Chán ăn có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về chán ăn do yếu tố tâm lý, tâm thần, phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những hệ lụy không đáng có đến sức khỏe thể chất và tâm lý cho người bệnh.
Chán ăn tâm thần là hiện tượng gì?
Chán ăn (chán ăn tâm thần) là tình trạng rối loạn ăn uống đặc trưng bởi sự hạn chế một cách thái quá với thức ăn và có nỗi sợ mãnh liệt với việc tăng cân. Bệnh xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trẻ và các bé gái tuổi dậy thì, thường khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên và rất hiếm gặp ở những người trên 40 tuổi.
Sự lo lắng quá mức về việc tăng cân khiến họ cảm thấy sợ thức ăn một cách phi lý. Có 2 kiểu chán ăn tâm thần là:
Chán ăn kiểu hạn chế: Người bệnh không có cảm giác thèm ăn, cắt giảm lượng thức ăn tiêu thu và tập thể dục, vận động quá mức.
Chán ăn kiểu cuồng ăn và tự đào thải thức ăn: Người bệnh không hạn chế việc ăn, ngược lại ăn rất nhiều nhưng sau đó lại tìm cách để đào thải thức ăn bằng việc nôn hay sử dụng thuốc rửa ruột, thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra khỏi cơ thể.
Biểu hiện của chứng chán ăn tâm thần
Chứng chán ăn tâm thần có thể gây ra nhiều biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, sẽ có một số triệu chứng phổ biến nhiều người gặp phải gồm:
Biểu hiện về thể chất
Người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:
Giảm cân nhanh chóng
Thường xuyên bị chóng mặt, ngất xỉu
Ngủ không ngon
Thường xuyên mệt mỏi, uể oải
Cảm thấy ớn lạnh dù thời tiết nắng ấm
Biểu hiện về tâm lý
Về mặt tâm lý, người bệnh thường có những biểu hiện sau:
Ám ảnh, có suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng, cân nặng
Nhạy cảm quá mức khi nói về vấn đề ăn uống, hình thể, cân nặng
Lo lắng mỗi lần ăn uống
Hay tự trừng phạt bản thân bằng thực phẩm
Biểu hiện về hành vi
Về mặt hành vi, người bị chán ăn tâm thần thường có những biểu hiện:
Ăn kiêng bằng mọi cách như nhịn ăn, ăn uống kín đáo, không ăn chung với mọi người
Cưỡng ép bản thân tập thể dục quá mức
Cuồng ăn nhưng sau đó tìm mọi cách để tống thức ăn ra ngoài
Chán những món ăn vốn dĩ trước đó rất thích.
Nguyên nhân dẫn đến chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần có thể do 3 nguyên nhân chính sau đây gây nên:
Liên quan đến di truyền.
Yếu tố văn hóa: Người dân xem vóc dáng làm thước đo cho vẻ đẹp lý tưởng.
Ám ảnh quá mức về cân nặng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị chán ăn tâm thần
Có nhiều yếu tố có khả năng mắc chứng chán ăn tâm thần. Bao gồm:
Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người từng mắc chứng chán ăn tâm thần thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
Thay đổi tâm lý đột ngột: Những thay đổi trong cuộc sống như thay đổi trường học, thay đổi nơi ở, hay có những sự kiện bất ngờ như người thân mất… có thể gây stress, đau buồn quá mức. Tâm lý thay đổi đột ngột theo hướng tiêu cực làm tăng nguy cơ bị chán ăn tâm thần.
Tác động của truyền thông và xã hội: Tivi, mạng xã hội thường xuyên đăng tải các hình ảnh, video về quần áo bó sát, nét đẹp mảnh mai cũng tác động đến người bệnh, khiến họ bị ám ảnh nhiều về việc tăng cân nên sẽ ăn kiêng và có thể bị chán ăn tâm thần với mong muốn có được dáng người mảnh mai.
Định kiến về giảm cân: Thông thường, mọi người sẽ khen ngợi những ai có vóc dáng cân đối, sẽ dành lời khen tích cực cho việc giảm cân, giữ dáng và tiêu cực khi tăng cân. Vì vậy, nhiều người càng quyết tâm giảm cân, ăn kiêng và dẫn đến chán ăn tâm thần.
Chán ăn tâm thần có nguy hiểm không? Gây ra hệ lụy gì?
Chứng chán ăn tâm thần ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chán ăn tâm thần kéo dài sẽ gây ra các vấn đề về thể chất như: giảm cân quá mức, mệt mỏi, mất ngủ, thường xuyên chóng mặt, choáng váng, rối loạn kinh nguyệt, da dẻ xanh xao, ớn lạnh, không chịu được lạnh, huyết áp thấp…
Hậu quả nghiêm trọng hơn đó là có thể gây tử vong do rối loạn nhịp tim và mấy cân bằng điện giải.
Ngoài ra, tinh thần của người bệnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người mắc chứng chán ăn tâm thần có thể mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc… Họ có thể lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện, thậm chí có hành vi tự hủy hoại khi việc giảm cân không thành công.
Nhiều nghiên cứu cho rằng có đến 22% các trường hợp chán ăn tâm thần có tiền sử ít nhất 1 lần tự gây tổn thương cho bản thân bằng các cách như tự cắt, gây bỏng bằng thuốc lá, cứa vật nhọn và da…
Biện pháp chẩn đoán chứng chán ăn tâm thần
Để chẩn đoán chính xác chứng chán ăn tâm thần, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm, thăm khám như:
Khám sức khỏe tổng thể: Đo chiều cao, cân nặng, đo nhịp tim, huyết áp, kiểm tra da và móng, kiểm tra bụng…
Xét nghiệm: Có thể xét nghiệm máu toàn phần hoặc xét nghiệm máu chuyên biệt để kiểm trong hoạt động của gan, thận, tuyến giáp, kiểm tra chất điện giải và protein. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm nước tiểu.
Kiểm tra tâm lý: Chuyên gia tâm lý sẽ thăm khám, hỏi han về tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc và thói quen ăn uống của người bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh hoàn thành bảng câu hỏi tự đánh giá tâm lý.
Các phương pháp điều trị chán ăn tâm thần
Chứng biếng ăn tâm thần cần được phát hiện và điều trị sớm để hạn chế tối đa nhưng hệ lụy nguy hiểm mà nó gây ra cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị chán ăn tâm thần bao gồm:
Sử dụng thuốc
Mặc dù không có loại thuốc nào có thể điều trị chán ăn tâm thần nhưng trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được kê thuốc chống trầm cảm, thuốc tâm thần để điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần gây biếng ăn tâm lý.
Điều trị tại bệnh viện
Với những trường hợp chán ăn tâm thần bị mất nước, mất cân bằng điện giải, rối loạn nhịp tim…, người bệnh cần nhập viện cấp cứu điều trị kịp thời. Sau đó, người bệnh cần ở lại viện để theo dõi sát sao trong một vài ngày để kiểm tra các dấu hiệu quan trọng như chất điện giải, mức độ hydrat hóa.
Thậm chí, có trường hợp phải cho ăn qua ống sonde được đặt từ mũi đi đến dạ dày.
Phục hồi cân nặng
Nhiều người chán ăn bị sụt cân nghiêm trọng thì buộc phải phục hồi lại cân nặng về mức ổn định. Bác sĩ tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng và gia đình sẽ đồng hành trong hành trình phục hồi cân nặng cho người bệnh.
Tâm lý trị liệu
Yếu tố tâm lý ảnh hưởng trực tiếp đến chứng chán ăn tâm thần nên để điều trị hiệu quả bệnh lý này, người bệnh cần được trị liệu tâm lý đúng cách.
Bác sĩ tâm lý sẽ trò chuyện, tâm sự và đưa ra giải pháp phù hợp nhất với từng trường hợp. Mục tiêu chính của việc trị liệu chính là bình thường hóa hành vi ăn uống, giúp người bệnh muốn ăn và phục hồi cân nặng.
Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý còn giúp thay đổi niềm tin và những suy nghĩ lệch lạc về vấn đề giảm cân để họ thấy rằng, việc giảm cân không quá áp lực, cần giảm cân đúng cách, khoa học.
Thân hình gọn, cân đối là mong ước của nhiều người nhưng nó không phải là tất cả, cũng không là thước đo để đánh giá con người nên không cần bất chấp để giảm cân với mong muốn có vóc dáng được mọi người khen ngợi là đẹp.
Khi tâm lý được điều chỉnh ổn định, người bệnh sẽ dễ tiếp nhận các hình thức điều trị khác, cũng sẽ thay đổi suy nghĩ và hành vi trong việc ăn uống. Nhờ đó, bệnh được cải thiện đáng kể.
Đăng ký khám và nhận tư vấn từ chuyên gia tâm lý nhiều năm kinh nghiệm tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.