Virus Ebola là tác nhân gây bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Đặc biệt tỷ lệ tử vong khi nhiễm virus Ebola rất cao nên người bệnh cần hết sức cẩn trọng. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là cách để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Virus Ebola là gì?
Virus Ebola còn được gọi là sốt xuất huyết Ebola. Đây là virus có thể gây bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Virus Ebola thuộc họ Filoviridae, có hình thon dài, cấu trúc dạng sợi với độ dài khác nhau. Khi bị nhiễm virus này, hệ miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể sẽ bị tấn công, gây tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, virus Ebola còn có khả năng làm giảm yếu tố đông máu, khiến máu khó đông, chảy không kiểm soát và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Virus Ebola mang tính vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90% khi mắc phải.
Con đường lây truyền virus Ebola
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dơi là vật chủ tự nhiên của virus Ebola. Con đường lây truyền của virus này là qua máu, dịch tiết hoặc dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh. Những động vật dễ bị nhiễm bệnh, có thể lây sang người như dơi, khỉ đột, tinh tinh, nhím…
Chính vì thế, những bệnh do virus Ebola gây nên không lây truyền qua không khí hoặc tiếp xúc gần. Ebola lây tuyền từ người sang người thông qua những con đường sau:
Dính máu, phân hoặc dịch cơ thể của người bị nhiễm Ebola.
Nhiễm virus qua việc sử dụng quần áo, kim tiêm, thiết bị y tế đã bị nhiễm chất dịch của người nhiễm virus Ebola.
Nhiễm virus do quan hệ tình dục với người đang bị nhiễm Ebola.
Ngoài ra, nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola nếu không bảo hộ chắc chắn, có sai sót trong điều trị cũng có thể bị lây virus. Phụ nữ mang thai nhiễm bệnh cũng có thể truyền virus sang cho thai nhi hoặc phụ nữ đang cho con bú thì virus cũng có thể có trong sữa mẹ và bé bú mẹ sẽ nhiễm virus.
Triệu chứng khi nhiễm virus Ebola
Nhiễm virus Ebola thường không biểu hiện bệnh ngay sau khi nhiễm mà thường xuất hiện các triệu chứng khi nhiễm bệnh từ 2 – 21 ngày, trung bình là 8 – 10 ngày.
Ban đầu, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức. Sau đó, là tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức dữ dội, đau bụng, đau cơ và khớp. Cơ thể người bệnh sẽ mệt lả, yếu dần.
Một vài triệu chứng nặng hơn mà người bệnh có thể phải đối mặt đó là tiêu chảy và nôn, thậm chí xuất huyết không rõ nguyên nhân và bị chảy máu, bầm tím. Khi bệnh ở giai đoạn muộn còn xuất hiện thêm tình trạng mắt đỏ, phát ban, nấc cụt.
Các giai đoạn mới đầu của nhiễm virus Ebola có thể gần giống như cảm lạnh, sốt bình thường nên khó được phát hiện.
Chẩn đoán virus Ebola bằng phương pháp nào?
Vì các triệu chứng lâm sàng của nhiễm virus Ebola dễ nhầm với các bệnh cảm lạnh, sốt thương hàn, sốt rét bình thường nên chỉ dựa vào triệu chứng thì khó phát hiện được bệnh. Vì thế, cần áp dụng các phương pháp hiện đại hơn để giúp chẩn đoán chính xác.
Có thể áp dụng các kỹ thuật sau:
Xét nghiệm máu để phát hiện kháng nguyên.
Xét nghiệm hấp thu miễn dịch liên kết với enzym.
Xét nghiệm trung hòa huyết thanh.
Soi mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi điện tử.
Nuôi cấy tế bào để phân lập virus.
Việc lấy mẫu để xét nghiệm có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus nên người thực hiện cần hết sức cẩn thận, phòng bị tốt cho bản thân.
Phương pháp điều trị virus Ebola
Virus Ebola rất nguy hiểm, có thể gây tử vong đối với người nhiễm bệnh. Vì thế, phát hiện và điều trị sớm là việc làm có vai trò quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Khi nhiễm virus Ebola, người bệnh cần được chăm sóc bằng phương pháp sử dụng dung dịch uống hoặc tiêm tĩnh mạch nhằm bù nước cho cơ thể, nhất là đối với những trường hợp có triệu chứng tiêu chảy.
Hiện nay, chưa có một phương pháp đặc trưng nào có khả năng điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Vì thế, những phương pháp như sử dụng thuốc, truyền máu, liệu pháp miễn dịch chỉ có tác dụng làm tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân chứ không chữa trị dứt điểm ngay được.
Biện pháp phòng ngừa virus Ebola
Virus Ebola có tính vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong khi nhiễm nên việc phòng ngừa không cho chúng xâm nhập vào cơ thể là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chính mình.
Để ngăn ngừa và kiểm soát Ebola, cần thực hiện các vấn đề sau:
Giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người
Các loại động vật hoang dã như dơi, tinh tinh, khỉ đột có khả năng nhiễm virus Ebola là rất cao nên cần tránh xa chúng để tránh lây nhiễm. Khi tiếp xúc cần đeo gang tay, mặc đồ bảo hộ cẩn thận. Những sản phẩm từ động vật cũng cần được nấu chín trước khi ăn, nên đeo găng tay khi chế biến chúng.
Giảm nguy cơ lây từ người sang người
Khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc có các triệu chứng nghi nhiễm thi nên đeo khẩu trang, đeo găng tay, dụng cụ bảo hộ cá nhân. Đặc biệt, phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi đến thăm tại bệnh viện, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus trực tiếp từ người bệnh hoặc đồ dùng cá nhân có nhiễm Ebola.
Giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai nhiễm Ebola khả năng lây sang con là rất lớn. Vì thế, trước khi mang thai, chị em nên đi khám sức khỏe và thường xuyên khám thai trong suốt thai kỳ để được chăm sóc và đảm bảo an toàn nhất cho cả hai mẹ con.
Giảm nguy cơ lây qua đường tình dục
Quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus Ebola có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì thế, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ. Nếu nam giới nhiễm Ebola thì cần kiêng trong vòng 12 tháng kể từ lúc xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Hoặc hãy đi xét nghiệm tinh dịch để đảm bảo bạn âm tính 2 lần với virus Ebola trước khi có ý định quan hệ tình dục.
Ngăn chặn bùng phát dịch
Virus Ebola có khả năng lây nhiễm nên nếu không áp dụng tốt các biện phát phòng ngừa có thể dẫn đến dịch bệnh diện rộng rất nguy hiểm. Vì thế, không nên tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh. Ai bị nhiễm thì nên cách ly với những người xung quanh. Việc chôn cất người nhiễm Ebola đã tử vong cũng cần hết sức cẩn trọng.
Theo dõi thêm fanpage: Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc