Ho ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hóa… Tình trạng này cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, ho ra máu có thể là triệu chứng của ung thư.
Ho ra máu là tình trạng gì?
Ho ra máu là tình trạng xuất hiện máu khi người bệnh ho gắng sức. Máu có thể là máu đỏ tươi, hoặc cục máu, sợi máu xuất hiện kèm theo nhầy dãi, đờm.
Trước khi xuất hiện tình trạng ho ra máu, người bệnh thường phải trải qua các triệu chứng như ngứa rát cổ, nóng rát vùng xương ức, đau tức ngực, ho nhiều…
Ho ra máu cảnh báo bệnh gì?
Ho ra máu là tình trạng không được chủ quan, có thể cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Thông thường, các bệnh lý dưới đây sẽ có triệu chứng ho ra máu:
Viêm phổi.
Lao phổi.
Giãn phế quản.
Ung thư phổi.
Áp xe phổi.
Thuyên tắc phổi.
Bệnh lý về phế quản: viêm phế quản cấp và mạn tính, hen phế quản.
Bệnh lý về tim mạch: suy tim, tăng huyết áp.
Bệnh lý toàn thân: thiếu vitamin C nặng, nhiễm khuẩn huyết…
Do chấn thương.
Để xác định chính xác ho ra máu do đâu, người bệnh cần đi khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ho ra máu
Ho ra máu có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nêu trên. Ngoài ra, nếu là nhóm đối tượng dưới đây, nguy cơ bị ho ra máu cũng cao hơn so với những người khác:
Thường xuyên hút thuốc lá.
Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Làm việc trong môi trường độc hại, nhiều khói bụi, ô nhiễm không khí.
Mắc bệnh lý về rối loạn đông máu.
Nhiễm virus gây ức chế miễn dịch.
Phương pháp chẩn đoán ho ra máu
Ho ra máu có thể do chấn thương hoặc do bệnh lý gây ra. Vì vậy, trước khi điều trị cần phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Để chẩn đoán tình trạng ho ra máu, bên cạnh việc hỏi han tiền sử bệnh, mức độ ho ra máu nhiều hay ít, máu có màu đỏ tươi hay chỉ là sợi máu… Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật sau để giúp chẩn đoán chính xác nhất:
Xét nghiệm máu
Tổng phân tích tế bào máu sẽ đánh giá được tình trạng mất máu và tìm được nguyên nhân gây bệnh lý ở phổi.
Đánh giá đông máu xem có mắc bệnh về đông máu hay không.
Đánh giá chức năng gan, thận để nhận biết mức độ ảnh hưởng của tình trạng ho ra máu đối với 2 cơ quan này.
Xét nghiệm D-Dimer để xác định có xuất hiện cục máu đông trong lòng mạch hay không.
Nội soi phế quản
Việc nội soi sẽ tìm được dị vật trong phế quản và lấy dịch xét nghiệm với những trường hợp ho khan kéo dài. Đồng thời, qua nội soi sẽ tiến hành can thiệp nếu chảy máu quá nhiều.
Sinh thiết phổi
Với những trường hợp có khối u trong phổi bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết để xác định khối u có phải ung thư hay không.
Xét nghiệm đờm
Bao gồm các xét nghiệm như AFB đờm, PCR lao, cấy đờm, nhuộm soi đờm… để xác định chính xác tác nhân gây bệnh giúp đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Chụp X-quang phổi
Kết quả chụp X-quang giúp bác sĩ đánh giá sơ bộ các tổn thương nhu mô, xác định khối u cũng như dấu hiệu tràn dịch/khí màng phổi.
Chụp CT
Để đánh giá tình trạng nhu mô phổi, giãn phế quản, tràn dịch màng phổi, đánh giá cục máu đông trong động mạch phổi…
Cần làm gì khi bị ho ra máu?
Khi bị ho ra máu nhiều người rất lo sợ, không biết phải làm sao. Tùy vào tình trạng ho ra máu sẽ có cách xử lý khác nhau, người bệnh cần bình tĩnh để đưa ra cách phù hợp.
Với trường hợp ho ra máu nhẹ
Nếu ho ra dưới 50ml máu/ngày, máu chỉ là những vệt nhỏ lẫn trong đờm, dãi… thì bệnh nhân cần nghỉ ngơi, sử dụng thuốc cầm máu, giảm vận động, uống nước mát, ăn đồ lỏng..
Những trường hợp này có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi máu được cầm thì người bệnh khám lại với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị bệnh triệt để.
Với trường hợp ho ra máu nặng
Ho ra máu từ 50ml trở lên mỗi ngày, người bệnh cần đến bệnh viện điều trị ngay. Thậm chí, nhiều trường hợp ho ra máu nặng, trên 200ml máu/ngày sẽ phải tiến hành truyền máu để tránh mất máu quá nhiều, đe dọa đến tính mạng.
Biện pháp phòng ngừa và giảm tình trạng ho ra máu
Ho ra máu chủ yếu là dấu hiệu của các bệnh về đường hô hấp, tập trung ở phổi và phế quản. Tình trạng này có thể được phòng ngừa nếu duy trì lối sống, thói quen lành mạnh.
Hãy thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa và giảm nhẹ mức độ ho ra máu:
Bỏ thuốc lá và hạn chế tiếp xúc, làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại.
Hạn chế sử dụng đồ ăn cay nóng.
Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây vào thực đơn hằng ngày để cung cấp vitamin, khoáng chất nâng cao sức đề kháng.
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày nâng cao sức khỏe.
Xây dựng lối sống lành mạnh như đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng, stress…
Hạn chế làm việc quá sức, đặc biệt là các hoạt động ảnh hưởng tới phổi.
Bên cạnh đó, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện sớm bất thường và được bác sĩ tư vấn lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng.
Nếu có bất thường về hô hấp, liên hệ ngay tới các chuyên gia Hô hấp của BV Hồng Ngọc tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.