Ho ra máu là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị giãn phế quản. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm nên cần phải phát hiện sớm giãn phế quản ho ra máu để điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Giãn phế quản là tình trạng gì?
Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục một phần của phế quản. Tình trạng này có thể xảy ra giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ bình thường hoặc bị giãn phế quản nhỏ mà phế quản lớn vẫn bình thường.
Có 3 dạng giãn phế quản thường gặp là giãn phế quản hình trụ, giãn phế quản hình túi và giãn phế quản hình tràng hạt.
Các triệu chứng thường gặp của giãn phế quản
Các triệu chứng của bệnh giãn phế quản giai đoạn đầu khá mờ nhạt, chỉ đến khi gây nhiễm trùng phổi tái đi tái lại thì mới có triệu chứng rõ rệt.
Người bệnh cần nhận biết sớm bệnh bằng các triệu chứng như:
Ho, ho khạc đờm kéo dài nhiều năm.
Khạc đờm tăng khi có bội nhiễm.
Đờm có màu xanh hoặc vàng, một số trường hợp đờm lẫn máu.
Ho khan hoặc không ho với các trường hợp giãn phế quản thể khô ở thùy trên.
Viêm đa xoang.

Giãn phế quản ho ra máu - Dấu hiệu nguy hiểm cần cẩn trọng
Ho ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về đường hô hấp như lao phổi, viêm phổi, ung thư phổi hoặc bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra, nó cũng là dấu hiệu nguy hiểm của bệnh giãn phế quản.
Đặc tính của giãn phế quản ho ra máu là lượng máu ít, tự cầm được trong 3 - 5 ngày, sau đó tái đi tái lại nhiều lần. Đặc biệt, những khi bệnh nhân bị cảm cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp thì người bệnh sẽ có cảm giác tức, nóng ngực và phải ho bật mạnh dẫn đến ra máu. Một số trường hợp giãn phế quản ho ra máu sau khi vận động mạnh.
Bệnh nhân bị giãn phế quản nặng có thể ho ra máu nhiều, 100 - 200ml. Thậm chí có các trường hợp ho ra máu sét đánh dẫn đến tử vong.
Vì vậy, nếu gặp tình trạng giãn phế quản ho ra máu, người bệnh không được chủ quan. Hãy quan sát lượng máu mỗi lần ho, kéo dài bao lâu và đi khám ngay để tránh biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Biến chứng nguy hiểm của tình trạng giãn phế quản ho ra máu
giãn phế quản nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đều phát hiện muộn do triệu chứng bệnh không rõ ràng. Nếu để lâu sẽ khiến ổ giãn phế quản lan rộng, gây bội nhiễm tái phát và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Giãn phế quản ho ra máu nặng nếu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như áp xe phổi, xơ phổi, mủ màng phổi, khí phế thũng, nhiễm mủ phổi gây khó thở, suy hô hấp, thậm chí gây suy tim.

Phương pháp chẩn đoán giãn phế quản ho ra máu
Ho ra máu có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Do đó, cần chẩn đoán chính xác có phải là tình trạng giãn phế quản ho ra máu hay không để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán giãn phế quản dựa vào các kỹ thuật dưới đây:
Soi phế quản: Giúp phát hiện dị vật cũng như các phế quản bị chít hẹp, gấp khúc, xác định vị trí chảy máu để cầm máu và hút dịch phế quản tìm vi khuẩn.
Xét nghiệm đờm: Tìm ra chính xác loại vi khuẩn, nấm… để lựa chọn kháng sinh phù hợp.
Đo chức năng hô hấp: Nhằm đánh giá chức năng và hoạt động của phổi, từ đó xác định được mức độ tổn thương phổi.
Chụp cắt lớp vi tính: Cho hình ảnh giãn phế quản rõ nét, xác định vị trí giãn cũng như mức độ giãn.
Điện tâm đồ, siêu âm tim: Giúp phát hiện sớm các biến chứng tại tim.
Khi xác định chính xác ho ra máu do giãn phế quản cũng như đánh giá được mức độ giãn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Cần làm gì khi bị giãn phế quản ho ra máu?
Giãn phế quản ho ra máu là một cấp cứu ngoại khoa nên cần được đi khám chuyên khoa Hô hấp để cầm máu và lên kế hoạch điều trị lâu dài để ngừa tái diễn.
Với trường hợp giãn phế quản khu trú, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ thùy bị giãn và bệnh cũng được chữa khỏi. Với trường hợp giãn lan tỏa thì sẽ không phẫu thuật mà chỉ định điều trị nội khoa để giúp cho phổi khỏe mạnh, không bị nhiễm trùng. Từ đó, tránh ho ra máu.
Với trường hợp giãn phế quản ho ra máu tái đi tái lại nhiều lần, người bệnh có thể được chỉ định can thiệp mạch máu để làm tắc mạch máu gây chảy máu giúp chấm dứt tình trạng chảy máu.

Biện pháp phòng ngừa giãn phế quản ho ra máu
Để phòng ngừa tình trạng giãn phế quản ho ra máu, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
Tiêm vắc xin ngừa cúm, phế cầu hàng năm để tránh tác động xấu đến phế quản, phổi.
Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường nhiều khói bụi.
Nếu mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tai mũi họng… cần điều trị sớm và dứt điểm.
Chủ động đề phòng các đợt bội nhiễm với bệnh nhân đã từng mắc bệnh.
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
Giữ ấm cơ thể nhất là vào mùa lạnh, lúc giao mùa.
Điều trị lao nếu có.
Đặc biệt, cần thăm khám chuyên khoa hô hấp thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh và có hướng xử trí khi có những diễn biến nặng.
Đăng ký khám với chuyên gia Hô hấp BV Hồng Ngọc tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.