Bệnh tim mạch ngày càng trở nên phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị kịp thời là cách hiệu quả hạn chế tiến triển của bệnh, giúp người bệnh nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Bệnh tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch là một nhóm các tình trạng y tế ảnh hưởng đến tim và các mạch máu. Bệnh tim mạch có thể bao gồm nhiều loại bệnh lý khác nhau, nhưng các tình trạng chủ yếu liên quan đến các mạch máu và tim.
Chức năng làm việc của tim bị giảm sút, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn các mạch máu, gây gián đoạn hoặc không cung cấp đủ oxy đến não và các bộ phận khác. Từ đó, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị ngưng trệ, lâu dần sẽ phá hủy từng bộ phận, dẫn đến tử vong.
Bệnh tim mạch thường dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cao huyết áp,... có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa. Mặc dù bệnh tim có thể không chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể giảm tiến triển của bệnh nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Đồng thời, chúng ta cũng có thể phòng ngừa được hầu hết các bệnh tim mạch bằng lối sống khoa học.
Tỷ lệ tử vong và mắc bệnh tim mạch
Theo thống kê của WHO năm 2016, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, số người chết do bệnh tim mạch cao hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác, ước tính chiếm 31% trên tổng số ca tử vong trên toàn cầu - khoảng 17,9 triệu người.
Cũng tương tự, các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây ra 31% tổng số ca tử vong tại Việt Nam năm 2016. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành (18-69 tuổi) ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ bệnh nhân được theo dõi, quản lý tại các cơ sở y tế thì lại thấp.
Điều này cho thấy, hầu hết người Việt Nam chưa có cái nhìn đúng về thực trạng bệnh tim mạch cũng như hậu quả mà căn bệnh này mang lại đến cuộc sống của người bệnh. Nên cần nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam, nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch gây ra.
10 nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về tim mạch
Bệnh tim mạch có thể là bệnh do bẩm sinh hoặc gây ra bởi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Ngoại trừ những người bị tim bẩm sinh thì những đối tượng sau rất dễ bị mắc các bệnh liên quan đến tim mạch:
1. Người hút thuốc lá
Các chất có trong khói thuốc lá chính là nguyên nhân cản trở việc cung cấp oxy đến tim và các bộ phận khác trong cơ thể. Khói thuốc còn có thể làm thay đổi thành phần hóa học của máu, gây ra mảng bám trong các động mạch, dẫn đến co thắt mạch máu và xơ vữa động mạch. Điều này có thể tạo ra cục máu đông và cuối cùng gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong.
2. Người có chế độ ăn thiếu khoa học: ăn nhiều muối, chất béo và cholesterol
Việc sử dụng nhiều chất béo bão hòa (có trong thịt đỏ) khiến mỡ xấu trong cơ thể tăng mạnh, hình thành các mảng xơ vữa (mảng bám) ở thành động mạch và gây hẹp tắc lòng mạch.
Hay việc sử dụng thường xuyên các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, gà rán,... là những thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo xấu, có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe tim mạch.
Việc sử dụng quá nhiều đường trong khẩu phần ăn hằng ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Theo một nghiên cứu, người tiêu thụ nhiều đường có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn nhiều so với người ăn ít đường.
3. Người ít vận động, ít hoạt động thể dục thể thao
Xu hướng của tim là khi được luyện tập thường xuyên sẽ đập chậm hơn khi vận động mạnh. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm được quá trình tích tụ mỡ của cơ thế, vốn là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị bệnh tim. Vận động thường xuyên cũng giúp động mạch vành giãn nở dễ dàng, giúp tim hoạt động hiệu quả.
Nếu không có nhiều thời gian luyện tập mỗi ngày 30 phút, chúng ta có thể cố gắng vận động nhiều hơn như đi thang bộ thay vì đi thang máy, đi bộ nhiều hơn. Bởi hoạt động nhiều sẽ làm cơ thể tăng sức chịu đựng thiếu oxy, giảm nhu cầu đòi hỏi về oxy của cơ tim, khai thông hiệu năng hoạt động trong cơ tim.
