Nhận biết sớm các dấu hiệu nổi mề đay ở trẻ để phát hiện và điều trị ngay từ đầu giúp nâng cao hiệu quả chữa trị để bé yêu không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bệnh lý này.
Nổi mề đay là bệnh gì?
Nổi mề đay là bệnh lý ngoài da rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này là tình trạng mao mạch trên da bị tổn thương do tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng, dẫn đến phù nề cấp tính hoặc mãn tính ở trung bì.
Bệnh nổi mề đay được chia thành 2 dạng, dựa vào yếu tố thời gian gây bệnh, gồm:
Nổi mề đay cấp tính: Loại mề đay này thường xảy ra trong 24 giờ và kéo dài ít hơn 6 tuần.
Nổi mề đay mãn tính: Loại mề đay này kéo dài trên 6 tuần, thậm chí kéo dài nhiều năm khó chữa dứt điểm.
Mặc dù có 2 dạng mề đay nhưng mề đay cấp tính là phổ biến hơn cả. Có hơn 80% các ca nổi mề đay ở trẻ là mề đay cấp tính và có thể tự khỏi mà không để lại dấu vết gì. Theo nhiều nghiên cứu, chỉ có khoảng 5 - 10% các trường hợp nổi mề đay tiến triển thành mãn tính.
Nổi mề đay ở trẻ là bệnh lành tính, có thể tự khỏi và ít đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên chủ quan vì cũng có những trường hợp biến chứng nghiêm trọng.
6 dấu hiệu nổi mề đay ở trẻ
Dưới đây là 6 dấu hiệu nổi mề đay ở trẻ ba mẹ có thể tự quan sát và phát hiện ngay từ sớm.
Nổi mẩn đỏ
Khi bị nổi mề đay, da của bé sẽ xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ. Những nốt mẩn đỏ này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Khi bé càng gãi nhiều thì những nốt này càng xuất hiện nhiều hơn.
Ngứa
Ngứa là biểu hiện điển hình nhất của các bệnh ngoài da, trong đó có bệnh nổi mề đay ở trẻ. Đây là phản ứng của histamin và dị nguyên xảy ra bên trong cơ thể gây ra.
Những cơn ngứa khiến trẻ khó chịu, nhiều bé không chịu được thường gãi rất nhiều. Việc này chỉ làm dễ chịu lúc đó chứ không có tác dụng giảm ngứa mà còn khiến những đốm mề đay lan rộng hơn. Thậm chí, việc cào gãi của trẻ khiến cho da bị trầy xước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây bội nhiễm.
Sốt nhẹ
Khi bị mề đay, trẻ có thể bị sốt nhẹ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân gây sốt là do khi mắc bệnh, sức đề kháng suy giảm, cơ thể trẻ dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Nếu trẻ sốt cao, hãy cho bé uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng quy định.
Phù mạch
Phù mạch là dấu hiệu trẻ nổi mề đay chuyển sang giai đoạn nặng. Lúc này, các nốt ban xuất hiện đột ngột có thể khiến một vùng bị sưng to, gọi là phù mạch. Tình trạng này thường xuất hiện ở những vùng da nhạy cảm như mí mắt, môi, cơ quan sinh dục ngoài…
Thậm chí, phù mạch còn xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như ống tiêu hóa, thanh quản dẫn đến khó thở, đau bụng, rối loạn nhịp tim, tiềm ẩn nguy cơ cao bị sốc phản vệ. Vì thế, khi trẻ bị nổi mề đay mà có biểu hiện phù mạch thì ba mẹ hết sức cẩn thận.
Trẻ quấy khóc
Khi bị nổi mề đay, trẻ rất ngứa ngáy và khó chịu khiến bé quấy khóc. Đặc biệt là vào buổi tối, các cơn ngứa xuất hiện nhiều hơn khiến con quấy khóc và ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ.
Nguyên nhân gây nên tình trạng ngứa ngáy nhiều hơn vào ban đêm là do lúc này da mất đi độ âm đáng kể, dẫn đến khô da và ngứa ngáy hơn.
Trẻ biếng ăn
Những biểu hiện của bệnh nổi mề đay khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, ăn không ngon miệng. Bên cạnh đó, khi bị bệnh, hệ tiêu hóa của bé cũng bị ảnh hưởng ít nhiều nên trẻ sẽ có xu hướng biếng ăn hơn. Để khắc phục, ba mẹ nên chia nhỏ bữa ăn giúp con hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị nổi mề đay
Để chăm sóc trẻ bị nổi mề đay, ba mẹ có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:
Chăm sóc tại nhà
Các biện pháp chăm sóc tại nhà cũng phần nào hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh một cách hiệu quả.
Uống nhiều nước
Cho trẻ uống nhiều nước giúp thanh lọc, đào thải độc tố bên trong cơ thể. Ngoài ra, uống đủ nước cũng giúp tăng cường độ ẩm cho da, làm giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu do nổi mề đay gây nên.
Mặc quần áo thoáng mát
Khi bé bị nổi mề đay, ba mẹ nên mặc quần áo thoáng mát cho con, không nên mặc quần áo quá dày và bó vì sẽ cọ xát lên vùng da đang nổi mẩn và khiến con khó chịu hơn.
Bôi dưỡng ẩm
Bôi kem dưỡng ẩm là cách để làm dịu da bé một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ba mẹ nên chọn loại kem phù hợp, được làm từ các thành phần tự nhiên để tránh kích ứng làn da vốn đang bị tổn thương của trẻ.
Áp dụng mẹo dân gian
Ngoài những cách trên, ba mẹ có thể áp dụng một số mẹo dân gian dưới đây để cải thiện tình trạng nổi mề đay ở trẻ.
Tắm lá khế
Lá khế có vị chát, tính lạnh, có công dụng tốt trong việc điều trị các bệnh ngoài da như nổi mề đay, rôm sảy. Mẹ chỉ cần lấy một nắm lá khế, rửa sạch rồi vò nát, sau đó nấu cùng nước sôi. Khi nấu mẹ cho thêm vài hạt muối trắng để tăng cường tính sát khuẩn. Nước sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Phần nước lá khế mẹ chắt ra chậu rồi pha thêm nước nguội và tắm cho bé. Tắm liên tục 2-3 ngày mẹ sẽ thấy những nốt mề đay thuyên giảm rõ rệt.
Tắm lá chè xanh
Lá chè xanh có tính hàn, vị chát ngọt, không độc, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, làm lành vết thương và sát khuẩn. Bên cạnh đó, thành phần của lá chè xanh chứa chất EGCG có công dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, giúp tăng cường hệ miễn dịch và tái cấu trúc làn da hiệu quả. Vì thế, mẹ có thể nấu nước lá chè xanh (tương tự như nấu nước lá khế) và tắm cho con để trị nổi mề đay.
Tắm lá trầu không
Lá trầu không là cây thuốc nam đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe con người. Trầu không chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm cực cao. Vì thế, mẹ có thể nấu nước trầu không để tắm cho bé hoặc hãm trầu không với một ít nước rồi dùng lá trầu đắp lên vùng da đang bị nổi mề đay sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.
Tắm lá sài đất
Cây sài đất có tính kháng khuẩn, giảm viêm nên sẽ đem lại công dụng trong việc điều trị nổi mề đay cũng như các bệnh về da khác như rôm sảy, viêm da dị ứng… Tương tự như nấu nước lá chè xanh, lá khế, mẹ có thể nấu nước lá cây sài đất để tắm cho bé giúp trị nổi mề đay. Mỗi tuần hãy tắm cho bé 2 - 3 lần thì tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm nhanh chóng.
Tắm lá rau má
Rau má là loại cây có công dụng tuyệt vời trong việc thanh nhiệt, giải độc. Rau má có thể dùng để ăn sống, ép nước uống đều rất tốt cho sức khỏe. Với trẻ bị nổi mề đay, mẹ có thể cho bé uống nước rau má để cải thiện bệnh từ bên trong. Ngoài ra, mẹ cũng có thể lấy rau má nấu nước cho bé tắm.
Sử dụng thuốc
Với những trường hợp bệnh không tự khỏi được, ba mẹ nên sử dụng thuốc giúp điều trị nổi mề đay nhanh hơn để con không còn cảm thấy khó chịu với những biểu hiện của bệnh.
Các loại thuốc được sử dụng thường là thuốc bôi giảm ngứa, thuốc kháng histamin H1. Trường hợp thuốc kháng histamin H1 không đáp ứng được thì chuyển qua sử dụng thuốc kháng histamin H2. Lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ ba mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Khoa Nhi – Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.