Người bị tiểu đường phải kiểm soát được đường huyết kể cả trước và sau bữa ăn, không làm tăng đường máu nhiều sau ăn và đường máu cũng không được hạ lúc xa bữa ăn.
Giữ đường huyết trong khoảng an toàn cho phép
Theo hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ, đối với bệnh nhân tiểu đường nên duy trì đường huyết ở mức sau : Trước ăn: 90-130 mg/dl ( 5,0- 7,2 mmol/l ); sau ăn 1- 2h: 180 mg/dl ( 10mmol/l ). Để làm được điều này, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Phải ăn uống điều độ, đúng giờ, không để quá đói nhưng cũng không ăn quá no.
- Nên chia nhỏ bữa ăn (ít nhất 4 bữa). Người bệnh cũng nên ăn bữa phụ buổi tối để tránh hạ đường huyết ban đêm.
- Không nên thay đổi quá nhanh và nhiều cơ cấu cũng như là khối lượng của các bữa ăn.
Lưu ý chỉ số đường huyết của thực phẩm
Một số loại thực phẩm sau khi ăn có khả năng làm tăng đường huyết. Khả năng làm tăng đường huyết của thực phẩm được gọi là chỉ số đường huyết của loại thức ăn đó. Người bệnh cần lưu ý, dù các loại thức ăn có lượng glucid bằng nhau nhưng sau khi ăn thì lại có mức độ làm tăng đường huyết khác nhau.
Những loại thức ăn có chỉ số đường huyết thấp khi ăn rất có lợi với bệnh nhân tiểu đường, giúp người bệnh có thể dễ dàng kiểm soát được đường huyết. Sau khi ăn những thực phẩm này, đường huyết người bệnh chỉ bị tăng ít và tăng rất từ từ.
Ngược lại, những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao sẽ làm đường huyết người bệnh tăng nhanh và tăng cao. Do vậy người bệnh tiểu đường nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để sử dụng.
Tuy nhiên, người bị bệnh tiểu đường vẫn có thể dùng các thực phẩm chỉ số đường huyết cao nhưng cần hạn chế và khi ăn nên phối hợp với các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, đặc biệt với thực phẩm có nhiều chất xơ.