng mang lại 1 số rủi ro cho người bệnh.
Người bệnh có thể gặp những vấn đề như: bị chảy máu, ho ra máu, thủng phế quản, nhiễm trùng phế quản,… Do vậy, người bệnh cần phải theo dõi các dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị.
Tuy gặp các rủi ro nhưng nội soi phế quản là phương pháp hữu hiệu để tầm soát sớm những nguy cơ ở đường hô hấp. Thông qua nội soi, các bác sĩ sẽ làm rõ được những nghi vấn khi chẩn đoán, lập nên phác đồ điều trị hiệu quả.
Nhìn chung, phương pháp nội soi phế quản khá an toàn, và không để lại biến chứng nghiêm trọng. Đây là thủ thuật chẩn đoán và can thiệp được sử dụng phổ biến hiện nay.
Đăng ký khám và nhận tư vấn tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.