Giãn tĩnh mạch có thể chỉ gây đau, nhức vùng tĩnh mạch bị giãn. Bệnh lý này không gây triệu chứng quá nguy hiểm nhưng nếu để lâu có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
Giãn tĩnh mạch là bệnh gì?
Tĩnh mạch có chức năng vận chuyển máu ít oxy từ các cơ quan của cơ thể trở về tim để bắt đầu một vòng tuần hoàn tiếp theo. Suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào nhưng thường xảy ra ở khu vực chi dưới vì đây là bộ phận cách xa tim và cũng chịu áp lực lớn từ sức nặng của cơ thể.
Giãn tĩnh mạch là tình trạng ứ đọng máu tại tĩnh mạch, làm tăng áp suất trong tĩnh mạch và khiến chúng dần giãn rộng ra. Khi tĩnh mạch giãn dần, theo thời gian, lưu lượng máu động mạch đi đến 2 chi dưới sẽ giảm dần.
Ở phần chi dưới, giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở tĩnh mạch nông hoặc tĩnh mạch sâu, khiến các tĩnh mạch sưng phồng, ngoằn ngoèo, gây đau và mỏi.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch là do thành tĩnh mạch bị viêm, trào ngược máu tĩnh mạch xuống chân, gây cản trở sự di chuyển của máu từ chân trở về tim dẫn đến ứ trệ tuần hoàn. Từ đó, tĩnh mạch giãn dần, to ra và gây ra các biến chứng như suy tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến giãn tĩnh mạch gồm:
Tiền sử gia đình có người mắc giãn tĩnh mạch
Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới
Người thừa cân, béo phì
Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người trẻ tuổi
Phụ nữ mang thai do kích thước tử cung to dần, chèn ép và tạo áp lực lên mạch máu ổ bụng, khiến áp lực tĩnh mạch chân cao hơn và gây giãn thành mạch
Người thường xuyên phải đứng nhiều như giáo viên, nhân viên bán hàng…
Khi có các yếu tố nguy cơ kể trên thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn những người bình thường khác.
Nhận biết các triệu chứng giãn tĩnh mạch
Ở giai đoạn đầu, giãn tĩnh mạch thường không có triệu chứng hoặc có nhưng các triệu chứng rất khó nhận biết. Người bệnh thường chỉ cảm thấy hơi tức, khó chịu, có cảm giác nóng và ngứa chân, nhất là khi đi lại, hoạt động chân nhiều.
Những triệu chứng này thường xuất hiện dữ dội hơn vào cuối ngày hoặc khi phải đứng một chỗ quá lâu. Người bệnh sẽ có cảm giác kim châm, kiến bò ở bắp chân, có thể hay bị chuột rút.

Ở giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng cũng rõ ràng hơn. Người bệnh có thể thấy các mạch máu nhỏ nổi trên bề mặt da. Nếu trường hợp tĩnh mạch không giãn nhiều, thì triệu chứng này sẽ mất sau khi người bệnh nghỉ ngơi.
Do những triệu chứng giãn tĩnh mạch không quá rõ ràng, có thể biến mất khi nghỉ ngơi nên rất khó nhận biết và dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, để chắc chắn nhất, hãy đi khám tim mạch nếu có các triệu chứng sau:
Thường có cảm giác mỏi chân, vùng bắp chân căng tức
Thường bị chuột rút, có cảm giác kiến bò, nhất là vào ban đêm
Viêm gân xanh ở vùng da đùi, mắt cá chân, đầu gối
Chân, nhất là vùng mắt cá chân thường bị sưng phồng, ngứa
Da chân có hiện tượng đổi màu, bị nhiễm trùng phần mô mềm gần mắt cá chân.
Khi đến thăm khám, dựa vào siêu âm Doppler mạch máu, bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bạn có mắc bệnh giãn tĩnh mạch hay không.
Giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Bệnh giãn tĩnh mạch không gây triệu chứng nguy hiểm ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu không điều trị bệnh có thể biến chứng nguy hiểm.
Ngoài việc gây đau nhức, khó chịu, ngứa, chuột rút… nếu xuất hiện các huyết khối gần vùng bị giãn tĩnh mạch thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn. Thậm chí, nếu bị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây tử vong do dòng máu bị cản trở nặng nề.
Với những trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch nông tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu xảy ra nhiễm trùng ở các tổ chức xung quanh thì người bệnh cần điều trị sớm. Huyết khối tĩnh mạch có thể di chuyển đến phổi, gây thuyên tắc phổi, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không xử trí kịp thời.
Với phụ nữ mang thai nếu bị giãn tĩnh mạch thì cần điều trị sớm. Nếu mẹ bị rối loạn đông máu, ít vận động thì nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch cũng cao hơn. Vì vậy, mẹ cần hết sức cẩn thận với các triệu chứng như sưng đau ở đùi, chân, bị sốt nhẹ.
Chẩn đoán giãn tĩnh mạch như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh giãn tĩnh mạch, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi han về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng gặp phải và tiền sử bệnh. Sau đó, bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng màu sắc, hình thái các tĩnh mạch nổi rõ.

Để chẩn đoán giãn tĩnh mạch, kỹ thuật siêu âm Doppler thường sẽ được chỉ định. Siêu âm Doppler sử dụng sóng siêu âm tần số cao để đo tốc độ của lưu lượng máu trong tĩnh mạch và khảo sát cấu trúc tĩnh mạch.
Ngoài việc xác định chính xác tình trạng giãn tĩnh mạch, siêu âm Doppler mạch còn giúp xác định được nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch do bệnh lý khác ngoài tĩnh mạch, từ đó, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào mức độ bệnh. Các phương pháp thường được sử dụng gồm:
Điều trị nội khoa
Với những trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị phù hợp. Việc sử dụng thuốc giúp ngăn chặn sự trào ngược và tăng cường dòng chảy của tĩnh mạch tốt hơn.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng như thuốc làm bền thành mạch. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng khi mới ở giai đoạn đầu của bệnh.
Phẫu thuật
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật để lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng những dụng cụ chuyên dụng.
Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát cực thấp. Tuy nhiên ngày nay ít được sử dụng do người bệnh phải gây mê, gây tê khi thực hiện, thời gian nằm viện dài, hồi phục sau mổ lâu và có thể gặp biến chứng như tụ máu vùng đùi, huyết khối tĩnh mạch, dị cảm chi dưới…
Phương pháp làm lạnh bằng nitơ lỏng -90 độ C
Phương pháp này có tác dụng làm nghẹt lòng tĩnh mạch bằng ống thông trong lòng tĩnh mạch. Nhược điểm là có tỷ lệ tái phát cao, tới 30%.
Tiêm xơ
Nguyên lý của phương pháp này là tiêm một loại chất xơ vào hệ thống tĩnh mạch nông chi dưới. Chất này gây tổn thương nội mạc tĩnh mạch, thành phần lân cận lớp trung mạc. Từ đó, dẫn đến hình thành huyết khối gây tắc lòng tĩnh mạch bị suy và máu sẽ không ứ trệ tại tĩnh mạch bị suy giãn nữa.
Can thiệp nội tĩnh mạch
Phương pháp này có thể sử dụng laser hoặc sóng cao tần để phá hủy tĩnh mạch. Trong đó, laser nội tĩnh mạch sử dụng các ống dẫn phát ra chùm tia laser (nguồn ánh sáng) với bước sóng thường dùng là 1470nm, trong khi RFA nội tĩnh mạch sử dụng ống dẫn phát ra các chùm sóng cao tần.

Cả hai kỹ thuật này đều tạo ra năng lượng nhiệt, phá hủy collagen thành tĩnh mạch, dẫn đến viêm thành tĩnh mạch, xơ hóa và tắc nghẽn hoàn toàn tĩnh mạch.
Phương pháp đốt giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần hoặc laser là kỹ thuật hiện đại, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn cao, hệ thống máy móc tân tiến.
Hiện tại, BVĐK Hồng Ngọc đã triển khai áp dụng phương pháp đốt suy giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần và đã điều trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân, giúp họ không còn phải khổ sở với các triệu chứng bệnh.
Đăng ký thăm khám và nhận tư vấn từ chuyên gia tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.