Cường giáp và suy giáp là 2 bệnh lý tuyến giáp rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, do không duy trì chế độ điều trị theo chỉ định, nhiều bệnh nhân đã gặp phải trường hợp bệnh cường giáp chuyển sang suy giáp.
Bệnh cường giáp và suy giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết tương đối nhỏ, nằm ở vị trí phía trước cổ, có hình dáng giống như hai cánh bướm. Tuyến nội tiết này "nhỏ nhưng có võ" khi có thể tiết ra các hormone giúp điều hòa khả năng trao đổi chất của cơ thể.
Cũng bởi chức năng quan trọng này, nên khi tuyến giáp gặp bất kỳ vấn đề nào đều gây ra những ảnh hưởng lớn đến cơ thể. Có hai bệnh lý tuyến giáp thường gặp nhất đó là cường giáp và suy giáp. Đáng chú ý, bệnh nhân bị cường giáp có thể chuyển sang suy giáp do những sai lầm, chủ quan của chính người bệnh.
Cường giáp là căn bệnh đặc trưng khi tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản sinh nhiều hormone. Các hormone này tác động đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể dẫn đến một số cơ quan hoạt động quá mức, đồng thời tác động đến hệ thống miễn dịch.
Ngược lại với bệnh cường giáp, suy giáp là căn bệnh xuất hiện khi tuyến giáp hoạt động kém hơn bình thường (do tác động của tuyến yên hoặc do các tác động bên ngoài) dẫn đến thiếu hụt lượng hormone cần thiết cho hoạt động của cơ thể.
Những biểu hiện của bệnh cường giáp và suy giáp
Rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp như cường giáp và suy giáp không phát hiện ra sớm do ở giai đoạn đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng khiến bệnh nhân nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường khác, dẫn đến tâm lý chủ quan.
Biểu hiện bệnh cường giáp
Khi tuyến giáp sản sinh ra một lượng hormone quá lớn, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị đẩy nhanh hơn. Từ đó, dẫn đến hiện tượng bệnh nhân tăng tiết mồ hôi hoặc sụt cân nhanh mà chế độ ăn uống không thay đổi.
Bên cạnh đó, sự tăng hoạt động tuyến giáp này cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh khiến cho người bệnh cảm thấy dễ lo lắng, tim đập nhanh, hồi hộp, căng thẳng, thậm chí là mất ngủ.
Bệnh cường giáp ở giai đoạn sau còn gây ra hiện tượng đau cổ, sưng cổ do tuyến giáp bị tổn thương và sưng lên. Đối với trường hợp cường giáp do basedow, bệnh nhân còn xuất hiện hiện tượng lồi mắt, đau rát vùng mắt.
Biểu hiện bệnh suy giáp
Ở chiều ngược lại, tuyến giáp sản sinh quá ít hormone cũng gây ảnh hưởng lớn đến cơ thể.
Hệ tim mạch và thần kinh bị ảnh hưởng khiến cho bệnh nhân khó thở, nhịp tim đập chậm, mất tập trung, tâm trạng dễ thay đổi sang trạng thái lo lắng, mệt mỏi,...
Lượng hormone này còn ảnh hưởng đến các tế bào khác trong cơ thể như tế bào da và tóc khiến cho nhiều chị em phụ nữ bị khô da, rụng tóc gây mất tự tin khi gặp gỡ, giao tiếp với người khác.
Chị em cũng rất có khả năng bị rối loạn kinh nguyệt khi lượng hormone trong cơ thể thay đổi.
Để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ Nội tiết. Liên hệ đặt lịch khám cùng chuyên gia Nội tiết – Tuyến giáp, qua hotline 0911.858.626 hoặc đăng ký TẠI ĐÂY.
Nguyên nhân bệnh cường giáp chuyển sang suy giáp
Mặc dù 2 căn bệnh trên xuất hiện các triệu chứng hoàn toàn trái ngược nhau nhưng bệnh nhân bị bệnh cường giáp chuyển sang suy giáp là hiện tượng không hiếm gặp. Vậy tại sao cường giáp có thể chuyển sang suy giáp? Đây là thắc mắc của rất nhiều người.
Trên thực tế, bệnh nhân cường giáp sẽ được điều trị bằng thuốc kháng giáp, sử dụng i-ốt phóng xạ để loại trừ lượng hormone thừa hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp nếu bộ phận này sưng lên quá to. Sau đó, bệnh nhân cần phải duy trì sử dụng thuốc kháng giáp được bác sĩ kê cho để kiềm chế sự sản xuất hormone của tuyến giáp.
Ban đầu, bệnh nhân được kê Thyrozol 5 mg, PTU 50 mg liều cao và sẽ được hạ liều lượng sau những lần tái khám định kỳ dựa trên kết quả theo dõi của bác sĩ. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân không quay tại kiểm tra sức khỏe mà vẫn sử dụng thuốc liều cao trong thời gian dài khiến cho bệnh cường giáp chuyển sang suy giáp.
Lưu ý về chăm sóc sức khỏe
Nếu tình trạng này không được kiểm soát kịp thời, tình trạng của bệnh nhân sẽ không được kiểm soát khiến cho tuyến giáp ngày càng suy yếu và ảnh hưởng xấu đến các quá trình trong cơ thể.
Để tránh hoặc giảm nguy cơ bệnh cường giáp chuyển sang suy giáp, bệnh nhân cần phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm để được tư vấn liều lượng thuốc phù hợp. Mặt khác người bệnh cũng phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, tuân thủ liều lượng thuốc đã được kê và tái khám đúng hẹn.
Tốt nhất, bệnh nhân cường giáp nên tái khám sau mỗi 4 - 8 tuần. Đây là khoảng cách thời gian thích hợp để bác sĩ có thể đánh giá sự tiến triển của bệnh thông qua các xét nghiệm, từ đó điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với thể trạng bệnh nhân.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Theo dõi fanpage Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
để biết thêm thông tin bổ ích khác.