Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

[Tổng hợp] Kiến thức y khoa về giải phẫu dạ dày chi tiết nhất

Dạ dày được coi là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng nhất của cơ thể con người. Khi cơ quan này có vấn đề, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Giải phẫu dạ dày sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vị trí và các bộ phận cấu thành nên dạ dày.

Vị trí của dạ dày 

Dạ dày là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa, phần trên nối với thực quản, phía dưới nối với tá tràng.

Chính vì vậy dạ dày được biết đến là đoạn đầu của ruột non.

Khi đối chiếu lên thành bụng, dạ dày thuộc các vùng: thượng vị, hạ sườn trái và rốn.

Với khả năng co giãn tốt nên dạ dày không có hình dạng nhất định mà tùy thuộc vào lượng thức ăn, tư thế, tuổi tác, giới tính,..

Khám nghiệm ở xác người, dạ dày được miêu tả lại dưới dạng hình tù, còn ở người sống khi rỗng hình chữ J với thể tích từ 2-2,5 lít hoặc hơn.

Giải phẫu dạ dày

Dạ dày là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa

Hình thể ngoài của dạ dày 

Dạ dày có hai mặt là mặt trước và mặt sau. Hai bờ là bờ cong vị lớn ở bên trái, có khuyết tâm vị nằm ngăn cách đáy vị với thực quản và bờ cong vị bé ở bên phải có khuyết góc là ranh giới giữa phần thân vị và môn vị.

Người ta chia dạ dày thành các phần như sau.

Tâm vị

Chiếm diện tích khoảng từ 5-6cm2, có lỗ tâm vị thông với thực quản, lỗ tâm vị không có cơ thắt hay van. Chỉ có duy nhất một nếp niêm mạc ngăn cách giữa dạ dày và thực quản.

Ðáy vị

Bộ phận này nằm phía trên mặt phẳng đi qua lỗ tâm vị, bình thường chứa không khí.

Thân vị

Phần dạ dày dưới đáy vị, có giới hạn dưới là mặt phẳng xiên đi qua phần khuyết góc. Phần thân vị chứa các tuyến tiết ra Axit clohydric (HCl) và Pepsinogen.

Môn vị

Gồm có hang môn vị hình phễu tiết ra Gastrine và ống môn vị có cơ rất phát triển.

Nằm bên phải đốt sống thắt lưng 1, có lỗ môn vị thông với tá tràng. Khác với lỗ tâm vị, lỗ môn vị có một cơ thắt thật sự, đó là cơ thắt môn vị. Khi cơ này phì đại gây nên bệnh co thắt môn vị phì đại, thường hay gặp ở trẻ sơ sinh.

Giải phẫu dạ dày

Giải phẫu dạ dày chỉ ra rõ hình thể bên ngoài

Hình thể trong của dạ dày 

Cấu tạo dạ dày gồm 5 lớp như sau: lớp thanh mạc, tấm dưới thanh mạc, lớp cơ (gồm có 3 lớp cơ nhỏ hơn là cơ dọc, cơ chéo và cơ thứ 3 là cơ vòng), lớp hạ niêm mạc và cuối cùng là lớp niêm mạc – đây là lớp được phân cách bởi một lớp cơ trơn với lớp hạ niêm mạc.

Lớp tiếp theo là mạch máu của dạ dày. Dạ dày được nuôi dưỡng bởi động mạch bắt nguồn từ thân tạng và tạo nên 2 vòng cung, cụ thể:

  • Một vòng cung nhỏ chạy dọc theo bờ cong nhỏ.
  • Một vòng cung lớn chạy dọc theo bờ cong lớn.

Cuối cùng là hệ thần kinh. Dạ dày được chi phối bởi dây thần kinh phế vị (dây X) và một số nhánh của đoạn tủy còn gọi là phần đối giao cảm. Còn phần giao cảm bao gồm các sợi giao cảm từ các hạch giao cảm ngực và thắt lưng.

Lớp thanh mạc 

Lớp này có vị trí ngoài cùng thuộc lá tạng phúc mạc.

Tấm dưới thanh mạc

Đây là tổ chức liên kết rất mỏng, gần như dính chặt vào lớp cơ trừ ở gần 2 bờ cong vị dễ bóc tách hơn vì tổ chức này dày lên nhờ chứa mỡ và các bó mạch thần kinh.

Lớp cơ 

Lớp này để thích ứng việc nhào trộn thức ăn. Lớp cơ vòng của dạ dày có thêm các sợi chéo. Lớp cơ có cấu tạo từ ngoài vào trong với 3 lớp như sau:

  • Cơ dọc: liên tục với các thớ cơ dọc của thực quản và tá tràng và dày nhất dọc theo bờ cong vị nhỏ.
  • Cơ vòng: bao kín toàn dạ dày, đặc biệt ở môn vị.
  • Cơ chéo: là lớp không hoàn toàn, chạy vòng quanh đáy vị và đi chéo xuống dưới về phía bờ cong lớn.

Tấm dưới niêm mạc (lớp hạ niêm mạc)

Đây là tổ chức liên kết rất lỏng lẻo nên dễ bị xô đẩy.

Lớp niêm mạc 

Đây là lớp lót mặt trong dạ dày.

Ngoài ra, dạ dày được cấp máu từ hai nguồn chính: vòng mạch bờ cong vị nhỏ và vòng mạch bờ cong vị lớn. Hai vòng mạch này đều bắt nguồn từ động mạch thân tạng.

Giải phẫu dạ dày

Giải phẫu dạ dày giúp chúng ta xác định rõ cấu tạo của dạ dày

Mô tả vòng động mạch bờ cong nhỏ dạ dày 

Vòng mạch bờ cong vị bé do động mạch vị phải (nhánh của động mạch gan riêng) và động mạch vị trái (nhánh của động mạch thân tạng) tạo thành.

Ngoài ra còn có các động mạch vị ngắn; động mạch đáy vị sau, động mạch cho tâm vị và thực quản.

Ðộng mạch thân tạng là một nhánh của động mạch chủ bụng nuôi dưỡng gan, lách, dạ dày tá tràng và tụy, chia làm ba nhánh như sau:

  • Động mạch vị trái được nối với động mạch vị phải.
  • Động mạch lách sẽ cung cấp máu cho lách.
  • Động mạch gan chung chia thành động mạch gan riêng (cấp máu cho gan), động mạch gan riêng lại có một nhánh tách ra làm động mạch vị phải, nối với động mạch vị trái tạo thành vòng mạch bờ cong vị nhỏ cấp máu cho dạ dày.

Mô tả vòng động mạch bờ cong lớn dạ dày 

Vòng mạch bờ cong vị lớn được tạo thành bởi động mạch vị mạc nối phải (nhánh của động mạch vị tá tràng thuộc nhánh của động mạch gan chung) và vị mạc nối trái thuộc nhánh của động mạch lách.

Động mạch vị mạc nối phải phát sinh từ động mạch vị tá tràng được nối với động mạch vị mạc nối trái – bắt nguồn từ động mạch lách, tạo thành vòng mạch bờ cong vị lớn cấp máu cho dạ dày.

Ngoài ra còn có một số mạch máu khác như động mạch vị ngắn, động mạch vùng thân vị …

Chức năng của dạ dày 

Theo các chuyên gia giải phẫu dạ dày thì dạ dày thực hiện 4 chức năng chính bao gồm chức năng tiêu hoá, chức năng vận động, chức năng bài tiết và chức năng nhu động (co bóp).

Chức năng tiêu hoá

HCl trong dạ dày có tác dụng hoạt hoá những men tiêu hoá đồng thời giúp điều chỉnh việc đóng mở môn vị và kích thích tụy bài tiết dịch. Loạt chất nhầy đóng vai trò trong việc bảo vệ lớp niêm mạc không bị tổn thương do sự tấn công của dịch vị. Mặt khác Pepsinogen cùng với sự có mặt của HCl sẽ giúp phân chia protein thành các polypeptid và làm đông sữa. 

Yếu tố nội sinh có công dụng giúp hấp thụ vitamin B12. Dạ dày sẽ sản xuất secretin, đây là nội tiết tố kích thích bài tiết dịch tụy.

Chức năng vận động

Trương lực dạ dày, áp lực trong lòng dạ dày nằm trong khoảng 8-10 cmH2O. Áp lực này sinh ra là nhờ có sự co bóp thường xuyên của lớp cơ trong dạ dày. Theo chuyên gia giải phẫu dạ dày thì khi dạ dày ở trong trạng thái đầy, thì trương lực sẽ giảm đi một phần nhỏ. Còn khi dạ dày với thì trương lực sẽ tăng lên. Mức trương lực sẽ tăng lên cao nhất khi dạ dày của bạn ở trạng thái rỗng và không có gì để thực hiện việc co bóp.

Giải phẫu dạ dày

Mức trương lực sẽ tăng lên cao nhất khi dạ dày của bạn ở trạng thái rỗng và không có gì để co bóp

Chức năng bài tiết

Trung bình một ngày dạ dày của chúng ta bài tiết 1-1,5 lít dịch vị, protein của huyết tương (đặc biệt là albumin, globulin miễn dịch), các enzym pepsinogen và pepsin, glycoprotein, yếu tố nội sinh (glycoprotein chứa ít glucid) và acid.

Chức năng nhu động

Quá trình thức ăn đi vào dạ dày mất khoảng 5-10 phút sau dạ dày mới bắt đầu có nhu động. Lúc này nhu động sẽ được bắt đầu từ phần giữa của thân dạ dày. Và càng đến gần phía tâm vị thì mức nhu động càng mạnh và sâu hơn. 

Sau đó thì cứ 10-15 giây sẽ có 1 sóng nhu động lặp lại. Kết quả của chức năng nhu động trong dạ dày là giúp quá trình nhào trộn thức ăn cùng với dịch vị được diễn ra đồng thời nghiền nhỏ thức ăn và tống thẳng xuống ruột.

Với những nội dung đã cung cấp trong bài viết trên, hy vọng rằng đã giúp bạn hình dung có cái nhìn tổng quan về dạ dày cũng như biết được những chức năng quan trọng của nó đối với cơ thể. Chính vì vậy, hãy duy trì thói quen ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thật hợp lý để hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng được khỏe mạnh.

Để được giải đáp về các bệnh lý liên quan đến dạ dày, hệ tiêu hóa, khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới. Với đội ngũ bác sĩ tiêu hóa giàu kinh nghiệm, có thâm niên công tác tại Bệnh viện Bạch Mai và từng tu nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, mọi thắc mắc của khách hàng sẽ được giải đáp chi tiết và tận tâm.

Đăng ký khám các bệnh lý về Tiêu hóa tại đây:

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Trung tâm Tiêu hoá – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

  1. Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh – Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
  2. Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
  3. Phòng khám Hồng Ngọc Savico Long Biên – Tầng 3, tòa B, Savico Megamall, 07- 09 Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội

Hotline: 0911 908 856 – 0932 232 016

Email: khamsuckhoecanhan@hongngochospital.vn

Cập nhật nhiều thông tin hữu ích và chương trình Ưu đãi tại:

https://www.facebook.com/trungtamtieuhoaBVHongNgoc

Bài viết liên quan