Ngoài ra, hoạt động thể lực làm cho động mạch mềm mại, tăng đàn hồi, dẻo dai hơn; các tĩnh mạch đưa máu về tim nhanh chóng và đều đặn hơn; đẩy máu nhiều hơn đến não, phổi, thận, gan và các cơ bắp…
4. Người thừa cân, béo phì
Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, những người bị béo phì thường có nguy cơ cao bị suy tim, đột quỵ hoặc mắc một số bệnh về tim mạch khác. Do người béo phì có sự phát triển rung nhĩ cao, gây ra tình trạng loạn nhịp tim và dần hình thành nên các cục máu đông.
Mặt khác, khi cơ thể trong tình trạng béo phì, nhịp tim sẽ phải hoạt động nhiều và căng thẳng hơn. Tình trạng này nếu diễn ra trong một thời gian dài có thể dẫn tới suy tim, đột quỵ
5. Những người bị căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch vành và làm trầm trọng hơn các nguy cơ khác của bệnh tim mạch
6. Người có cholesterol cao dễ hình thành các mảng xơ vữa động mạch, có thể tạo ra cục máu đông và gây ra các cơn đau tim.
7. Người cao huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao, bởi tăng huyết áp có thể làm xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu, dẫn đến tắc nghẽn hoặc bị vỡ mạch máu.
8. Người bị bệnh lý đái tháo đường sẽ có nguy cơ biến chứng rất cao ở toàn bộ các chức năng trong cơ thể, và bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
9. Người già: Tuổi tác càng cao, nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch càng cao
10. Người có người thân trong gia đình mắc bệnh tim: những gia đình có người mắc bệnh tim thì những người khác cũng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn người bình thường.
Người mắc bệnh tim mạch có triệu chứng như thế nào?
Người mắc bệnh tim mạch thường xuyên xuất hiện các triệu chứng dưới đây:
Khó thở
Tình trạng khó thở có thể xuất hiện khi gắng sức, nặng hơn là xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Đây có thể là một biểu hiện của suy tim, chức năng của tim không đảm bảo đưa máu đi nuôi các cơ quan khác trong cơ thể.
Đau ngực
Đau ngực kéo dài cũng có thể là một biểu hiện của bệnh thiếu máu cơ tim. Các cơn đau tức này thường có tính chu kỳ khi gắng sức hoặc căng thẳng, sẽ hết khi nghỉ ngơi. Những cơn đau ngực có thể kéo dài 5-10 phút và có xu hướng lặp lại.
Khi gặp những cơn đau ngực kéo dài, cần nghỉ ngơi tuyệt đối và nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời, vì những biểu hiện trên cũng không loại bỏ nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Mệt mỏi thường xuyên
Thiếu máu não, tim, phổi có thể khiến cho người bệnh thường xuyên mệt mỏi sau những hoạt động bình thường hằng ngày; hoặc nặng hơn là mệt ngay khi nghỉ ngơi, sau khi ngủ dậy,...
Ho kéo dài
Suy tim, chức năng hoạt động của tim kém không thể đưa đủ máu đi nuôi các bộ phận khác trong cơ thể, khiến máu có thể ứ đọng ở phổi, len lỏi vào các mô kẽ và phế nang, khiến người bệnh bị ho dai dẳng, không dứt.
Buồn nôn, chán ăn
Buồn nôn, chán ăn thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đây cũng có thể là một trong những triệu chứng của bệnh suy tim.
Người bệnh thường cảm thấy no tức bụng do máu bị ứ ở gan và các cơ quan tiêu hóa. Tình trạng này làm giảm chức năng của gan và cơ quan tiêu hóa, khiến cho người bệnh cảm thấy chán ăn và buồn nôn.
Có thể bạn quan tâm:
Tim đập nhanh liên tục
Khi chức năng tim bị suy giảm không đủ bơm máu đi nuôi các bộ phận khác, tim buộc phải đập nhanh hơn để tăng lưu lượng máu. Người bệnh có thể cảm nhận rõ tim đập nhanh, nghe rõ tiếng nhịp tim, thường xuyên có cảm giác hồi hộp.
Thường xuyên lo lắng
Đây là một biểu hiện của bệnh suy tim, nhưng thường ít được người bệnh lưu tâm, do nhầm lẫn đó là cảm giác lo lắng bình thường khi gặp phải các vấn đề trong cuộc sống. Nếu thường xuyên thở nhanh, tim đập bất thường, lòng bàn tay ra nhiều mồ hôi,... nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Chóng mặt và ngất xỉu
Chức năng tim kém dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não, gây chóng mặt và nặng hơn có thể dẫn đến ngất xỉu. Đây là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị gián đoạn hoặc rối loạn nhịp tim ở mức độ nghiêm trọng.
Phù nề
Nếu cảm thấy cơ thể hoặc một vài bộ phận nào đó như chân, mi mắt, bàn tay,... có dấu hiệu phù nề ở thời điểm nhất định nào đó trong ngày, thì nên thăm khám và điều trị kịp thời vì có thể đó là dấu hiệu của suy tim.
Chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch như thế nào?
Chẩn đoán
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh tim, người bệnh đều cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý đoán bệnh và mua thuốc uống khi không có chỉ định của bác sĩ.
Khi đến khám, nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tim mạch thì thường được chỉ định làm các kiểm tra chuyên sâu để xác định chính xác bệnh như xét nghiệm máu, chụp Xquang, điện tim đồ,... và các kiểm tra về tim bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI)
- Điện tâm đồ (ECG)
- Máy theo dõi Holter
- Siêu âm tim - Doppler tim
- Đặt ống thông tim
- Chụp cắt lớp vi tính tim (CT scan)
Điều trị
Sau khi đã xác định được chính xác bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng mặt bệnh cụ thể. Một số phương pháp điều trị thường được sử dụng:
- Sử dụng thuốc kháng sinh đối với các trường hợp nhiễm trùng tim sử dụng các loại thuốc khác nhằm kiểm soát diễn biến tăng nặng của một vài loại bệnh tim khác
- Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt và tăng cường luyện tập thể thao: ngoài uống thuốc theo thực đơn của bác sĩ, người bệnh tim cần phải thay đổi lối sống khoa học hơn, chế độ ăn ít chất béo, ít đường, tăng cường tập thể dục ở cường độ nhẹ nhàng và đặc biệt nói không với rượu bia, thuốc lá.
- Can thiệp bằng phẫu thuật: nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm khi điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tích cực như can thiệp bằng các kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật tim. Tùy vào từng mặt bệnh và tình trạng bệnh sẽ có những chỉ định phẫu thuật phù hợp nhất.
Làm thế nào để hạn chế mắc các bệnh tim mạch?
Ngoại trừ tim bẩm sinh là bệnh không thể ngăn chặn, các loại bệnh tim mạch khác vẫn có thể phòng ngừa bằng một lối sống lành mạnh và phù hợp:
- Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không sử dụng chất kích thích
- Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo xấu, đường, ăn đủ nhóm chất để có một sức khỏe tốt nhất
- Theo dõi, kiểm tra và kiểm soát tốt hàm lượng Cholesterol trong máu
- Kiểm soát huyết áp, theo dõi bệnh tiểu đường
- Giữ cân nặng ở mức ổn định, không để tăng cân quá nhiều và quá nhanh, không để bị béo phì
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, chọn các bài tập và hình thức tập phù hợp với điều kiện sống và thời gian biểu của mỗi người.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, lo lắng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu và có phương án tầm soát sớm nhất.
Chuyên khoa Tim mạch - BVĐK Hồng Ngọc: Địa chỉ uy tín trong thăm khám và điều trị các bệnh lý Tim mạch:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc