Tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp

15-11-2013
Sống khỏe
Mục lục
Tiêu chảy cấp là một trong những biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa hay gặp trong đời sống hàng ngày. Nguyên nhân do vi khuẩn, virus, ký sinh vật hoặc do nhiễm khuẩn các chất hóa học bảo quản thực phẩm.  
Bên cạnh một số biểu hiện giống nhau về số lần đi đại tiện nhiều, phân lỏng, sống phân, tùy thuộc nguyên nhân khác nhau mà tính chất phân cũng như các dấu hiệu kèm theo cũng khác nhau.
Tiêu chảy do vi khuẩn
 
tieu-chay-cap
Trong các nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm vi khuẩn tả được coi là nguy hiểm nhất, vi khuẩn tả có thể sống được một tuần trong nước, trong thực phẩm và ký sinh nhiều năm trong các loại thân mềm, lây lan qua tay người, qua thực phẩm nước uống.
Nơi trú ẩn của vi khuẩn tả là trong phân người bị bệnh vì thế bồn cầu nhà vệ sinh là nơi ủ bệnh. Khi bị bệnh tả người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời. Đặc biệt những nơi có người bị bệnh tả có thể lây lan âm thầm nhanh chóng qua nhiều con đường.
Tất cả mọi người không phân biệt nam nữ tuổi tác đều có thể có nguy cơ bị bệnh nếu không tuân thủ hành vi lối sống lành mạnh vệ sinh.
Lỵ trực khuẩn
Bệnh thường xảy ra vào mùa nóng nực do ăn hoặc uống phải các đồ ăn hay đồ uống bị nhiễm một loại vi khuẩn gọi là trực khuẩn lỵ.

Vật truyền bệnh trung gian nguy hiểm nhất là ruồi nhặng. Ruồi đậu vào phân người bị bệnh phóng uế bừa bãi hoặc không được xử lý kịp thời, đúng cách rồi đậu vào thức ăn đồ uống khác làm lây bệnh.
Uống nước không đun sôi, lấy từ các nguồn nước không hợp vệ sinh cũng là một đường lây bệnh quan trọng và thường gây ra những vụ dịch nhỏ trong cộng đồng.
Vài ba ngày sau khi ăn hoặc uống phải vi khuẩn lỵ từ các nguồn lây, bệnh khởi phát một cách đột ngột gồm các triệu chứng phổ biến là: sốt, đau quặn bụng, mót rặn, đi đại tiện nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ có ít phân lẫn với nhầy, đặc biệt là phân có lẫn máu kiểu nhờ nhờ như máu cá.
Sau mỗi lần đi đại tiện người bệnh thấy dễ chịu hơn nhưng các  lần đi thường rất gần nhau, có thể 15, 20 lần đến hàng trăm lần trong ngày.
Ở trẻ em dưới 5 tuổi, người già nhiều khi bệnh biểu hiện rất nặng dưới dạng nhiễm độc tiêu chảy dầm dề, phân như nước rửa thịt, li bì, kiệt nước, mạch nhanh nhỏ, sốt cao, đôi khi co giật, hôn mê và có thể tử vong sau vài giờ hoặc vài ngày nếu không đi khám và chữa trị kịp thời.
Lỵ amíp
 
tieu-chay-cap-1
Bệnh do một loại ký sinh vật đơn bào amíp tồn tại trong phân hoặc trong nước nhiễm phân của người bị bệnh.

Do loại đơn bào này có thể tồn tại rất lâu trong môi trường dưới dạng các kén nên bệnh có thể lây lan rất lâu và rất xa nếu nguồn nước ô nhiễm hoặc các vật trung gian truyền bệnh như ruồi nhặng, gián tiếp tục tồn tại.
Khác với bệnh lỵ trực khuẩn bệnh lỵ amíp thường xuất hiện từ từ, không rầm rộ, không sốt. Người bệnh đi ngoài nhiều lần, cũng đau quặn, mót rặn mỗi khi đi đại tiện và phân cũng có nhầy lẫn máu nhưng số lần đi  ít hơn, số lượng cũng ít hơn (khoảng 5-15 lần mỗi ngày).
Bệnh có thể giảm một cách tự phát hoặc sau khi uống một vài thứ thuốc. Nhưng thường bệnh không khỏi mà vẫn âm ỉ, kéo dài dần dần chuyển sang thể mạn tính (tái phát từng đợt đau bụng, đau quặn, mót rặn, phân nhiều nhầy có thể xen kẽ lẫn máu mỗi khi cơ thể yếu, khi làm việc quá sức hoặc khi ăn thức ăn lạ, có vị tanh hoặc nhiều mỡ). Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là ápxe gan.
Nếu khi mới bị bệnh (đi ngoài đau quặn, mót rặn, phân có lẫn nhày, máu) nên đến viện sớm không chữa trị vòng vo bằng các kiểu dân gian.
Các thầy thuốc tại cơ sở y tế sẽ lấy phân để soi tươi, cấy phân tìm vi khuẩn, đơn bào amíp và xem loại thuốc nào có tác dụng nhất, y học gọi là làm kháng sinh đồ và làm xét nghiệm cần thiết khác.  
Người bệnh sẽ được chữa trị đầy đủ bằng các loại kháng sinh có hiệu quả nhất, dùng thuốc giảm đau, bù dịch và chất điện giải, ăn thức ăn dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng. Người bệnh sẽ khỏi sau 5-7 ngày điều trị đúng.
Tiêu chảy do virus
 
tieu-chay-cap-3
Hay gặp nhất ở trẻ nhỏ là do Rotavirus, là một loại siêu vi khuẩn được phát hiện từ năm 1972. Khi mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus thường có các biểu hiện:
- Nôn: là một triệu chứng hay gặp nhất trước khi có triệu chứng tiêu chảy và các triệu chứng khác kèm theo. Tuy vậy trong một số trường hợp nôn có thể cùng xảy ra đồng thời với triệu chứng tiêu chảy. Triệu chứng nôn có thể kéo dài một vài ngày và có thể xuất hiện sau ăn.
- Đau bụng: Là triệu chứng dễ biết nhất, đau thường ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn.
- Dấu hiệu mất nước và chất điện giải: môi khô, mắt trũng, da nhăn nheo.
- Sốt: Sốt không phải là triệu chứng gặp ở hầu hết các trường hợp tiêu chảy do rotavirus mà chỉ gặp ở một tỷ lệ nhất định. Sốt có thể lên tới 40oC, sốt có thể là phản xạ của cơ thể, cũng  có thể là bội nhiễm thêm vi khuẩn khác. 
- Viêm đường hô hấp trên kèm theo tiêu chảy. Các triệu chứng đi kèm như ho, sổ mũi… Trong một số ngày đầu của bệnh tiêu chảy.
Do căn nguyên của tiêu chảy xảy ra rất đa dạng nên khi bị tiêu chảy cấp biện pháp tốt nhất là đi khám bệnh càng sớm càng tốt vì để muộn có thể có một số biến chứng xảy ra.
Trong khi chờ để khám bệnh cần cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em uống dung dịch orezol (ORS). Uống ORS cơ thể bù được trên 95% số nước, điện giải bị mất do tiêu chảy hoặc sốt.
Ngoài ra, ORS còn chứa đường glucoza là loại đường đơn rất dễ hấp thu và cũng không sợ bị ảnh hưởng của sự thiếu hụt men tiêu hóa đường ruột.
Bệnh tiêu chảy do bất cứ nguyên nhân gì (vi khuẩn, ký sinh vật, virus) bệnh có khả năng lây lan mạnh nên cần quản lý phân, các chất thải của người bệnh thật tốt, không để vương vãi, nhất là ở các vùng nông thôn.
Đặc biệt lưu ý trong khâu ăn uống phải đảm bảo vệ sinh. Tiêu chảy do Rotavirut chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Nếu người bệnh không bị sốt (không bị bội nhiễm vi khuẩn khác) thì không dùng kháng sinh vì nếu dùng sẽ có nguy cơ gây loạn khuẩn đường tiêu hóa.  
Đối với trẻ có bội nhiễm, có sốt cao trên 38oC cần đề phòng lên cơn co giật. Với trẻ nhỏ không nên dùng viên hạ nhiệt đặt hậu môn vì trẻ đang tiêu chảy sẽ tống thuốc ra ngoài làm mất tác dụng của thuốc hạ nhiệt.
Thông thường khi bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, lỗ hậu môn có thể bị hăm, đỏ, đau rát, vì vậy sau mỗi lần đi đại tiện nên lau bằng giấy thật mềm hoặc khăn, tốt nhất là rửa hậu môn bằng nước ấm có xà phòng.
Lưu ý khi rửa cần cho nước  chảy vào hố xí, tránh vương vãi ra xung quanh. Tay của người chăm sóc bệnh nhân, của người mẹ… sau khi rửa cho người bệnh cần được rửa sạch bằng xà phòng và tốt nhất vẫn là được sát khuẩn lại bằng cồn 70oC.
Phòng bệnh
Phòng bệnh tiêu chảy cần thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi, tránh tập trung ăn uống đông người, hạn chế người ra vào vùng có dịch. 
- An toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, uống nước lã, không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn.
- Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.
- Khi có người bị tiêu chảy phải nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh - Trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe 5*
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay