Viêm tĩnh mạch gây các triệu chứng đau nhức, sưng viêm rất khó chịu. Nếu không điều trị, có thể dẫn đến các biến chứng như thuyên tắc phổi, nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Viêm tĩnh mạch là bệnh gì?
Tĩnh mạch là con đường hồi lưu máu từ các cơ quan trong cơ thể trở về tim. Viêm tĩnh mạch là tình trạng những mạch máu này bị tổn thương hoặc biến dạng cấu trúc dẫn đến sưng đau, viêm nhiễm. Đây là bệnh lý thường gặp trong nhóm bệnh mạch máu ngoại biên.
Tùy vào đặc điểm, vị trí tĩnh mạch bị viêm, người ta chia viêm tĩnh mạch thành 2 nhóm là:
Viêm tĩnh mạch nông: Tĩnh mạch nông là những tĩnh mạch nằm nông dưới da, có kích thước nhỏ và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Viêm tĩnh mạch nông thường do yếu tố bên ngoài tác động vào như việc đặt ống thông tĩnh mạch. Tình trạng này có thể tự thuyên giảm khi ngưng tác động.
Viêm tĩnh mạch sâu: Tĩnh mạch sâu là những tĩnh mạch nằm sâu trong khối cơ chân, tay, có kích thước lớn và có van để giữ cho máu chảy một chiều về tim. Viêm tĩnh mạch sâu phần lớn do có cục máu đông trong lòng tĩnh mạch dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch.

Triệu chứng viêm tĩnh mạch cần nhận biết sớm
Viêm tĩnh mạch thường xảy ra ở các vị trí như tay, chân do chúng nằm xa tim và thường phải chịu sức nặng cơ thể và phải hoạt động nhiều. Các triệu chứng nhận biết viêm tĩnh mạch bao gồm:
Đau
Người bị viêm tĩnh mạch, kể cả tĩnh mạch nông hay sâu đều có cảm giác đau vùng chịu ảnh hưởng. Cơn đau khiến người bệnh phải hạn chế vận động, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày.
Cơn đau do viêm tĩnh mạch sâu thường đau nặng nề hơn viêm tĩnh mạch nông. Khi di chuyển, làm việc, cơn đau sẽ dữ dội hơn.
Sốt
Viêm tĩnh mạch nặng đi kèm nhiễm trùng sẽ khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi toàn thân.
Triệu chứng viêm
Viêm tĩnh mạch cũng có các triệu chứng tương tự như phản ứng viêm của cơ thể ở những cơ quan khác. Vùng mạch máu bị viêm sẽ sưng tấy, phù, sờ vào thấy nóng hơn những vùng khác, màu sắc da xung quanh thay đổi. Nếu viêm tĩnh mạch nông thì có thể quan sát dễ dàng.

Triệu chứng phổi
Nếu viêm tĩnh mạch xảy ra do cục máu đông di chuyển đến phổi sẽ dẫn đến thuyên tắc phổi, nhồi máu phổi với các biểu hiện như khó thở, tim đập nhanh, ho ra máu… Những triệu chứng này đều cảnh báo tình trạng nguy hiểm, cần nhập viện để can thiệp sớm, tránh biến chứng.
Nguyên nhân gây viêm tĩnh mạch
Tùy vào nhóm viêm tĩnh mạch là nông hay sâu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Với viêm tĩnh mạch nông, các nguyên nhân chủ yếu là do:
Chấn thương
Nhiễm trùng
Đặt ống thông IV
Có cục máu đông nhỏ
Tiêm thuốc kích thích vào tĩnh mạch.
Với viêm tĩnh mạch sâu, nguyên nhân có thể do:
Chấn thương hoặc bị kích thích do phẫu thuật, gãy xương hoặc từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó
Bị đông máu do thuốc, ung thư, rối loạn đông máu di truyền
Lưu lượng máu lưu thông chậm do ít vận động.
Yếu tố nguy cơ gây viêm tĩnh mạch
Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm tĩnh mạch:
Bị rối loạn đông máu
Từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó
Phụ nữ mang thai
Người thừa cân, béo phì
Không vận động trong thời gian dài
Sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên, liệu pháp hormone
Mắc ung thư
Thường xuyên hút thuốc lá
Người trên 60 tuổi
Thường xuyên uống bia rượu.
Những yếu tố trên làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn nhiều lần so với những người khác.

Bệnh viêm tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Viêm tĩnh mạch là bệnh lý không quá nguy hiểm, ít gây biến chứng nặng nề đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều vết thương trên da, dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí gây nhiễm trùng máu.
Bên cạnh đó, một biến chứng nặng nề của bệnh có thể kể đến là thuyên tắc phổi khiến người bệnh khó thở, đau khi thở sâu, nhịp tim nhanh, ho ra máu. Trường hợp này cần đến bệnh viện xử trí sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Phương pháp chẩn đoán viêm tĩnh mạch
Viêm tĩnh mạch có thể được chẩn đoán sau khi bác sĩ thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh. Bên cạnh đó, để chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh cần thực hiện một số phương pháp sau:
Xét nghiệm máu: Việc xét nghiệm giúp đánh giá nồng độ D-dimer trong máu hoặc để phát hiện rối loạn đông máu.
Siêu âm chi để đánh giá dòng chảy của máu qua tĩnh mạch và động mạch.
Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để kiểm tra sự hiện diện của cục máu đông.
Phương pháp điều trị viêm tĩnh mạch phổ biến hiện nay
Viêm tĩnh mạch tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng cũng cần điều trị sớm để chấm dứt các triệu chứng mà nó gây ra đối với người bệnh cũng như ngăn ngừa nguy cơ có thể gây nhiều biến chứng khác.
Với các trường hợp viêm tĩnh mạch nông, bác sĩ có thể nén ấm, sử dụng kháng sinh nếu nghi ngờ nhiễm trùng hoặc tháo ống thông IV trong các trường hợp đang sử dụng ống thông.
Với các trường hợp viêm tĩnh mạch sâu, bác sĩ thường kê thuốc chống đông máu để điều trị. Những trường hợp mắc bệnh và gây ra các vấn đề đến quá trình lưu thông máu, người bệnh có thể được chỉ định cắt tiểu cầu.
Biện pháp phòng ngừa
Viêm tĩnh mạch có thể được phòng ngừa hiệu quả nếu bạn chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây:
Tập đi bộ càng sớm càng tốt ngay sau khi phẫu thuật, tránh nằm một chỗ quá lâu
Duỗi chân, không nên gập chân quá lâu làm cản trở lưu thông máu
Uống đủ nước mỗi ngày
Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, kể cả thuốc làm loãng máu
Thăm khám tim mạch định kỳ, chia sẻ với bác sĩ các yếu tố nguy cơ bạn có thể mắc phải.
Khi có dấu hiệu bất thường như đau, sưng tĩnh mạch… người bệnh nên đi khám tại các chuyên khoa Tim mạch uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng đang mắc phải và được bác sĩ tư vấn cách điều trị hiệu quả.
Đăng ký thăm khám và nhận tư vấn cùng chuyên gia Tim mạch BV Hồng Ngọc tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.