11 vấn đề sức khỏe sau sinh: dấu hiệu, biến chứng,nguyên nhân và cách khắc phục

11 vấn đề sức khỏe sau sinh: dấu hiệu, biến chứng,nguyên nhân và cách khắc phục

25-03-2020
Ngoại khoa

Phụ nữ gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe sau sinh. Nếu không nhận biết và khắc phục kịp thời, những vấn đề tưởng chừng như nhỏ cũng có thể để lại hậu quả khôn lường.

Băng huyết

Dấu hiệu băng huyết

Băng huyết là tình trạng chảy máu ồ ạt sau sinh với các dấu hiệu:

  • Chảy máu không kiểm soát
  • Huyết áp giảm
  • Tăng nhịp tim
  • Giảm số lượng hồng cầu

Sưng và đau ở âm đạo và khu vực gần đó nếu chảy máu là do tụ máu.

Hiện tượng này xảy ra ở khoảng 5% ca sinh, đặc biệt là các ca sinh khó (thai lớn, ngôi thai ngược, vị trí nhau bám khác thường), sinh từ 2, 3 bé trở lên trong một lần sinh, nhiễm trùng, mẹ gặp vấn đề về huyết áp, suy nhược cơ thể trước sinh.

Nguyên nhân băng huyết sau sinh

Sau khi sinh em bé, tử cung thường co bóp và đẩy nhau thai ra ngoài. Sau khi nhau thai được đưa ra, những cơn co thắt này giúp gây áp lực lên các mạch máu trong khu vực gắn nhau thai. Nếu tử cung không co bóp đủ mạnh, các mạch máu này sẽ chảy máu tự do gây xuất huyết.

Ngoài ra có thể do:

  • Rách ở cổ tử cung hoặc các mô của âm đạo
  • Rách một mạch máu trong tử cung
  • Chảy máu vào một vùng mô ẩn hoặc không gian trong khung chậu. Khối máu này được gọi là khối máu tụ. Nó thường ở âm hộ hoặc âm đạo.
  • Rối loạn đông máu
  • Vấn đề nhau thai

Biến chứng băng huyết

Chảy máu nhiều làm phụ nữ suy nhược, rất dễ bị hậu sản. Nếu lượng máu chảy mất kiểm soát sẽ dẫn đến tử vong.

Xử lý băng huyết sau sinh

Sản phụ xuất huyết sau sinh cần phải được cấp cứu ngay. Trong thời gian đó, sản phụ nên được xoa bóp tại chỗ khu vực tử cung, co chân lên cao ngang ngực, hỗ trợ thở bằng mặt nạ dưỡng khí. Các bác sĩ sau đó có thể dùng thuốc, phẫu thuật nội soi hoặc cắt tử cung là biện pháp cuối cùng.

Băng huyết sau sinh mặc dù nghiêm trọng nhưng nếu nhanh chóng được xử lý đúng thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.

Phòng ngừa xuất huyết sau sinh

Chăm sóc tốt về thể chất và tinh thần cho thai phụ. Lựa chọn cơ sở hỗ trợ sinh con với đầy đủ thiết bị y tế và đội ngũ bác sĩ có đủ chuyên môn để xử lý những tình huống xấu nhất.

Một phụ nữ bị băng huyết sau sinh

Xem thêm: Thai sản trọn gói

Vấn đề sức khỏe sau sinh: Đau âm đạo/vết mổ

Biểu hiện

Trong quá trình sinh thường, phần lớn sản phụ bị rách âm đạo tự nhiên hoặc bác sĩ rạch tầng sinh môn là những vấn đề sức khỏe sau sinh phổ biến nhất. Vết thương này có thể khiến người mẹ bị đau trong một đến một vài tuần khiến việc vận động gặp khó khăn nhất là trong quá trình vệ sinh.

Đau vết mổ với các sản phụ sinh mổ thường kéo dài trong 2 tuần và giảm dần sau đó cho đến 2 tháng. Nhưng kể cả khi vết mổ đã lành, nhiều sản phụ vẫn cảm thấy đau nhói khi vận động mạnh vùng cơ bụng.

Khi nào cần can thiệp y tế?

Âm đạo và vết mổ sau sinh có quá trình hồi phục tự nhiên tùy thuộc vào thể trạng của từng sản phụ. Bạn cần được can thiệp y tế ngay khi vết mổ có dấu hiệu nhiễm trùng như chảy máu, chảy mủ, bốc mùi hôi, không có dấu hiệu lành lại sau khoảng 1-2 tuần.

Khắc phục tình trạng đau đớn sau sinh

Đối với đau âm đạo:

  • Thiết kế ghế ngồi hoặc đệm ngồi riêng
  • Dùng miếng lót làm lạnh đặt vào vùng âm đạo (bên ngoài băng vệ sinh) để giảm cơn đau.
  • Khi đi vệ sinh, dùng bình bóp với nước ấm để xịt giúp bạn dễ chịu hơn khi đi vệ sinh.
  • Nếu quá đau, hãy ngồi trong chậu nước ấm trong 5-10 phút.
  • Uống thuốc giảm đau theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng để dễ dàng đi vệ sinh hơn.

Đối với đau vết mổ:

  • Bạn có thể đến trung tâm y tế để được chiếu plasma
  • lạnh giúp vết mổ hồi phục tốt hơn và giảm cảm giác đau đớn ngay sau khi sinh.
  • Dùng thuốc giảm đau có sự tham khảo của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi thật nhiều, hạn chế vận động trong 2 tuần đầu để vết mổ nhanh lành.
  • Bạn có thể chườm lạnh (không để nước chạm vào vết mổ) để giảm cảm giác đau đớn tại vị trí vết mổ.
  • Ăn uống điều độ, có thể dùng thuốc làm mềm phân, nhuận tràng để không dùng quá nhiều lực khi đi vệ sinh.

Co thắt tử cung

Nhận biết và nguyên nhân

Các cơn co thắt tử cung có thể kéo dài trong vài ngày sau sinh thậm chí 1 tuần. Những cơn co thắt này - thường giống như chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt. Chúng giúp ngăn ngừa chảy máu quá nhiều bằng cách nén các mạch máu trong tử cung để co về kích thước bình thường. 

Những cơn đau sẽ có xu hướng mạnh hơn khi bé bú mẹ do oxytocin được giải phóng kích thích tử cung co bóp hay khi mẹ phải vận động nhiều.

Cách giảm cơn đau co bóp tử cung

Ở đa phần phụ nữ, cơn đau này bình thường nhưng có nhiều phụ nữ, cơn đau dữ dội hơn. Trong trường hợp đó, bạn có thể sử dụng một túi chườm ấm (hoặc sử dụng túi chườm bằng gừng, muối, ngải cứu) để làm giảm cơn đau do co tử cung.

Nếu cơn đau nghiêm trọng hơn, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo sự tham khảo của bác sĩ về loại thuốc được dùng trong thời gian cho con bú.

Phần lớn phụ nữ sau sinh đều phải đối mặt với những cơn đau

Vấn đề về Thận, tiết niệu ở phụ nữ sau sinh

Tình trạng són tiểu và cách khắc phục

Phụ nữ sau sinh rất dễ bị són tiểu do trương lực cơ bàng quang bị giảm khiến khả năng đàn hồi để chứa và giư nước tiểu kém hơn.

Ngoài ra, cơ sàn chậu và cơ bàng quang bị tổn thương trong quá trình sinh thường cũng gây ra són tiểu

Triệu chứng thường gặp là sản phụ bị són tiểu khi ho, hắt hơi, vận động mạnh hay thường buồn tiểu, tiểu gấp ngay cả khi có rất ít nước tiểu.

Són tiểu gây nhiều phiền toái trong cuộc sống của sản phụ. Không những thế, tình trạng són tiểu khiến âm đạo ẩm ướt, không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây viêm nhiễm.

Đối phó với són tiểu sau sinh tạm thời bằng cách dùng băng vệ sinh hàng ngày và thay thường xuyên.

Về lâu dài, chị em nên tập luyện các bài tập cơ vòng niệu đạo, cơ sàn chậu để kiểm soát việc đóng mở đường niệu đạo giúp kiểm soát việc đi tiểu. Ngoài ra, tình trạng này có thể được can thiệp bằng thuốc hoặc phẫu thuật theo sự hướng dẫn của bác sĩ nếu tình trạng kéo dài và không thể khắc phục.

Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh và điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh xảy ra có thể do đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn khi đặt ống thông vào bàng quang trong quá trình sinh. Ngoài ra, có thể do nhiễm trùng trong thời khi mang thai hoặc sau khi sinh, sản phụ không được vệ sinh sạch sẽ và khoa học.

Triệu chứng dễ nhận thấy là són tiểu, tiểu gấp, tiểu khó thường xuyên. Sản phụ có thể cảm thấy đau lưng dưới và sốt khi nhiễm trùng lên bàng quang và thận.

Nhiễm trùng đường tiết niệu chỉ được xác định thông qua xét nghiệm nước tiểu. Xử lý nhiễm trùng tiết niệu bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sỹ đồng thời sản phụ cần vệ sinh sạch sẽ khu vực âm hộ hàng ngày sau khi sinh.

Táo bón và bệnh trĩ

Dấu hiệu

Táo bón, áp lực thai nhi và những căng thẳng trong thai kì dẫn đến bệnh trĩ mà đa phần thai phụ đều gặp phải ở các mức độ khác nhau. Áp lực trong quá trình chuyển dạ, sinh con càng làm cho tình trạng này nặng hơn. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt của nhiều phụ nữ Việt sau khi sinh con với nhiều protein, tinh bột nhưng ít chất xơ cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh trĩ sau sinh nặng hơn.

Táo bón khiến sản phụ đi vệ sinh khó khăn, phân cứng và khô gây đau đớn. Khi tĩnh mạch vùng hậu môn giãn nở quá mức khiến trĩ sa ra khỏi hậu môn gây vướng víu, đau đớn.

Thông thường, bệnh trĩ sẽ tự khỏi sau khoảng 6 tuần sau sinh. Nhưng những cơn đau và phiền toái của nó trong thời gian sau khi sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày của sản phụ.

Khắc phục và điều trị

Để khắc phục táo bón sau sinh, cách tốt nhất là tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày, uống nhiều nước và có thể sử dụng thuốc làm mềm phân để vệ sinh dễ dàng hơn. Lót đệm bông mềm khi ngồi để giảm cảm giác đau đớn. Bóp nước ấm nhẹ vào khu vực hậu môn khi đi vệ sinh giúp sản phụ dễ chịu hơn. Gel bôi vào vùng hậu môn giúp giảm cảm giác ngứa và đau rát. Tham khảo loại gel phù hợp theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp trĩ nặng, người bệnh đau nhức không chịu được, hậu môn rỉ máu, chảy quá nhiều máu khi đi vệ sinh thì cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ ngay.

Có thể bạn quan tâm:

Viêm đường tiết niệu, táo bón thường gặp ở phụ nữ sau sinh

Căng cứng ngực, tắc tia sữa và áp-xe vú

Biểu hiện tắc tia sữa

Khi sữa tiết ra liên tục nhưng không được thoát hết ra ngoài, ống dẫn sữa bị ứ đọng sữa gây ra hiện tượng tắc khiến các nang tuyến phình to.  Tắc tia sữa có thể chỉ là một hiện tượng không đáng lo ngại khi ngực đột nhiên to lên bất thường, người mẹ có cảm giác cương tức, bầu ngực đỏ ấn vào đau cảm giác như quả bóng căng. 

Nếu tắc tia sữa kèm nhiễm trùng dẫn đến áp xe vú (viêm vú) với biểu hiện bầu ngực ngứa rát, sưng tấy, cảm giác căng cứng và đau, sữa không tiết hoặc có mủ, sờ vào một phần vú có cảm giác nổi cục to kèm theo những cơn sốt thì vô cùng nguy hiểm, cần phải được cấp cứu trích mủ ngay.

Khắc phục và phòng ngừa tắc tia sữa

Nếu mẹ bị tắc tia sữa nhẹ thì mẹ nên massage cho mềm vú sau đó cho bé bú thật nhiều hoặc sử dụng máy hút sữa để hút cạn sữa. Ngoài ra, mẹ có thể đến cơ sở y tế để chiếu hồng ngoại giúp tan phần sữa tắc cục bộ và cho bé bú hoặc hút ra.

Để tránh tắc tia sữa, mẹ nên cho bé bú đều đặn và cố gắng đổi nhiều tư thế, giúp bé ngậm bắt núm vú đúng cách kết hợp vỗ ợ hơi giữa bữa để bú hết sữa trong mỗi cữ. Nếu bé bú không hết thì mẹ nên hút cạn sữa ra khỏi bầu ngực tránh tắc.

Massage ngực 10 phút trước khi cho bé bú hoặc hút sữa.

Ít sữa, mất sữa và quá nhiều sữa

Mẹ ít sữa và cách làm tăng lượng sữa

Để nhận biết tình trạng ít sữa, mẹ có thể dựa vào tình trạng ngực của mình và biểu hiện của bé.

Mẹ ít sữa luôn thấy ngực mềm và hầu như rất ít khi có cảm giác căng sữa. Mỗi cữ sữa bé bú không no, không thỏa mãn nên thường cáu kỉnh, quấy khóc, bú lắt nhắt. Nước tiểu trong bỉm của bé không trong mà hay vàng và ít. Phân bé thải ra ít hơn 5 lần tã mỗi ngày. Cân nặng của bé tăng thấp hơn so với chuẩn của WHO.

Để khắc phục tình trạng ít sữa sau sinh, mẹ nên:

  • Cho bé bú càng sớm càng tốt sau sinh, cho bé bú đúng tư thế (ngậm bắt núm vú đúng), cho bé bú thời gian dài hơn, bú đều hai bên và cạn sữa trong mỗi cữ.
  • Hạn chế sử dụng ti giả hay cho bé uống sữa công thức khiến bé chán bú mẹ.
  • Mẹ uống thật nhiều nước (3 lít/ngày) kết hợp ngũ cốc lợi sữa
  • từ các loại hạt như đỗ, hạnh nhân, óc chó…
  • Mẹ thoải mái tinh thần, nghỉ ngơi đủ và ăn uống giàu dinh dưỡng.
  • Mẹ có thể kích sữa bằng cách sử dụng máy vắt sữa đều đặn theo cữ 2-3h/lần để lượng sữa tăng dần lên.

Mẹ mất sữa và khắc phục

Sau khi sinh, nhiều sản phụ không được nghỉ ngơi đầy đủ, hoạt động quá mức, mất ngủ, thường xuyên mệt mỏi lại không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ có thể dẫn đến mất sữa. Ngoài ra, những mẹ không cho con bú thường xuyên cũng có thể dẫn đến mất sữa dần dần đến hoàn toàn.

Khắc phục mất sữa dựa vào nguyên nhân. Mẹ nên được nghỉ ngơi đầy đủ, chế độ dinh dưỡng tốt, uống đủ nước và cho bé bú đều đặn. Áp dụng các phương pháp như tình trạng ít sữa sau sinh để kích thích sữa tiết trở lại.

Nếu mất sữa do các bệnh liên quan đến nội tiết, tuyến vú thì cấp thiết cần có sự can thiệp của bác sĩ trong thời gian sớm nhất.

Mẹ lưu ý tuyệt đối không sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trong giai đoạn này như trà giảm cân, thuốc tránh thai…vì có thể gây mất sữa hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Quá nhiều sữa phải làm sao?

Ngược lại với tình trạng ít sữa và mất sữa thì có một số sản phụ lại quá nhiều sữa. Quá nhiều sữa khiến mẹ luôn trong tình trạng ướt áo, người hôi sữa, bầu ngực luôn căng tức, khó chịu thậm chí bị tắc vì nhiều sữa quá. Mẹ có quá nhiều sữa làm bé bị ngộp sữa, gặp nhiều khó khăn trong khi bú mẹ. Bé bú phải sữa đầu quá nhiều gây no, không được hưởng dòng sữa giàu dinh dưỡng ở giữa và cuối cữ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên vắt bớt sữa trong ban đầu để giảm áp lực dòng sưa đồng thời con được bú dòng sữa béo giàu dinh dưỡng cuối và cữ sữa.

Để bé bú dễ dàng hơn, giảm áp lực sữa vào miệng bé, mẹ có thể đổi tư thế nằm hoặc giữ đầu ti (thế thế cắt kéo).

Mẹ hút sữa còn dư nếu bé bú không hết. Nếu sữa về nhiều, mẹ có thể hút bớt để dự trữ trong ngăn đá chuyên dụng. Tuy nhiên, sữa trữ không nên để quá lâu làm biến chất.

Phụ nữ sau sinh thường xuyên lo lắng vấn đề về sữa

Rụng tóc sau sinh, da xấu

Tình trạng rụng tóc và cách khắc phục

Do nội tiết thay đổi, phụ nữ sau sinh thường bị rụng tóc nhiều và số lượng tóc rụng tùy thuộc ở mức độ sụt giảm nội tiết tố ở mỗi người.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng rụng tóc sau sinh, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Giảm căng thẳng và lo âu bởi vì đây là hiện tượng bình thường và có thể khắc phục được.
  • Không buộc tóc quá chặt hay chải tóc nhiều làm tăng gãy rụng tóc. Nhất là không nên vừa gội đầu vừa chải khiến tóc càng rụng nhiều.
  • Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, nhất là giàu vitamin C, B, kẽm, và biotin cùng flavonoid để tăng nội tiết tố một cách tự nhiên.
  • Cắt tóc ngắn giúp tóc mọc tốt và đều hơn.
  • Chăm sóc tóc đúng cách với việc gội đầu 2-3 lần/tuần và hạn chế sử dụng hóa chất hoặc máy sấy tóc. Bạn có thể ủ tóc bằng dầu dừa (dầu oliu) 2 lần/tháng để kích thích tóc mọc tốt hơn.

Đồi mồi, nám da, da lão hóa và cách khắc phục

Sau khi sinh, phụ nữ do phải chăm sóc con cái dẫn đến không được nghỉ ngơi đầy đủ, những giấc ngủ gián đoạn thường xuyên cùng sự suy giảm nội tiết tố là lý do khiến da dẻ xấu đi sau sinh. Biểu hiện dễ nhận thấy như đồi mồi, nám da, thâm sạm, mụn hay vết chân chim – dấu hiệu lão hóa bắt đầu xuất hiện trên gương mặt.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng trên, các mẹ nên:

  • Uống nhiều nước bao gồm nước lọc và nước trái cây tươi bổ sung vitamin.
  • Ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất giúp mẹ giữ cơ thể tươi tắn, làn da khỏe mạnh.
  • Dưỡng ẩm cho da đúng cách với các dưỡng chất thiên nhiên hoặc sản phẩm có thể sử dụng trong thời kỳ cho con bú.
  • Các nguyên liệu thiên nhiên như nghệ, chanh, mật ong có thể phối hợp với nhiều loại nguyên liệu khác để giúp mẹ có làn da sáng mịn hơn.

Cách khắc phục rạn da

Rạn da là một trong những buồn phiền của phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Có một số phụ nữ, tình trạng rạn da trầm trọng hơn phụ nữ khác với những vết rạn dài, chằng chịt, vết rạn đỏ, ngứa rát gây khó chịu.

Nếu vết rạn của mẹ đỏ, ngứa rát, mẹ tuyệt đối không được gãi nhiều mà nên sử dụng các loại gel lạnh như lô hội, dầu dừa, dầu hạt nho, kem dưỡng ẩm chiết xuất thiên nhiên để làm dịu cảm giác.

Để khắc phục sẹo do vết rạn da để lại, mẹ có thể tham khảo các loại thuốc bội dành cho phụ nữ đang cho con bú. Hỗn hợp từ nghệ có thể có ích trong việc giúp da sáng mịn hơn.

Béo bụng, tăng cân mất kiểm soát

Nguyên nhân gây tăng cân, béo bụng sau sinh

Béo bụng, quá cân và tăng cân mất kiểm soát rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Tình trạng này có thể do những nguyên nhân sau:

  • Tăng cân nhiều trong quá trình mang thai (nhiều hơn 11kg trong 9 tháng thai kỳ)
  • Ăn uống không khoa học sau khi sinh: ăn quá nhiều, ăn nhiều tinh bột và chất béo, ăn suốt cả ngày. Sai lầm trong suy nghĩ ăn càng nhiều càng có sữa cho con bú.
  • Không vận động, không tập luyện khiến vùng bụng tăng sinh mỡ, cơ thể quá cân.

Cách tăng cân hợp lý, giảm béo bụng sau sinh

Để kiểm soát cân năng, giảm béo bụng sau khi sinh, sản phụ nên:

  • Ăn uống lành mạnh, khoa học: ăn nhiều bữa nhỏ, ăn uống tập trung vào chất không tập trung vào lượng. Uống nước lọc, nước trái cây.
  • Tập luyện khoa học với các bài tập tại nhà nhất là vùng bụng, hông, đùi, ngực giúp giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý.
  • Cho con bú là một cách giảm cân tự nhiên và hiệu quả.

Tăng cân mất kiểm soát sau sinh khiến phụ nữ béo bụng

Stress sau sinh

Những nguyên nhân gây stress

Sau sinh, do yếu tố sức khỏe giảm sút, nội tiết tố thay đổi, các yếu tố khách quan tác động tiêu cực đến tinh thần hoặc do tiền sử có thể dẫn đến stress thậm chí là trầm cảm ở phụ nữ sau sinh. Biểu hiện của trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Tâm trạng chán nản, bồn chồn, ủ rũ
  • Khóc nhiều
  • Xa lánh gia đình và bạn bè
  • Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường
  • Mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi quá mức
  • Không có hứng thú hay niềm vui với các hoạt động xung quanh ngay cả khi thường ngày yêu thích
  • Thường xuyên có cảm giác, khó chịu và tức giận
  • Luôn lo lắng rằng mình không phải là một người mẹ tốt
  • Không có hứng thú với em bé hoặc cảm thấy em bé dường như không phải là con của mình
  • Giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra quyết định
  • Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé
  • Suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc tự tử

Cách giảm stress ngăn ngừa trầm cảm sau sinh

Để giảm stress và ngăn ngừa trầm cảm sau sinh, người mẹ nên:

  • Thực hiện lối sống lành mạnh với thực phẩm bổ dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, vận động thể thao và tránh rượu bia.
  • Dành thời gian thư giãn cho bản thân với những thú vui nào đó. Tránh ở một mình hay cô lập bản thân hoặc tự trách bản thân.
  • Yêu cầu giúp đỡ từ phía người thân để được hỗ trợ trong việc chăm con cũng như san sẻ tâm trạng.

Suy giảm ham muốn sau sinh

Những nguyên nhân gây suy giảm ham muốn sau sinh

Rối loạn ham muốn, suy giảm ham muốn sau sinh xảy ra do:

  • Phụ nữ rối loạn nội tiết tố, bị “khô hạn” sau sinh gây đau đớn dẫn đến giảm hứng thú với hoạt động tình dục.
  • Sa sút sức khỏe và tinh thần sau sinh do vất vả trong việc chăm con khiến phụ nữ mệt mỏi, chán nản, không còn quỹ thời gian nghĩ đến hoạt động tình dục.
  • Tâm lý tự ti về thân hình xồ xề, quá cân, nhiều mỡ hoặc mắc bệnh phụ khoa khiến phụ nữ mất tự tin dẫn đến né tránh bạn đời.

Cách tăng ham muốn sau sinh

Tùy thuộc vào nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hợp lý:

  • Sử dụng gel hỗ trợ nếu bị “khô hạn”. Ngoài ra, để giảm khô hạn, phụ nữ chú trọng tăng cường nội tiết tố estrogen bằng các liệu pháp khác nhau song chú ý yếu tố an toàn. Có thể tham khảo bổ sung các loại thực phẩm họ đậu (như đậu nành) để tăng cường estrogen thực vật một cách tự nhiên.
  • Nếu bị phụ khoa, bạn cần được điều trị ngay tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
  • Về sức khỏe và tinh thần, phụ nữ sau sinh trước hết tự học cách chăm sóc bản thân. Cần ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, dành thời gian cho bản thân để tút lại nhan sắc và vóc dáng. Tùy thuộc vào hoàn cảnh để bạn lựa chọn phương pháp phù hợp như tự tập luyện tại nhà hay đến phòng tập, tham khảo chuyên gia dinh dưỡng hay tự chế biến cho mình những bữa ăn dinh dưỡng…
  • Đừng bỏ bê “chuyện ấy” bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình. Bạn hãy chia sẻ cùng người bạn đời những khó khăn của bản thân. Hai bạn có thể lên kế hoạch cho một buổi hẹn hò hay buổi tối lãng mạn ngay tại nhà để khơi dậy hứng thú của cả hai. Tham khảo sách báo để có những thay đổi cho “cuộc yêu” thêm phần thăng hoa.

Phụ nữ sau sinh gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân vấn đề không khó để khắc phục nếu bạn biết cách và kiên trì./.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh - Trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe 5*
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay