Để lượng sữa mẹ dồi dào, phương pháp kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp được nhiều phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ áp dụng. Đây là phương pháp kích sữa hoàn toàn tự nhiên và hiệu quả.
Tại sao cần cho trẻ bú mẹ thường xuyên?
Cơ thể người mẹ theo bản năng tự nhiên sẽ tự động tạo ra sữa dù trẻ có bú hay không. Nhưng thông thường sau khoảng tuần đầu tiên, nhu cầu bú của trẻ sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất sữa số lượng nhiều hay ít. Do đó, các bà mẹ cần cho con bú thường xuyên nếu muốn thiết lập và duy trì nguồn sữa lành mạnh.
Khi mẹ cho trẻ bú đều đặn sẽ kích thích các dây thần kinh ở ngực để gửi thông điệp đến tuyến yên trong não mẹ. Các hormone oxytocin và prolactin sẽ được tuyến yên tiết ra, trong đó hormone oxytocin tác động trực tiếp tới tuyến sữa để tạo ra sữa mẹ, còn hormone prolactin sẽ có chức năng báo hiệu phản xạ tiết sữa bằng việc làm cho các phế nang co lại và ép sữa mẹ vào ống dẫn sữa để cho trẻ bú.
Mức hormone prolactin sẽ được tăng lên nếu thời điểm mẹ cho trẻ bú sau 1 – 3 giờ (ít nhất 8 – 12 lần một ngày). Từ khoảng ngày thứ 9 sau khi sinh và tới khi kết thúc thời kỳ cho con bú sẽ là giai đoạn tạo sữa hoàn toàn.
Hướng dẫn cho trẻ bú đúng
Đối với những phụ nữ lần đầu làm mẹ, việc cho con bú trở nên không hề dễ dàng. Do đó vấn đề cho trẻ bú như thế nào là đúng cách được rất nhiều mẹ quan tâm.
Dấu hiệu trẻ đòi bú mẹ
Mỗi lần trẻ đòi bú mẹ sẽ xoay xở, nằm không yên, há miệng và quay đầu sang hai bên, đưa lưỡi ra vào, mút ngón tay hoặc mút nắm tay. Thời gian trẻ bú sẽ kéo dài tới khi nào trẻ tự nhả vú ra.
Trường hợp trẻ bú kéo dài hơn nửa tiếng hoặc các lần bú chỉ cách nhau 1 – 1,5 tiếng chứng tỏ trẻ không được ngậm bắt vú đúng và bú không hiệu quả, mẹ cần kiểm tra lại.
Trường hợp trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong 24 giờ chứng tỏ trẻ bú mẹ đủ (trong 2 ngày đầu khi trẻ bú sữa nn sẽ chỉ làm ướt 1 – 2 tã/ngày).
Mẹ tiếp tục cho trẻ bú khi trẻ bị ốm và cần cho bú thường xuyên trong thời gian lâu hơn.
Cách bế trẻ khi cho bú
Mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi tùy điều kiện cụ thể nhưng cần đảm bảo mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn:
Đầu và thân trẻ nằm trên cùng một đường thẳng
Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ
Mặt trẻ quay vào vú mẹ và mũi trẻ đối diện với núm vú của mẹ
Tay mẹ đỡ đầu và mông của trẻ
Cách nâng bầu vú khi cho trẻ bú
Ngón tay cái của mẹ để trên vú
Các ngón tay còn lại để phía dưới vú
Ngón tay trỏ nâng vú
Hướng dẫn mẹ giúp trẻ ngậm bắt vú đúng
Chạm đầu vú và môi trên của trẻ đến khi miệng trẻ mở rộng
Mẹ đưa vú vào miệng trẻ sao cho môi dưới của trẻ ở dưới núm vú
Cằm trẻ chạm nhẹ vào vú mẹ
Dấu hiệu trẻ bú mẹ hiệu quả là khi trẻ nuốt chậm, ngậm sâu, thỉnh thoảng dừng rồi lại bú tiếp, mẹ có thể nhìn và nghe thấy tiếng trẻ nuốt. Mẹ nên cho trẻ bú hết sữa ở một bên vú rồi mới chuyển sang bầu ngực còn lại và ngược lại ở lần bú sau. Mẹ tuyệt đối không được rứt ti ra khi trẻ vẫn muốn bú, không cho trẻ ăn và uống bất kỳ thức ăn thay thế sữa mẹ nào trong 6 tháng đầu để trẻ phát triển được tối ưu.
Dấu hiệu trẻ đã bú đủ
Với những phụ nữ lần đầu làm mẹ, cần chú ý quan sát để nhận biết trẻ đã bú đủ thông qua các dấu hiệu như:
Bầu ngực của mẹ trở nên mềm hơn sau mỗi lần bú
Trẻ đi ngoài có phân màu vàng, mềm
Trẻ đi tiểu đều đặn, nước tiểu không có màu hoặc màu vàng nhạt, không có mùi hôi
Trẻ thể hiện sự vui vẻ, thoải mái và hài lòng sau mỗi lần bú mẹ
Sau khoảng 2 tuần đầu tiên bú mẹ, cân nặng của trẻ sẽ tăng lên một cách đều đặn
Thực hành kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp
Những mẹ mới sinh cần chú ý để trẻ có thể ngậm đúng khớp ti mẹ ngay từ đầu giúp điều chỉnh phù hợp với phương pháp kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp.
Cho bé bú trực tiếp hoàn toàn để kích sữa
Mẹ có thể yên tâm cách kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp nếu trẻ chịu bú mẹ trực tiếp, trẻ bú cạn sữa ở hai bên bầu ngực mỗi cữ sữa. Theo đó, mẹ sẽ cho trẻ bú theo nhu cầu, bú trực tiếp hoàn toàn để kích sữa.
Khi cho trẻ bú trực tiếp, việc mẹ cần quan tâm nhất chính là việc trẻ có khớp ngậm đúng hay chưa bởi chỉ khi trẻ bú đúng khớp ngậm thì việc rút sữa ra khỏi ngực mẹ mới hiệu quả.
Khi thấy trẻ bú lắt nhắt, vừ bú vừa ngủ, bú xong mẹ vẫn còn sữa… thì đây chính là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bú sai, nếu mẹ vẫn muốn cho trẻ bú tiếp trong trường hợp này thì cần chỉnh lại khớp ngậm cho con.
Tuy nhiên trẻ thường sẽ ngủ gật trên tay mẹ khi bú mẹ trực tiếp hoàn toàn, việc này sẽ khiến trẻ chỉ mút được ít sữa đầu, loãng, trong và nhiều oxytocin gây buồn ngủ và nhanh đói. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hàng loạt các vấn đề khác xảy ra như trẻ ngủ ngắn, đầy hơi, bện hơi mẹ, ngủ ngày chơi đêm…
Để kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp hiệu quả, mẹ cần làm cho trẻ tỉnh táo trong lúc bú, khuyến khích trẻ bú no hết một bên rồi chuyển sang bên còn lại.
Kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp kết hợp vắt sữa bằng tay
Mẹ chỉ áp dụng kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp kết hợp với vắt sữa bằng tay nếu trẻ không chịu bú cạn sữa hoặc khi trẻ ngủ xuyên đêm không cần dậy ăn, mẹ sẽ phải vắt sữa bằng tay để tránh căng sữa quá nhiều gây tức ngực.
Khi áp dụng cách này, mẹ sẽ cho trẻ bú đều đặn theo cữ bú, đồng thời xen kẽ việc vắt sữa bằng tay để đủ lượng sữa cần bổ sung cho trẻ. Việc vắt sữa bằng tay nên thực hiện trong khoảng từ 30 – 60 phút sau cữ bú của trẻ để đảm bảo lượng sữa cho trẻ bú tiếp ở cữ sau.
Cho trẻ bú trực tiếp kết hợp máy hút sữa
Giống với kích sữa bằng cách cho trẻ bú trực tiếp kết hợp vắt sữa bằng tay, mẹ có thể thay thế dùng tay vắt sữa bằng máy hút sữa sau khi cho trẻ bú đến khi cạn sữa. Mẹ hút sữa bằng máy một bên bầu ngực trong khi trẻ đang bú một bên còn lại. Sử dụng máy hút sữa sẽ tiết kiệm thời gian hơn vắt sữa bằng tay
Kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp đến khi nào?
Mẹ nên áp dụng kích sữa bằng cách cho con bú trực tiếp đến khi nào mẹ cảm thấy trẻ đã sẵn sàng cho việc cai sữa. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời, rồi tiếp tục cho trẻ bú cùng với việc bổ sung thực phẩm thích hợp tới 2 tuổi hoặc sau đó.
Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người mẹ và nhu cầu bú của từng trẻ mà thời gian bú mẹ sẽ khác nhau. Khi nhận thấy các dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng rời xa nguồn sữa mẹ thì mẹ mới bắt đầu cai sữa cho con:
Trẻ đã ăn dặm tốt và ăn được đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau
Trẻ khỏe mạnh, tăng trưởng phát triển tốt
Trẻ không còn nhu cầu bú mẹ nữa
Trẻ không quấy khóc, khát sữa mẹ dẫn đến lười ăn và sụt cân nhanh khi ngừng bú
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không có nguồn dinh dưỡng nào sánh bằng sữa mẹ. Vậy nên, việc cho con bú trực tiếp vừa là các kích sữa hiệu quả lại mang đến cho trẻ sự bảo vệ và phát triển tốt nhất trong giai đoạn đầu đời.
**Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là một trong những địa chỉ uy tín về sản – phụ khoa. Quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh đã và đang được bệnh viện áp dụng theo đúng khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế. 100% mẹ bầu sinh con (kể cả sinh thường và sinh mổ) tại đây đều được da kề da với con sau sinh, trẻ được bú mẹ ngay trong vòng vài giờ đầu sau sinh.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Ða khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc