Có nên hút sữa ra bình cho con bú không là câu hỏi của rất nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ. Vậy hút sữa có tác dụng như thế nào và cách hút sữa như nào là đúng? Cùng bệnh viện Hồng Ngọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Hút sữa là gì?
Hút sữa (hay còn gọi là vắt sữa) là việc sử dụng một công cụ/ thiết bị có lực hút (thường gọi là máy hút sữa) để tác động lên bầu ngực mẹ để kích thích sữa chảy ra. Cơ chế của máy hút sữa sẽ giống như hành động bú mẹ của em bé, từ đó giúp mẹ giải phóng hormone và tiết được lượng sữa cần thiết.
Sữa mẹ sẽ được thu thập lại và bảo quản để cho con bú khi người mẹ không thể cho con bú trực tiếp.
Hút sữa đem lại lợi ích gì?
Trước đây, việc hút sữa ít được thực hiện do các mẹ chủ yếu cho bé bú trực tiếp. Tuy nhiên, ngày nay, vì nhiều lý do, các bà mẹ lại ưu tiên hút sữa và bảo quản sữa mẹ để cho bé sử dụng dần.
Hút sữa giúp tăng lượng sữa
Với những mẹ có nhiều sữa thì việc hút sữa thường xuyên có thể giúp mẹ ổn định và duy trì lượng sữa, ngay cả khi người mẹ không cho con bú trực tiếp. Điều này giúp tránh tình trạng tắc nghẽn ngực và đảm bảo rằng bé vẫn có đủ sữa để bú.
Với những mẹ ít sữa thì hút sữa là cách kích sữa hiệu quả giúp tăng lượng sữa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của bé. Thậm chí, nhiều mẹ hút sữa đúng cách còn có dư sữa để trữ đông cho bé uống sau này. Hút sữa đúng cách giúp nhiều mẹ từ tráng bình lên một lít, hơn một lít sữa mỗi ngày, dư dả cho bé bú.
Giảm tắc sữa
Những sản phụ nhiều sữa, con bú không hết có thể dễ gặp phải tình trạng tắc sữa, căng sữa sau sinh,… do lượng sữa sản xuất tại các nang sữa không được bé bú cạn. Lâu dần, chúng tồn đọng lại gây tắc, thậm chí là áp xe vú hết sức nguy hiểm.
Khi bạn hút sữa, áp lực từ máy hút sữa sẽ giúp kích thích lưu thông sữa trong ống tiết sữa và loại bỏ sữa ra khỏi vú. Việc làm này có thể làm giảm áp lực và loại bỏ tắc nghẽn. Trong trường hợp này, hút sữa là giải pháp hữu hiệu giúp mẹ loại bỏ nguy cơ bị tắc sữa, căng sữa.
Thêm vào đó, việc hút sữa thường xuyên còn giúp mẹ hạn chế tối đa nguy cơ bị nứt núm vú, tổn thương núm vú và viêm da quanh vú.
Bé không phụ thuộc vào mẹ
Việc mẹ hút và lưu trữ sữa có thể giúp con không quá phụ thuộc vào mẹ. Mẹ không cần phải lúc nào cũng ôm con cho bé bú mà vẫn đảm bảo con được uống nguồn sữa mẹ tốt nhất, giàu dinh dưỡng nhất. Việc này có thể giúp những người chăm sóc bé có thể cho bé ăn một cách dễ dàng khi mẹ không có mặt.
Những lúc mẹ bận hoặc không thể cho con bú, bé có thể được ông bà, bố hoặc người thân cho bú bình sữa mẹ. Đây cũng là cách để giúp mẹ có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn, được nghỉ ngơi nhiều hơn để hồi phục sức khỏe sau sinh.
Giúp con bú được cả sữa đầu và sữa cuối
Sữa mẹ gồm sữa đầu và sữa cuối. Trong đó, sữa đầu tiết ra trong 10 phút đầu tiên của cữ bú, chứa chủ yếu là nước, vitamin và các kháng thể. Trong khi đó, sữa cuối - sữa được tiết ra sau đó - lại chứa nhiều chất béo giúp bé tăng cân tốt.
Nhiều trẻ bú mẹ thường bú rất nhanh nên không lấy được nguồn sữa cuối giàu dinh dưỡng. Vì thế, việc sử dụng sữa mẹ được hút ra giúp bé nhận được cả sữa đầu và sữa cuối.
Có thể bạn quan tâm:
Duy trì việc bú sữa mẹ
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ho trẻ bú mẹ hoan toàn trong 6 tháng đầu tiên và duy trì cho đến khi trẻ 2 tuổi (hoặc lâu hơn). Tuy nhiên, kể cả trong 6 tháng đầu đời, không phải lúc nào mẹ cũng có thể ở bên cạnh cho bé bú. Vì vậy việc hút sữa sau đó bảo quản sữa mẹ là vô cùng cần thiết để bé được sử dụng sữa mẹ đầy đủ.
Cách làm này hiện nay khá phổ biến. Nhiều mẹ hút sữa vào ban đêm hoặc sáng sớm rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để ban ngày đi làm bé sẽ được người trông coi cho ăn sữa mẹ bằng bình.
Tiết kiệm chi phí
Việc hút sữa mẹ có thể giúp tiết kiệm một phần chi phí so với việc sử dụng sữa theo công thức. Còn trong trường hợp mẹ hút sữa, con vẫn được uống sữa mẹ suốt cả ngày nếu mẹ đủ sữa.
Không phải mua sữa công thức: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên và miễn phí mà người mẹ tự sản xuất. Trong trường hợp người mẹ có thể cung cấp đủ sữa cho bé bằng cách hút sữa, việc không phải mua sữa công thức có thể giúp tiết kiệm một khoản chi phí lớn.
Không cần mua bình sữa và các phụ kiện liên quan: Khi bạn hút sữa, bạn có thể lưu trữ sữa trong bình lưu trữ, không cần phải mua bình sữa như khi sử dụng sữa công thức. Điều này có thể giúp giảm bớt một phần chi phí.
Với những lợi ích nêu trên thì câu trả lời cho câu hỏi có nên hút sữa ra bình cho con bú hay không là có. Mẹ có thể yên tâm hút sữa cho con mà không phải lo sợ bị giảm sữa hay mất sữa, thậm chí hút sữa còn giúp mẹ nhiều sữa hơn.
Khi nào mẹ nên bắt đầu hút sữa?
Việc hút sữa mẹ nên được bắt đầu với các trường hợp:
Sau sinh: Ngay sau khi sinh con, việc bắt đầu hút sữa có thể giúp kích thích sự sản xuất sữa và duy trì lượng sữa ổn định.
Khi người mẹ cảm thấy ngực quá đầy: Nếu ngực bị đầy và gây khó chịu, việc hút sữa nhẹ nhàng có thể giúp giảm áp lực và giảm đau.
Khi người mẹ muốn lưu trữ sữa dự phòng: Nếu người mẹ muốn có sữa dự phòng để sử dụng trong trường hợp mẹ không thể cho con bú trực tiếp (mẹ đi làm hoặc có vấn đề sức khỏe), việc hút sữa có thể bắt đầu sớm để nuôi dưỡng trẻ một cách tối ưu
Mẹ muốn tăng lượng sữa để con được bú nhiều hơn
Ngoài những trường hợp kể trên, mẹ có thể bắt đầu hút sữa nếu mẹ có có nhu cầu cung cấp sữa làm sữa mẹ từ thiện. Nếu người mẹ muốn thu thập sữa để làm đông lạnh hoặc để tặng cho những đứa trẻ có nhu cầu, việc hút sữa có thể bắt đầu khi người mẹ cảm thấy ổn định về công việc cung cấp sữa cho con mình
Hút sữa hoàn toàn có bị mất sữa không?
Phương pháp này hút sữa vẫn gây nhiều băn khoăn bởi không ít người lo sợ hút sữa bằng máy sẽ dễ gây mất sữa. Vậy hút sữa hoàn toàn có bị mất sữa hay không?
Việc hút sữa bằng máy có gây mất sữa hay không còn tùy thuộc vào việc bạn có hút sữa đúng cách và thường xuyên hay không. Nếu hút sữa đúng cữ, đủ cữ thì lượng sữa không những không bị mất mà đôi khi còn tăng đáng kể. Đây cũng là cách mà những sản phụ ít sữa áp dụng để kích sữa cho đủ nhu cầu của bé.
Ngược lại, nếu không hút sữa đúng cách sẽ dễ gây mất sữa. Không đúng cách ở đây có nghĩa là bạn hút không đúng cữ (mỗi hôm hút một khung giờ khác nhau), không đủ cữ (hôm hút lâu thời gian, hôm hút ngắn thời gian)... Vì thế, để tránh mất sữa, sản phụ cần biết hút sữa đúng cách là như thế nào trước khi bắt tay vào hút sữa vì hút sữa bằng máy khác với việc em bé bú mẹ trực tiếp.
Hướng dẫn mẹ hút sữa đúng cách giúp gọi sữa về ào ạt
Hút sữa sai cách có thể khiến mẹ bị giảm sữa hoặc mất sữa. Vì vậy, trước khi hút sữa ra bình cho con bú, mẹ cần biết hút sữa đúng cách như thế nào.
Hút đúng cữ, đủ cữ, không bỏ cữ đêm
Hút sữa đúng cữ, đủ cữ là điều kiện đầu tiên nếu mẹ muốn duy trì cũng như tăng lượng sữa.
Theo các chuyên gia cũng như nhiều mẹ có kinh nghiệm, mỗi cữ hút chị em nên hút trong khoảng 20 - 30 phút và nên dùng máy hút sữa điện đôi để hút đều hai bên. Trường hợp bé vừa bú mẹ xong thì mẹ nên dùng máy hút thêm 10 - 15 phút nữa để tạo phản xạ giúp cơ thể hiểu bé yêu đang cần thêm sữa và sẽ tự sản xuất thêm.
Mẹ nên lên lịch hút sữa để thực hiện đúng và đều mỗi ngày. Mỗi cữ hút thời gian chênh lệch các ngày không nên quá 30 phút. Ví dụ, nếu hút cữ 3h - 6h - 9h thì ngày hôm sau cũng phải hút theo khung giờ này. Ngoài ra, mẹ cũng dựa vào độ tuổi của con để sắp xếp lịch hút phù hợp. Khi mới sinh, mỗi cữ hút cách nhau khoảng 2 - 3 tiếng. Bé được khoảng 3 tháng tuổi mẹ có thể tăng khoảng cách các cữ lên 3,5 - 4 tiếng.
Hút sữa vào ban đêm cũng quan trọng để duy trì cung cấp sữa ổn định. Mặc dù công việc này có thể khá mệt mỏi trong giai đoạn đầu, nhưng nó giúp kích thích sản xuất sữa và đảm bảo rằng bé vẫn nhận đủ dinh dưỡng trong suốt 24 giờ.
Chườm nóng, massage bầu ngực trước khi hút sữa
Chườm nóng và massage bầu ngực giúp co thể mẹ sản sinh hormone prolactin kích thích các nang sữa hoạt động tốt hơn để sản xuất nhiều sữa hơn. Không những vậy, chườm nóng và massage còn là biện pháp giúp ngăn ngừa tắc tia sữa, căng sữa hiệu quả.
Trước khi hút sữa, mẹ có thể nhúng khăn xô với nước ấm rồi chườm quanh ngực. Sau đó, mẹ massage quanh bầu ngực khoảng 5 phút để tạo ra các phản xạ xuống sữa, giúp sữa được tiết ra nhiều hơn.
Uống nhiều nước ấm
Có thể nhiều mẹ không biết nhưng nước chiếm tới 80% trong sữa. Vì thế, để sữa về nhiều việc mẹ cần làm và phải làm đó là uống thật nhiều nước. Tốt nhất là mẹ nên uống nước ấm hoặc sữa ấm để tăng lượng sữa.
Trước mỗi cữ hút, mẹ nên uống khoảng 500ml nước ấm. Sau khi hút xong, mẹ lại uống một cốc nước ấm. Đảm bảo với cách này mẹ sẽ có được nguồn sữa dồi dào cho bé yêu tu ti.
Nên hút ngay sau khi bé bú mẹ
Một cách giúp làm tăng lượng sữa bằng máy hút sữa đó là hút sữa ngay sau khi bé bú mẹ, nhất là đối với những trường hợp bé bú trong thời gian rất ngắn. Khi bé bú xong, mẹ nên dùng máy hút thêm khoảng 10 - 15 phút nữa để cơ thể tiếp tục sản xuất thêm nhiều sữa hơn.
Lưu ý khi bảo quản sữa mẹ
Việc hút sữa để bé sử dụng dần có thể đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên nó cũng tồn tại nhiều vấn đề như vệ sinh, nhiễm khuẩn, hâm sữa như thế nào để không làm mất chất… Vì vậy, nếu mẹ đang hút sữa để bảo quản thì cần lưu ý một vài vấn đề dưới đây:
Bảo đảm vô khuẩn
Sữa mẹ sau khi được hút ra rất dễ bị nhiễm khuẩn. Sữa nhiễm khuẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé yêu, gây các vấn đề về tiêu hóa, đường ruột… Vì thế, đảm bảo vô khuẩn là yếu tố vô cùng quan trọng mà mẹ cần lưu ý khi bảo quản sữa mẹ.
Để làm được điều này, mẹ cần đảm bảo bình sữa, dụng cụ hút sữa được rửa sạch sẽ. Nếu có điều kiện, mẹ nên mua máy tiệt trùng để làm sạch chúng. Ngoài ra, trước khi hút sữa, mẹ cũng phải rửa tay, lau sạch bầu ngực, núm vú để tránh nhiễm khuẩn vào sữa của con.
Bảo quản sữa đúng cách
Sữa hút ra nếu bé chưa bú ngay thì mẹ cần bảo quản đúng cách để cho con bú sau đó. Theo các chuyên gia, mẹ nên cho sữa vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản trong ngày. Trường hợp bé không bú hết thì cuối ngày mẹ hãy cho sữa vào bình hoặc túi trữ sữa rồi cho lên ngăn đông để bảo quản. Khi cho sữa vào túi trữ hoặc bình, cần đảm bảo đã đẩy hết không khí ra ngoài trước khi đóng túi.
Thời gian bảo quản sữa mẹ được khuyến cáo như sau:
Ở nhiệt độ phòng (từ 26 - 36 độ C), sữa mẹ có thể được bảo quản trong vòng 4 tiếng. Quá 6 tiếng, sữa sẽ lên men và không thể sử dụng được.
Trong ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ dưới 8 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản trong 5 ngày
Ở tủ đông chuyên dụng (dưới -18 độ C), sữa mẹ có thể giữ nguyên làm lượng dinh dưỡng trong 6 tháng.
Hâm sữa đúng cách
Sữa được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, mẹ lấy ra rồi cho vào máy hâm sữa, hâm ở nhiệt độ 35 - 40 độ C cho đến khi sữa ấm thì cho bé bú. Nếu sữa được bảo quản ở ngăn đông, mẹ cần rã đông trước khi hâm sữa cho bé.
Khi rã đông, mẹ nên bỏ sữa đông xuống ngăn mát trước một ngày khi cho bé bú để sữa tan dần, không nên để ra ngoài luôn vì khi thay đổi nhiệt độ đột ngột chất dinh dưỡng trong sữa sẽ bị ảnh hưởng.
Mẹ cũng không nên đun sôi sữa vì sẽ phá hủy thành phần có lợi trong sữa, đặc biệt là các kháng thể.
Mẹ cũng cần lưu ý chỉ nên hâm đủ lượng sữa bé bú mỗi cữ, sữa đã hâm rồi bé bú không hết thì đem đổ bỏ, không nên cho lại vào ngăn mát để sử dụng cho cữ bú sau.
Trên đây là những kiến thức bổ ích xoay quanh vấn đề có nên hút sữa ra bình cho bé bú không. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho mẹ trong việc chăm sóc bé yêu.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là bệnh viện đầu tiên tại Hà Nội được công nhận là "Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc" với việc áp dụng triệt để phương pháp da kề da sau sinh và khuyến khích sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ngay từ khi trẻ chào đời. 100% ca sinh tại Hồng Ngọc bao gồm cả sinh thường và sinh mổ sẽ được thực hiện da kề da theo đúng quy trình chuẩn của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO, đảm bảo an toàn và khoa học. Việc được da kề da ngay sau sinh đúng cách cũng góp phần “gọi sữa về” nhanh hơn, để trẻ sớm được đón nhận những giọt sữa non quý giá của mẹ.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc