Hệ tiết niệu bao gồm 4 cơ quan chính là thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo… Các bệnh tiết niệu thường gặp sẽ liên quan trực tiếp đến những cơ quan này, phổ biến nhất là viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu…
6 bệnh tiết niệu thường gặp nhất
Hệ tiết niệu gồm nhiều cơ quan nên khi các cơ quan này gặp vấn đề, sẽ gây ra nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó, có 6 bệnh tiết niệu thường gặp gồm:
Sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là tên gọi chung cho các bệnh lý sỏi ở tất cả các cơ quan thuộc hệ tiết niệu. Bao gồm: sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo…
Nguyên nhân hình thành sỏi là do sự lắng đọng lâu ngày của các tinh thể thải ra trong nước tiểu, dẫn đến hình thành các viên sỏi rắn chắc. Theo thời gian, những tinh thể này lớn dần và được giữ lại ở thận. Sau đó, chúng có thể nằm im tại vị trí hoặc đi theo dòng nước tiểu và lắng đọng tại các cơ quan như bàng quang, niệu quản… và tiếp tục phát triển.
Biểu hiện chính của bệnh sỏi tiết niệu là gây ra các cơn đau quặn dữ dội. Sỏi nhỏ có thể tự đào thải qua nước tiểu. Với những viên sỏi lớn, cần điều trị bằng thuốc, phẫu thuật nội soi, tán sỏi…
Tăng sản tuyến tiền liệt
Đây là bệnh tiết niệu thường gặp ở nam giới lớn tuổi, hình thành do sự gia tăng kích thước quá mức của tuyến tiền liệt. Bệnh lý này thường lành tính và không liên quan trực tiếp đến ung thư.
Triệu chứng thường gặp của bệnh là đi tiểu thường xuyên do sự gia tăng kích thước tuyến tiền liệt gây sức ép tới niệu đạo và bàng quang. Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc. Nếu trường hợp gia tăng quá mức thì cân nhắc phẫu thuật.
Nhiễm trùng tiết niệu
Đây là bệnh tiết niệu thường gặp nhất do vi khuẩn, virus xâm nhập vào hệ tiết niệu gây viêm nhiễm. Bệnh lý này thường gặp ở nữ giới hơn do cấu trúc giải phẫu hệ tiết niệu nữ giới ngắn, sát với hậu môn nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu bao gồm: nóng rát, đau khi đi tiểu, tiểu rắt, cảm giác bàng quang không được làm trống sau khi đi tiểu…
Bệnh viêm đường tiết niệu được điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng sinh. Nếu điều trị sớm, việc chữa khỏi là khá dễ dàng và nhanh chóng.
Rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương cũng là một bệnh tiết niệu của nam giới. Đây là tính trạng rối loạn do bị hạn chế lưu lượng máu đến bộ phận sinh dục, khiến đời sống vợ chồng bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
Với bệnh lý này, phương pháp điều trị có thể là sử dụng thuốc hoặc can thiệp bằng thủ thuật.
Tiểu không tự chủ
Một bệnh tiết niệu khác mà nhiều người gặp phải đó là tiểu không tự chủ. Đây là tình trạng mất khả năng kiểm soát việc đi tiểu, dẫn đến rò rỉ nước tiểu, đi tiểu không đúng lúc… Nguyên nhân gây ra bệnh lý này có thể do cơ bàng quang yếu, nhiễm trùng tiết niệu, bàng quang tăng hoạt…
Việc điều trị tiểu không tự chủ phải kết hợp việc điều chỉnh lối sống, tạo thói quen tiểu tiện. Nhiều trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật đặt ống dẫn nước tiểu nhân tạo.
Các bệnh tiết niệu khác
Ngoài những bệnh tiết niệu thường gặp kể trên, còn nhiều bệnh tiết niệu khác như:
Viêm bàng quang kẽ.
Viêm tuyến tiền liệt.
Bàng quang tăng hoạt.
Ung thư bàng quang.
Tiểu máu
…
Biện pháp phòng ngừa bệnh tiết niệu
Các bệnh tiết niệu rất dễ mắc do thói quen sinh hoạt hằng ngày không sạch sẽ, khoa học hoặc do quan hệ tình dục không an toàn làm lây nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
Uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 - 2,5 lít để thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố tốt hơn.
Hạn chế tiêu thụ muối, dầu mỡ, caffeine.
Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
Không nhịn tiểu, nên đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu.
Nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để đẩy vi khuẩn ra ngoài.
Tập thể dục hằng ngày để nâng cao sức khỏe, nhất là các bài tập cơ sàn chậu.
Bên cạnh đó, nên đi khám thận tiết niệu ngay khi có các dấu hiệu bất thường như đau hông lưng, đau quặn bụng, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu khác thường…
Đăng ký khám với chuyên gia Thận tiết niệu BV Hồng Ngọc tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.