Hở van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ không đóng chặt. Điều này khiến máu chảy từ động mạch chủ (mạch máu lớn nhất) vào tâm thất trái (buồng tim).
Hở van động mạch chủ là gì?
Cấu trúc của tim có 4 buồng, mỗi buồng có một van giúp máu thoát ra ngoài. Vị trí của van động mạch chủ là nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Trong thời kỳ tâm thu, van động mạch chủ giữ vai trò mở ra để máu được bơm từ tâm thất trái qua động mạch chủ đến phần còn lại của cơ thể.
Trong thời kỳ tâm trương, van động mạch chủ đóng lại để tim chứa đầy máu và chuẩn bị cho kỳ tâm thu tiếp theo. Nếu van không đóng hoàn toàn, máu sẽ chảy ngược vào tâm thất trái và xảy ra hở van động mạch chủ.
Hở van động mạch chủ được chia ra thành 4 cấp độ:
Hở van động mạch chủ 1/4 (hở van động mạch chủ nhẹ).
Hở van động mạch chủ 2/4 (trung bình).
Hở van động mạch chủ 3/4 (hở van động mạch chủ nặng).
Hở van động mạch chủ 4/4 (rất nặng).
Tại sao bị hở van động mạch chủ?
Tình trạng hở van động mạch chủ khá phổ biến, chiếm khoảng 5 – 10% dân số. Tỷ lệ trẻ sơ sinh là nam thường mắc nhiều hơn nữ giới. Ngoài ra, nguy cơ mắc hở van động mạch chủ tăng dần theo tuổi, phổ biến ở những người >50 tuổi.
Bất kỳ tác nhân nào gây tổn thương van động mạch chủ đều có thể dẫn tới hở van động mạch chủ. Các yếu tố gây hở van động mạch chủ bao gồm:
Bệnh van tim bẩm sinh: Một số trường hợp sinh ra với dị tật bẩm sinh như: van một lá, van bốn lá. Hoặc các bệnh tim di truyền khác ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc số lượng lá van của động mạch chủ.
Hẹp động mạch chủ : Canxi tích tụ trên van động mạch chủ khiến van bị cứng lại, thu hẹp và khiến van đóng mở không đúng cách.
Thấp khớp: Đây là một biến chứng hiếm gặp của viêm họng liên cầu khuẩn khiến van động mạch chủ cứng, hẹp, gây rò rỉ máu.
Viêm nội tâm mạc : Thường xảy ra bởi nhiễm trùng và có thể dẫn tới hỏng van động mạch chủ.
Các bệnh khác: Các tình trạng như hội chứng Marfan hay bệnh lupus có nguy cơ làm phì đại động mạch chủ.
Chấn thương: Thay đổi cấu trúc của van động mạch chủ do chấn thương.
Để được tư vấn khám tim mạch, khách hàng vui lòng đăng ký tại đây:
Hở van động mạch chủ có nguy hiểm không?
Hở van động mạch chủ có nguy hiểm không? Hở van động mạch chủ rất nguy hiểm và diễn biến nhanh với các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Các mức độ hở van động mạch chủ từ nhẹ đến nặng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ có nguy cơ bị suy tim.
Hở van động mạch chủ cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng lớp lót bên trong của tim, sung huyết và tệ hơn là đe dọa tính mạng do tim không thể bơm máu đến các phần còn lại của cơ thể.
Triệu chứng là gì?
Khi tình trạng rò rỉ của động mạch chủ mới khởi phát thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, khi hở van động mạch chủ nặng sẽ kèm theo các triệu chứng rõ ràng. Bạn cần đi gặp bác sĩ nếu các dấu hiệu dưới đây xuất hiện với tần suất và mức độ tăng dần:
Mệt mỏi: Khi hoạt động nhiều, cơ thể có thể cảm thấy đuối sức nhanh, yếu ớt.
Đau ngực: Các cơn đau tức ngực, khó chịu xuất hiện khi hoạt động thể chất.
Khó thở: Gặp khó khăn khi thở sâu, đặc biệt là khi nằm hoặc sau khi hoạt động.
Sưng mắt cá chân và bàn chân.
Ngất xỉu hoặc choáng váng.
Đánh trống ngực.
Tim đập nhanh.
Mạch không đều, nhanh, đập mạnh.
Có thể bạn quan tâm:
Chẩn đoán bằng cách nào?
Hở van động mạch chủ được đánh giá chính xác qua các triệu chứng, thăm khám lâm sàng kèm những xét nghiệm cận lâm sàng.
Siêu âm tim: Là công cụ chẩn đoán chính xác thông qua các đánh giá về giải phẫu van động mạch chủ, gốc động mạch chủ và thất trái.
Cộng hưởng từ tim (MRI tim): Kỹ thuật không xâm lấn này giúp đánh giá thể tích cuối tâm thu, thể tích tâm trương và khối lượng thất trái. Từ đó đưa ra kết luận chính xác về mức độ nghiêm trọng của hở van động mạch chủ.
Đặt ống thông tim: Dựa trên kỹ thuật bơm thuốc cản quang từ mạch máu tới tim giúp nhìn rõ hình ảnh của tim và các động mạch trên X – quang.
Điện tim đồ: Cho phép nhìn thấy sự phì đại hoặc tăng kích thước của các tế bào tim.
Kỹ thuật đồng vị phóng xạ: Cho phép đánh giá phân số tống máu, thể tích thất trái, chức năng từng phần và toàn phần của thất trái.
Tâm thanh cơ động đồ
Chụp X- quang tim phổi
Bài kiểm tra gắng sức
Chụp CT tim
Điều trị hở van động mạch chủ
Đối với các bệnh nhân hở van động mạch chủ, việc điều trị phụ thuộc vào các dấu hiệu, triệu chứng và mức độ rối loạn chức năng thất trái.
Trường hợp nhẹ
Mức độ nhẹ thường không cần điều trị và được yêu cầu kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để đánh giá tiến triển của hở van động mạch chủ.
Nếu huyết áp cao, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê các loại thuốc huyết áp để làm chậm tình trạng hở van động mạch chủ.
Thuốc lợi tiểu được chỉ định dùng trong các trường hợp bị suy tim.
Trường hợp nặng
Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van động mạch chủ đem lại hiệu quả cao trong những trường hợp hở van động mạch chủ nặng.
Sửa chữa van động mạch chủ: Tách lá van bị dính và loại bỏ mô van thừa/ vá các lỗ hở trên lá van.
Thay van động mạch chủ: Sử dụng van thay thế bằng van sinh học hoặc van cơ học. Việc thay van có thể được tiến hành nhiều lần do van sinh học sẽ bị thoái hóa theo thời gian. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc làm giảm loãng máu theo phác đồ của bác sĩ.
Chăm sóc và phòng ngừa
Các biến chứng và nguy cơ diễn biến của hở van động mạch chủ cần được đánh giá kỹ càng qua các cuộc kiểm tra. Đồng thời, phụ thuộc vào các yếu tố tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh nền. Các bác sĩ cũng đưa ra các lời khuyên về lối sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện để bệnh nhân có thể kiểm soát tình trạng sức khỏe tốt nhất:
Dùng đúng và đủ các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với các nhóm thực phẩm có lợi cho tim mạch.
Chế độ tập luyện thể thao với cường độ phù hợp, tránh các bài tập gắng sức.
Tránh dùng các chất kích thích.
Thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Duy trì sức khỏe răng miệng tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là đơn vị uy tín về thăm khám, chẩn đoán, tầm soát và điều trị các vấn đề tim mạch. Không chỉ quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên môi giỏi, giàu kinh nghiệm mà Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc còn đi đầu trong việc áp dụng trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến như: Máy siêu âm Voluson E8, Doppler, máy CT Revolution EVO và MRI Signa Creator 1.5 Tesla, máy chụp mạch vành xóa nền (DSA),… cùng chất lượng dịch vụ 5 sao, thủ tục nhanh gọn, không gian theo tiêu chuẩn khách sạn sẽ đem đến cho người bệnh sự thoải mái và an tâm.
Thông tin liên hệ:
Chuyên khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
– Địa chỉ: 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
– Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline tư vấn và đặt lịch khám: 0911 858 616
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trang bệnh, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.