Rôm sảy khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ của bé nên ba mẹ cần tìm cách để khắc phục sớm tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ mách mẹ 13 cách trị rôm sảy hiệu quả ngay tại nhà.
Rôm sảy là gì? Nguyên nhân gây rôm sảy ở trẻ
Rôm sảy còn được gọi là ban nóng, xảy ra khi mồ hôi bị ứ đọng, không thoát khỏi da, nhất là khi thời tiết nóng hoặc ẩm ướt.
Khi bị rôm sảy, bé sẽ xuất hiện các nốt đỏ li ti khắp người, nhưng nhiều nhất thường mọc ở cổ, ngực, lưng, đầu… Các nốt rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu. Bệnh rôm sảy ở trẻ thường sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bé hay gãi khiến những nốt này lở loét, viêm nhiễm và lâu khỏi hơn.
Rôm sảy ở trẻ thường do 2 nguyên nhân chính sau:
Ống mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện khiến mồ hôi khó thoát ra ngoài. Ngoài ra, còn do bé mặc quần áo quá dày, hoặc do thời tiết quá nóng hay do bé bị sốt.
Bé hoạt động với cường độ cao hoặc mặc tã lót quá nóng với chất liệu ni lông, bí bách khiến ống mồ hôi tắc nghẽn, gây rôm sảy.
13 cách trị rôm sảy cho bé ba mẹ cần biết
Để khắc phục tình trạng rôm sảy ở trẻ, ba mẹ có thể áp dụng 13 cách làm dưới đây.
Cho bé mặc quần áo thoáng mát
Thoáng mát được xem là tiêu chí hàng đầu trong các cách trị rôm sảy cho trẻ. Khi bé bị nổi sảy, ba mẹ nên cho con mặc quần áo rộng rãi, lựa chọn loại vải cotton vừa mềm mịn vừa thấm hút tốt. Mặc thoáng mát giúp cải thiện bệnh một cách rõ rệt.
Sử dụng kem trị rôm sảy cho bé
Rôm sảy thường không phải điều trị nhưng nếu bé bị rôm nặng, lan rộng thành mảng lớn, tấy đỏ thì mẹ nên mua kem trị rôm để thoa cho bé dễ chịu, đỡ ngứa ngáy.
Thuốc bôi rôm cho bé phổ biến nhất là dung dịch Calamine giúp làm dịu cảm giác ngứa, hay Anhydrous lanolin ngăn ngừa tình trạng bít tắc ống mồ hôi, nhờ đó ngăn ngừa phát sinh nốt rôm mới.
Khi sử dụng những loại thuốc này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, bôi đúng cách, đúng lượng để tránh làm tổn thương làn da mỏng manh của bé.
Sử dụng các mẹo dân gian
Mẹ có thể áp dụng cách tắm nước lá theo quan niệm dân gian để trị rôm sảy cho bé.
Tắm lá khế
Lá khế có vị chua, có khả năng tán nhiệt giải độc nên được dùng trong các bài thuốc chữa mụn nhọt, ngứa, mề đay, rôm sảy hiệu quả. Mẹ chỉ cần lấy một nắm lá khế, rửa sạch rồi nấu sôi lên cũng một tí muối trắng. Đun sôi khoảng 5 phút thì chắt nước ra chậu lớn rồi pha thêm với nước lạnh và tắm cho bé.
Tắm nước mướp đắng
Mướp đắng có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, trừ mụn và trị sảy rất hiệu quả. Mẹ có thể nấu lá mướp đắng để tắm cho bé hoặc lấy quả mướp đắng xanh, giã nát rồi vắt lấy nước cốt. Bôi nước này lên vùng da bị rôm khoảng 10 phút rồi tắm lại bằng nước sạch.
Thực hiện hằng ngày theo cách này thì tình trạng rôm sảy thì hết sau khoảng 4 - 5 ngày.
Tắm lá dâu
Lá dâu có công dụng tản nhiệt nên sẽ hỗ trợ điều trị rôm sảy hiệu quả. Mẹ chỉ cần lấy lá dâu, rửa sạch rồi đun sôi với nước. Cho nước sôi khoảng 15 phút thì tắt bếp, chắt nước vào chậu to, pha thêm nước lạnh đến nhiệt độ vừa phải thì tắm cho con.
Tắm nước gừng tươi
Gừng từ lâu được biết đến là có công dụng kháng khuẩn, chống viêm nên bạn có thể giã gừng rồi lấy nước chấm vào chỗ bị rôm sảy. Hoặc có một cách nữa là giã gừng cho vào nước tắm cho bé. Tuy nhiên, mẹ không nên dùng quá nhiều gừng vì có thể gây nóng.
