Viêm nhiệt miệng là một thuật ngữ chỉ sự viêm đau làm “gián đoạn” khả năng ăn, nói chuyện gây khó chịu mệt mỏi trong người. Viêm nhiệt miệng có thể ở trong má, lợi, lưỡi, môi và vòm miệng.
Một số loại viêm nhiệt miệng phổ biến
Viêm nhiệt miệng:
Loại viêm này có vết loét màu nhạt hoặc vàng nhạt với viền màu đỏ và thường xuất hiện trên má, lưỡi hoặc bên trong môi.
Bệnh herpes môi:
Các mụn nước nổi gần môi hay trên môi, ít khi ở nướu hoặc vòm miệng nhưng nó thường gây đau, ngứa ran hoặc bị vỡ trước khi các vết loét xuất hiện trên hoặc xung quanh môi.
Nguyên nhân gây viêm nhiệt miệng
Trong khi ăn hoặc nói chuyện vô tình bạn cắn vào má, lưỡi hoặc môi;
Đeo niềng răng hoặc răng bị vỡ có cạnh sắc nhọn;
Sử dụng thuốc lá dạng nhai;
Ăn hoặc uống đồ quá nóng;
Bị bệnh viêm lợi hoặc nhiễm trùng miệng;
Mẫn cảm với một số loại thức ăn hoặc thuốc;
Bị ảnh hưởng bởi những bệnh tự miễn dịch làm ảnh hưởng đến niêm mạc của miệng như bệnh lupus, bệnh Crohn hoặc bệnh Behcet;
Khi uống một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc dùng cho viêm khớp dạng thấp, thuốc động kinh;
Xạ trị ung thư;
Ngoài ra còn có nhiều yếu tố gây viêm nhiệt miệng như bị chấn thương, thiếu dinh dưỡng, căng thẳng, vi khuẩn hoặc vi-rút, thiếu ngủ, giảm cân đột ngột và một số thực phẩm như khoai tây, cà phê, bơ… Nhiệt miệng cũng liên quan đến hệ thống miễn dịch đang bị yếu đi do cảm lạnh, cảm cúm, thay đổi hooc-môn hoặc thiếu vitamin B12 hoặc folate.
Với bệnh herpes môi, khi bị nhiễm vi-rút, nó sẽ “nằm” lại trong cơ thể, chỉ đợi những điều kiện thuận lợi như bạn bị stress, sốt, bị thương, thay đổi nội tiết tố trong cơ thể thì chúng mới phát tác.
Các triệu chứng của viêm nhiệt miệng
Nhiệt miệng:
Vết loét có thể gây đau thường kéo dài trong khoảng 5 đến 10 ngày, viêm nhiệt hay tái phái nhưng thường không gây sốt
Bệnh herpes môi:
Thường gây đau đớn và tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày, đôi khi kết hợp với triệu chứng cảm lạnh hoặc bị cúm.
Điều trị viêm nhiệt miệng như thế nào?
Thông thường vết loét chỉ kéo dài không quá hai tuần và thường thì tự khỏi. Nếu xác định được nguyên nhân như bạn bị nhiễm nấm, vi-rút hay vi khuẩn thì bác sĩ sẽ có thuốc điều trị phù hợp và giúp vết thương mau lành. Ngoài ra bạn có thể giảm đau và viêm loét miệng bằng cách sau đây:
Tránh ăn uống đồ còn nóng và các thực phẩm cay, mặn;
Sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen;
Nên súc miệng bằng nước mát và dùng ống hút nếu như bạn có vết loét ở miệng;
Uống nhiều nước và súc miệng với nước muối nhạt;
Vệ sinh răng miệng đúng cách;
Nếu bị viêm miệng thường xuyên hoặc nếu vết thương lâu lành thì hãy đến bác sĩ để kiểm tra, có thể do cơ thể thiếu hụt quá nhiều vitamin B12.
Một lưu ý nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thì chú ý đến thuốc kháng viêm, có thể nó làm tăng lượng đường trong máu. Tốt nhất bạn nên hỏi rõ ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/