Người bị sỏi niệu quản có thể trải qua các cơn đau dữ dội, gây cản trở tới sinh hoạt hằng ngày. Sỏi niệu quản sẽ được điều trị bằng phương pháp thích hợp nếu phát hiện sớm sẽ không gây biến chứng, tuy nhiên mỗi cá nhân cũng cần nắm rõ nguyên nhân gây sỏi niệu quản là gì để phòng tránh.
Sỏi niệu quản là gì?
Sỏi niệu quản là sỏi thận bị mắc kẹt ở một hoặc cả hai niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang).
Nếu kích thước sỏi lớn có thể cản trở dòng chảy của nước tiểu từ thận đến bàng quang gây ra cơn đau dữ dội. Sỏi thận được hình thành từ nồng độ dư thừa của các khoáng chất và muối trong nước tiểu. Các khoáng chất này tạo thành các tinh thể phát triển thành đá. Hầu hết sỏi thận đều có nguồn gốc từ canxi.
Nhiều viên sỏi thận nhỏ li ti, một số quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường, dễ dàng đào thải qua nước tiểu và không gây ra vấn đề gì. Còn những viên sỏi lớn hơn bị mắc kẹt trong đường tiết niệu có thể gây ra những cơn đau dữ dội.
Nguyên nhân gây sỏi niệu quản do đâu?
Sỏi niệu quản hình thành khi một số chất trong nước tiểu chuyển thành tinh thể. Những chất này thường là muối canxi nhưng axit uric hoặc các khoáng chất khác đôi khi cũng tạo thành sỏi:
80% những người bị sỏi thận có sỏi canxi
5 đến 10% bị sỏi axit uric
10% có sỏi được tạo thành từ khoáng vật struvite.
Thông thường, những chất này được hòa tan trong nước tiểu. Nhưng do một số điều kiện khác khiến nồng độ của chúng trong nước tiểu tăng lên, dẫn đến kết tinh. Ví dụ, nếu các tuyến cận giáp hoạt động quá mức, mức canxi trong nước tiểu sẽ tăng lên; bệnh gút làm tăng nồng độ axit uric. Nhưng hiếm khi, mức độ vượt quá là do di truyền.
Ngoài nguyên nhân gây sỏi niệu quản do các tinh thể, cũng có các yếu tố khác tác động việc hình thành sỏi:
Tiền sử gia đình: Nếu người trong gia đình bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản, bạn cũng có thể bị sỏi thận.
Thiếu nước: Thường được biết đến là nguyên nhân gây sỏi niệu quản phổ biến nhất, không bổ sung đủ nước cho cơ thể sẽ không thể tạo ra nước tiểu giúp đào thải sỏi niệu quản.
Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều đồ quá mặn, protein động vật và thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Thực phẩm giàu oxalat bao gồm rau bina, trà, sô cô la và các loại hạt; uống nhiều vitamin C cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Sử dụng một số loại thuốc như thuốc thông mũi, thuốc lợi tiểu, steroid và thuốc chống co giật có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi.
Mắc phải các bệnh lý như tắc nghẽn đường tiết niệu, bệnh viêm ruột, bệnh Gout, cường cận giáp, béo phì, nhiễm trùng tiểu tái phát…
Nếu không được điều trị, sỏi thận có thể làm tắc nghẽn niệu quản hoặc khiến niệu quản trở nên hẹp hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc nước tiểu có thể tích tụ và gây thêm căng thẳng cho thận.
Chẩn đoán sỏi niệu quản
Nếu bị đau ở bụng dưới hoặc nhận thấy có máu trong nước tiểu, cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để tìm sỏi.
Hai trong số các xét nghiệm hình ảnh phổ biến nhất để tìm sỏi bao gồm:
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT thường là lựa chọn tốt nhất để phát hiện sỏi trong đường tiết niệu. Nhân viên y tế sẽ sử dụng máy X-quang quay để tạo ra hình ảnh mặt cắt của bên trong bụng và xương chậu của bệnh nhân.
Siêu âm
Không giống như chụp CT, siêu âm không sử dụng bất kỳ bức xạ nào. Quy trình này sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.
Các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định kích thước và vị trí của sỏi để có phương án điều trị phù hợp.
Làm thế nào có thể ngăn ngừa sỏi niệu quản?
Bạn sẽ không bị sỏi niệu quản nếu bạn không bị sỏi thận. Nếu bạn đã từng bị sỏi thận, bác sĩ có thể giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây sỏi và đưa ra lời khuyên phòng ngừa sỏi hình thành hoặc điều trị sỏi thận trước khi chúng di chuyển vào niệu quản và gây đau.
Uống nhiều nước
Nếu bạn có nguy cơ cao bị sỏi niệu quản, hãy cố gắng bổ sungkhoảng 3 lít chất lỏng mỗi ngày. Điều này sẽ giúp tăng lượng nước tiểu, giúp nước tiểu không quá cô đặc. Tốt nhất nên uống nước lọc thay vì nước trái cây hoặc nước ngọt có ga.
Theo dõi lượng muối và protein nạp vào cơ thể
Đừng ăn nhiều protein động vật và muối, hãy hạn chế nhất có thể. Cả protein động vật và muối đều có thể làm tăng nồng độ axit trong nước tiểu.
Hạn chế thức ăn có nhiều oxalat
Ăn thực phẩm có nhiều oxalat có thể dẫn đến sỏi đường tiết niệu. Cố gắng hạn chế những thực phẩm này trong chế độ ăn uống mỗi ngày.
Cân bằng lượng canxi
Bổ sung liều lượng canxi quá cao dẫn đến dư thừa sẽ tạo điều kiện hình thành sỏi niệu quản, nhưng cũng không nên cắt giảm quá mức sẽ ảnh hưởng tới xương. Vì vậy cần bổ sung canxi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời lựa chọn thực phẩm giàu canxi để ăn thêm.
Xem lại các loại thuốc hiện tại đang sử dụng
Nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, bao gồm cả các chất bổ sung như vitamin C đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.