Các nghiên cứu ban đầu cho thấy một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng có nguy cơ bị xơ phổi và hậu COVID-19 phổi yếu dẫn tới một loạt các triệu chứng như khó thở, ho, tức ngực…
Xơ phổi hậu COVID-19 là bệnh gì?
Xơ phổi hậu COVID được hiểu là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính, sẽ không thể phục hồi trạng thái bình thường, mà thay bằng những mô xơ không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi. Từ đó gây nên tình trạng khó thở, nhất là khi vận động thể lực.
Xơ phổi còn là một di chứng của hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Xơ phổi có thể phát triển sau viêm mãn tính hoặc như một quá trình tăng sinh xơ nguyên phát, do di truyền và liên quan đến tuổi tác như bệnh xơ phổi vô căn (IPF).
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 40% bệnh nhân COVID-19 phát triển ARDS, 20% trường hợp ARDS là nặng. Cần lưu ý, độ tuổi trung bình của bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 nặng cao hơn so với bệnh MERS hoặc SARS, có lẽ đây là hậu quả của sự lây lan rộng hơn trong cộng đồng.

Trong các rối loạn viêm phổi, bệnh tự miễn dịch, tuổi cao là một yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của xơ phổi. Vì vậy, di chứng xơ hóa phổi sau khi phục hồi COVID-19 có thể là đáng kể.
Mặc dù virus được loại bỏ ở những bệnh nhân đã khỏi COVID-19, nhưng việc loại bỏ nguyên nhân gây tổn thương phổi không loại trừ được sự phát triển của bệnh phổi kẽ không hồi phục, xơ sợi tiến triển. Hơn nữa, ngay cả khi mức độ xơ hóa tương đối nhỏ, không tiến triển cũng có thể dẫn đến bệnh tật và tăng nguy cơ tử vong đáng kể ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi mắc COVID-19, nhiều người trong số họ có tiền sử bệnh phổi từ trước.
Hiện tại, hậu quả dài hạn ở phổi của bệnh nhân nhiễm COVID-19 vẫn còn mang tính suy đoán. Tuy nhiên, với số lượng lớn bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, các biến chứng thậm chí hiếm gặp cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ.

Xơ phổi hậu COVID-19 có phổ biến không?
Qua chụp CT scan, có tới khoảng 70-80% bệnh nhân viêm phổi trung bình và 100% bệnh nhân ARDS tại thời điểm xuất viện (khoảng 4 tuần sau khởi phát) có hình ảnh xơ hóa phổi ở giai đoạn sớm.
Theo thời gian tình trạng trên sẽ giảm dần. Hình ảnh tổn thương xơ hóa trên CT scan sẽ còn khoảng 50% bệnh nhân viêm phổi trung bình và 70% bệnh nhân nặng sau 3 tháng và chỉ còn khoảng 30% sau 6 tháng.
Chưa ghi nhận thêm báo cáo theo dõi bệnh nhân lâu hơn 6 tháng. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục sau 24 – 36 tháng (dựa trên kinh nghiệm của xơ phổi sau SARS và MERS). Sau 5 – 10 năm vẫn còn khoảng 20% bệnh nhân xơ phổi tiến triển nặng và tỷ lệ này là 2 – 6% ở bệnh nhân viêm phổi mức độ trung bình (giai đoạn cấp).
Đối tượng có nguy cơ bị hậu COVID-19 phổi yếu
Mọi bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm virus SARS-CoV-2 đều bị giảm chức năng phổi và xuất hiện hình ảnh tổn thương xơ hóa giai đoạn sớm.
Nguy cơ hậu COVID phổi yếu sẽ cao hơn đối với người:
- Viêm phổi nặng giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp, đặc biệt là bệnh nhân ARDS
- Bệnh nhân thở máy áp lực dương, cần điều trị ECMO, thời gian nằm viện lâu dài
- Bệnh nhân nặng, nồng độ các cytokine tiền viêm trong máu cao;
- Người có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, hút thuốc lá.

