Viêm phế quản cấp tuy là bệnh thường gặp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Cùng tìm hiểu các cách điều trị viêm phế quản cấp để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này, bảo vệ sức khỏe người bệnh.
Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không?
Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính, gây ra các triệu chứng như ho, thở khò khè, sốt, mệt mỏi, đau họng, tiết nhiều dịch đờm… Bệnh có thể tự khỏi sau 1-2 tuần nhiễm bệnh nhưng cũng có nhiều trường hợp biến chứng nguy hiểm khi không được điều trị sớm, đúng cách.
Việc điều trị viêm phế quản cấp cần thực hiện sớm và đúng cách để giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm. Nếu để lâu, bệnh có thể biến chứng thành:
Viêm phế quản mãn tính.
Viêm phổi.
Áp xe phổi.
Hen phế quản.
COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
Bệnh lý tim mạch.
Các biến chứng của viêm phế quản cấp đều rất nguy hiểm nên người bệnh hết sức lưu ý, không được chủ quan xem nhẹ khi các triệu chứng bệnh chỉ như nhiễm trùng hô hấp thông thường.
4 cách điều trị viêm phế quản cấp phổ biến hiện nay
Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp hoặc có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để tăng hiệu quả điều trị viêm phế quản cấp.
Điều trị viêm phế quản cấp bằng thuốc
Viêm phế quản cấp chủ yếu do virus gây nên, do đó, không chỉ định sử dụng kháng sinh. Một số trường hợp nhiễm bệnh do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp nhất với loại vi khuẩn gây bệnh để tiêu diệt chúng nhanh hơn, chính xác hơn.
Điều trị triệu chứng
Việc điều trị viêm phế quản cấp chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Nếu bệnh nhân sốt cao, bác sĩ sẽ kê thuốc hạ sốt. Nhiều người bị ho kéo dài, ho liên tục ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm ho. Trường hợp tiết nhiều đờm thì thuốc long đờm sẽ được chỉ định. Với những trường hợp khó thở, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giãn phế quản.
Điều trị viêm phế quản cấp bằng mẹo dân gian
Khi bị viêm phế quản cấp, người bệnh có thể điều trị bằng cách xông hơi với tinh dầu thảo dược. Các loại thảo dược có thể sử dụng để xông như sả, gừng, khuynh diệp, tía tô, trần bì… Người bệnh nên tránh xông hơi các tinh dầu nóng như hồi, quế.
Lưu ý chỉ nên xông với tần suất phù hợp, không lạm dụng xông nhiều lần vì có thể khiến cơ thể mất nước, mất điện giải và gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp cũng là cách điều trị viêm phế quản cấp hiệu quả. Người bệnh cần thực hiện các quy tắc sau:
Kiêng thực phẩm cay nóng như ớt, gừng, tiêu, mù tạt… vì chúng có thể khiến niêm mạc họng viêm và sưng to hơn, khiến cổ họng khô hơn và ho nhiều hơn.
Hạn chế ăn thực phẩm có tính dị nguyên như tôm, cua, ốc vì có thể gây dị ứng, ngứa, ho.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh. Thực phẩm giàu vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, ổi…
Tránh xa thuốc lá và khói thuốc.
Hạn chế đến những nơi nhiều khói bụi, ô nhiễm môi trường.
Giữ ấm cơ thể, cổ họng, nhất là vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi.
Tập thể dục hằng ngày để nâng cao hệ miễn dịch.
Đặc biệt, người bệnh đừng quên tái khám hoặc khám bác sĩ ngay khi có biểu hiện bất thường. Các chuyên gia hô hấp sẽ kiểm tra, thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh, có thể thay đổi cách điều trị nếu phương pháp điều trị trước đó không hiệu quả. Việc khám với bác sĩ rất quan trọng, để tìm ra phương pháp điều trị nhanh và hiệu quả nhất, ngăn ngừa tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng.
Đăng ký khám với chuyên gia Hô hấp BV Hồng Ngọc tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc