Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng khá nghiêm trọng, hình thành các ổ mủ tại phổi, dẫn tới viêm phổi và hoại tử phổi.Vì vậy, áp xe phổi có gây nguy hiểm không và cách điều trị nào hiệu quả là lo lắng chung của các bệnh nhân.
Tìm hiểu áp xe phổi
Áp xe phổi xảy ra khi nhu mô phổi bị viêm cấp tính. Điều này dẫn tới hoại tử, phá hủy màng phế nang, mao quản và hình thành một khoang chứa mủ. Áp xe phổi thường xuất hiện ở các bệnh nhân mắc bệnh lý về phổi: ung thư phổi, chấn thương lồng ngực phổi,...
Áp xe phổi được phân thành hai loại:
Áp xe phổi nguyên phát do nhiễm trùng đường phế quản
Áp xe phổi thứ phát xảy ra do sự xuất hiện của các ổ viêm nhiễm như: nhiễm trùng máu, viêm phổi thứ phát,…
Nguyên nhân áp xe phổi

Các nguyên nhân dưới đây được xác định là gây ra áp xe phổi:
Vi khuẩn kị khí là tác nhân chiếm >60% gây ra bệnh lý này.
Tụ cầu vàng: Nguyên nhân này gặp nhiều ở trẻ em, khi bị áp xe phổi, trẻ dễ gặp các biểu hiện lâm sàng như sốt cao, nôn, quấy khóc,…Điều này gây ra suy hô hấp hoặc nhiễm trùng nặng.
Ký sinh trùng: Loại ký sinh trùng phổ biến nhất là amip, chúng gây ra tổn thương phía đáy phổi phải, sát với cơ hoành.
Klebsiella Pneumoniae: Vi khuẩn này xâm nhập nhanh vào phổi và khiến bệnh tiến triển nặng.
Áp xe phổi chiếm tỷ lệ cao ở nhóm tuổi trung niên, mắc bệnh nền. Nam giới có tỷ lệ mắc áp xe phổi cao gấp 2.5 lần so với nữ giới. Đây là bệnh lý nguy hiểm hàng đầu về phổi.
Mức độ nguy hiểm của áp xe phổi
Diễn biến lâm sàng của áp xe phổi
Tùy thuộc vào các giai đoạn phát triển của bệnh lý, áp xe phổi có các triệu chứng như:
Giai đoạn ổ mủ kín: Đây là giai đoạn đầu của áp xe phổi khi kích thước của ổ mủ tăng dần. Dấu hiệu xuất hiện chưa rõ ràng, bệnh nhân có thể cảm thấy ho, đau ngực và sốt lên tới 39 – 40 độ, kèm theo đờm nhiều, mệt mỏi, chán ăn.
Giai đoạn ộc mủ: Áp xe phổi bắt đầu vỡ mủ, triệu chứng cũng tăng lên, các cơn ho, đau dữ dội. Mủ có thể ộc ra cùng đờm khi ho. Giai đoạn này, sức khỏe bệnh nhân suy giảm, mệt mỏi, suy kiệt, đổ mồ hôi sau khi ộc mủ.
Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản: Tình trạng ho vẫn xuất hiện dai dẳng, mủ ộc ra ít hơn. Lúc này, bệnh nhân có thể bị sút cân, xanh xao, tỷ lệ bạch cầu đa nhân và số lượng bạch cầu tăng.
Biến chứng áp xe phổi

Áp xe phổi có gây nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Áp xe phổi nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Với các biến chứng:
Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn xâm nhập vào máu từ vị trí bị áp xe gây sốc nhiễm trùng.
Vỡ mạch máu: Ổ mủ tích tụ trong ổ áp xe nằm gần rốn phổi sẽ gây áp lực lớn cho mạch máu, gây vỡ. Nếu không cấp cứu kịp thời, chảy máu kéo dài sẽ dẫn tới tử vong.
Tràn mủ màng phổi: Ổ áp xe phổi bị vỡ, mủ tràn qua màng phổi gây viêm nhiễm và hoại tử phổi.
Các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng khác của áp xe phổi khác có thể kể đến: giãn phế quản, lao phổi, áp xe não,…
Tuy nhiên, áp xe phổi sẽ hồi phục hoàn toàn bằng các phương pháp truyền kháng sinh, dẫn lưu ổ áp xe hoặc phẫu thuật loại bỏ ổ mủ,...Do đó, bệnh nhân cần cảnh giác với các triệu chứng để cấp cứu kịp thời và điều trị hiệu quả.
Đăng ký khám và nhận tư vấn tại đây: **Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị.
Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.