Tắm nước cây sài đất
Cây sài đất có tính mát, giải độc, tiêu viêm hiệu quả nên được nhiều mẹ sử dụng để trị bệnh rôm sảy cho bé hoặc các vấn đề như viêm da, mụn nhọt…
Mẹ có thể nấu cây sài đất tươi hoặc khô với nước rồi pha thêm nước lạnh để tắm cho bé. Để tăng hiệu quả, mẹ có thể lấy cây sài đất tươi, giã nước rồi bôi lên vùng da bị rôm. Khoảng 2 - 3 ngày sẽ thấy cải thiện đáng kể.
Tắm nước chanh tươi
Thành phần của quả chanh tươi có nhiều axit nên có tác dụng chữa rôm sảy cho bé. Mẹ có thể vắt khoảng nửa quả chanh tươi vào chậu nước rồi tắm hằng ngày cho bé để khắc phục tình trạng rôm sảy.
Cho bé nằm phòng điều hòa
Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây rôm sảy và khiến tình trạng rôm sảy thêm nặng nề. Vì vậy, những ngày nhiệt độ cao, ba mẹ nên cho con nằm phòng mát, bật điều hòa để bé cảm thấy dễ chịu, làn da mát mẻ cũng giúp cải thiện nhanh tình trạng rôm sảy.
Tắm rửa hằng ngày cho trẻ
Tắm rửa mỗi ngày cho con để làm dịu sự khó chịu và ngứa ngáy cho bé khi bị rôm sảy. Mẹ nên tắm cho con bằng nước mát để làm sạch da, loại bỏ bụi bẩn, thông thoáng tuyến mồ hôi. Từ đó, giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
Cho bé ăn uống đồ mát
Ngoài việc giữ vệ sinh, làm mát bên ngoài, ba mẹ cũng nên cho bé ăn những đồ thanh mát để giúp điều hòa thân nhiệt từ bên trong, dần dần rôm sảy sẽ biến mất mà không cần phải dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Những món ăn mát bé có thể dùng như trái cây, nước cam, nước chanh, bột sắn dây pha nước ấm…
Không cho bé tiếp xúc ánh nắng mặt trời
Nếu đang bị rôm sảy mà tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ khiến bé rất khó chịu và tình trạng rôm sảy nặng nề hơn. Vì vậy, hãy hạn chế cho bé ra ngoài khi không cần thiết, nhất là khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ vì lúc này ánh sáng chứa lượng lớn tia UV gây hại cho da bé.
Lưu ý khi áp dụng các mẹo dân gian trị rôm sảy cho bé
Nhiều cha mẹ lựa chọn việc tắm lá theo kinh nghiệm dân gian để trị rôm sảy cho bé. Để việc làm này đem lại hiệu quả cao và không gây tác dụng phụ, ba mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Trước khi tắm lá phải xác định da bé thuộc loại da gì, có phù hợp để tắm nước lá hay không.
Các loại lá phải được rửa sạch trước khi nấu nước tắm cho bé.
Nên tắm bằng sữa tắm chuyên cho bé trước khi sử dụng nước lá vì nước lá không hòa tan chất nhờn trên da bé, việc làm sạch da không đạt hiệu quả cao như các loại nước tắm chuyên dụng.
Sau khi tắm nước lá xong nên tráng lại cho bé bằng nước ấm để rửa trôi lượng bột của nước lá đọng trên da bé.
Không tắm nước lá khi da bé có dấu hiệu trầy xước, mưng mủ, viêm nhiễm…
Không thêm quá nhiều muối hoặc chanh tươi vào nước tắm của bé vì có thể gây xót và kích ứng da.
Không tắm nước lá quá đặc, nên pha loãng để lượng bột của lá không đọng trên da bé, dễ gây viêm nhiễm, dị ứng.
Phòng ngừa rôm sảy cho trẻ
Rôm sảy khiến bé khó chịu, ngứa ngáy, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và giấc ngủ của trẻ. Vì vậy ba mẹ nên phòng ngừa từ sớm, trước khi bệnh xuất hiện để bảo vệ con yêu. Hãy áp dụng những biện pháp sau:
Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, không nên mặc những bộ quần áo chất vải dày, bó…
Cho bé ở nơi thoáng mát, sạch sẽ và thông gió.
Tắm rửa cho bé mỗi ngày để lỗ chân lông được thông thoáng.
Cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước lọc hoặc nước trái cây.
Hạn chế cho trẻ ra ngoài nắng.
Khi bé ra nhiều mồ hôi thì lau người cho con, không nên để mồ hôi nhễ nhại.
Cho con ăn uống đủ chất, ăn nhiều trái cây, rau xanh để tăng cường sức đề kháng.
Như vậy bài viết đã giới thiệu cho ba mẹ 13 cách trị rôm sảy cho trẻ rất dễ thực hiện mà hiệu quả lại cao. Ba mẹ nên tham khảo để áp dụng điều trị cho bé, giúp con sớm thoát khỏi tình trạng rôm sảy đầy khó chịu.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Khoa Nhi – Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.