Ðổi sữa cho trẻ là chuyện rất thường gặp trong quá trình chăm sóc trẻ. Thực tế, việc đổi sữa cho trẻ có nhiều ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của con, thậm chí là sức khỏe. Vì vậy, mẹ cần chú ý những vấn đề sau.
Khi quyết định đổi sữa cho con, các bậc cha mẹ cần cân nhắc nhiều mặt: tuổi, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, sự dung nạp và thích ứng của cơ thể trẻ với những loại sữa khác nhau, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Bên cạnh đó, loại sữa đang sử dụng cần đạt những yêu cầu như phù hợp độ tuổi, khẩu vị, bé uống nhiều, tiêu hoá tốt, đi cầu phân tốt…Với nhiều loại sữa khác nhau trên thị trường, chọn loại nào để dùng hoặc đổi sang nhãn hiệu nào phải hết sức lưu ý:
Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn
Theo thông tin của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có hơn 2,5 triệu trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở thể thấp còi do không được bú sữa mẹ. Nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy trong sữa mẹ có những acid béo không no đa nối đôi giúp cho não, hệ thần kinh và thị lực của trẻ phát triển tốt hơn.
Những trẻ bú mẹ sẽ có sự phát triển của trí tuệ, các giác quan như thính giác, thị giác, xúc giác… và ngôn ngữ tốt nhất. Tỉ lệ trẻ bị chàm da, suyễn, đái tháo đường typ 1, dị ứng thực phẩm… thậm chí béo phì thấp hơn hẳn ở nhóm trẻ không được cho bú mẹ.
Chọn sữa cần phù hợp độ tuổi của trẻ
Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ, nếu phải sử dụng sữa ngoài thì dùng sữa công thức 1. Đặc điểm của các loại sữa này là có thành phần các chất dinh dưỡng gần với sữa mẹ, các chất dinh dưỡng có tỷ lệ cân đối hợp lý, phù hợp với sự hấp thu và chuyển hóa ở bé, ít gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên dùng sữa bò tươi, sữa đặc có đường, sữa bột nguyên kem hoặc các loại sữa bột công thức dành cho bé trên 6 tháng.
Nếu muốn đổi sữa cho trẻ (vì bé bú ít, không lên cân hay táo bón nhiều, nôn sữa nhiều, đi tiêu phân không tốt…) thì phải đổi sang nhãn hiệu sữa khác nhưng vẫn phải thuộc nhóm công thức 1, vì chức năng thận còn non yếu của trẻ chỉ phù hợp với lượng chất đạm trong sữa công thức 1.
Trẻ bắt đầu tròn 6 tháng thì phải đổi sang sữa công thức 2 của cùng nhãn hàng của loại sữa đã sử dụng trước đó. Sữa công thức 2 có thành phần các chất dinh dưỡng cao hơn sữa công thức loại 1, nhất là chất đạm để phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển của bé. Nếu lúc này vẫn sử dụng sữa công thức 1 thì sẽ không đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
Trẻ trên 1 tuổi có thể dùng nhiều loại sữa trong ngày, có thể dùng sữa tươi… Nếu cần thiết, có thể thay đổi sữa cho trẻ tuỳ theo khẩu vị, ý thích trẻ, hoàn cảnh gia đình… Cũng như sữa công thức 1, khi pha sữa chỉ nên dùng nước ấm và pha theo tỉ lệ đã hướng dẫn.
Không nên đổi sữa cho trẻ nhỏ thường xuyên
Vì cơ thể trẻ cần phải có một thời gian để thích ứng với loại sữa đó, nhằm có sự tiêu hoá hấp thu tốt nhất. Mỗi loại sữa có thể tự tạo ra những môi trường vi sinh đường ruột khác nhau. Khi đổi sữa sẽ làm thay đổi môi trường vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến tiêu hoá hấp thu sữa và thậm chí các loại thức ăn khác.
Nên đổi sữa cho trẻ khi cần thiết
Khi bú sữa bị tiêu chảy hay táo bón thường xuyên, phân xấu, bú quá ít, không lên cân…, bố mẹ cần chọn một loại sữa phù hợp tuổi, nhãn hiệu tin cậy, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp với kinh tế gia đình. Sau đó cho bé uống thử, theo dõi tiêu hoá hấp thu và sự phát triển của bé để xác định sự phù hợp.
Có thể đổi sữa mới ngay lập tức mà không cần giai đoạn chuyển tiếp: trẻ vẫn thích nghi được, uống sữa mới bình thường giống như sữa trước đó, đạt mục tiêu tăng cân, tăng cao tốt…, việc đổi sữa khi đó thành công.
Pha sữa phải đúng công thức
Khi mua sữa thì phải xem hạn dùng và pha sữa đúng theo tỷ lệ hướng dẫn ghi trên vỏ hộp, chỉ nên dùng nước để pha (nước đun sôi để nguội bớt) không được dùng nước sôi hoặc đun sôi sữa vì sẽ làm mất hoặc hao hụt các vitamin và khoáng chất có trong sữa.
Cần pha sữa kết hợp khi mới đổi sữa
Khi bắt đầu đổi sữa thì cần có giai đoạn chuyển tiếp để bé thích nghi với sữa mới hoặc kiểm tra xem sữa mới có phù hợp với trẻ hay không:
Pha tỉ lệ sữa mới bằng 1/3 tổng lượng sữa, uống 2-3 ngày, quan sát phản ứng của trẻ. Nếu trẻ không có hiện tượng bú ít, bỏ bú hay tiêu chảy…thì tiếp tục tăng;
Pha tỉ lệ tăng sữa mới bằng ½ tổng lượng sữa và tiếp tục quan sát bé uống trong 2-3 ngày;
Pha tỉ lệ tăng sữa mới bằng 2/3 tổng lượng sữa và tiếp tục quan sát bé uống trong 2-3 ngày;
Cuối cùng là pha hoàn toàn sữa mới cho bé.
Tác động của một loại sữa với từng trẻ không phải chỉ một ngày hay hai ngày là thấy ngay. Vì vậy, sau khi đổi sữa một thời gian tối thiểu hai tuần thì mới có thể tạm đánh giá loại sữa đó có phù hợp với trẻ không.
Có thể bạn quan tâm:
Và một điều rất quan trọng, cần biết rõ những trục trặc trẻ gặp phải là do sữa hay do thức ăn đặc không phù hợp, cơ thể trẻ dị ứng, không dung nạp... Nếu đã thay đổi sữa cho trẻ từ hai, ba loại sữa mà vẫn không đạt mục tiêu mong muốn thì hãy nghĩ đến rắc rối không phải do sữa mà do nguyên nhân khác. Trường hợp gặp khó khăn khi chọn sữa hoặc đổi sữa, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn./.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: