Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B trong thai kỳ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Cùng tìm hiểu!
Liên cầu B là gì?
Liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus agalactive, viết tắt là GBS) thuộc nhóm liên cầu khuẩn thường trú ở người, chủ yếu được tìm thấy trong hệ tiêu hóa, đường tiết niệu và đường sinh dục.
Theo thống kê, có thể tìm thấy GBS ở đoạn cuối ruột non của khoảng 15 - 40 % phụ nữ khỏe mạnh. Trong khi đó, liên cầu B được tìm thấy tại âm đạo hoặc trực tràng của khoảng 20 – 30% phụ nữ mang thai và không gây ra bất cứ biểu hiện bất thường nào.
Liên cầu khuẩn không lây qua tiếp xúc thông thường mà lây trong môi trường sống đặc biệt những nơi đông người như trường học, ký túc xá, trung tâm thương mại,…Liên cầu khuẩn nhóm B có thể lây sang em bé trong quá trình sinh thường nếu em bé nuốt phải dịch lỏng có chứa GBS từ mẹ.
Ảnh hưởng của liên cầu B với thai phụ và thai nhi

Hầu hết phụ nữ mang thai bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, nhiều mẹ bầu thường không phát hiện ra bệnh nếu không khám thai và thực hiện các xét nghiệm liên quan.
Với thai phụ
GBS thường không gây nguy hiểm, mẹ bầu mắc liên cầu khuẩn nhóm B hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình sinh thường.
Có một tỉ lệ nhỏ thai phụ mắc GBS bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ,…
Với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh của bà mẹ nhiễm GBS sẽ tiếp xúc với GBS trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh. GBS được xem là tác nhân hay gặp gây nhiễm trùng sơ sinh như viêm phổi, một số trường hợp nặng gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) năm 2020, có khoảng 50 % phụ nữ mang thai có GBS trong âm đạo hoặc trực tràng sẽ truyền vi khuẩn cho con, phần lớn trong số đó trẻ nhiễm GBS có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Chỉ có 1-2% thai nhi mang vi khuẩn có thể tiến triển thành nhiễm trùng sơ sinh sớm nếu không được điều trị.
Cần làm gì khi mẹ bầu nhiễm GBS?
Thông thường, những thai phụ mắc GBS sẽ phải dùng kháng sinh trong quá trình chuyển dạ để ngăn ngừa việc truyền vi khuẩn sang cho con. Lưu ý: Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi dùng trong quá trình sinh.

Trường hợp người mẹ được chỉ định sinh mổ thì không cần dùng thuốc kháng sinh cho liên cầu khuẩn nhóm B nếu chưa chuyển dạ hoặc ối chưa vỡ. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B vì có thể xuất hiện tình huống chuyển dạ hoặc có chỉ định mổ cấp cứu trước thời gian chỉ định mổ theo dự kiến ban đầu.
Các trường hợp có mẹ nhiễm GBS: các bé sau khi sinh được theo dõi sát các dấu hiệu nhiễm trùng sớm trong 24 - 48 giờ.
Liên cầu B có phòng tránh được không?
Là một loại vi khuẩn sống trong cơ thể nên rất khó để phòng tránh GBS. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta có thể hoàn toàn hạn chế khả năng lây truyền từ mẹ sang con với thuốc kháng sinh dùng trong quá trình chuyển dạ.
Liên cầu khuẩn nhóm B có thể được phát hiện trong quá trình theo dõi thai kì. Thai phụ sẽ được đề nghị xét nghiệm GBS ở thời điểm thai 35 tuần đến 37 tuần 6 ngày (đối với đơn thai), 32-34 tuần (đối với đa thai). Khi tiến hành xét nghiệm, lấy mẫu thử từ âm đạo và trực tràng bằng cách quét tăm bông. Quá trình này nhanh và không hề gây đau đớn.
Tại Hồng Ngọc, xét nghiệm liên cầu khuẩn thuộc nhóm xét nghiệm thường quy cho tất cả mẹ bầu. Đăng ký thai sản trọn gói qua hotline 0919 645 271 hoặc điền vào form dưới đây
Sản phụ mắc GBS có thể nuôi con bằng sữa mẹ không?
Bà mẹ nhiễm GBS được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ như những bà mẹ khác. Nuôi con bằng sữa mẹ không làm lây truyền GBS từ mẹ sang con mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả mẹ và bé.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Trần Phương Thảo – Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.