Sau khi khỏi COVID-19 rất nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng khiến sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân khiến bệnh nhân hậu COVID chán ăn là gì và cách khắc phục như thế nào? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích và sớm vượt qua giai đoạn hậu COVID-19.
Vì sao bệnh nhân hậu COVID-19 gặp triệu chứng chán ăn?
Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu hay khảo sát nào về tình trạng di chứng COVID-19 kéo dài cũng như số liệu người bị di chứng trong cộng đồng. Những con số hiện nay chỉ mới dựa vào ghi nhận tại thực tế khám chữa ở một số bệnh viện. Về tỷ lệ biến chứng ở F0 sau khi khỏi bệnh hiện chưa có đánh giá cụ thể, song đa số ăn uống kém, chán ăn, ăn không ngon miệng và cần can thiệp dinh dưỡng để tránh suy kiệt.
Nguyên nhân khiến bệnh nhân chán ăn hậu COVID-19 là do bị mất vị giác, khứu giác - 2 triệu chứng đặc trưng khi nhiễm bệnh và có thể kéo dài sau khi khỏi bệnh. Điều này khiến họ không cảm nhận được mùi vị thơm ngon của thực phẩm, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn một cách tự nhiên. Nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân đã bị nhiễm trùng nấm đen (mucormycosis) phải phẫu thuật và được sử dụng nhiều loại thuốc chống nấm gây buồn nôn, làm ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn dẫn đến sụt cân hậu COVID, sức khỏe suy kiệt.

Để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 chán ăn, bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố như chiều cao, cân nặng, đánh giá tình trạng rối loạn nuốt và các triệu chứng thường gặp như thay đổi vị giác, mất khứu giác, khó nhai, khó nuốt, trào ngược dạ dày, mất nước... để chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Nguyên tắc hồi phục cho bệnh nhân hậu COVID-19 chán ăn có nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng là bổ sung chế dộ dinh dưỡng khoa học kết hợp với phục hồi chức năng mới có thể bình phục hoàn toàn. Đặc biệt, với các F0 nặng, nguy kịch từng điều trị ở ICU khi xuất viện cần có kế hoạch dinh dưỡng lâu dài.
Cách khắc phục triệu chứng chán ăn hậu COVID-19
- Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan: Bệnh nhân không nên quá lo lắng về hậu COVID mà có những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến tâm lý không tốt gây chán nản, không muốn ăn uống. Thay vào đó, người bệnh nên tập thiền, tập viết, vẽ, hay làm những điều mình thích để giảm bớt lo lắng và tích cực hơn. Khi có một tinh thần tốt, người bệnh cũng sẽ thoải mái thưởng thức các bữa ăn.
- Tạo không khí vui vẻ trong mỗi bữa ăn: Các thành viên trong gia đình có thể trò chuyện trong mỗi bữa ăn để tạo không khí đầm ấm, vui vẻ. Nhờ đó, người bệnh cũng sẽ ăn ngon miệng hơn.
- Trình bày bữa ăn đẹp mắt: Việc trình bày các món ăn đẹp mắt sẽ góp phần gia tăng độ ngon miệng của bữa ăn, giúp kích thích thị giác, vị giác của người bệnh để giảm bớt cảm giác chán ăn.

- Áp dụng phương pháp "thiền ăn":
+ Bước 1: Nhìn: Nhìn đĩa thức ăn và cảm nhận hình dạng của nó trông giống hình ảnh vui nhộn nào đó;
+ Bước 2: Nhắm mắt: Nhắm mắt lại và tưởng tượng bữa ăn trong đầu, nghĩ đến người tạo ra món ăn, quy trình chế biến món ăn đó như thế nào?
+ Bước 3: Ngửi: Tưởng tượng hương thơm tỏa ra từ món ăn khi chưa mất khứu giác cảm nhận được;
+ Bước 4: Chạm: Đưa thức ăn chạm môi, sau đó đưa vào lưỡi và cảm giác vị trí thức ăn chạm vào;
+ Bước 5: Cắn: Bằng ý thức hãy cắn và cảm nhận vị ngon của món ăn;
+ Bước 6: Nhai và nuốt: Nhai và đếm nhẩm số lần trước khi nuốt. Nuốt từ từ để cảm nhận thức ăn đang di chuyển xuống dạ dày và cảm ơn người đã tạo ra món ăn đó cho bạn.
Bệnh nhân chán ăn hậu COVID nên ăn gì và kiêng gì để sớm hồi phục sức khỏe
Cân bằng chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày
- Đảm bảo cung cấp đủ về số lượng và đảm bảo tỷ lệ hợp lý từ 3 chất sinh năng lượng là đạm (protein) từ 13-20%, chất béo (lipid) từ 20-25% và chất bột đường (glucid) từ 55-65%.
- Ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên thực phẩm trong ngày, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Cần cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản... đậu, đỗ...).

- Về chất béo, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo động vật/chất béo tổng số dưới 60%. Tuy nhiên, nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ các loại gia cầm (gà, vịt...), các loại động vật có vú (lợn, bò...).
- Ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở.
- Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì nó khó tiêu.
- Bổ sung thêm probiotic mỗi ngày 2 lần, viên đa vitamin - khoáng chất cho người lớn, hay các dạng siro hay cốm đa vitamin - khoáng chất cho trẻ em giúp người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn, ăn ngon hơn, để cơ thể mau bình phục hơn.
Tăng cường rau xanh, hoa quả
Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa có tác dụng tốt với người sau điều trị bệnh là vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm,… giúp chống viêm, chống nhiễm trùng.
Rau quả là nguồn cung cấp các vitamin - khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Người bệnh nên ăn các loại rau màu xanh sẫm và hoa quả màu đỏ hoặc vàng có chứa nhiều vitamin A, C, E.
Ngoài ra, rau quả còn góp giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả cho người bệnh hậu COVID là từ 400 - 600 g/người/ngày.
Tăng cường bổ sung nước
Người mắc bệnh COVID-19, thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết.

Người bệnh có thể chọn các loại nước được chế biến rất đơn giản từ rau xanh, hoa quả tùy theo sở thích của mỗi người. Các loại nước sinh tố hoa quả, ngoài cung cấp nước còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cần thiết cho cơ thể.
Thực phẩm cần hạn chế đối với bệnh nhân hậu COVID-19
- Bệnh nhân hậu COVID-19 không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc... Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và uống thêm sữa từ 1-2 cốc/ngày.
- Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua…

- Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.
Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân chán ăn hậu COVID-19 cùng bác sĩ hàng đầu Bệnh viện Hồng Ngọc
Hiện tại, Bệnh viện Hồng Ngọc đã triển khai gói chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại nhà và tại viện.Gói chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại nhà được thiết kế khoa học với 14 danh mục khám chi tiết, dựa trên sự tham vấn chuyên môn của các bác sĩ hàng đầu bệnh viện. Thêm vào đó, việc kết hợp hình thức tư vấn online, xét nghiệm tại nhà và thăm khám tại viện sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức.
Ngoài các xét nghiệm, thăm khám cơ bản, gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 tại nhà của Hồng Ngọc còn cung cấp dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, chế độ ăn riêng và hướng dẫn tập thở, vận động, hồi phục thể lực, giúp bệnh nhân sớm hồi phục.
Với gói chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại viện, khách hàng có thể lựa chọn một 1 trong 3 gói khám bao gồm: cơ bản, nâng cao và chuyên sâu. Các danh mục khám được xây dựng toàn diện từ khám chuyên khoa (nội, dinh dưỡng, vật lý trị liệu), thăm dò chức năng (điện tâm đồ, do chức năng hô hấp, điện não đồ), chẩn đoán hình ảnh (siêu âm ổ bụng, siêu âm tim, chụp Xquang phổi, chụp CT ngực) đến xét nghiệm (công thức máu, đường máu, rối loạn đông máu…). Khách hàng sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát nhất, giúp tầm soát toàn diện tình trạng sức khỏe hậu COVID-19. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và làm việc khoa học để người bệnh sớm phục hồi.
Để được tư vấn chi tiết về gói khám sức khỏe hậu COVID-19 của Bệnh viện Hồng Ngọc, khách hàng vui lòng đăng ký tại đây:
[contact-form-7 id="74536" title="Đăng ký gói khám sức khỏe hậu COVID-19"]
Thông tin liên hệ:
Chăm sóc sức khỏe tại nhà - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Tel: 0911 858 616 - 0947 616 006
Hotline cấp cứu 24/24: 1900 636 555
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.