Mất trí nhớ, mất nhận thức từ bệnh Alzheimer khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao khi bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý cơ hội: viêm phổi, nhiễm trùng, chấn thương,… Bệnh lý có xu hướng gia tăng cao bởi có thể di truyền qua mã gen.
Định nghĩa về bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, làm mất trí nhớ, giảm nhận thức, hành vi. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng sa sút trí tuệ ở nhóm người cao tuổi.
Người bệnh rất khó xoay sở với cuộc sống hàng ngày khi không tự vệ sinh cá nhân, không diễn đạt được điều mình mong muốn, trí tuệ giảm sút,… Điều này khiến các bệnh nhân bị giảm chất lượng cuộc sống, bị phụ thuộc và cần được chăm sóc mỗi ngày.
Ở giai đoạn ban đầu, người bệnh có thay đổi tính cách rõ rệt: khó tính, hờn dỗi, hay nổi cáu,… Bệnh nhân không nên chủ quan khi phát hiện bệnh, bởi chứng Alzheimer không phải là tình trạng suy giảm trí nhớ thông thường.
Nguyên nhân khởi phát bệnh Alzheimer
Nguyên nhân bệnh Alzheimer khởi phát do nhiều yếu tố chưa xác định tạo thành. Có giả thiết cho rằng bệnh khởi phát do các đám rối hình thành từ các tế bào tiêu biến và sự mất tín hiệu từ các ống vận chuyển dinh dưỡng. Tuy nhiên, điều này chưa được kết luận xác thực.
Các yếu tố có thể hình thành bệnh Alzheimer là:
Gia tăng tuổi tác: nguy cơ cao gây nên chứng Alzheimer là do sự lão hóa độ tuổi từ 65 tuổi trở lên.
Di truyền: trong gia đình có người thân mắc bệnh, thì khả năng bệnh nhân bị di truyền nguồn gen bệnh Alzheimer cũng khá cao.
Chấn thương đầu: bệnh nhân bị ngăn cản khả năng hình thành những mảng protein amyloid beta, làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh.
Mắc bệnh tim: não và tim có liên hệ mật thiết với nhau do quá trình tuần hoàn máu. Do vậy, nếu bệnh nhân có vấn đề về bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ,… thì cũng dễ mắc bệnh Alzheimer hơn cả.
Ít hoạt động trí não: khi bộ não không được rèn luyện hàng ngày, chúng dễ dàng bị thoái hóa và giảm sút chức năng…
Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân Alzheimer
Dấu hiệu Alzheimer thể hiện ra ở từng người là khác nhau. Điều này phụ thuộc vào các khu vực tổn thương não ở từng người. Các tổn thương ở vị trí khác nhau khiến các triệu chứng bệnh Alzheimer ở mỗi người cũng khác nhau.
Giai đoạn khởi đầu
Khó khăn khi ghi nhớ các thông tin/ sự kiện vừa xảy ra
Khó nhớ lại các thông tin/ sự kiện đã ghi nhớ trước đây
Hay mất tập trung, giảm chú ý, không mấy quan tâm xung quanh
Tư duy trừu tượng, khả năng lập kế hoạch bị giảm
Nhận thức bị suy giảm ở mức độ nhẹ
Giai đoạn nhẹ
Chức năng ghi nhớ, học hỏi suy giảm rõ ràng hơn
Khó phối hợp vận động các giác quan: cảm giác, vận động,...
Quên các thông tin trong quá khứ, quên mất chức năng của các vật dụng thường gặp
Suy giảm chức năng ngôn ngữ: giảm vốn từ, khó diễn giải lưu loát với người khác,… (đối với một số bệnh nhân)
Giai đoạn vừa
Mất dần khả năng tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày
Mất dần khả năng ngôn ngữ: quên từ vựng, dùng sai từ, khó diễn đạt điều muốn nói, mất dần khả năng đọc viết,…
Giảm khả năng vận động – biểu hiện rõ nhất ở các động tác phức tạp
Suy giảm trí nhớ nặng: quên mặt, không nhận ra người thân
Thay đổi tính cách: tính hung hăng, khó chịu, không nghe theo sự chăm sóc của người thân
Có thể xuất hiện ảo giác ở một số trường hợp hiếm gặp
Giai đoạn nặng
Thờ ơ, vô cảm, không quan tâm xung quanh
Dễ bị kiệt sức, mệt mỏi
Không thể tự sinh hoạt nên phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác
Chỉ nói được những từ đơn giản, nặng hơn thì có thể bị mất hoàn toàn ngôn ngữ
Người bệnh nằm liệt giường, không thể tự ăn uống do thoái hóa khối cơ
Tử vong do các nguyên nhân: viêm phổi, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng vết loét
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer phổ biến nhất ở người cao tuổi, khoảng từ 65 trở lên. Ở độ tuổi này, chức năng cơ thể bị giảm sút khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các tuổi khác.
Hiện nay chưa có tài liệu nào kết luận chính thức về độ tuổi/ nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Thế nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng: các bệnh lý cơ thể góp phần thúc đẩy nguyên nhân gây nên bệnh mất trí nhớ.
Bệnh tiểu đường
Cholesterol trong máu cao
Hút thuốc/ tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên
Gặp nhiều stress, phiền muộn, căng thẳng kéo dài
Sống khép kín, ít giao tiếp với người khác
Có thể bạn quan tâm:
Ảnh hưởng của bệnh Alzheimer
Các triệu chứng bệnh Alzheimer hầu như không có biến chứng gì khi bệnh mới khởi phát. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra nhiều cản trở trong quá trình điều trị các bệnh lý khác. Ví dụ như:
Không thể chia sẻ với người khác những vấn đề của bản thân: đau đầu, đau răng, khi bị ốm sốt,..
Không tuân theo chỉ định, phác đồ điều trị bệnh lý.
Không chia sẻ về hiệu quả điều trị bệnh, hoặc các tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Với các bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các biến chứng ảnh hưởng đến phổi, bị nhiễm trùng hoặc dễ gặp chấn thương. Điều này xảy đến do sự thay đổi chức năng thể chất của bệnh Alzheimer.
Viêm phổi: chất nhầy từ dạ dày, thức ăn xâm nhập vào phổi gây nên viêm nhiễm đường hô hấp. Nguyên nhân là do các bệnh nhân mắc Alzheimer bị rối loạn chức năng nuốt.
Nhiễm trùng: người bệnh thường phải đặt các ống thông tiểu, khiến cho đường tiết niệu có thể bị nhiễm trùng nặng.
Bị chấn thương: người bệnh gặp vấn đề khi định hướng khoảng cách. Do vậy, bệnh nhân bị ngã, bị chấn thương là tình trạng không hiếm gặp.
Chẩn đoán bệnh Alzheimer như thế nào?
Cách khám và chẩn đoán bệnh Alzheimer khá giống với bệnh sa sút trí tuệ. Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, hội chứng này sẽ được căn cứ như sau:
Bệnh nhân giảm trí nhớ nhiều theo thời gian, giảm trí nhớ nhanh chóng.
Giảm một hoặc nhiều lĩnh vực nhận thức như sau: ngôn ngữ, nhận biết xung quanh, động tác, khả năng suy luận hoặc chức năng điều hành cơ thể,…
Bệnh nhân suy giảm cách thức hoạt động hàng ngày, hoặc suy giảm chức năng nghề nghiệp.
Các triệu chứng tiến triển nhanh, nặng dần theo thời gian.
Các rối loạn từ bệnh lý không diễn ra khi bệnh nhân ở trạng thái mê sảng.
Khi thấy dấu hiệu triệu chứng của bệnh, cần phải tới khám và nhận lời tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Khi phát hiện và điều trị từ sớm, tiến trình phát triển của bệnh Alzheimer sẽ chậm lại đáng kể.
Cách điều trị bệnh Alzheimer
Nguyên tắc điều trị
Trước khi tiến hành điều trị bệnh Alzheimer, bệnh nhân cần xác định rõ về các đặc điểm bệnh lý này để thông báo tới bác sĩ. Các hội chứng suy giảm trí nhớ, suy giảm hành vi không thể điều trị khỏi triệt để. Bệnh Alzheimer có tiến triển nặng dần theo thời gian và không có thuốc trị khỏi bệnh.
Bệnh nhân sẽ được điều trị với mục tiêu làm chậm tiến triển giữa các giai đoạn. Song song với đó, bệnh nhân sẽ cải thiện được chất lượng cuộc sống, hạn chế ảnh hưởng tối đa tới cuộc sống.
Điều trị nội khoa
Thông qua tình hình người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định đơn thuốc phù hợp giúp làm chậm quá trình bệnh. Các loại thuốc điều trị triệu chứng cũng được kê để ổn định các triệu chứng bệnh Alzheimer.
Thuốc làm chậm tiến triển: sử dụng hàng ngày, theo đúng chỉ định.
Thuốc điều trị triệu chứng: mất ngủ, thuốc chống loạn thần, thuốc chống rối loạn hành vi,…
Thuốc điều trị bệnh lý khác: phân loại thuốc với liều lượng phù hợp để không bài xích lẫn nhau, không làm giảm hiệu quả điều trị.
Chăm sóc người bệnh Alzheimer như thế nào?
Bệnh nhân Alzheimer cần được chăm sóc tận tình với chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Do không thể kiểm soát được hành vi nên người bệnh cần được theo dõi sát sao hơn.
Tạo dựng môi trường sống an toàn bằng cách loại bỏ các vật/ chướng ngại vật gây nguy hiểm
Hỗ trợ người bệnh thực hiện các công việc chăm sóc cá nhân trong cuộc sống
Chăm sóc, quan tâm, động viên để người bệnh an tâm điều trị
Hỗ trợ phối hợp giúp đỡ về ngôn ngữ, tư duy, vận động trong sinh hoạt hàng ngày
Cách phòng bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer khởi phát do tình trạng não bộ bị lão hóa do tuổi tác, thời gian. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng tránh nguy cơ khởi phát sớm bằng cách điều chỉnh lối sống, cách sinh hoạt.
Phòng tránh các bệnh tim mạch
Có đến 80% người bệnh Alzheimer mắc cả các bệnh liên quan đến tim mạch. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa bệnh Alzheimer và bệnh tim mạch.
Các nhà khoa học cho rằng các đám rối và mảng vón ở não bộ trầm trọng hơn khi người bệnh gặp các vấn đề nghiêm trọng của mạch máu não. Có nghĩa là bệnh tim mạch có thể làm khởi phát nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Do vậy, cần phòng tránh mắc phải các bệnh tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường,… khi phòng bệnh Alzheimer.
Tập thể dục thường xuyên
Khi tập thể dục, triệu chứng hay quên, khó ghi nhớ có thể cải thiện đáng kể. Điều này hoàn toàn có lí bởi vận động làm lưu lượng máu và oxy tới não nhiều và ổn định hơn.
Phòng tránh chấn thương vùng đầu
Mối liên hệ giữa chấn thương vùng đầu và Alzheimer đã được các nhà khoa học kiểm nghiệm và chứng nhận. Do vậy, cách phòng ngừa bệnh Alzheimer hiệu quả nhất đó là tránh va chạm gây nên chấn thương ở đầu.
Ăn uống đủ dinh dưỡng
Một chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe não bộ. Do vậy, cần kết hợp đa dạng các nhóm chất: vitamin, dầu mỡ, chất béo tốt, protein,… Ngoài ra, cần ăn ít các loại thịt đỏ, đường cũng cần hạn chế ăn.
Ngủ đủ giấc
Bệnh Alzheimer có thể khởi phát nếu như chất lượng giấc ngủ của người bệnh không đảm bảo. Nguyên nhân là trong lúc ngủ, bộ não sẽ lọc bỏ những chất chuyển hóa đã tích tụ, kết nối và xử lý các thông tin cần thiết. Do vậy, ngủ đủ giấc mỗi ngày cũng là một biện pháp phòng tránh hội chứng Alzheimer hiệu quả.
Bệnh Alzheimer là bệnh lý nguy hiểm với 60 - 75% mắc trên Thế Giới. Do vậy, bệnh nhân không nên chủ quan với các triệu chứng hay quên, khó tập trung. Khi thấy những dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên tới cơ sở y tế khám và điều trị sớm.
Đăng ký khám và nhận tư vấn tại đây:
**Lưu ý
:Những thông tin cung cấp trong bài viết của
mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị.
Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.