Triệu chứng của hậu COVID-19 phổi yếu - xơ phổi
Triệu chứng nhận biết bên ngoài: Ho khan, khó thở kéo dài, khi vận động gắng sức sẽ bị nặng hơn, có thể khó thở cả khi nghỉ ngơi, mọi sinh hoạt thường ngày bị cản trở.
Hình ảnh xơ hóa phổi qua phim chụp CT scan ngực biểu hiện dưới nhiều dạng và mức độ cụ thể: hình ảnh dải xơ, dày các vách liên tiểu thùy, hình ảnh lưới, giãn phế quản co kéo và điển hình nhất là hình ảnh tổ ong.
Bệnh nhân khi thăm dò chức năng hô hấp thấy có giảm thể tích phổi ở nhiều mức độ, giảm độ khuếch tán khí ở phổi khi đo DLCO.
Qua sinh thiết phổi còn thấy hình ảnh tăng sinh tế bào tạo sợi và lắng đọng collagen trên mô bệnh học.
Hậu COVID phổi yếu – xơ phổi có nguy hiểm không?
Bệnh nhân bị xơ phổi hậu COVID đa phần sẽ hồi phục dần sau 2 – 3 năm. Nhưng vẫn có trường hợp diễn tiến xơ phổi vẫn tiếp tục sau đó, đa phần là tổn thương xơ hóa nặng.
Lúc này, hậu COVID-19 phổi yếu – bị xơ phổi sẽ trở thành gánh nặng cho người bệnh và hệ thống y tế: tình trạng tàn phế gây giảm chất lượng cuộc sống, nguy cơ nhập viện tăng cao, tuổi thọ giảm, chi phí điều trị tăng đáng kể.
Hậu COVID-19 phổi yếu – xơ phổi phải làm gì?
Cần thực hiện khám sàng lọc, khai thác bệnh sử cẩn thận, làm bài test vận động cho tất cả những bệnh nhân từng mắc viêm phổi do COVID – 19, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như viêm phổi nặng, ARDS, điều trị ECMO, từng thở máy, lớn tuổi, có bệnh nền phổi từ trước… nên được đánh giá xơ phổi hậu COVID.
Sau đó, tùy từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân sẽ được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như: chụp CT scan ngực với độ phân giải cao, đo chức năng hô hấp (thăm dò thể tích phổi và độ khuếch tán khí của phổi), xét nghiệm máu, sinh thiết phổi để chẩn đoán (một số trường hợp).
Bệnh nhân cũng sẽ được tầm soát thêm những bệnh lý hậu COVID khác gây khó thở như suy tim, tăng áp phổi, nhiễm trùng hô hấp tái phát…
Điều trị hậu COVID-19 phổi yếu – xơ phổi
Di chứng hậu COVID-19 phổi yếu – xơ phổi đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể do tính chất mới của bệnh.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, tình trạng phổi yếu – xơ phổi có thể được cải thiện ở những bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch lâu dài như corticosteroids, kết hợp với các thuốc chống xơ hóa. Nhiều thuốc khác vẫn đang được thử nghiệm.
Bệnh nhân xơ phổi hậu COVID-19 cần dùng thuốc kết hợp với tập vật lý trị liệu hô hấp liên tục và lâu dài dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với những tác nhân như: môi trường ô nhiễm, khói bụi, thuốc lá làm trầm trọng hơn tình trạng tổn thương phổi sẵn có.
Bên cạnh đó, cần chú ý tiêm ngừa vắc xin cúm mùa, ăn uống đủ chất, sinh hoạt hợp lý để tăng đề kháng, tránh nhiễm trùng hô hấp.

Di chứng hậu COVID-19 đang là vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết vì số người mắc COVID – 19 ngày càng tăng. Tuy được điều trị khỏi nhưng những người đã từng nhiễm bệnh vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về hô hấp, tim mạch, tâm lý, trí não… Người bệnh mắc di chứng hậu COVID thường gặp khó khăn trong việc tự giải quyết vấn đề sức khỏe sau điều trị.
Hiện tại, Bệnh viện Hồng Ngọc đã triển khai gói chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại nhà và tại viện.
Gói chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại nhà được thiết kế khoa học với 14 danh mục khám chi tiết, dựa trên sự tham vấn chuyên môn của các bác sĩ hàng đầu bệnh viện. Thêm vào đó, việc kết hợp hình thức tư vấn online, xét nghiệm tại nhà và thăm khám tại viện sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức.
Ngoài các xét nghiệm, thăm khám cơ bản, gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 tại nhà của Hồng Ngọc còn cung cấp dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, chế độ ăn riêng và hướng dẫn tập thở, vận động, hồi phục thể lực, giúp bệnh nhân sớm hồi phục.
Với gói chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại viện, khách hàng có thể lựa chọn một 1 trong 3 gói khám bao gồm: cơ bản, nâng cao và chuyên sâu. Các danh mục khám được xây dựng toàn diện từ khám chuyên khoa (nội, dinh dưỡng, vật lý trị liệu), thăm dò chức năng (điện tâm đồ, do chức năng hô hấp, điện não đồ), chẩn đoán hình ảnh (siêu âm ổ bụng, siêu âm tim, chụp Xquang phổi, chụp CT ngực) đến xét nghiệm (công thức máu, đường máu, rối loạn đông máu…). Khách hàng sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát nhất, giúp tầm soát toàn diện tình trạng sức khỏe hậu COVID-19. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và làm việc khoa học để người bệnh sớm phục hồi.
Để được tư vấn về gói chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 của Bệnh viện Hồng Ngọc, khách hàng vui lòng đăng ký tại đây:
[contact-form-7 id="74536" title="Đăng ký gói khám sức khỏe hậu COVID-19"]
Thông tin liên hệ:
Chăm sóc sức khỏe tại nhà - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Tel: 0911 858 616 - 0947 616 006
Hotline cấp cứu 24/24: 1900 636 555
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.