Sảy thai thường xảy ra trong 13 tuần mang thai đầu tiên và để lại những ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý của người mẹ. Bởi vậy cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng sau sảy thai để cơ thể nhanh phục hồi là một trong những yêu cầu cấp bách mà chị em cần lưu ý.
Thế nào là sảy thai?
Hiện tượng thai bị tống ra khỏi buồng tử cung của người mẹ trước tuần thứ 22 của thai kỳ được gọi là sảy thai.
Sảy thai trước 12 tuần là sảy thai sớm
Sảy thai từ 12-20 tuần là sảy thai muộn
Các hình thức sảy thai bao gồm:
Sảy thai hoàn toàn: Phôi thai được đưa ra ngoài cơ thể trong một lần
Sảy thai không hoàn toàn: Cổ tử cung
bị giãn hoặc cổ tử cung mỏng nên các phần phôi thai bị đẩy ra khỏi cơ thể dần dầnTrứng trống: Phôi thai không phát triển trong tử cung
Sảy thai liên tiếp: Sảy thai ít nhất 3 lần liên tiếp
Sảy thai ngoài tử cung; trứng làm tổ ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng.
Dọa sảy thai: xuất hiện tình trạng xuất huyết hoặc chuột rút, dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sảy thai
.
Nguyên nhân gây sảy thai có thể là do:
Vấn đề về nhiễm sắc thể
Mất cân bằng hormone
Rối loạn miễn dịch
Tình trạng sức khỏe mẹ bầu không tốt
Người mẹ mắc bệnh truyền nhiễm
Ngộ độc thực phẩm
Cấu trúc tử cung bất thường
Hở eo cổ tử cung
Ngoài nguyên nhân gây sảy thai, các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai bao gồm tuổi thai phụ, cân nặng, hút thuốc và uống rượu, sử dụng thuốc bừa bãi, tiền sử sảy thai hoặc thiếu hụt vitamin cho thai kỳ...
Đồng thời, sau sảy thai cơ thể người phụ nữ bị tổn thương nặng nề, vì vậy cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng giúp cơ thể mau hồi phục.
Chế độ dinh dưỡng sau sảy thai
Thực phẩm nên ăn sau sảy thai
Thực phẩm giàu sắt
Sau sảy thai, cơ thể chị em mất rất nhiều máu khiến cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt. Bởi vậy việc bổ sung sắt cho cơ thể là điều vô cùng cần thiết. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có hai loại chất sắt ẩn chứa trong thực phẩm là heme iron (tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật) và non heme (tìm thấy trong thực vật). Thông thường cơ thể sẽ dễ dàng hấp thu sắt từ thịt động vật. Do đó bạn nên ghi danh các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu vào trong thực đơn hàng ngày của mình.
Bên cạnh đó, tăng cường các thực phẩm chứa non heme như bí ngô, súp lơ xanh, rau bina, ngô, mía, nho, chuối, các loại hạt, các loại ngũ cốc, quả chà là…. sẽ giúp chị em mau chóng hồi phục sức khỏe. Lưu ý rằng vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt non heme trong thực vật. Do đó nên ăn cùng lúc với các thực phẩm chứa sắt.
Thực phẩm giàu magie
Nhiều chị em chia sẻ rằng sau khi mất con, họ thường xuyên ở vào trạng thái lo lắng và buồn bã. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần hoặc hàng tháng trời, thậm chí có những người không thể vượt qua nỗi đau mất con.
Để đối phó với tình trạng này, chị em nên bổ sung các thực phẩm giàu magie vào trong chế độ ăn của mình. Gạo, lúa mì, yến mạch, hạt bí ngô, bí đao, dưa hấu, hướng dương, hạnh nhân, hạt điều, mận khô, cải xoăn, cải lá xanh, rau bina là nguồn magie tốt nhất cho cơ thể.
Thực phẩm giàu canxi
Mang thai làm cạn kiệt đi nguồn canxi vốn có trong cơ thể bạn. Vì vậy ngay sau khi sảy thai, chị em cần bổ sung nguồn dưỡng chất này. Sữa và các sản phẩm từ sữa là những sản phẩm cung cấp canxi tốt nhất cho cơ thể. Ngoài ra trái cây sấy khô, cải chíp, chuối, hạt dẻ, súp lơ xanh…. cũng được đánh giá là những thực phẩm giàu canxi.
Axit folic
Các sản phụ thường được khuyến cáo bổ sung đầy đủ axit folic trước và sau thai kỳ. Nguyên do là bởi thiếu loại dưỡng chất này sẽ dẫn tới nguy cơ sảy thai, dị tật ở thai nhi… Với những phụ nữ vừa lâm vào tình trạng sảy thai, bổ sung đầy đủ axit folic sẽ tránh những tổn hại do sảy thai để lại và chuẩn bị tốt hơn cho lần mang thai sắp tới.
Axit folic có nhiều trong đậu lăng, trứng, bông cải xanh, bơ, măng tây, các loại quả thuộc giống cam quýt, rau bina, cà rốt, bánh mì, thịt bò, hướng dương, chuối, dưa hấu, chanh….
Thực phẩm không nên ăn sau sảy thai
Đồ ăn vặt
Bên cạnh việc tăng cường các loại thực phẩm giàu sắt, axit folic, canxi,magie nói trên, các mẹ cần lưu ý hạn chế tiêu thụ nhiều các loại đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bánh quy, kẹo – những thực phẩm có hàm lượng calo và chất béo cao nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể và hỗ trợ hồi phục sức khỏe.
Đậu nành
Đậu nành cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất nhưng các bác sĩ khuyên rằng bạn không nên sử dụng loại thực phẩm này sau khi sảy thai vì trong đậu nành có mức phytate cao gây trở ngại cho quá trình hấp thụ sắt, khiến bạn dễ bị thiếu máu.
Đồ ăn nhanh
Pizza, hamburger, xúc xích… bị coi là những thực phẩm có tác dụng khiến chứng trầm cảm sau sảy thai trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy nếu không muốn phải ở vào trạng thái đau buồn, chán nản, mệt mỏi, cáu kỉnh, tức giận… bạn nên tránh xa đồ ăn nhanh.
Thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn
Sau sảy thai, đừng ngó ngàng gì tới các sản phẩm đóng hộp và chế biến sẵn bởi những chất bảo quản có trong chúng sẽ gây hại tới sức khỏe vốn yếu ớt của chị em. Ngoài ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng rất cao
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác