Mổ lấy thai là một phẫu thuật lâm sàng sản khoa bình thường để lấy thai nhi khi sản phụ gặp khó khăn trong việc sinh tự nhiên. Đối với trẻ sinh mổ, tăng cường hệ miễn dịch là một trong những ưu tiên hàng đầu giúp bé xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển hoàn thiện trong tương lai.
Đặc điểm của trẻ sinh mổ
Khoa học đã chứng minh, trẻ sinh mổ có nhiều điểm về sức khỏe không tốt bằng trẻ sinh thường.
Hệ hô hấp của những bé sinh mổ bao giờ cũng yếu hơn bé sinh thường
Khi ra đời bằng phương pháp sinh thường, bé sẽ biết lựa chiều phù hợp với khung xương của mẹ, biết chồng các xương của mình lại để có thể ra một cách dễ dàng nhất. Bé sinh thường buộc phải ép ngực và lúc đó nước trong phổi sẽ ra hết. Khi bé khóc, phổi sẽ nở ra.
Ở trẻ sinh mổ, việc không qua đường sinh tự nhiên của mẹ khiến phổi của trẻ không được lực co thắt mạnh do cổ tử cung ép chặt để vắt sạch nước ối trong phổi nên nhiều bé còn tồn dịch phổi, dễ bị khò khè hoặc mắc các bệnh về hô hấp sau này. Bởi vậy, hệ hô hấp của những bé sinh mổ bao giờ cũng yếu hơn bé sinh thường.
Hệ miễn dịch của những bé sinh mổ bao giờ cũng yếu hơn bé sinh thường
Các nhà nghiên cứu tin rằng, quá trình chuyển dạ “đánh thức” hệ miễn dịch của bé. Ở trẻ sinh thường, trẻ được tiếp xúc với vi khuẩn có lợi trong môi trường âm đạo của mẹ. Vì thế, tự cơ thể của bé có thể sản xuất hệ miễn dịch. Đây là bước quan trọng đầu tiên để phát triển hệ miễn dịch của trẻ. Trong quá trình chuyển dạ đối với sản phụ sinh thường sẽ sản sinh ra nhiều hormone giúp trẻ đề kháng tốt hơn nên trẻ sinh thường chỉ mất khoảng 10 ngày để hệ miễn dịch hoạt động tốt.
Đối với trẻ sinh mổ, bé không tiếp nhận được điều này, dẫn đến vi khuẩn có lợi chậm khu trú trong đường ruột nên sự phát triển của hệ miễn dịch bị chậm trễ.
Việc hoàn thiện hệ miễn dịch đối với trẻ sinh mổ có thể kéo dài đến 6 tháng, khi đó mới đạt được số lượng vi khuẩn tốt, trong khi đó trẻ sinh thường chỉ cần mất 10 ngày đã có được. Vì thế, trẻ sinh thường ít ốm vặt và nuôi cũng dễ hơn trẻ sinh mổ. Hệ miễn dịch phát triển chậm trễ khiến trẻ sinh mổ dễ mắc bệnh hơn trẻ sinh thường, đặc biệt là hen suyễn, bệnh về hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa và dị ứng (chàm sữa). Theo điều tra có tới 15% trẻ sinh mổ có nguy cơ dị ứng, dù không có yếu tố di truyền, cả bố và mẹ đều chưa từng bị dị ứng.
Hệ tiêu hóa của trẻ sinh mổ bao giờ cũng yếu hơn bé sinh thường
So với trẻ sinh thường, trẻ sinh mổ bị thiệt thòi do hệ vi sinh đường ruột phát triển chậm hơn.Trẻ khi sinh ra, trong quá trình chui qua ống sinh của mẹ, đã được tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể mẹ và qua đó kích thích sự khu trú các vi khuẩn tốt trong ruột của bé.
Trẻ sinh thường được thừa hưởng ở mẹ những vi khuẩn có lợi, từ đó hình thành vi khuẩn có ích trong đường ruột giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh về dị ứng thức ăn, giảm tỉ suất mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột nhờ tạo nên môi trường sinh lý chống lại vi khuẩn gây bệnh. Mặt khác, vi khuẩn đường ruột còn tham gia tổng hợp vitamin K, B rất tốt cho sức khỏe của trẻ.
Thế nhưng trẻ sinh mổ lại không có được sự thừa hưởng kể trên. Trẻ sinh mổ do khả năng sinh ra vi khuẩn chí đường ruột chậm chạp nên cũng dễ gặp những vấn đề về tiêu hóa như: nôn trớ, ợ hơi, táo bón, chướng bụng, tiêu chảy. Đặc biệt, với hệ tiêu hoá còn non nớt dẫn đến việc hấp thu dưỡng chất bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Ảnh hưởng về tâm lý
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, trẻ sinh mổ không phải chịu áp lực qua ống sinh của mẹ, chúng chưa được rèn luyện về xúc giác và cảm giác bản năng, dễ dẫn tới mẫn cảm về tinh thần, không tập trung chú ý, chân tay vụng về.
Chăm sóc trẻ sinh mổ
Chăm sóc bé sau sinh mổ tại viện
Theo dõi việc thở của trẻ
Nếu trẻ sơ sinh thở được nên thực hiện việc kẹp và cắt dây rốn muộn một thì. Bác sĩ phẫu thuật viên phải kiểm tra dây rốn ngừng đập mới tiến hành việc kẹp và cắt dây rốn. Kẹp hoặc buộc dây rốn cách chân rốn khoảng 2cm, vuốt máu về phía người mẹ, đồng thời thực hiện kẹp thứ hai cách kẹp thứ nhất khoảng 3 cm và cắt dây rốn sát kẹp thứ nhất.
Tiếp theo nữ hộ sinh hoặc điều dưỡng viên hay kỹ thuật viên đón nhận trẻ đưa trẻ nằm sấp tiếp xúc da kề da trên ngực người mẹ, đầu nằm nghiêng giữa hai bầu vú. Dùng mũ vải đội cho trẻ và một khăn khô, sạch để đắp lưng cho trẻ. Sau đó hướng dẫn người mẹ ôm ấp, vuốt ve trẻ. Quan sát trẻ để khi nào thấy dấu hiệu trẻ đòi bú như mở miệng, chảy nước dãi, liếm, mút tay, trườn tìm vú mẹ... thì hỗ trợ trẻ ngậm bắt vú tốt.
Sau khi trẻ thực hiện xong bữa bú đầu tiên và tiếp xúc trực tiếp da kề da của mẹ con ít nhất được 90 phút mới tiến hành các bước chăm sóc thường quy khác như: cân, đo chiều dài và vòng đầu của trẻ; đeo vòng nhận dạng, khám toàn thân, tiêm vitamin K1 và vacxin theo quy định.
Trường hợp sau khi lau khô và kích thích khoảng 30 giây mà trẻ không thở hoặc thở nấc, cần thực hiện việc kẹp và cắt dây rốn ngay, đồng thời đưa trẻ đến bàn hồi sức để tiến hành hồi sức sơ sinh theo phác đồ xử trí hồi sức sơ sinh. Khi trẻ đã khóc được, thở ổn định, da hồng hào thì chuyển trẻ về nằm tiếp xúc da kề da với người mẹ và thực hiện các bước chăm sóc tiếp theo. Khi trẻ thở rên, da tím tái cần chuyển trẻ về khoa hay đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh để theo dõi tiếp.
Có thể bạn quan tâm:
Theo dõi và xử lý các biến chứng khác
Sau khi mổ lấy thai, cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của cả trẻ sơ sinh để phát hiện kịp thời các biến chứng nhằm xử trí can thiệp điều trị phù hợp, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo dõi tình hình toàn trạng của trẻ bằng các dấu diệu màu da, nhịp thở, thân nhiệt... Khi đang thực hiện việc tiếp xúc trực tiếp da kề da với người mẹ mà trẻ có biểu hiện suy hô hấp thì tùy theo mức độ có thể cho trẻ thở bằng máy thở áp lực dương liên tục CPAP (continuous positive airway pressure) với tư thế da kề da hoặc tách con khỏi mẹ, tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực tại giường hồi sức và chuyển về khoa hoặc đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh.
Lưu ý khoảng 90 phút sau khi tiến hành mổ lấy thai mà trẻ chưa thực hiện được bữa bú sữa mẹ đầu tiên, cần chuyển trẻ đến khoa hoặc đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh để kiểm tra cho trẻ.
Chăm sóc bé sau sinh mổ tại nhà
Cho bé bú sữa mẹ
Phương pháp chăm sóc bé tốt nhất được các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyên rằng hãy cho con bú càng sớm càng tốt và cho bú đúng cách. Sữa mẹ là tốt nhất cho tất cả các trẻ kể cả trẻ sinh thường và sinh mổ.
Trong sữa mẹ chứa một lượng các vi khuẩn tốt như bifidobacteria và lactobacillii có lợi cho tăng cường bảo vệ miễn dịch cho trẻ. Những vi khuẩn này qua sữa mẹ vào cơ thể bé trực tiếp, từ đó giúp kích hoạt, bảo vệ miễn dịch sau sinh cho trẻ.
Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa các oligosaccharides và các yếu tố khác giúp tăng cường sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột ở trẻ nhỏ. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ có thể bị thiệt thòi vì thiếu hụt các vi khuẩn có lợi này.
Tốt nhất, mẹ sinh mổ nên cho con bú sau 6 – 8 tiếng vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng nhất, chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ. Càng được tiếp xúc với những kháng thể này sớm, hệ miễn dịch của trẻ càng được củng cố sớm.
Đối với mẹ cho con bú, trong trường hợp phải sử dụng thuốc giảm đau do vết mổ, mẹ phải tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng tác dụng phụ của thuốc không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trong trường hợp được chỉ định dùng sữa bột, các loại sữa có công thức lcFOS và scGOS giúp bé tăng cường hệ miễn dịch.
Mẹ tuân thủ việc thăm khám sau sinh đầy đủ
Bạn cũng nên tuân thủ lịch tiêm phòng và khám định kỳ. Việc theo sát những chỉ định, yêu cầu tiêm phòng của bác sĩ sẽ giúp mẹ bảo vệ trẻ khoa học và chủ động hơn. Ngoài ra, mẹ phải sát sao theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh lý bất thường. Thông thường sau vài ngày bé sẽ được tiêm chủng viêm gan B. Các mẹ cần lưu ý vấn đề này để đưa bé đi tiêm đúng thời gian.
Theo dõi những sinh hoạt bình thường của trẻ
Hãy cố gắng giữ vệ sinh thật sạch sẽ khi chăm sóc bé sinh mổ. Không gian, đồ dùng cá nhân của bé cũng cần giữ gìn sạch sẽ để tránh vi khuẩn gây hại cho cơ thể non yếu. Rửa tay trước khi ẵm, bồng bé. Khi ốm, ho, cảm... không nên tiếp xúc với bé tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bé.
Sau khi tắm cho trẻ, cha mẹ dùng khăn khô quấn quanh cơ thể trẻ cũng có tác dụng kích thích xúc giác ở trẻ. Việc tắm cho bé cũng phải đảm bảo, tỉ mỉ và nhẹ nhàng. Chỉ một vài sơ suất trong quá trình tắm cũng có thể khiến bé sau sinh mổ bị nhiễm trùng da.
Ở những tuần đầu tiên, hãy chú ý đến hệ hô hấp của bé, tư thế nằm cũng như ăn sao cho bé cảm thấy không mệt khi thở.
Ba tháng đầu tiên sau khi sinh, trẻ cần được bế ẵm, vỗ về, hoặc cho trẻ nằm trong nôi để rèn khả năng cân bằng tiền đình.
Khi trẻ được 7, 8 tháng tuổi, cần tập cho trẻ bám, vịn và đi. Cha mẹ không nên cho trẻ tập đi sớm, khi trẻ lớn hơn có thể cho trẻ tập đi trên mặt phẳng.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ thường xuyên chơi các trò chơi có sự tiếp xúc với các bạn, các môn thể thao như: chơi bóng, cầu lông, nhảy dây, đá cầu…. Cho trẻ chơi với cát, nghịch nước, nhảy bậc để tăng khả năng mẫn cảm của xúc giác.
Ở trẻ sinh mổ, việc không qua đường sinh tự nhiên của mẹ khiến phổi của trẻ không được lực co thắt mạnh của cổ tử cung ép chặt để vắt sạch nước ối trong phổi, nên nhiều bé còn tồn dịch phổi, dễ bị khò khè hoặc mắc các bệnh về hô hấp sau này. Bởi vậy, hệ hô hấp của những bé sinh mổ bao giờ cũng yếu hơn bé sinh thường.
Dù sinh mổ có tính an toàn cao nhưng trẻ vẫn có những thiệt thòi nhất định về sức khỏe rất cần được quan tâm. Bố mẹ cần chuẩn bị những kiến thức cần thiết để chăm sóc con yêu được tốt, bù đắp “những thiệt thòi đầu đời” khó tránh khỏi từ việc sinh mổ.
Đăng ký thăm khám và tư vấn sức khỏe cho Nhi tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/