Không nên tùy tiện uống aspirin để khỏe tim, ngừa ung thư

Không nên tùy tiện uống aspirin để khỏe tim, ngừa ung thư

15-11-2013
Sống khỏe

Hiện nay có khá nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, nghe nói aspirin có thể phòng ngừa các bệnh lý tim mạch nên tự ý dùng aspirin gọi là để bổ tim, khỏe tim mà không thông qua ý kiến bác sĩ. Dùng như thế là việc không đúng.

Tác dụng của aspirin

Gần đây, lại có thông tin cho rằng uống 1 liều nhỏ aspirin hàng ngày sẽ giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư vì có các bằng chứng khoa học đủ mạnh để khẳng định rằng những người ngoài 40 tuổi nên uống aspirin hàng ngày để bảo vệ mình. Sự thực có đúng như vậy không?

Trước hết xin nói về tác dụng của aspirin. Ngoài 3 tác dụng hạ sốt, chống viêm, giảm đau, aspirin còn có tác dụng thứ 4 là chống kết tập tiểu cầu (tức làm cho tiểu cầu không tụ hợp lại gây đông máu) do ức chế tổng hợp trong cơ thể thromboxane A2 và prostacyclin là hai chất cần cho sự đông máu, tức là aspirin chống lại sự đông máu hay còn gọi ngừa huyết khối.

Chính tác dụng chống kết tập tiểu cầu làm cho việc sử dụng aspirin phải thận trọng (chống chỉ định trong các bệnh lý gây xuất huyết như bị sốt xuất huyết hay đối với phụ nữ có thai vào 3 tháng cuối vì nguy cơ băng huyết khi sinh).

Nhưng cũng chính nhờ có tác dụng chống kết tập tiểu cầu mà aspirin trở thành thuốc rất quý, có thể dùng ngăn ngừa sự hình thành cục huyết khối gây nghẽn mạch dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có việc giúp máu không đóng cục gây nghẽn động mạch vành.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu áp dụng tính chất chống kết tập tiểu cầu của aspirin vào điều trị và đã có đề xuất chỉ định aspirin trong một số bệnh tim mạch như sau: Chống tái phát nhồi máu cơ tim; Dự phòng các tai biến mạch máu não; Dự phòng tai biến huyết khối gây tắc mạch trong phẫu thuật đặt van tim nhân tạo hoặc làm cầu nối mạch vành.

Như vậy, aspirin đã được sử dụng trong lĩnh vực bệnh lý tim mạch nhưng chủ yếu là phòng ngừa và phải dùng trong thời gian dài.  

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và điều trị có cảnh cáo là không được tự ý sử dụng thuốc gọi là phòng ngừa tiên phát (primary prevention, tức là ngừa trước khi có bệnh tim mạch) đối với những người không có dấu hiệu rõ ràng về bệnh tim mạch.

aspirin

Khuyến cáo mới đây của Hội Tim mạch Hoa Kỳ là không khuyến khích các bác sĩ kê đơn aspirin thoải mái để phòng ngừa tiên phát cho những người thật sự không có bệnh tim mạch.

Đối với người chưa có nguy cơ thật sự về bệnh tim mạch thì việc dùng aspirin dài hạn để phòng ngừa là có hại hơn là có lợi, bởi vì dễ bị các tác dụng phụ của aspirin, trong đó có nguy cơ bị xuất huyết.

Đối với người đã bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ do huyết khối, có nguy cơ tái phát thì việc dùng aspirin dài hạn, mặc dù là dùng liều thấp 75 - 81mg/ngày nhưng phải dùng liên tục trong nhiều năm, vẫn phải cần có sự theo dõi của bác sĩ điều trị.

Tác dụng có hại của aspirin bao gồm chứng khó tiêu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, loét dạ dày tá tràng và xuất huyết tiêu hóa. Người bị hen suyễn nên thận trọng, dùng tùy tiện aspirin có thể làm khởi phát cơn hen và làm cơn hen trở nên trầm trọng.

Như vậy hoàn toàn không nên tự ý uống aspirin gọi là để bổ tim, khỏe tim, nếu nghi ngờ có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ.

Một số lưu ý khi uống aspirin

Khi đã được bác sĩ chỉ định dùng aspirin để ngừa bệnh tim mạch cũng cần lưu ý về cách uống thuốc loại này.

Khi sử dụng aspirin người ta thường lưu ý nhất tác dụng phụ gây tổn hại niêm mạc dạ dày của nó và có khuyến cáo nên uống vào lúc bụng no, tức là uống ngay sau khi ăn để nhờ thức ăn làm chất độn ngăn không cho aspirin với bản chất acid (aspirin chính là acid acetylsalicylic) tiếp xúc trực tiếp gây hại niêm mạc dạ dày.

Có một số người chuộng cách uống vào buổi tối trước khi ngủ nhưng vào thời điểm này e rằng không tiện vì bụng bắt đầu trống.

Cần chọn thời điểm nhất định như sau: bữa ăn sáng hoặc trưa để uống thuốc để thành thói quen không bị quên.

Cần đặc biệt lưu ý, hiện nay có biệt dược Aspirin pH8 được bao tan ở ruột có thể uống vào lúc bụng trống nhưng lại chứa liều cao 500mg hoạt chất trong mỗi viên, và Aspirin pH8 do liều cao chỉ dùng để giảm đau, hạ nhiệt (dùng trong trường hợp bị cảm sốt), chống viêm (dùng trong các bệnh về cơ xương khớp) chứ không được dùng trong bệnh lý tim mạch (ngừa đau thắt ngực, ngừa nhồi máu cơ tim, đột qụy tái phát).  

Vì vậy, không nên chia nhỏ viên thuốc Aspirin pH8 để dùng liều thấp hơn (như chia làm 5 để dùng liều 100mg) để dùng phòng ngừa bệnh lý tim mạch.

Chia nhỏ hoặc nghiền viên thuốc như thế là làm hỏng hoàn toàn dạng thuốc bao tan ở ruột và thường là phân liều không chính xác.

Nên dùng loại thuốc chứa liều thấp trong trường hợp cần dùng liều thấp, như dùng gói dạng bột hòa tan aspirin (chứa 75mg hoặc chứa 81mg aspirin) và nhớ uống vào lúc bụng no như đã nói ở trên.

aspirin

Còn về tác dụng ngừa ung thư của aspirin thì như thế nào? Cách đây nhiều năm đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu xem aspirin và cả nhóm thuốc gọi là thuốc chống viêm không steroid (viết tắt NSAID) có tác dụng ngừa ung thư đại trực tràng (UTĐTT) hay không.

Bởi vì aspirin và NSAID nói chung có tác dụng ức chế enzyme có tên cyclo – oxygenase 2 (viết tắt COX-2), do đó ức chế sự tạo thành chất sinh học prostaglandin trong cơ thể. Prostaglandin do COX-2 kích thích tạo ra có tác dụng gây viêm (vì thế aspirin và NSAID chống viêm tốt) và trong một số trường hợp nào đó có thể kích thích sự phân chia tế bào ác tính gây UTĐTT, nhất là người bệnh đã mắc sẵn polype ruột già (aspirin và NSAID vì thế được hướng đến nghiên cứu ngừa UTĐTT).

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho đến nay chia ra làm 2 loại: có nghiên cứu cho thấy aspirin và NSAID không có tính bảo vệ tức không làm giảm tỷ lệ mắc UTĐTT, có một số nghiên cứu thấy có bảo vệ nhưng tỷ lệ ngừa UTĐTT chỉ vào khoảng 30 - 60%.

Gần đây, vấn đề dùng aspirin ngừa UTĐTT lại nổi rộ lên vì có bài báo nghiên cứu đăng trong tạp chí y khoa The Lancet.

Bài báo này tường trình nghiên cứu với 8 cuộc khảo sát trên 25.000 bệnh nhân, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ tử vong do ung thư ở những người uống aspirin liều thấp 75mg/ngày giảm 21% trong suốt quá trình nghiên cứu và 34% sau 5 năm.

Như vậy, tỷ lệ ngừa cũng thuộc loại thấp, chỉ khoảng 21 - 34% và phải uống aspirin đều đặn hằng ngày ít nhất là 5 năm. Nên lưu ý, bất cứ nghiên cứu nào cũng đều đề cập đến nguy cơ dùng aspirin dài hạn tuy với liều thấp đưa đến viêm loét đường tiêu hóa, đặc biệt là xuất huyết dạ dày.

Bài báo đăng trên tạp chí The Lancet thật ra chỉ tiếp thêm việc tranh luận về việc có nên uống aspirin ngừa UTĐTT hay không bởi vì có khi “lợi bất cập hại”, chính aspirin làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày ở 1/1.000 bệnh nhân trên toàn thế giới mỗi năm.

Cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về việc dùng aspirin ngừa UTĐTT, tất cả vẫn trong vòng nghiên cứu. Chúng ta hãy đợi khi nào trên bao bì hoặc bản hướng dẫn sử dụng thuốc aspirin có ghi: “có thể dùng aspirin ngừa UTĐTT”, khi đó hãy dùng để ngừa.

Còn hiện nay, xin đừng dựa vào thông tin không đáng tin cậy, dùng thuốc bừa bãi sẽ chịu cảnh “tiền mất tật mang”.

Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay